Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội rét buốt, bảo vệ da, phòng ngừa đau nhức khớp thế nào?

Không khí lạnh kèm mưa rào rải rác đã ảnh hưởng đến khắp Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ khiến nhiều vấn đề về sức khỏe bủa vây cơ thể chúng ta như: hô hấp, tim mạch hay xương khớp...

Chào bác sĩ, tôi ở Hà Nội, mấy nay nhiệt độ đã giảm mạnh, lạnh lắm. Tôi bị đau khớp, cứ trời lạnh là nhức không tả được. Ngoài ra, con gái tôi dạo này da cũng nứt nẻ, sần sùi, cảm giấc rất khô. Xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi làm cách nào để giảm đau khớp, da hết khô khi thời tiết trở lạnh.

(Vũ Xuân Như - Hà Nội)

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chị Như thân mến,

Khi trời lạnh, da sẽ bị giảm tưới máu do tình trạng co mạch nên da thường bị khô, rát và dễ kích ứng. Hơn nữa do trời lạnh nên ai cũng ngại uống nước, thường đợi khát mới uống, nên lượng nước cung cấp cho da cũng ít, đó là lý do khiến da càng dễ bị nứt, nẻ.

Để làm giảm hiện tượng trên chị có thể sử dụng các chất giữ ẩm để hỗ trợ, giúp da không bị khô như Physiogel cream, A-doma épithedial AH, Codexial, Elmusion… nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, chị và con gái nên cố gắng duy trì việc rửa mặt bằng nước mát hoặc nước ấm vừa phải chứ không nên sử dụng nước quá nóng để rửa mặt.

Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân mắc phải các bệnh lý cơ xương khớp phổ biến thì cơ thể thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ. Trời se lạnh dường như đã trở thành “cực hình” với bệnh nhân đau nhức khớp xương.

Đa số bệnh nhân gặp phải các vấn đề về sức khỏe hệ cơ xương khớp đều than phiền rằng những cơn đau nhức khớp xương và tình trạng tê cứng khớp đặc biệt nghiêm trọng vào buổi sáng sau khi thức dậy. Khi càng đau nhức thì bệnh nhân lại càng lười và hạn chế vận động vào buổi sáng, từ đó khiến khớp càng ít linh hoạt và trở nên tê cứng.

Các biện pháp giúp giảm đau nhức khớp khi trời lạnh là:

- Nghỉ ngơi, xoa bóp: Để đầu gối thư giãn, dùng hai bàn tay xoa nhẹ nhàng vào vùng gối và xung quanh gối có tác dụng làm cho vùng này nóng lên, mạch máu giãn nở. Đây là cách đơn giản nhưng lại làm giảm tình trạng bị đau đầu gối khi thời tiết thay đổi rất tốt.

- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cho đầu gối được dẻo dai và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cần tránh hoạt động mạnh gây chấn thương đầu gối.

- Dùng thuốc: Thuốc giảm đau thông thường Paracetamol, Panadol 1 viên.

- Cần chú ý ăn uống đủ chất và giữ ấm cơ thể để tránh khỏi nguy cơ bị đau đầu gối khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Chị cũng cần lưu ý một số các bệnh khác liên quan đến thời tiết lạnh như:

Cảm lạnh và cúm: Đây là 2 chứng bệnh càng ngày càng phổ biến trong suốt những tháng của mùa Đông. Hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả khi trời trở lạnh ảnh hưởng đến đường hô hấp, do chúng ta hít phải khí lạnh vào cơ thể, là điều kiện thuận lợi cho Rhinoviruses phát triển, dẫn đến bệnh cúm. Bệnh dễ lây từ người sang người, xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa Đông Xuân. Bệnh lây truyền trực tiếp do tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân ho, hắt hơi ra bay vào mắt, mũi, tay người lành.

Đau họng: Nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra và cũng lây truyền từ người sang người tương tự như cúm và cảm lạnh.

Norovirus: Đây là tên một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus, người nhiễm norovirus có thể cảm thấy rất mệt trong vài ngày. Giống như cảm lạnh, norovirus xảy ra quanh năm đặc biệt vào các tháng mùa Đông, rất dễ lây nhiễm ở những nơi đông người như trường học, khách sạn. Người bị norovirus dễ mắc chứng tiêu chảy.

Suyễn: Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen suyễn phát triển. Vậy nên để hạn chế hen suyễn tốt nhất là không để cơ thể bị nhiễm lạnh. Dù ở trong nhà, chúng ta vẫn nên quàng khăn lên cả vùng miệng và thở bằng mũi, không nên thở bằng miệng để không hít phải khí lạnh vào cổ họng, đồng thời có thể giữ ấm cho cổ họng.

Bí quyết phòng ngừa bệnh khi trời trở lạnh


Để phòng tránh những vấn đề về sức khỏe khi trời lạnh, với người lao động phải làm việc trong thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm. Những ngày mưa rét phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như: Áo chống nước, áo mưa, mũ, găng tay , giày, ủng… Cần giữ cho người, tay chân khô ráo nhất là công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò; đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.

Đối với người già và trẻ em thường gặp các vấn đề về sức khỏe do trời lạnh như: Viêm phổi, hen suyễn, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm… cần hạn chế đi ra ngoài khi trời quá lạnh và gió mạnh, nhất là khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Đặc biệt không nên tắm sau 22 giờ đêm, tắm quá lâu hoặc tắm ở nơi có gió lùa dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó phải giữ ấm cơ thể, nhất là các vùng ngực, cổ, chân tay; ăn uống đủ chất để cơ thể có đủ năng lượng chống rét và giữ ấm….

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín để tránh ngộ độc khí CO trong nhà. Đặc biệt, nếu dùng các lò sưởi bức xạ hồng ngoại không nên để gần trẻ nhỏ, người già dễ gây khô da, khô mũi và dễ bị bỏng, cháy.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X