Hotline 24/7
08983-08983

Hà thủ ô khác với củ nâu

Nhiều nơi bán củ hà thủ ô nhưng đó là củ nâu, hoặc hà thủ ô trắng chứ không phải hà thủ ô đỏ là có tác dụng bồi bổ cơ thể

Trên thị trường dược liệu, hà thủ ô thường được bán dưới dạng phiến hay củ, đã qua chế biến hoặc chưa chế biến. Đây là dược liệu được dùng khá thông dụng trong dân gian và do mức tiêu thụ cũng khá cao nên đã có việc nhiều nơi bán củ hà thủ ô nhưng sự thật là củ nâu, hoặc cũng là hà thủ ô nhưng 2 loại trắng và đỏ công dụng rất khác nhau, giá cả đúng ra cũng rất khác nhau.


Người bán có thể biết điều đó nhưng vì lợi nhuận, đã cố tình không nói rõ nên người mua không mua đúng thứ mình cần.


Hà thủ ô trắng không có tác dụng bồi bổ


Loại hà thủ ô tốt nhất cho sức khỏe là hà thủ ô đỏ (còn gọi là hà thủ ô thật). Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ có vị đắng, ngọt, có tác dụng bổ can thận, bổ tinh ích huyết.

Sau khi chế biến, hà thủ ô đỏ có tác dụng bồi bổ, phục hồi cơ thể bị các chứng như suy nhược, lưng gối mỏi đau, váng đầu, hoa mắt, tóc bạc sớm, huyết áp cao, xơ cứng động mạch, thần kinh suy nhược.


Bằng mắt thường, củ hà thủ ô đỏ có dạng gần giống củ khoai lang với mặt ngoài màu nâu đỏ có nhiều chỗ lồi lõm, thể chất cứng chắc, rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng có nhiều bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.


Cũng là hà thủ ô nhưng nếu là hà thủ ô trắng thì có mùi thơm nhẹ, vị đắng chát, nhiều nhựa mủ trắng trên thân lá (nên còn được gọi là dây sữa bò, cây vú bò). Củ hà thủ ô trắng khô chắc, thịt trắng, nhiều bột, mùi thơm. Trong củ hà thủ ô trắng có chứa tinh bột, chất nhựa mủ, chất chát - hoạt chất hiện nay chưa rõ.



 Củ hà thủ ô đỏ (trái trên). Phiến hà thủ ô đỏ (phải trên). Củ nâu (trái dưới). Phiến củ nâu (phải dưới)


Theo kinh nghiệm dân gian, hà thủ ô trắng được dùng chữa cảm mạo, sốt nóng, viêm ruột, tiêu chảy, viêm thận mạn tính và làm thuốc lợi sữa, tuy nhiên không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ. Khi sử dụng cần ngâm trong nước vo gạo một đêm rồi vớt ra rửa sạch, phơi khô.

Thường dùng ở dạng thuốc sắc (mỗi ngày 16 g đến 20 g, chia 2 đến 3 lần uống trong ngày) hoặc dùng ở dạng cao lỏng, ngâm rượu. Tuy nhiên, cần chú ý khi sử dụng cho những người già và trẻ em vì hà thủ ô trắng có thể gây xót ruột và táo bón.


Củ nâu có thể gây táo bón


Loại củ đang được sử dụng nhiều nhất để làm giả củ hà thủ ô chính là củ nâu (còn gọi là hà thủ ô giả). Đặc điểm để dễ nhận diện củ nâu là ở chỗ phiến thường dày khoảng 1 đến 3 mm, màu nâu hồng hay nâu tím.

Cũng có thể gặp loại phiến hình hơi tròn hay bầu dục, thường cong queo, lớp bề ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc, phân bổ đều khắp bề mặt phiến. Thể chất cứng, khó bẻ, vị rất chát, chua và se, tính bình, không độc.


Củ nâu cũng có tác dụng trong thanh nhiệt, sát trùng, cầm máu, hoạt huyết, cầm tiêu chảy. Tuy nhiên, hoạt chất tanin có nhiều trong củ nâu có thể gây táo bón, dùng lâu ngày sẽ gây tích tụ chất độc trong cơ thể và hại gan, thận, dân gian chỉ thường dùng nhuộm vải chứ không làm thuốc.


Cách sử dụng hà thủ ô

Hà thủ ô đỏ trước khi sử dụng thường được chế biến như sau: ngâm nước vo gạo đặc một ngày đêm, vớt ra rửa sạch, để ráo.

Nấu đậu đen cho nhừ (cứ 300 g đậu đen để chế biến 1 kg hà thủ ô đỏ), sau đó lấy nước đậu đen cho vào nồi có chứa sẵn hà thủ ô rồi đem chưng cách thủy từ 1 đến 2 giờ thì vớt ra đem phơi. tiếp tục cho hà thủ ô với nước đậu đen vào nồi chưng tiếp lần 2 rồi lại đem phơi.

Cứ làm nhiều lần cho đến khi nước đậu ngấm hết vào hà thủ ô. Cuối cùng, đem sấy ở 600C hoặc đem phơi khô, đóng gói kỹ để dành dùng lâu ngày.

Nước đậu đen giúp hà thủ ô thơm hơn và màu sắc cũng sậm hơn, hoạt chất antocyanidin có trong đậu đen còn làm giảm tính chát của hà thủ ô, hạn chế tác nhân gây táo bón và kích ứng ruột.


Hà thủ ô chế biến có thể dùng ở dạng bột, mỗi lần 1 muỗng nhỏ (khoảng 5 g) hà thủ ô bột hoà trong 1 cốc nước ấm rồi uống, ngày 2 đến 3 lần hoặc có thể dùng ở dạng thuốc phiến khô, mỗi ngày 15 g đến 20 g với 300 ml sắc trong 20 phút rồi chia 2 đến 3 lần uống trong ngày.

Có thể phối hợp chung với thục địa đồng lượng để giúp bổ huyết và khí huyết lưu thông. Nhiều xí nghiệp dược phẩm sản xuất hà thủ ô ở dạng thành phẩm như thuốc  viên, thuốc nước nhưng khi sử dụng đều cần phải theo đúng chỉ định.


Theo
Dược sĩ Lê Kim Phụng - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X