Hotline 24/7
08983-08983

Hậu quả khôn lường từ hội chứng thiếu máu ở phụ nữ mang thai

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai đặc biệt nguy hiểm, nếu không bổ sung kịp thời có thể làm tăng nguy cơ tử vong khi sinh cùng với các biến chứng thai sản khác. Do đó, thai phụ thiếu máu cần được phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.

Thiếu máu là hiện tượng phổ biến mà các mẹ bầu thường gặp trong thời gian thai kỳ. Bởi nồng độ huyết sắc tố trong máu ở người mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của thai nhi. Chính vì vậy, các chị em cần phải đi thăm khám sức khỏe định kỳ, để bác sĩ chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai gây ra nhiều biến chứng khôn lường.

Các chuyên gia cho biết, thiếu máu ở người mẹ mang thai có thể là do di truyền hoặc là thiếu sắt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là do thiếu sắt vì chế độ ăn uống không khoa học.

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Một khi mẹ bị thiếu máu dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Ngoài ra, nếu bị tình trạng nặng hơn có thể gây xuất huyết hậu sản đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ. Những đứa trẻ được sinh ra bởi những người mẹ bị thiếu máu thì cũng dễ bị thiếu máu, trẻ sẽ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Hơn nữa, con của những phụ nữ mang thai bị thiếu máu giai đoạn đầu của thai kỳ còn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn các đứa trẻ khác.

Phòng ngừa và điều trị thiếu máu ở phụ nữ mang thai

Để phòng ngừa và điều trị thiếu máu ở phụ nữ mang thai thì các chị em cần phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Để có đủ nguyên liệu cho quá trình tạo máu trong cơ thể, thì mẹ bầu nên bổ sung sắt qua các loại thực phẩm là thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, rau xanh. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như sữa chua, các loại trái cây như cam, táo, bưởi, sơ ri… tốt cho hệ tiêu hóa đường ruột, giúp cơ thể hấp thu và chuyển hóa tối đa lượng sắt có trong thực phẩm.

Theo WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt 60 mg sắt đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng. Nếu không thể bổ sung đủ lượng sắt cho cơ thể từ thực phẩm thì mẹ bầu có thể uống thêm viên sắt để tăng cường. Tuy nhiên, uống như thế nào và với hàm lượng bao nhiêu, tốt nhất các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý bổ sung. Bởi thừa hoặc thiếu sắt đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Lưu ý: Trước khi uống sắt, các chị em không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt, thay vào đó nên uống nước cam, các vitamin C giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Đồng thời tránh uống Canxi và sắt cùng một lúc, vì 2 khoáng chất này làm giảm sự hấp thụ của nhau.

Theo Phụ nữ và Sức khỏe

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X