Hotline 24/7
08983-08983

Hay hoa mắt, chóng mặt, ù tai là nguy cơ đột quỵ?

Khoảng 2 tháng nay, tôi nhiều lần đột ngột thấy hoa mắt, chóng mặt, ù tai, cảm giác muốn té…Có người dọa rằng người đột quỵ cũng hay có triệu chứng giống vậy, tôi rất lo.

Bạn đọc Phạm Văn An (nam, 62 tuổi; TPHCM, anpham…@gmail.com) hỏi: Chào bác sĩ, khoảng 2 tháng nay tôi rất hay gặp triệu chứng đột ngột thấy hoa mắt, chóng mặt, ù tai như muốn té, thường thì ngồi một chút mới bắt đầu đỡ. Xin cho hỏi các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của căn bệnh gì hay không, hay đơn giản là do tuổi tác? Bà xã tôi có lần chứng kiến tôi bị chóng mặt ngồi thụp xuống một hồi lâu, sợ quá và bảo có người có triệu chứng như vậy mà đột quỵ, người khác thì chóng mặt rồi ngã và "đi" luôn… vậy tôi có các nguy cơ đó không? Tôi nên làm gì mỗi khi cảm thấy chóng mặt và nên đi khám chuyên khoa nào?

BS.CK2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:

Với các triệu chứng nói trên và tuổi tác của anh thì vấn đề thường gặp nhất là rối loạn tiền đình (rối loạn hệ thống ốc tai tiền đình). Hệ thống ốc tai tiền đình là cơ quan giúp con người thăng bằng nên khi bị rối loạn, anh sẽ dễ rơi vào trạng thái mất thăng bằng, chóng mặt, hoa mắt, nhất là khi thay đổi vị trí đột ngột. Ngoài gây khó chịu, phiền toái trong sinh hoạt, rối loạn tiền đình còn có thể gây té ngã, dẫn đến các chấn thương và sẽ rất nguy hiểm nếu vấn đề xảy ra ở ngoài đường, những nơi không an toàn.

Các triệu chứng anh gặp phải còn có thể là vấn đề của hệ tuần hoàn, là dấu hiệu của cơn tụt huyết áp, tăng huyết áp, thay đổi nhịp tim đột ngột, thiểu năng tuần hoàn não… Bệnh về huyết áp và các bệnh tim mạch khác đúng là có thể dẫn đến một số tai biến nếu không được điều trị đúng cách, trong đó có tai biến đột quỵ như vợ anh lo sợ.

Vì vậy, khi tình trạng hoa mắt, chóng mặt, ù tai… xảy ra quá thường xuyên như anh nói trong thư, anh nhất thiết phải đi khám càng sớm càng tốt các chuyên khoa như nội thần kinh, tim mạch…; thực hiện các bước tầm soát như bác sĩ yêu cầu. Ngoài ra, một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng là cần thiết. Ở độ tuổi của anh, ít nhất nên khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 1 lần dù không có bệnh gì.

Ngoài việc dùng thuốc theo toa, anh cũng nên xem lại chế độ sinh hoạt, vận động của mình, bởi các vấn đề về tim mạch hay rối loạn tiền đình kể trên đều ít nhiều liên quan tới lối sống thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng bất hợp lý. Thông thường bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo cụ thể về việc tập luyện, ăn uống, anh nên tuân thủ bởi lẽ chế độ dinh dưỡng, vận động thiếu hợp lý được coi là yếu tố nguy cơ kết hợp với tuổi tác dẫn đến chóng mặt và các bệnh liên quan.

Theo Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X