Hotline 24/7
08983-08983

Hạ kali máu: Dấu hiệu và cách xử trí

Kali được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, phần lớn kali được dự trữ trong tế bào và sau đó được bài tiết vào nước tiểu.

Do đó giảm đưa kali vào hoặc tăng vận chuyển kali vào trong tế bào hoặc hay gặp hơn là mất qua nước tiểu, qua đường tiêu hóa hoặc qua mồ hôi dẫn đến giảm nồng độ kali máu. Hạ kali máu có thể gây biến chứng nhịp chậm, giảm sức bóp cơ tim dẫn đến suy hô hấp, thậm chí liệt tứ chi nếu không được xử trí kịp thời.

Kali rất cần thiết cho cơ thể

Kali cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm hoạt động thần kinh và cơ. Kali là cation nội bào chính, với nồng độ khoảng 145mEq/l, trong khi nồng độ ở dịch ngoại bào, trong đó có máu, là 4 mEq/l. Hơn 98% lượng kali trong cơ thể nằm trong tế bào; việc đo lường kali từ mẫu máu tương đối không nhạy: dao động nhỏ trong máu tương ứng với thay đổi rất lớn trong tổng dự trữ kali của cơ thể.

Kali cũng thiết yếu cho chức năng bình thường của cơ, cả cơ chủ ý (ví dụ cánh tay, bàn tay...) và cơ không chủ ý (ví dụ tim, ruột...). Bất thường nghiêm trọng về nồng độ kali có thể hủy hoại chức năng tim một cách trầm trọng, thậm chí dẫn đến ngưng tim và tử vong. Nồng độ kali trong máu người bình thường là từ 3,5 - 5,0mEq/l.

Lượng kali máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali trong, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua mồ hôi, qua phân. Một chế độ ăn bình thường đủ chất sẽ đảm bảo tương đối đầy đủ cho việc bổ sung lượng kali mất hằng ngày.

Lao động nặng bị đổ mồ hôi quá mức có thể bị hạ kali máu

Vì sao lại bị hạ kali máu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu: Rõ ràng nhất là hạ kali máu do chế độ ăn ít kali. Tuy nhiên thường gặp nhất là hạ kali do mất quá nhiều, thường đi kèm với mất nước nặng làm mất kali ra khỏi cơ thể.

Trong trường hợp điển hình, đây là hậu quả của nôn và tiêu chảy, nhưng cũng có thể xảy ra ở vận động viên, người lao động quá sức bị đổ mồ hôi quá mức. Mất kali còn có thể do thụt tháo. Một số thuốc cũng có thể thúc đẩy thải trừ kali ra khỏi cơ thể, bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide, như hydrochlorothiazide; thuốc lợi tiểu quai như furosemide; cũng như các loại thuốc nhuận tràng.

Cùng với tiêu chảy, điều trị lợi tiểu và lạm dụng thuốc nhuận tràng là các nguyên nhân thường gặp nhất gây hạ kali máu ở người lớn tuổi. Các thuốc khác có liên hệ với hạ kali máu như thuốc chống nấm amphotericin B, thuốc đồng vận beta-adrenergic, thuốc steroid, theophylline,...

Ngoài ra, hạ magie máu cũng có thể gây hạ kali máu, vì magie cần cho xử lý kali. Nguyên nhân này có thể được phát hiện khi hạ kali tiếp diễn dù đã bổ sung kali. Các bệnh lý dẫn đến aldosterone cao bất thường gây tăng huyết áp và mất kali qua nước tiểu, bao gồm hẹp động mạch thận, hội chứng Cushing, hay các u (thường không ác tính) của tuyến thượng thận.

Hạ kali máu rất hay gặp trên thực tế với những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh...

Biến chứng nguy hiểm khi hạ kali máu

Hạ kali máu  có thể gây biến chứng nhịp chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp dẫn đến ngừng tim. Cấp cứu ngừng tuần hoàn những bệnh nhân này mà không phát hiện hạ kali máu sẽ dẫn tới thất bại do dẫn đến suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.

Hạ kali máu rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn... Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ.

Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm mạch nảy, huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm là khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không được bù đủ kali kịp thời.

Điều trị thế nào?

Điều trị hạ kali là điều trị nguyên nhân, như điều trị tiêu chảy hoặc ngưng dùng thuốc gây hạ kali. Hạ kali nhẹ (trên 3,0mmol/l) có thể được điều trị bằng cách bổ sung kali clorua theo đường uống. Vì đây thường là một phần của chế độ dinh dưỡng kém, các thực phẩm chứa kali có thể được khuyên dùng như cà chua, cam (trái cây) hay chuối. Bổ sung kali bằng chế độ ăn và thuốc được dùng ở bệnh nhân điều trị với thuốc lợi tiểu.

Hạ kali nặng (dưới 3,0mmol/l) có thể cần bổ sung kali đường tĩnh mạch. Truyền tĩnh mạch kali ở tốc độ cao có thể dẫn đến nhịp nhanh thất và cần theo dõi chặt chẽ, liên tục. Đo nồng độ kali mỗi 1-3 giờ. Trường hợp hạ kali khó hoặc kháng trị có thể cải thiện với một thuốc lợi tiểu giữ kali. Cần kiểm tra các bất thường chuyển hóa cùng tồn tại (như hạ magie máu).

Ở bệnh nhân hạ kali máu và nhiễm ketoacid đái tháo đường, một phần kali huyết thanh nên được bù bằng với kali photphat. Nếu kali được thay thế quá nhanh, nồng độ kali huyết thanh tăng cao có thể gây triệu chứng tăng kali máu; tuy nhiên tổng lượng kali cơ thể vẫn có thể dưới mức bình thường.

Theo BS Việt Thanh - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X