Hotline 24/7
08983-08983

Hạ tinh hoàn ẩn trong ổ bụng bé trai 5 tuổi

Các bác sĩ đã tiến hành hạ tinh hoàn từ ổ bụng đưa xuống bìu phải cho bệnh nhi thành công.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa phẫu thuật nội soi cho em bé 72 tháng tuổi bị dị tật tinh hoàn ẩn một bên, tinh hoàn bên phải của bệnh nhi nằm "lạc chỗ" lên tận ổ bụng của cháu.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Tỉnh Hòa Bình cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bé trai 5 tuổi ở thành phố Hòa Bình mắc dị tật tinh hoàn ẩn.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé vẫn đại tiểu tiện bình thường nhưng không có một bên tinh hoàn ở bìu phải. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy một tinh hoàn của bệnh nhân nằm trong ổ bụng. Sau khi xác định được vị trí tinh hoàn, bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn.

Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống

Kíp mổ do TS.BS Nguyễn Hoàng Diệu, bác sĩ Bùi Minh Tứ, cùng các kỹ thuật viên tiến hành. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ đã xác định khoảng di động của tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu phải của bệnh nhi, tiến hành bóc tách, giải phóng các tổ chức gây căng và hạ tinh hoàn xuống bìu phải cho bệnh nhi. Sau hơn một giờ tiến hành phẫu thuật, tinh hoàn được đưa về đúng vị trí.

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Diệu, trước đây, các ca phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn được xử trí bằng phương pháp mổ mở. Bệnh nhân phải chịu đường mổ dài để hạ tinh hoàn.

Với phương pháp mổ mở, bệnh nhân sẽ đau nhiều hơn, khó khăn hạ tinh hoàn xuống bìu một cách tối đa, không phẫu tích được hoàn toàn các tổ chức bám, dính, gây căng…

Nhưng nếu áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi sẽ khắc phục được tình trạng này để đưa tinh hoàn bệnh nhân về đúng vị trí, bệnh nhân ít đau và nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật.

Theo bác sĩ, tinh hoàn ẩn là hiện tượng tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của mình từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai. Các thể lâm sàng có thể gặp như tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Đây là loại tật bẩm sinh và chiếm khoảng 3% ở trẻ sơ sinh nam đủ tháng, có thể chiếm tới 30% ở trẻ sinh thiếu tháng.

Trường hợp bệnh nhân có tinh hoàn ẩn trong ổ bụng, hướng điều trị là phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng teo tinh hoàn. Nếu để tình trạng kéo dài, tinh hoàn sẽ mất dần chức năng, ung thư hóa.

Vì vậy, phụ huynh cần quan sát, hoặc kiểm tra, nếu thấy trẻ nam không có tinh hoàn hoặc các bất thường liên quan, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời, phù hợp, tránh biến chứng.

Trong quá trình phát triển của thai nhi nam, lúc đầu, tinh hoàn nằm trong ổ bụng, sau đó, nó di chuyển dần xuống bìu. Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển từ bụng xuống bìu. Tỷ lệ tinh hoàn ẩn khoảng 3-4% trẻ trai khi sinh, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh thiếu cân, sinh non, sinh đôi.

Dấu hiệu bệnh: Nếu trẻ trai còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm tra nơi bìu nhưng không thấy tinh hoàn ở dưới bìu. Trẻ lớn hay người lớn, tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên. Bìu kém phát triển, tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển. Tinh hoàn ẩn thể trong ổ bụng hoặc lỗ bẹn sâu khi khám không sờ thấy tinh hoàn.

Chẩn đoán: Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng có thể xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, những bất thường khác của tinh hoàn như u tinh hoàn, vôi hóa nhu mô tinh hoàn…

Cách xử trí: Trẻ bị tinh hoàn ẩn, nếu không được điều trị có thể gặp các nguy cơ như ung thư hoá tinh hoàn, vô sinh, thoát vị bẹn, xoắn tinh hoàn hay chấn thương tinh hoàn hoặc tổn thương về tâm sinh lý do không có hay chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.

Khi phát hiện trẻ bị tinh hoàn ẩn, chúng ta chỉ nên đợi đến khi trẻ 9 tháng tuổi để xem tinh hoàn có xuống bìu hay không. Nếu sau 9 tháng mà tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu, nên xử lý bằng phẫu thuật cho trẻ. Thời gian phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ được 1-2 tuổi.

Lời khuyên của bác sĩ: Đối với trẻ trai sinh thiếu cân, sinh non, sinh đôi, cha mẹ cần chú ý kiểm tra xem bé có bị ẩn tinh hoàn hay không, để đưa trẻ đi điều trị sớm.

Mọi trường hợp phát hiện được trẻ trai bị tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy cơ vô sinh và ung thư hóa tinh hoàn...

Theo Hải Yến - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X