Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội: Cụ bà nguy kịch vì một vết đốt ở cánh tay

Với tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân, ngay lập tức các bác sĩ truyền nhiễm hội chẩn và phát hiện ra bệnh nhân có 1 vết đốt ở vùng cánh tay trái, kèm theo nổi hạch nách trái từ 1-2cm.

Bệnh nhân Nguyễn Thị N. (sinh năm 1946, trú tại Đông Dư - Gia Lâm - Hà Nội) vào BVĐK Đức Giang ngày 2/6/2018 trong tình trạng đau bụng, sốt liên tục (39-40 độ), nôn nhiều, nổi ban đỏ rải rác toàn thân, xung huyết kết mạc mắt, phù nề 2 mắt, không ăn uống được. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm sinh hóa phát hiện bạch cầu tăng, men gan tăng, Albumin giảm.

Với tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân, ngay lập tức bệnh viện đã giao cho khoa Truyền nhiễm làm hội chẩn và phát hiện ra bệnh nhân có 1 vết đốt ở vùng cánh tay trái, kèm theo nổi hạch nách trái từ 1-2cm. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã có các biến chứng viêm phổi và nghi ngờ viêm màng não cấp.

Dựa vào các triệu chứng như trên các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đã xác định bệnh nhân bị sốt mò hay còn gọi là bệnh Rickettsia. Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ khoa Truyền nhiễm điều trị tích cực. Sau 10 ngày bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.

Vết đốt ở bệnh nhân sốt mò

Sau điều trị thành công, vết đốt đã lành lặn

Chớ chủ quan khi bị côn trùng đốt

BS Lê Xuân Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay: “Đối với bệnh sốt mò hay còn gọi là Scrub typhus, các bác sĩ phải có kinh nghiệm và thường phải nghĩ đến ngay bệnh này thì mới có thể phát hiện sớm. Và dựa trên các biểu hiện điển hình như các nốt đốt đóng vảy đen, mọc ở chỗ kín, nách, bẹn cổ… tuy nhiên, bệnh có nhiều biểu hiện giống với các bệnh như nhiễm trùng huyết, các bác sĩ phải tiến hành các xét nghiệm và hội chẩn đúng để phát hiện bệnh sớm. Nhất là đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu, căn bệnh dễ biến chứng nguy hại như viêm phổi cấp, suy đa tạng, viêm màng não”.

"Thông thường khi bị côn trùng như muỗi, ong đốt... chúng ta sẽ phát hiện ra và có biện pháp phòng chống được ngay. Nhưng với trường hợp người bị bọ mò hay chấy rận đốt thì thật khó phát hiện và nhất là ở những người có bệnh lý kèm theo thì dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm"- BS Sơn nói.

Bệnh sốt mò do vi khuẩn Ricketsia tsutsugamushi hay R.orientalis gây nên, từ súc vật sang người do côn trùng trung gian là ấu trùng mò. Cơ chế bệnh sốt mò là tổn thương hoại tử và viêm tắc mạch máu gây tăng thẩm thấu thành mạch làm thoát huyết tương, phù tổ chức, tràn dịch,...  Ấu trùng mò thường đốt máu ở những nơi da mềm mỏng như bẹn, gần hậu môn, nách, rốn, mi mắt... nên người dân ít để ý và khó phát hiện ra.

Vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có một tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ tử vong của bệnh sốt mò có thể chiếm khoảng từ 1 - 60%.

Các chuyên gia cho biết, bệnh sốt mò hay sốt phát ban bụi rậm thường xảy ra khá phổ biến ở các vùng miền quê xa xôi hẻo lánh, đời sống kinh tế còn thấp tại một số nước châu Á và châu Úc. Bệnh hay gặp ở những người có hoạt động kiểm tra hoặc làm việc trong các vùng bị nhiễm mò như bụi rậm, bãi đất, rừng phát quang, rừng trồng lại; các khu định cư mới và những vùng sa mạc hoang hóa mới được tưới nước.

Do đó, để ngăn ngừa mò đốt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần.

Diệt mò ở môi trường bằng cách phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi râm mát thuốc diazinon, fenthion, malathion, lindane, dieldrin, chlordan. Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước. Phát quang thảm thực vật quanh nhà chọn lọc các đám thực vật có nhiều ấu trùng mò (đảo mò).

Cảnh giác phát hiện bệnh tại ổ dịch; báo cáo ngay khi gặp ca đầu tiên hoặc khi có dịch liên quan đến địa bàn. Với bệnh nhân nơi có dịch, hàng ngày thăm mọi người và khám kỹ mọi người có sốt trong địa bàn đó; tổng vệ sinh phát quang thảm thực vật quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột, bảo vệ cá nhân, xoa thuốc xua, tẩm quần áo thuốc xua diệt... cần tăng cường.

Theo Lê Nguyên - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X