Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội: Một nhà 5 người, 4 người viêm xoang vì bụi

Mới đây, thông tin tại hội thảo Nâng cao năng lực quan trắc môi trường Hà Nội cho biết, tại các trục giao thông chính, công trường xây dựng, nồng độ ô nhiễm bụi vượt giới hạn cho phép.

Thực tế khảo sát cũng cho thấy người dân ở những khu vực này đang phải ngày đêm chống chọi với bụi.

Bụi. Ảnh: Trần Văn
Bụi. Ảnh: Trần Văn

Ô nhiễm bụi khắp mọi nơi

Khẩu trang, kính, áo chống nắng… là những vật dụng không thể thiếu khi ra đường của nhiều người giữa mùa hè nóng nực ở Hà Nội. Chị Hồ Phương Anh ở 81 Trần Cung, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Từ hôm có thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm, tôi trang bị khẩu trang và “yêu cầu” cả nhà đeo khẩu trang khi ra đường. Ngoài ra, tôi còn trang bị áo chống nắng, chống bụi, đeo kính”.

Không riêng gì chị Phương Anh, nhiều người bắt đầu lo lắng về sức khỏe trước thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm. Nỗi lo hít thở phải thủy ngân mới lắng xuống thì lo lắng hít phải quá nhiều bụi đã hiện hữu.

Nhiều năm nay, đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) là một trong những tuyến đường đứng đầu về khói bụi. Chưa cần con số nghiên cứu khoa học nào thì bằng mắt thường chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy con đường dài gần 5km này lúc nào cũng chìm trong khói bụi mịt mù bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, với nhiều xe tải hạng nặng vận chuyển vật liệu như cát, sỏi. Vào giờ cao điểm, người đi đường nếu không đeo kính thì phải mắt nhắm, mắt mở để… nhìn đường.

Bụi mù mịt bay lơ lửng, nhiều căn nhà mặt tiền cửa đóng cả ngày bụi vẫn bay vào nhà bám đặc vào tất cả các vật dụng. Những giai đoạn nắng nóng kéo dài nhiều ngày, khi các phương tiện giao thông qua lại nhiều, bụi bay dày đặc như mây, đứng bên này đường nhìn không tới bên kia đường. Thời tiết hanh khô, bụi bay càng nhiều hơn.

Bà Phan Thị Huyền, bán quán nước trên tuyến đường này cho hay: “Ngồi bán nước một buổi, về rửa mặt rồi giặt khăn vào chậu thấy nước đổi màu đục ngầu mà sợ. Trời mưa thì bùn lầy, nắng hửng thì bụi bay mù mịt. Tường nhà, mái nhà đều bị nhuộm bụi bạc trắng”.

Không chỉ tuyến đường Phạm Văn Đồng mà tuyến đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) cũng phải chịu trận ô nhiễm khói bụi. Các hộ gia đình sống tại đây càng khốn khổ hơn khi hai bên tuyến đường vành đai này liên tiếp mọc lên các công trình xây dựng. Tuyến đường Tam Trinh và Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), tuyến giao thông chính ở cửa ngõ phía Nam thành phố từ lâu cũng trở thành “ác mộng” với những người phải đi lại qua đây. Lưu lượng phương tiện đông mà chủ yếu là xe tải lớn chở vật liệu đi đường vành đai 3 lên cầu Thanh Trì khiến con đường thường xuyên rơi vào cảnh bụi mù mịt.

Bà Nguyễn Thị Ái (Lĩnh Nam) than thở: “Ngày nào cũng vậy, sáng, trưa hay chiều đều phải phun nước chống bụi nhưng cũng chỉ bớt được phần nào. Vì trời nắng nóng nước nhanh khô, bụi lại tới tấp tấn công phát ngột thở. Gia đình tôi 5 người thì 4 người viêm xoang. Cả khu dân cư này có quá nhiều người bị viêm xoang”.

70% xe lưu hành không đạt tiêu chuẩn về khí thải

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình. Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là bụi và tiếng ồn.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực quan trắc môi trường Hà Nội” vừa mới được tổ chức vào cuối tháng 6/2016, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết: "Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm của Hà Nội đã vượt giới hạn cho phép”. Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ CHLB Đức nhận định rằng, trong số các chất gây ô nhiễm ở Hà Nội thì bụi chiếm lượng lớn, do sự gia tăng các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông và các trang thiết bị phát thải khí vào bầu khí quyển; đặc biệt số lượng xe máy ở Việt Nam và Hà Nội gia tăng quá nhanh.

Cách đây không lâu, người dân Hà Nội hoang mang lo lắng bởi thông tin có thủy ngân tồn tại trong không khí. Trong khi chưa có một kết luận từ nghiên cứu khoa học cụ thể nào thì thông tin ô nhiễm do khói bụi vượt mức cho phép lại thổi bùng lên lo ngại. Kết quả quan trắc tại Thủ đô cho thấy có tới 180/250 điểm trên địa bàn đo có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép. Có những tuyến được vượt ngưỡng tới hơn 10 lần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Linh. Một số tuyến vượt từ 3,6 lần trở lên có Xuân Thủy, Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy…

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thủ phạm gây ra bụi được xác định chủ yếu là do xe máy, công trình xây dựng, đốt rác thải sinh hoạt: “Tại Hà Nội, mỗi ngày có tới 5 triệu chiếc xe máy và 500 nghìn ô tô các loại lưu thông. Trong đó, 70% các loại xe máy đang lưu hành không đạt tiêu chuẩn cho phép về khí thải, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí”.

Đây không phải là lần đầu tiên những số liệu về chỉ số ô nhiễm không khí được cảnh báo tới mọi người. Cảnh sống ngột ngạt, đối mặt với nhiều loại bệnh tiềm ẩn đường hô hấp đang hàng ngày hàng giờ de dọa sức khỏe người dân Thủ đô.

Theo thị sát của chúng tôi, nhiều tuyến đường khác ở cửa ngõ Thủ đô khói, bụi từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh cho dân cư sống hai bên đường và những người tham gia giao thông như quốc lộ 6A, đường 32, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi, Tố Hữu…


Theo Hà Phương - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X