Hotline 24/7
08983-08983

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng chỉ cách “Chặn bệnh nhiễm, ngừa ung thư”

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1/5 người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân lây nhiễm (virus, vi khuẩn và ký sinh trùng).

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cùng với các vi khuẩn, viêm gan B, viêm gan C và HPV 16-18 là một số nguyên nhân gây ung thư, chiếm 15% tỉ lệ ung thư trên toàn thế giới.

Các virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân chính gây ung thư gan. Theo báo cáo của WHO năm 2017, có 1,4 triệu người chết mỗi năm do nhiễm cấp tính và ung thư gan liên hệ viêm gan và xơ gan sấp xỉ mức tử vong do sốt rét, HIV/AIDS và lao gộp lại. Vì thế, phải loại bỏ đại dịch viêm gan virus để ngăn ngừa đại họa ung thư gan.

Hiện nay, y học đã khống chế được viêm gan B trong việc phòng và điều trị, tuy nhiên viêm gan C chỉ mới dừng ở lại việc điều trị, các nhà khoa học đang ráo riết nghiên cứu tìm ra vắc-xin ngừa viêm gan C.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 20

Trong “bè lũ 4 tên” gây ung thư là HBV, HCV, HPV và Hp, BS Chấn Hùng gọi HPV là “kẻ quấy rối vô hình”. Có tới hơn 100 type HPV, khoảng 40 type gây nhiễm sinh dục, trong số đó có 15 type nguy cơ cao.

HPV là thủ phạm gây ra 5% ung thư cho loài người, không chỉ riêng ung thư cổ tử cung mà còn gây ung thư miệng họng, âm đạo, âm hộ và hậu môn ở người nữ; ung thư dương vật, hậu môn, miệng họng ở người nam. Đối sách với “kẻ bướng bỉnh” này là tiêm ngừa HPV và chung thủy một vợ một chồng, dùng bao cao su khi “quan hệ” để tránh lây nhiễm HPV và HIV…

Vi khuẩn Helicobacter Pylori (Hp) là một loại vi khuẩn phổ biến trong niêm mạc dạ dày, nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày như viêm dạ dày - tá tràng.

Hp nhiễm vào dạ dày lúc tuổi trẻ, thường mẹ lây sang con từ tuổi ấu thơ, có thể là truyền từ miệng người này sang người khác hay từ phân vào miệng, qua nước hoặc thức ăn bẩn. Vi khuẩn là cư dân thường trú trong dạ dày suốt đời người, có thể gây bệnh viêm và loét dạ dày - tá tràng ở khoảng 10 - 15% số người nhiễm.

Có nhiều cách nhận ra H.pylori. Các xét nghiệm không dùng nội soi gồm: kháng thể trong máu, kháng nguyên trong phân, xét nghiệm urê hơi thở. Các xét nghiệm nội soi gồm: nuôi cấy, mô học và xét nghiệm urê sinh thiết.

Để phòng ngừa các tác nhân nhiễm, chúng ta cần hiểu được những con đường lây nhiễm chính của chúng, có như thế mới chủ động phòng ngừa cho bản thân và gia đình, gồm các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên với xà bông hoặc nước sát trùng.

- Tránh xa những người đang bị bệnh hay lây như cảm, cúm, sởi…

- Rửa sạch vùng hậu môn một cách nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng sau khi đi đại tiện.  Nếu bị trĩ nên hỏi bác sĩ hay y tá phải làm gì.

- Dùng bàn chải đánh răng thật mềm để khỏi tổn hại đến lợi của bệnh nhân.

- Rửa những vết cắt hay vết trầy ngay lập tức với nước ấm, xà bông và thuốc khử trùng.

- Dùng loại bao tay dầy khi làm vườn hay làm những công việc nhà khác.

- Đừng tiêm chích bất kì loại thuốc nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.


Lê Bình - Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X