Hotline 24/7
08983-08983

Hãy dành cho cha mẹ “lú lẫn” sự chăm sóc chân tình

“Lú lẫn” hay mất trí nhớ là căn bệnh phổi biến ở người già, nhất là những người trên 65 tuổi.

"Lú lẫn" hay "mất trí" là một căn bệnh phổ biến ở những người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Bệnh lẫn của người già có thể gián tiếp gây ra nguy hiểm cho người bệnh và đôi khi gây nên những tình huống dở khóc dở cười cho người nhà của bệnh nhân. Đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa dứt điểm căn bệnh này.

Những biểu hiện khi người già bị bệnh lẫn

Nguyên nhân chính của lú lẫn (sa sút trí tuệ) là bệnh Alzheimer chiếm 68%, rồi đến bệnh trầm cảm, hủy hoại não do nhiều tai biến não nhỏ, thiếu sinh tố B12 hoặc do di truyền, virút. Có tới 75% trường hợp lú lẫn diễn tiến âm thầm một thời gian khá lâu trước khi được khám phá, thường thì do thân nhân nhận ra.

Người bệnh hay đi lang thang, lạc đường, có người lại lục lọi đồ vật từ phòng này sang phòng khác. Có người bệnh lại hay gây gổ khi được cho uống thuốc, ăn cơm hay yêu cầu đi tắm. Họ cũng hay nổi cáu, la hét mọi người.

Ngược lại, có lúc bệnh nhân tỏ ra rất dễ thương, nghe lời. Có những hoang tưởng, ảo giác như nhận diện nhầm người nhà, bạn bè, hay nghi ngờ, tin rằng mọi người nói về mình hay lấy trộm đồ vật tuỳ thân; nghe âm thanh và nhìn thấy sự vật không có thực.

Họ ít ngủ ban đêm, vì sợ bóng tối, cảm thấy đói bụng, mót tiểu tiện, buồn rầu, hay ngủ ngày quá nhiều. Thông thường, bệnh lẫn của người già sẽ được xếp theo các mức độ từ nhẹ, nặng đến rất nặng.

Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể có những biểu hiện như đãng trí. Lúc đầu họ sẽ quên việc mình định làm trong một thời gian nhưng sau đó vẫn có khả năng nhớ lại hoặc quên hẳn.

Giai đoạn bệnh lẫn của người già nặng, người bệnh bắt đầu có những biểu hiện thông qua hành động như không thể tìm thấy đồ vật do chính mình cất trước đó, quên tên người thân, quên đường về nhà.

Tình huống người già đang ăn cơm hoặc vừa ăn cơm xong những lại trách mắng con cái bỏ đói mình là tình huống khá phổ biến ở những gia đình có người bị bệnh lẫn. Khả năng sử dụng ngôn ngữ của người bệnh trong giai đoạn này bắt đầu suy giảm, người bệnh khó diễn đạt được điều mình muốn nói nên ngại giao tiếp và dần khép kín hơn.

Giai đoạn bệnh lẫn của người già rất nặng, người bệnh gần như mất hoàn toàn khả năng ghi nhớ, khả năng xác định phương hướng… Họ cũng không thể tự đáp ứng các nhu cầu của bản thân mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

Bệnh lẫn ở người già có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhưng đa số những người cao tuổi đều không thể tránh được căn bệnh này. Vì vậy, người nhà của những người cao tuổi phải có cách phòng chống và chữa trị kịp thời khi người già có biểu hiện mắc bệnh.

Hãy dành cho cha mẹ lú lẫn sự chăm sóc chân tình

Chăm sóc người lú lẫn, rối loạn trí tuệ là cả một công việc khó khăn, nặng nhọc, với nhiều kiên nhẫn, khoan dung, chiếm gần hết ngày. Trách nhiệm người săn sóc là rất lớn lao.

Các loại thuốc điều trị đến nay hầu như có hiệu quả rất nhỏ trong việc cải thiện tình trạng bệnh lẫn của người già. Khi mắc bệnh, tâm sinh lý của người bệnh đều thay đổi. Người bệnh sẽ cảm thấy rất bứt rứt khó chịu khi không thể nói được điều mình muốn.

Do vậy, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải có thái độ thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh. Cần tránh quát mắng, to tiếng với người bệnh khi họ làm hỏng việc gì đó. Việc tranh luận với người bị bệnh lẫn của người già cũng nên tránh vì sẽ không mang lại kết quả.

Vì sự an toàn, tránh để bệnh nhân liên can đến việc nấu nướng. Nhắc nhở giờ ăn. Dọn từng món ăn tránh trường hợp họ ngồi bối rối trước mâm cơm không biết lựa món nào. Đôi khi bệnh nhân chỉ thích ăn một món, dễ bị thiếu dinh dưỡng, vậy nên xen kẽ món ăn khác nhau. Quên cách dùng đũa, muỗng có thể thay bằng món ăn cầm tay. Cho ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày vì họ không chịu ngồi yên trong bữa ăn.

Với thời gian, bệnh nặng hơn, trí nhớ hao mòn, khả năng cá nhân giảm, niềm tự tin mất bớt, họ trở nên nghi ngờ, bẳn gắt, bướng bỉnh, khó chịu. Cần nhẹ nhàng thông cảm, vỗ về người bất hạnh với lời nói ngắn, gọn, rõ ràng. Một cái vỗ vai nhẹ, một nụ cười, một cái ôm hôn để làm họ thấy được thương yêu.

Để tránh đi lang thang, lạc lối: thay ổ khoá cửa mở cần chìa, gắn hệ thống báo động cửa ra vào. Cho bệnh nhân mang vòng có tên, địa chỉ. Nhờ hàng xóm để ý dùm nếu họ đi ra khỏi nhà. Trưng bày hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích động trí nhớ, nhất là những hình gợi lại sự thành công người thân.

Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc để dễ đi lại, tránh ngã té. Con cháu tới thăm hỏi thường nhật, nhất là trẻ thơ vì chúng mang lợi ích cho mọi tuổi.

Cổ nhân có câu nói "Trẻ cậy cha, già cậy con". Đặc biệt là khi cha mẹ bị lú lẫn. Vì trong hoàn cảnh này, cha mẹ hoàn toàn trông cậy, phụ thuộc ở con cháu. Vậy hãy dành cho cha mẹ lú lẫn sự chăm sóc chân tình, chu đáo, để khỏi rơi vào cảnh "cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày".

3 món ăn bài thuốc giúp chữa bệnh lẫn ở người già

Óc dê hầm tử kỷ: 1 bộ óc dê, 20g tử kỷ.

- Cách làm: Rửa sạch óc dê và tử kỷ cho thêm hành, rượu, gừng với liều lượng thích hợp để ướp. Đem hầm cách thuỷ cho chín, nêm nếm gia vị vừa ăn. Dùng ngay lúc nóng.

- Công dụng: Giúp bổ tủy, và bổ não người cao tuổi. Rất tốt cho sức khoẻ người lớn tuổi giúp hồi phục trí lực chữa bệnh lẫn ở người già.

Trứng chim bồ câu: 5 quả trứng chim bồ câu. 15g long nhãn. Kỷ tử 15g. Đường phèn 25g.

- Cách làm: Đập trứng vào bát, tất cả trộn đều hấp chín. Ngày ăn 1-2 lần.

- Công dụng: Có tác dụng bổ thận tin rất tốt cho người già mắc bệnh lẫn do nguyên nhân thận hư kèm chóng mặt, lưng gối nhức mỏi.

Cháo hạt sen: 20g hạt sen. 100g gạo tẻ loại ngon.

- Nấu nhừ thành cháo. Ăn 3 bữa/ ngày có thể cho thêm đường vào ăn cùng.

- Công dụng: Dưỡng tâm khí cho người cao tuổi, chữa bệnh lẫn rất hiệu quả./.

Theo Kim Thoa - Sức khỏe cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X