Hotline 24/7
08983-08983

GLTT: Tháo gỡ vướng mắc về tâm lý

14g chiều thứ 6 tuần này (30/3), bạn đọc AloBacsi có những vướng mắc về tâm lý sẽ được ThS Tâm lý Bùi Thị Ngọc Hân - BV Nhân dân 115 tư vấn, giải đáp.

ThS Tâm lý Bùi Thị Ngọc Hân

Không ít lần chúng ta trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, khiến cho tâm trạng kém vui, mất ngủ, nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Trong điều trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nếu được hỗ trợ về tâm lý sẽ giúp tinh thần lạc quan, mau khỏi bệnh hơn. Do đó, việc tư vấn và nâng đỡ tâm lý đóng vai trò rất quan trọng và ngày càng phổ biến với mọi người.

14g chiều thứ 6 tuần này (30/3), bạn đọc AloBacsi có những vướng mắc về tâm lý sẽ được ThS Tâm lý Bùi Thị Ngọc Hân - chuyên viên tâm lý thuộc phòng Công tác xã hội - BV Nhân dân 115 tư vấn, giải đáp. Ngay từ bây giờ, quý bạn đọc có thể gửi câu hỏi về email tuvan@alobacsi.vn, hoặc trong thời gian từ 14g-15g30, quý vị có thể gọi hotline 08983 08983 để được ThS Bùi Thị Ngọc Hân tư vấn.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- Thu T. - Nghệ An

Thưa BS,

Cháu năm nay 23 tuổi, chưa lập gia đình, cháu đang gặp rắc rối lớn về hội chứng thích nhổ tóc.

Hội chứng này diễn ra 10 năm rồi BS ạ. Cứ những lúc học bài, xem tivi hay lúc đi ngủ là cháu lại giật tóc khiến cho cháu bị hói một vùng lớn trên đỉnh đầu. Cháu đã thử nhiều cách như mang găng tay, dán tay nhưng đều không được.

Hồi còn bé cháu có thói quen cắn móng tay. Thói quen này diễn ra một thời gian là mất. Sau đó đến thói quen giật tóc cho đến bây giờ.

Tính cách cháu hay ưu phiền, hay lo xa và suy nghĩ rất tiêu cực. Dạo gần đây, do cuộc sống của cháu có nhiều bế tắc nên dẫn đến tính khí rất thất thường, hay buồn và hay cáu gắt. Hay có lối suy nghĩ đi vào ngõ cụt.

Cháu đang rất hoang mang. Có phải những biểu hiện của cháu là bệnh? Xin BS tư vấn giúp cháu. Để cháu có thể thoát khỏi tình trạng này. Mong sớm nhận được hồi âm của BS ạ. Cháu cảm ơn BS.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Thu,

Việc bạn thích nhổ tóc của mình đã diễn ra nhiều năm, đây là một hành vi mang tính vô thức của bản thân và cứ mỗi lúc suy nghĩ  hay buồn phiền thì tự nhiên tay sẽ đưa lên tóc và nhổ tóc.

Biểu hiện này không phải là bệnh mà là trong quá khứ bạn đã từng chịu một tổn thương nào đó như bị người khác trêu ghẹo làm bạn xấu hổ, hay một chuyện nào đó trong gia đình mà bạn đã từng trải qua.

Và có thể còn nhiều nguyên nhân nào đó nữa, quan trọng là bạn cần tìm ra nguyên nhân gây ra hành vi này là gì, từ đó phân tích và điều chỉnh lại bản thân. Sở thích nhổ tóc này có thể bỏ được nếu bạn biết cố gắng kiểm soát hành vi (tức tay chân) và nhận thức (suy nghĩ).

Từ các mô tả thì bạn thuộc tuýp người hay lo âu, buồn phiền, suy nghĩ tiêu cực đó cũng là biểu hiện của một người thiếu sự tự tin. Do thiếu tự tin bạn hay buồn và cáu gắt chính bản thân mình.

Thế nên bạn cần vui vẻ, lạc quan, tư duy tích cực để nhìn nhận cuộc sống tốt hơn. Tìm một người bạn tốt dù già hay trẻ để tâm sự những khúc mắc trong đời mà bạn cần một lời khuyên để nhìn nhận khách quan hơn, thay vì ngồi một mình và suy nghĩ tiêu cực.

Mỗi ngày bạn hãy nghĩ đến những điều tích cực, tập thể dục nhiều hơn để bạn khỏe về thể chất và mạnh về tinh thần bạn nhé!


- Hong A. - hong…@yahoo.com

Thưa BS,

Em bị tâm thần phân liệt đã được 9 năm. Hiện nay em vẫn uống thuốc Chlopromazin 25mg 5 viên vào mỗi buổi tối.

Em thích quan sát người khác. Đôi khi em cũng không quan tâm đến ai xung quanh nhưng đôi lúc em lại quan tâm đến người khác hơi nhiều và quá cẩn thận làm cho người khác khó chịu.

Em có tính là sợ người khác buồn và em hay lo lắng suy nghĩ về hành động cũng như lời nói của mình. Em đã cố gắng tự điều chỉnh bản thân để ngày một tốt hơn nhưng em thấy khó quá.

Mắt của em khi nhìn thì nó lại quan sát cả bốn hướng nên có thể thấy bóng của mọi vật ở gần. Đôi khi em nhìn người khác vào gương mặt của người đối diện thì họ khó chịu vì gương mặt của em và đôi mắt của em không trong sáng, nó như dâm tà. Mặc dù bản thân em không cảm thấy lương tâm mình xấu hổ vì mình không phải là bị bệnh tà dâm.

Em bị phản ứng của mọi người như vậy nên em chuyển qua đưa ánh mắt nhìn xuồng để không chạm mặt nhiều người. Từ đó em luôn nhìn xuống và khi nhìn lên hoặc nhìn ngang em đã định vị sai vị trí và rơi vào phần nhạy cảm đó là bộ phận sinh dục, mông, ngực... và làm cho nhiều người bàn tán, xa lánh em hơn.

BS cho em hỏi như vậy em bị bệnh gì và chỉ dùm em cách điều trị. Em xin chân thành cảm ơn.

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Bạn Hong thân mến,

Bạn có nói đến việc bạn bị tâm thần phân liệt đã 9 năm, nhưng bạn không nói năm nay bạn bao nhiêu tuổi, bạn là nam hay nữ, bạn đang ở vùng nào. Nên phần thuốc bạn có thể quay lại gặp bác sĩ điều trị của bạn để hỏi thêm về thuốc nhé.

Riêng các biểu hiện của bạn về cách bạn quan sát người khác, quan tâm đến người khác hơi nhiều và quá cẩn thận làm cho người khác khó chịu. Bạn đã nhận ra hành vi của bản thân thì bây giờ bạn học cách kiểm soát lại cách bạn nhìn và quan sát người khác nhé, vì bạn cứ chăm chú nhìn họ, họ sẽ thấy không thoải mái.

Điều quan trọng hiện tại là đôi mắt của bạn, bạn đừng quá quan trọng vào những điều mà bạn đã nghĩ và đã nói về nó, bạn cứ nghĩ mãi về những điều trên thì lúc nào bạn cũng sẽ nghĩ mãi về nó, do đó thay vì nhìn mọi người để quan sát, bạn có thể đọc sách, chơi ô chữ, giải ô chữ, điều đó giúp bạn không còn suy nghĩ những điều nhạy cảm nữa.

Ngoài ra bạn có thể đi khám thêm chuyên khoa mắt để kiểm tra lại dây thần kinh thị giác. Bạn đừng quá lo lắng nhé! 


- Hoàng B. - TPHCM

Chào BS,

Cháu đọc những biểu hiện của rối loạn đa nhân cách chống đối xã hội và cháu thấy bản thân có những triệu chứng như vậy.

Ngày nhỏ cháu đã là 1 người dễ bị kích động, hay hung hăng, khó hòa đồng và rất khó duy trì 1 mối quan hệ với người khác, từ ngày nhỏ cháu rất hay tự ái, giận dỗi và bị hành hung, và cháu cũng thủ dâm từ ngày nhỏ...

Cho đến giờ 22 tuổi, nhưng mọi người hay nói nhận thức của cháu như trẻ con và mọi trạng thái cảm xúc vui, buồn cháu đều không có, cháu không có cảm giác xấu hổ và rất hay lặp lại sai lầm, trí nhớ và khả năng tập trung hòa nhập cuộc sống rất khó.

Cháu rất hay bị trầm cảm vào từng giai đoạn, khi nào cũng chỉ thấy buồn chán, não tê tê bay bổng mà trống rỗng như cháu không hề sở hữu cơ thể cháu vậy.

Cháu lúc nào cũng nghe theo lời người khác mà không có nhận định của riêng cháu và làm việc gì cũng bỏ dở không chịu trách nhiệm thường đổ lỗi tại hoàn cảnh hoặc tại người khác, khi nào cháu cũng nghĩ tới chuyện tự tử.

Cháu sống với ai lâu cũng đều không có tình cảm, như bị vô cảm tới mức bố mẹ ốm cháu cũng không cảm thấy gì.

Thật sự cuộc sống của cháu như vậy nhưng khi nào cháu cũng hoang tưởng và đòi hỏi cháu phải hơn thế, không đạt được thì cháu rất hay nổi nóng ghen tức người khác.

Cháu thực sự không hiểu được đâu mới là cháu, khi mà cháu cũng cứ phải đấu tranh hai dòng suy nghĩ, thực sự cháu rất mệt, hay hoảng loạn, sử dụng ngôn từ không đúng, hay nghĩ tiêu cực về mọi chuyện, về người khác, cháu thật sự không thể hòa đồng được.

Và cháu cũng không có cảm giác lo lắng gì tới chuyện học, thực tập hay sức khỏe... cháu lúc nào cũng bay bổng, sống cho qua ngày với con người không có chút cảm xúc và với bộ não yếu kém không nghĩ được điều gì ngoài việc tự sát.

Cháu thật sự không biết cháu đang muốn gì, thích gì nữa vì suy nghĩ của cháu cứ thay đổi liên tục và cháu rất hay mơ bạo lực chém giết. Lúc mơ tình dục nữa. Cháu rất mệt.

Xin BS cứu cháu. Mong BS tư vấn cho cháu!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:


Chào bạn Hoàng B,

Thông qua những điều bạn kể, bạn cần đến một trung tâm tham vấn tâm lý để được hỗ trợ, bởi bạn đang hay nghĩ về việc tự sát, việc này bạn cần nói ngay với bố mẹ hoặc người mà bạn thân nhất. Bạn dành thời gian vào việc ngồi một mình suy nghĩ thì hãy dành thời gian để nói chuyện với người mà bạn tin tưởng để được chia sẻ và tìm hướng suy nghĩ tích cực.

Các biểu hiện mà bạn nhắc tới như: hay nổi nóng, hoảng loạn, không có cảm giác lo lắng, hay mệt mỏi, không hòa đồng,… bạn đã tự nhận thấy các biểu hiện của bản thân, như vậy bạn hãy từ từ thay đổi chúng từng chút một, bớt nổi nóng lại, bình tĩnh hơn, hãy nghĩ lại cảm giác của bản thân, ăn uống, tập thể thao, thường xuyên giao tiếp với những người xung quanh.

Khi bạn nhận thức được những điều mà bạn đã nói ra thì điều đó có nghĩa là bạn cũng đang kiểm soát rất tốt bản thân mình đấy, bạn chỉ cần tìm thêm cho mình một vài người bạn người mà bạn thấy ổn để có thể sẻ chia tâm sự, bạn nhé!


- Ngọc H. - Nam Định

BS ơi, giúp cháu với ạ,

Cháu đang rất bất mãn về sức khỏe của mình. Cháu là nữ, năm nay 20 tuổi, nhưng thường xuyên hay quên dù những chuyện rất nhỏ như quên khóa cửa, quên mang cặp sách khi đi học, chuyện này ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập hay công việc của cháu. Điều này ít khi xảy ra trước khi cháu 18 tuổi.

Ngoài ra, cháu còn hay ngáp vặt ngay cả khi đang vui vẻ, hay buồn ngủ dù ngủ ít hay nhiều hay đủ giấc, tối nào cháu cũng mơ linh tinh và sáng dậy không nhớ mình đã mơ gì, trong khi ngủ cháu cũng hay nghiến răng và nói mơ.

Thỉnh thoảng cháu lại bị đau nhức đầu rất khó chịu. Trong nguời cháu cũng hay cảm thấy mệt mỏi và làm gì cũng nhanh mất sức.

Đôi khi cháu còn bị choáng váng trong vài giây và không nhìn rõ vật gì, phải nhắm mắt lại và ngồi xuống 1 lúc, khi tỉnh lại thì đau nhức mắt kinh khủng. Cơn choáng váng này cũng xuất hiện khi cháu ngồi dậy hay nằm xuống.

1 năm trước đây cháu từng bị mất kinh đến 8 tháng dù kì kinh của cháu vốn đã ổn định trước đó. Bệnh hiện tại của cháu thì vẫn là xoang, hắt hơi sổ mũi cho dù là mùa đông hay hè, nhưng cháu quen rồi vì đã bị thế này nhiều năm về trước.

Cháu phải làm sao ạ, cháu luôn cố gắng giữ cho bản thân không stress, uống nhiều nước, ngủ đủ, hay vui cười nhưng vẫn thấy mệt mỏi trong người. BS tư vấn giúp cháu với ạ!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Bạn Ngọc H thân mến,

Các biểu hiện mà bạn nói đến như hay ngáp vặt, hay quên, mơ linh tinh, đau đầu, mau mệt mỏi, nhanh mất sức, bị choáng vài dây khi nằm và ngồi dậy,… bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe tổng quát bạn nhé!

Bạn đã giữ cho bản thân mình không bị stress, uống nhiều nước ngủ đủ hay vui cười là điều mà bạn làm rất tốt rồi đấy, ngoài ra bạn nên tập thể thao và ăn uống đủ chất nữa, bạn nhé!


- Đỗ Thị V. - Hà Nội

Thưa BS,

Cháu năm 24 tuổi đã có giá đình và 1 con trai. Cháu trải qua cuộc sống gia đình khá vất vả. Từ khi kết hôn đến giờ tâm trí cháu luôn trong tình trạng căng thẳng vì áp lực kinh tế. Gia đình cháu cũng như chồng không hề có sự thông cảm hay chia sẻ mà luôn chì chiết, mắng mỏ cháu.

Công việc cũng không suôn sẻ nên cháu cũng phải chuyển việc khá nhiều. Để làm hài lòng tất cả cháu luôn phải gồng mình lên để cố gắng nhưng đều thất bại.

Hiện tại cháu đang rất suy sụp và có đầy đủ triệu chứng của bệnh trầm cảm. Đặc biệt là luôn nghĩ đến cái chết.

Xin BS cho cháu lời khuyên để thoát khỏi tình trạng trên. Cháu xin chân thành cản ơn.

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Bạn V thân mến,

Hiện tại bạn đã là một người mẹ, cuộc sống của bạn không mấy thuận lợi như mong muốn của bạn, khi bạn không được thông cảm chia sẻ. Với điều đó chắc hẳn là bạn là rất buồn và bế tắc, thế nên bạn nghĩ ngay đến cái chết.

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ vài lần nghĩ đến cái chết, nhưng ban hãy nghĩ lại, chết có giải quyết được những việc hiện tại không, hay bạn sẽ bỏ lại đứa con thơ của mình không có mẹ. Bạn nghĩ rằng mình có đầy đủ dấu hiệu của trầm cảm, nhưng bạn V thân mến, đó là bạn tự nghĩ rằng mình trầm cảm thôi, thật ra bạn đang chịu đựng một nỗi buồn kéo dài nhiều ngày, nỗi buồn đó khiến bạn bế tắc, căng thẳng và suy sụp.

Bạn đã là mẹ, khi bạn buồn chắc chắn  con bạn cũng sẽ cảm thấy buồn “mẫu tử liền tâm” thế nên bạn có thể điều chỉnh lại tâm trạng của mình, suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực, giúp đỡ con trai của mình để bé lớn lên trong sự khỏe mạnh và tràn đầy niềm vui. Đối với gia đình, bạn từ từ chia sẻ từng chút một “mưa dầm thấm đất”  để cả nhà hiểu nhau hơn.

Hãy lạc quan lên, bạn nhé!


- Phi L., 18 tuổi - TPHCM

Chào BS,

Tình trạng của em là em luôn luôn ám ảnh, cứ nghỉ mình mắc bệnh nan y hay truyền nhiễm từ bất kì dấu hiệu nhỏ nào của cơ thể. Em đã đi khám và được chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể đang dùng thuốc 1 tháng.

Cơn ám ảnh nặng và kéo dài nhất của em là ám ảnh về HIV do 1 lần chạy xe ngã vào bụi cỏ thấy vết xước, dù đã xét nghiệm sau 9 tháng âm tính nhưng từ đó cơn ám ảnh cứ đeo bám, em luôn sợ sệt tất cả mọi thứ, sợ mọi người họ lây bệnh cho em, mỗi ngày em đều sống trong lo âu, đi đâu làm gì cũng sợ mình có nguy cơ với HIV khiến em khổ sở vô cùng.

Đôi khi em biết những suy nghĩ của em là vô lý nhưng em không thoát ra được và cứ mỗi lần sợ trước 1 nguy cơ gì đó thì em liền lên các diễn đàn tư vấn HIV để hỏi và được tư vấn thì em yên tâm hơn (nhưng em hỏi nhiều đến mức anh chị trên ấy nói em đã bị chứng hoang tưởng rồi).

BS ơi cho em hỏi, em làm vậy có phải là cách điều trị tâm lý đúng không? Ngoài ra em cũng cố gắng chạy thể dục và tham gia các hoạt động xã hội và mỗi lần có 1 nguy cơ lo lắng nào đó em phải vượt qua nó như thế nào cũng như phải nói chuyện thế nào với BS đang điều trị của em cho đúng ạ?

Với tình trạng của em thì khoảng bao lâu mới khỏi bệnh được ạ? Mong BS cho một vài nhận xét về bệnh của em mong BS giúp em, xin cảm ơn.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Phi L,

Mỗi một người trong một ngày đều có nhiều sự lo lắng, lo ăn gì, làm việc như thế nào để đạt được hiệu quả, lo bạn của mình có vượt qua kỳ thi hay không,…

Có rất nhiều lo lắng khác nhau, nhưng với bản thân bạn lo lắng hơi thái quá đặc biệt về bệnh HIV, bạn luôn suy nghĩ thật nhiều về nó, mỗi một câu hỏi của bạn cần được giải đáp, thế  là bạn hỏi tất cả mọi nơi mà bạn có thể hỏi được. Đây không phải là cách điều trị tâm lý đúng. Vì bạn cứ ám thị bản thân mình về bệnh HIV, bạn sợ hãi nó, trong khi bạn chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức về HIV, cách phòng ngừa, cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh,…

Khi bạn đã được xét nghiệm và âm tính với HIV, thì nỗi sợ của bạn vẫn chưa dừng lại. Thế nên bạn hãy tìm 1 bệnh viện mà bạn tin tưởng, đăng ký khám và bạn sẽ được tư vấn cẩn thận về bệnh HIV. Với bác sĩ đang điều trị cho bạn, bạn hãy nói hết những suy nghĩ hiện tại của mình cho bác ấy, bác sĩ sẽ giúp bạn vượt qua các khó khăn này.

Bạn L mến, do bạn quá hoảng sợ nên bạn mất niềm tin với những kiến thức mà bạn đang có, bạn hãy bình tĩnh trở lại, xem lại các kiến thức mà bạn đã đọc được để đánh giá lại tình trạng mà bạn đang có. 

Hy vọng bạn giảm được sự lo lắng của bản thân.


- Nguyễn T. - Hải Dương

Chào BS,

Em nam, 28 tuổi. Trong 1 năm gần đây em hay bị những triệu chứng như mất tập trung vào công việc và trong tất cả các hoạt động hàng ngày, đầu óc lúc nào cũng u mê, mụ mị, thường xuyên thấy chán nản trong công việc và cuộc sống, tiếp thu rất chậm.

Đôi khi chẳng có chuyện gì cũng buồn bã, chán nản, nhiều khi thì bị stress, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng mệt mỏi, rất dễ cáu gắt và nổi nóng, không điều tiết được cảm xúc của mình.

Và có những lúc sợ hãi những điều chẳng đâu vào đâu kể cả những điều bình thường, nhiều lúc lại thấy mất tự tin, bi quan vào bản thân mình, thấy mình lúc nào cũng kém cỏi, vô dụng và ngại dao tiếp nữa.

Cách đây hơn nửa năm em đến BV tâm thần Bạch Mai khám, BS kết luận em bị chứng trầm cảm nhẹ và kê đơn thuốc cho uống, sau vài tháng điều trị em chỉ thấy đỡ 1 chút thôi, các triệu trứng trên vẫn xuất hiện, được 1 thời gian điều trị thì em ngừng uống thuốc.

Cho đến khoảng 3 tháng gần đây ngoài những triệu trứng trên đôi khi em hay hoa mắt, chóng mặt, có những lúc buồn nôn, như người tụt huyết áp ấy, thêm vào đó là thính giác và sự tập trung, trí nhớ của em giảm rất nhiều, người ta phải nói đi nói lại nhiều lần em mới nghe rõ, mới nhớ được.

Thêm nữa là mắt em luôn trong tình trạng mỏi, khi nhìn không tập trung được vào cái gì lâu được.

Vì những triệu chứng trên em lại đi khám ở khoa thần kinh BV Bạch Mai, sau khi siêu âm, chụp CT BS kết luận em bị thiếu máu não, rối loạn trí nhớ và tập trung, sau đó kê đơn thuốc cho em uống.

Sau gần 1 tháng điều trị ngoại triệu chứng buồn nôn là giảm thì tất cả nhưng triệu chứng kể trên vẫn không có dấu hiệu khá hơn.

Em thật sự rất bi quan vì chúng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của em rất nhiều, và quan trọng hơn nữa em không biết mình đang bị bệnh về thần kinh hay tâm thần để có hướng điều trị đúng đắn, để em có thể chữa khỏi bệnh và quay trở về với cuộc sống của người bình thường như trước đây.

Mong BS tư vấn cho em với, em xin chân thành cảm ơn!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Nguyễn T,

Bạn đã đi khám 2 bệnh viện và có 2 kết luận khác nhau, điều đó đã làm cho bạn sợ và lo lắng nhiều hơn đúng không? Khi uống thuốc bạn cảm thấy không có dấu hiệu khá hơn.

Bạn T mến, mỗi một lần bạn đi khám ở những thời điểm khác nhau, chuyên khoa khác nhau, và những lúc đó sức khỏe của bạn cũng không giống nhau, do đó bạn nên lạc quan hơn, suy nghĩ đơn giản, tập luyện thể thao, ăn uồng đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đúng giờ. Khi cơ thể bạn khỏe mạnh thì tinh thần của bạn cũng sẽ khỏe mạnh.

Mong bạn sớm trở lại cuộc sống bình thường.


- Nguyễn T. - duc…@gmail.com

Kính thưa các BS,

Em năm nay 18 tuổi, là nam.

Bình thường trước đây em có quen 1 bạn gái cùng lớp. Sau 2 năm yêu nhau chúng em cũng chỉ dừng lại ở việc hôn nhau vì cả 2 còn là học sinh. Sau đó em và bạn đó chia tay do 1 vài lý do.

Sau đó 1 khoảng thời gian em đi học ĐH nên ít đi chơi và ra đường thường ở nhà. Dạo gần đây có 1 bạn gái ngỏ lời làm quen em, lúc đầu em cũng có hứng thú sau đó em lại cảm thấy hơi sợ.

Em đọc được mẩu tin về đồng tính trên mạng nên rất băn khoăn lo lắng về giới tính của mình. Trước giờ em luôn luôn tin mình là nam 100%, em cũng không quá chải chuốt cũng không thích thú gì về thời trang mà khá đam mê về bóng đá xe cộ. Em cũng thường xuyên xem phim sex (nữ) và thủ dâm bình thường, dương vật vẫn tiết chất nhờn bình thường.

Vậy BS cho em hỏi việc em cảm thấy sợ khi bạn gái kia làm quen là do bị lừa dối trong tình cảm ở quá khứ hay có vấn đề về giới tính? Mong BS giải đáp dùm em.

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Bạn Nguyễn T thân mến,

Khi một bạn nữ ngỏ lời làm quen, sau đó bạn thấy sợ. Có thể chuyện tình cảm trong quá khứ của bạn từng bị lừa dối, thế nên bạn sợ đặt tình cảm của mình vào người bạn gái khác. Khi ở bên cạnh người bạn gái này có thể bạn không có cảm giác an toàn để bộc lộ cảm xúc của mình, nên bạn thấy sợ và lo lắng.

Bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ lại những trải nghiệm mà mình đang có và chia sẻ điều mà bạn đang suy nghĩ cho bạn gái cùng nghe, để hai bạn cảng hiểu nhau hơn.

Khi bạn tin chắc rằng mình là nam 100% thì bạn đừng nghĩ quá nhiều về các mẫu tin đồng tính, bạn nhé!


- Lê P., 16 tuổi - Long An


Thưa BS,

Em là người rất nhạy cảm và thường hay suy nghĩ thái quá. Từ trước đến nay em vốn dĩ không thích cho lắm những người chuyển giới. Nhưng cách đây vài tuần em có vô tình xem chương trình có người chuyển giới rồi tự nghĩ thầm trong đầu là thấy ghê sợ khi nhìn thẳng vào gương mặt những người chuyển giới.

Hôm sau em vô thức soi gương rồi những suy nghĩ hôm qua hiện ra, rồi em tự dưng cũng nghĩ mình như vậy, dù em là một đứa con gái bình thường.

Từ hôm đó trở đi lúc nào em cũng nghĩ mình không bình thường mặc dù em đã cố gắng tự nhủ với bản thân mình là mình còn họ là họ, nhưng vẫn không thoát ra và trở về như bình thường được.

Vậy làm sao để em trở lại bình thường như trước kia thưa BS? Thực sự là hiện giờ em rất mệt mỏi và cảm thấy rất khó chịu.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Lê P,

Bởi bản thân bạn hay suy nghĩ thái quá nên khiến bạn nghĩ mãi mà chưa thoát ra được. Bạn hãy chia sẻ những điều mà bạn đang nghĩ cho gia đình, bạn bè của mình biết nhé, khi chia sẻ và nói chuyện nhiều hơn bạn sẽ có nhiều cái nhìn khách quan hơn về người chuyển giới.

Khi có cái nhìn khách quan hơn thì bạn sẽ trở lại bình thường và không còn mệt mỏi hay khó chịu nữa.


- Le Van T. - levan…@gmail.com

Chào BS ạ,

Tôi có vài vấn đề về sức khỏe mong BS tư vấn giúp.

Tôi năm nay 28 tuổi, tôi làm việc ở một huyện miền núi nên cũng không có cơ hội đi khám BS tâm lý ạ. Tôi xin trình bày tình trạng của tôi:

Từ nhỏ tính cánh cũng bình thường nhưng cách đây 3 năm lúc còn sinh viên tôi có "bất ngờ" bị một số người hiểu lầm mà gây thương tích cho mình. Từ đó tính cách tôi thay đổi hẳn, lúc nào cũng lo sợ mình bị đánh sau lưng dù bản tính tôi rất hiền. Tinh thần tôi nhạy cảm với mọi thứ rất hay giật mình nếu ai đó vô ít chạm từ phía sau.

Trong công việc tôi cũng sợ, lúc nào cũng sợ, sợ mình làm không được, sợ nhiều thứ... Tâm hồn luôn mông lung không tập trung vào việc gì được, luôn có suy nghỉ mông lung đang xen...

Mong BS tư vấn cho tôi cách luyện tập hay điều trị như thế nào để tinh thần tôi được thư giãn, không bị sợ hãi và suy nghĩ được tập trung ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn BS và mong chờ sự hồi âm của BS ạ.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:


Chào bạn Le Van T,

Một lần bạn bất ngờ bị thương tích, lần đó chắc hẳn bạn đã rất hoảng loạn. Điều đó để lại cho bạn một sự sợ hãi không hề nhẹ, và từ đó bạn luôn nghĩ không biết sau lưng mình có ai đó không? Đó cũng chính là một kinh nghiệm không tốt đã lưu lại trong tâm trí của bạn và liên tưởng ra nhiều chuyện nhau như sợ công việc, sợ không làm được.

Bạn T thân mến, bởi bạn không có cảm giác an toàn ngay trong chính nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống. Do đó nói chuyện thường xuyên với những người xung quanh, cho họ biết bạn có cảm giác bất an như thế nào để được chia sẻ và tâm sự, và nhận được các lời khuyên hữu ích.

Mỗi lần bạn có cảm giác bồn chồn, lo lắng thì hãy hít thật sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng từ 4 đến 5 lần để cân bằng lại các suy nghĩ và cảm giác, uống một cốc nước lọc và thay đổi môi trường (ví dụ: đang ở trong nhà thì ra sân).

Bạn hãy vận động sức khỏe, ăn uống đầy dủ để tinh thần và thể chất của bạn được khỏe mạnh.

Hy vọng bạn đừng để sự lo lắng của mình làm ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và làm việc.


- Nguyen - lance…@gmail.com

Xin chào BS,

Em năm nay 18 tuổi, em có các triệu chứng sau đây: lo lắng, mệt mỏi, đôi khi hơi hoảng loạn, biếng ăn, tim đôi khi đập khá nhanh, không muốn tiếp xúc mọi thứ xung quanh mình, muốn được tĩnh lặng và bình yên.

Em nghĩ là áp lực là nguyên nhân tạo nên tất cả, nhưng cũng không chắc lắm. Xin hỏi đây là triêu chứng của bệnh gì? Xin chân thành cảm ơn BS.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Nguyen,

Đôi khi áp lực cũng là một nguyên nhân nhưng áp lực thì không kéo dài. Theo các triệu chứng mà bạn miêu tả, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe tổng quát bạn nhé! Ngoài ra bạn  cũng nên vận động thể thao, ăn uống đủ chất, giảm bớt các căng thẳng, luôn vui vẻ và lạc quan trong cuộc sống, học tập.


- Trần Th. - th…@gmail.com


Tôi năm nay 25 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Gần đây tôi có những dấu hiệu lo lắng bất thường, tự nhiên không có chuyện gì cũng lo lắng. Thường xuyên hoang tưởng tưởng tượng nhiều lắm, và có dấu hiệu bạo lực.

Trong mấy tháng gần đây gia đình tôi có gặp nhiều biến cố nên tôi rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.

Vậy xin AloBacsi cho tôi hỏi liệu tôi có nguy cơ của bệnh trầm cảm không hay chỉ đơn thuần là do hậu quả của đau dạ dày thôi? Tôi xin chân thành cám ơn!

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Bạn Trần Th mến,

Theo như bạn mô tả thì vẫn chưa đầy đủ để có thể nghĩ đến nguy cơ của bệnh trầm cảm, ngay cả hậu quả của đau dạ dày bạn cũng chưa nói rõ.

Riêng thời gian gần đây gia đình bạn có gặp nhiều biến cố nên có thể bạn đang có các stress gây căng thẳng thì bạn nên điều phối lại tâm trạng của các thành viên trong gia đình và ngay chính bản thân bạn. Lạc quan lên bạn nhé!


- Lê V. - TP HCM

Thưa BS,

Vì em đã từng trãi qua 1 vài biến cố, và em phải thật cố gắng để vượt qua. Không phải vì em muốn thương bản thân mình, mà vì em không muốn mẹ của em phải lo lắng.

Và sau thời gian đó đến giờ, em thường xuyên có cảm giác lo lắng. Hay nghĩ ngợi tới những thứ bi quan trong cuộc sống. Không thích trò chuyện, sợ chỗ đông người, đặc biệt là người lạ.

Em có tiền sử huyết áp thấp, tụt canxi. Em hay thức khuya, vì rất khó ngủ, nằm xuống không thể ngủ ngay, phải 1 tiếng sau mới ngủ được. Em cũng từng tự tử, rất hay tự ti. Và có xu hướng làm đau mình.

Nhưng khi có người bạn nào đó của em, muốn tâm sự hay kể khổ thì em luôn lắng nghe, và đưa ra lời khuyên. Luôn muốn người bạn đó sống thật lạc quan. Nhưng bản thân em lại không như vậy.

Em cũng không thể hiểu nổi mình. Xin hỏi em cần phải làm gì để ổn định tâm trạng của mình? Cảm ơn BS!

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Lê V,

Bạn  đã từng trải qua 1 vài biến cố, bạn cố gắng vượt qua vì không muốn mẹ phải lo lắng. Điều này cho thấy bạn rất thương mẹ, bạn lo cho mẹ bạn sẽ buồn. Nhưng trong chính bản thân bạn, bạn vẫn chưa vượt qua được nỗi đau của bản thân mình.

Bạn muốn mình ổn định tâm trạng hơn thì bạn hãy chia sẻ những khó khăn mà bạn đang suy nghĩ với gia đình, bạn bè và đặc biệt với mẹ.

Dù biến cố đó có khắc nghiệt với bạn thì bạn vẫn phải vượt qua nó, xem nó như một kinh nghiệm trong đời mà bạn đã đi qua, bạn đã từng khuyên bạn của mỉnh phải sống lạc quan, còn bản thân bạn bạn dễ dàng thỏa hiệp với nó trong nỗi đau, bạn chịu thua và bạn mệt mỏi.

Bạn V thân mến, bạn thử lắng nghe lại con tim mình muốn gì, cần làm gì để có tâm trạng tốt hơn. Chúc bạn mau bình tâm.


- Phuong N. - phuong…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em năm nay em 25 tuổi. Năm lên lớp 10 em đã biết mình khác biệt so với những bạn nữ cùng tuổi, em đã tìm hiểu và biết em là đồng tính nữ (les). Em đã rất sốc, rất đau khổ và không biết làm sao để được bình thường. Sau đó những cuộc tình cùng giới đã đến nhanh và ra đi cũng nhanh, khiến em bị tổn thương quá sâu sắc.

Năm 2014, em tốt nghiệp xong cao đăng kế toán và đi vào Sài Gòn làm việc văn phòng hơn 1 năm. Mọi chuyện tưởng êm ấm nhưng công ty em phá sản, người yêu cũng chia tay em để quen người con trai khác.

Mất việc, mất tình, không bạn bè ngươi thân ở nơi xa lạ. Em đã rất sốc va chấn động tâm lý nặng nề. Em đã trở về quê mong tìm được chút bình yên nơi gia đình. Nhưng cha mẹ biết em mất việc, cha mẹ bỏ mặc em, không hỏi han cũng như không đếm xỉa đến em, ngay cả ăn cơm cũng ăn trước em không gọi em ăn cùng.

Em bế tắc và cảm giác bị cả xã hội xa lánh. Em bị trầm cảm từ đó, không muốn nói chuyện với ai, không muốn ra ngoài đường. Phần vì ra ngoài mọi người thường chỉ chỏ bàn tán em là les này kia, kinh tởm ngươi như em nên em càng sống khép mình, nửa năm em sống trong u uất, trầm cảm và luôn thấy bản thân bất tài, vô dụng...

Sau đó cuối năm 2016 em vô lại Sai Gòn xin việc, nhưng vì ngoại hình em tomboy nên nhiều công ty e dè không nhận em. Em phỏng vấn nhiều nơi nhưng đều không được và em lại càng tiêu cực, chán nản.

Sau đó gần 1 tháng em may mắn tìm được công ty điện tử nhận em vào làm thời vụ. Em đã vui lên được đôi chút.

Vào công ty làm em có thương 1 bạn nữ kém em 5 tuổi. Bạn ấy là gái thẳng nhưng cũng nói thương em. 2 đứa em quen được 3 tháng thì cha mẹ bạn ấy biết chuyện, ngăn cấm đủ thứ, không cho em ở chung phòng trọ cùng bạn ấy, bắt bạn ấy về nhà, không cho sử dụng điện thoại để liên lạc với em. Bạn của em rất có hiếu nên nghe lời cha mẹ và chia tay em.

Cùng lúc đó, em hết hợp đồng làm trong công ty nên cũng thất nghiệp. Không có phòng trọ để ở, không có người yêu, không có việc làm, lại vừa biết mình bị bệnh nặng cần phải mổ... Bạn bè chẳng có ai để chia sẻ. Em cảm thất rất đau khổ, bế tắc, mất niềm tin, em mất tất cả và bây giờ em đang có ý định tự tử.

Em nghĩ cuộc sống này quá bất công với em! Giờ hàng ngày chịu đau đơn vì căn bệnh, không ai thương và cần em. Em thật sự muốn chết cho giải thoát khỏi tất cả.

Em đã lên kế hoạch cho việc tự tử, AloBacsi có thể cho em biết em nên làm gì vào thời gian này không? Mọi thứ đối với em thật quá sức tưởng tượng. Em mệt mỏi và stress nặng nề.


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào Bạn Phuong N,

Bạn đã lên kế hoạch cho việc tự tử, bạn có thật sự biết điều mà bạn đang làm là gì không? Cái chết không giải quyết được gì cả mà càng làm tăng thêm sự đau khổ cho người thân. Khi bạn chết đi, cha mẹ bạn chắc chắn sẽ rất buồn và sẽ dằn vặt bản thân khi mình có một đứa con gái tội nghiệp, cha mẹ bạn sẽ chẳng hề thoải mái hơn không khi bạn không còn trên đời nữa.

Thế nên bạn hãy suy nghĩ lại về kế hoạch của mình, thay vì nghĩ đến cái chết vậy bạn hãy lên kế hoạch để bản thân mình vượt qua bệnh tật, sau khi hết bệnh mình sẽ làm gì cho cha mẹ và cho bản thân mình.

Những điều mà bạn đang trải qua bạn cũng nhìn lại, ngoài kia còn rất nhiều người còn khổ gấp nhiều lần so với bạn nhưng họ vẫn tồn tại một ý chí sống. Vượt qua các khó khăn trong cuộc đời không phải là điều dễ dàng nhưng khi vượt qua nó, bạn biết bạn sống có ý nghĩa như thế nào.

Mong bạn hãy tỉnh táo và vượt qua khó khăn, bạn nhé!


- Nguyễn H. - Nam Định

Chào AloBacsi,

Hiện tại cháu đang điều trị rối loạn lo âu. Cháu có xem trên Google thấy rối loạn ám ảnh cưỡng chế có hành vi rửa tay nhiều. Cháu nhớ là ở nhà có thói quen rửa tay 4 lần bằng xà phòng trước khi ăn nhưng ngay sau khi cháu đi nghĩa vụ quân sự, do điều kiện trong đó cháu chỉ rửa tay 1 lần trước khi ăn bằng xà phòng và sau đó 3 tháng cháu chỉ rửa tay 2 lần 1 ngày bằng nước không.

Cho cháu hỏi cháu có phải bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế không ạ? Cháu đi khám ở nhiều BV thì họ cho là không phải nhưng cháu muốn hỏi cho chắc. Cháu được kê cho thuốc Amitrytilin, Suprilid, kiện não hoàn, Asakoya và mất gần hết các triệu trứng không còn run tay đau đầu đánh trống ngực và đã ngủ trưa được.

Sau 4 tháng uống thuốc các triệu chứng chỉ xuất hiện lại khi cháu lo âu quá rồi lại trở lại bình thường vào mấy ngày sau đó.

Cho cháu hỏi rối loạn lo âu có điều trị được không? Thông thường tỉ lệ khỏi là bao nhiêu %? Phải điều trị trung bình trong thời gian bao lâu và trong quá trình điều trị cháu không có điều kiện tập yoga thì tập gym có được không?


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Nguyễn H,

Lo âu là một rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan toản, khó chịu, mơ hồ kèm them các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, bứt rứt, không thể ngồi yên hoặc đứng yên một chỗ.

Lo âu là một tín hiệu báo động, báo trước một nguy hiểm sắp xảy ra và cho phép con người sử dụng mọi biện pháp để đương đầu với sự đe dọa.

Cần phân biệt giữa lo âu bình thường và lo âu bệnh lý, lo âu được xem là bình thường khi phù hợp với tình huống và mất đi khi tình huống đã được giải quyết, lo âu bệnh lý là lo âu không có nguyên nhân rõ rật, hoặc quá mức so với mong đợi, các triệu chứng thường nặng và gây nhiều khó chịu, kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày…

Bạn miêu tả hành vi rửa tay của bạn điều này chưa phải là một rối loạn ám ảnh cưởng chế bạn nhé, bạn đã đọc quá nhiều thông tin dẫn đến việc bạn lo lắng mình bị bệnh. Lưu ý khi bạn đọc thông trên internet thì bạn cần tìm nguồn thông tin đáng tin cậy, ngoài ra bạn có thể tìm gặp bác sĩ để chắc chắn về bệnh bạn nhé!

Hy vọng giải tỏa được phần nào tâm lý bất an của bạn.


- Ngọc A - Hải Phòng

Em hiện đã có gia đình, trước đây em rất vui vẻ và yên tâm với chồng mình. Nhưng khoảng 2 tháng trước chồng em có tham gia 1 buổi họp lớp và có thể hiện tình cảm với 1 bạn học cùng, sau đó về còn nhắn tin hỏi han.

Từ khi em đọc được những tin nhắn ấy em cảm thấy chán nản vô cùng, hay sinh ra cáu gắt và thực sự không muốn nói chuyện với ai kể cả con của mình.

Mỗi lúc buồn em thường đi uống rượu mà mỗi lần say em lại thấy vui và yêu đời.

Mấy hôm nay em luôn muốn nổi điên vậy, đầu óc không đủ tỉnh táo, hay chửi bới linh tinh dù biết nhưng không sao kiểm soát được.

Mong BS cho em lời khuyên ạ?


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Ngọc A,

Những điều bạn nói cho thấy bạn đang ghen, nhưng lại không thể hiện mà cứ âm ỉ trong lòng, để rồi bạn ôm một cục tức, sinh ra cáu gắt, uống rượu.

Về điều này, bạn nên thẳn thắn nói chuyện với chồng của bạn để làm rõ vấn đề, về những điều mà bạn đang cảm thấy về chồng mình.

Chúc bạn sớm vui vẻ trở lại.


- Duy - leduy…@gmail.com

BS ơi,

Em quen bạn gái được gần 3 năm rồi. Thời gian đầu khi quen cô ấy em vẫn còn giữ liên lạc với người yêu cũ nhưng không hề gặp nhau, tầm 1 tháng thì cắt.

Người yêu hiện tại biết được nên giận và chì chiết em mãi. Quen nhau gần 1 năm em dần lạnh nhạt.

Trong khoảng 3 tháng tiếp theo, cô ấy âm thầm quen 1 người trên mạng xã hội và có đi uống nước với nhau 1 lần, rồi sau 3 tháng chia tay người đó, nhưng em không hề biết chuyện đó, cho đến tận bây giờ cô ấy mới thú nhận với em.

Vậy em có nên tha thứ không? Xin BS cho em một lời khuyên?

ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn Duy,

Bạn có nên tha thứ cho bạn gái của mình không thì bạn sẽ là người quyết định. Trước khi quyết định bạn có thể nói chuyện với bạn của mình để hiểu nhau hơn, đồng thời cũng là một cơ hội để giải thích giữa đôi bên.

Chúc bạn có đủ sự sáng suốt trong tình cảm của bản thân.

 
- FB Kiều B.

Chào AloBacsi,

Tôi 65 tuổi, bị nóng bỏng dạ dày, khám BS BV Bạch Mai chẩn loét hang vị, dư axit, đã điều trị theo đơn BS rồi, đông tây y 5 tháng không cải thiện, chỉ nóng và gây đói nhanh, tối thì khó ngủ.

Tôi có tư vấn BS thì BS gợi ‎ý đến khám ở khoa Tâm thần kinh. Tôi gần này chưa từng thấy BS tư vấn cho bệnh nhân mà dám phát ngôn bảo bệnh nhân tâm thần! Tôi rất bức xúc nên đã bỏ về.

Nhờ AloBacsi tư vấn cho trường hợp của tôi, làm sao cho mau khỏi bệnh?


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng (trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115), có khả năng bác bị trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh này do nhiều yếu tố thuận lợi gây ra và phải điều trị kéo dài, dễ tái phát. Bác có gắng kiên trì và giữ tinh thần thoải mái nhé.

BS của bác có tư vấn cho bác khám thêm chuyên khoa Tâm thần kinh thì BS có ý là bác đang có 1 vấn đề nào đó về tâm lý cần giải quyết, chứ không phải nói bác bị tâm thần, do chúng ta thường nghĩ tâm thần là “điên, khùng” nên có sự hiểu lầm ở đây. Vì vậy mong bác bình tĩnh và đừng hiểu lầm ý của BS nhé.

Chúc bác điều trị thành công!


- FB H.T.D.N.

Xin chào chuyên gia,

Em rất băn khoăn về biểu hiện của em không biết có phải là bệnh tâm lí không, mong chuyên gia giúp đỡ. Em là nữ, gần 30 tuổi, chưa yêu ai và không muốn lấy chồng.

Trước đây em cũng có vài lần cảm nắng nhưng không cho người ta biết, xong rồi tình cảm tự phai nhạt dần. Em coi đó như 1 cơn sóng. Thường thì em rung động, rồi em quan sát bạn nam đó, rồi em phát hiện các nhược điểm của bạn, vậy là em hết thích.

Em biết như vậy là vô lí vì không ai hoàn hảo, bản thân em cũng đầy nhược điểm, nhưng cảm tình của em cứ xuống dốc không phanh khi thấy nhược điểm của bạn nam. Cho nên đến giờ em chưa chính thức yêu ai.

Thêm 1 chuyện là giờ em không muốn lấy chồng. Em thấy FA rất thoải mái, công việc của em thú vị, không nhiều tiền nhưng nuôi sống bản thân được. Em cũng có nhiều bạn bè để tâm sự. Nhìn chung là em FA nhưng em ít khi bị buồn (chỉ hơi buồn trong mấy ngày lễ như 14/2 và 8/3...)

Em thấy bạn bè em, lấy chồng rồi sinh đẻ đau đớn quá, rồi đầu tắt mặt tối lo cho chồng con, bản thân xấu xí đi, rồi lo lắng chồng ngoại tình… em không muốn mình bước vào hoàn cảnh đó. Em cũng không thích trẻ con, nhưng em rất thích chó. Em nghĩ lúc già có thể vào viện dưỡng lão, hay nuôi 2 con chó là đủ vui rồi.

Vậy theo chuyên gia, tâm lí của em có bình thường không, hay em bị ám ảnh sợ hôn nhân, và do cảm thấy không yêu ai được nên em quá thất vọng và thu mình? Em rất mong được tư vấn. Em chân thành cảm ơn!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn,

Có thể nói hiện tại bạn đang có một chút dấu hiệu của hội chứng sợ kết hôn và phần khác nữa là bạn chưa tìm được đúng người bạn đời, nên bạn có phần e dè và sợ hãi trước hôn nhân. Tuy nhiên khi bạn đã tìm đúng người rồi thì bạn sẽ trở lại như bình thường với mọi người thôi.

Hiện tại bạn đang sống rất vui vẻ và thoải mái, bạn cứ tiếp tục sống sao cho bạn thấy thoải mái nhất.

Riêng cách nhìn về đời sống gia đình bạn nên suy nghĩ thoáng một chút, đời sống gia đình sẽ có những khó khăn mà ai cũng sẽ phải trải qua. Nếu bản thân cứ cho rằng mình thất vọng và thu mình thì đó là những ý‎ nghĩ mang tính tiêu cực. Đó là điều không tốt cho chính bạn.

Chúc bạn luôn vui, bạn nhé!

 
- Bạn đọc giấu tên

Dạ chào AloBacsi,

Cháu là 17 tuổi cháu bị trầm cảm năm học lớp 8 khoảng 13-14 tuổi, cháu bị người cháu yêu thương bỏ, bị lừa dối, cháu không thở được, cháu luôn cảm thấy cô đơn tự ti, từ đó cháu luôn sống khép kín, không dám giao tiếp với ai, cháu sợ hãi mọi thứ.

Đến năm cháu 16 tuổi dì cháu bên Úc về thăm, dì ngỏ ý muốn cháu qua Úc đi du học. Cháu thật sự không muốn vì cháu biết mình trầm cảm, nhưng ba mẹ cháu lại không nghĩ vậy, họ muốn cháu đi vì giáo dục nước Úc, điều kiện sống ở Úc tốt hơn.

Cháu ở Úc được 1 năm, 6 tháng đầu dù cô đơn nhưng cháu vui vì được khám phá thấy mọi thứ mới mẻ. Nhưng qua Tết, khi cháu qua lại Úc mọi thứ không còn được như vậy, cháu cảm thấy tù túng, gò ép bản thân, cháu thấy đau điếng trong người. Dì cháu thấy vậy cho cháu về lại VN.

Cháu thật sự rất buồn, cháu không có động lực, cháu mất niềm tin vào cuộc sống này. Cháu muốn xỉu đi ạ. Cháu có đến BS tâm lí và lấy thuốc uống nhưng tâm trạng vẫn không cải thiện. AloBacsi có cách nào giúp cháu vực dậy bản thân không ạ‎‎?


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn,

Có lẽ là hiện tại bạn đang buồn lắm phải không? Bạn không có động lực và mất niềm tin vào cuộc sống. Bạn hãy chia sẻ những khó khăn mà mình đang có với gia đình và bạn bè, tương lai bạn còn đang phía trước.

Bạn có nói đến người yêu thương bỏ, bị lừa dối, đây là người yêu hay người thân trong gia đình, bạn nói chưa rõ. Nếu là người yêu thì có lẽ là bạn đã rất đau khổ, bạn cô đơn và tự ti về bản thân, sẽ có nhiều câu hỏi tại sao chuyện lại đi đến mức này,… Còn nếu là thân của bạn bỏ rơi bạn thì có lẽ là người này cũng rất quan trọng đối với bạn, bạn có thể nghĩ rằng họ có nỗi khổ nên mới bỏ rơi bạn. Nhưng dù sao, bạn cũng hãy vượt qua chuyện đó, dù không dễ dàng gì đối với bạn.

Bạn cần tự vực dậy bản thân mình, tự mạnh mẽ bước qua chuyện cũ, sống thật tốt, học tập thật tốt nhé.

Chúc bạn sớm lấy lại tinh thần.


- FB C.K.

BS ơi,

Em gái em năm nay 16 tuổi mà nó cứ kỳ kỳ sao á. Lắm hôm nó dùng băng dính tự trói nó lại, có hôm em thấy nó còn quấn cả băng dính hay dây vào cổ nó nữa. Xong gần đây nó ít nói chuyện hay tâm sự với em. Xong còn hay cáu gắt nữa. Có phải bị bệnh trầm cảm hay gì không bác sĩ?


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào bạn,

Bạn miêu tả các dấu hiệu của em gái bạn, những điều này vẫn chưa đủ dữ kiện để biết có phải là trầm cảm hay không. Bạn hãy đưa em gái mình đến trung tâm gần nhất để tham vấn tâm l‎‎‎‎í, bạn nhé!

 
- FB Thuy P.

Chào BS,

Cháu hiện đang có bầu tháng thứ 5, thực sự là cháu có nhiều vấn đề lo lắng lắm.

Từ hồi còn nhỏ cháu đã có một số cảm giác như phải nhớ bằng được một người mà mình mang máng, nhưng những cái đó không kéo dài và không khiến cháu khó chịu nhiều.

Cháu bị bướu cổ và đi khám nhiều bệnh viện uy tín. Cháu khám ở viện nội tiết TW. Sau rất nhiều lần thảo luận và đưa ra kết quả khác nhau thì BS bảo nên lấy chồng sớm, rồi chữa trị sau, vì cái này là dạng đơn thuần thôi.

Về tâm lý thì cháu rất hay có hoài nghi như tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, dù vấn đề đó hết sức hiển nhiên. Ví dụ tại sao lại có 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, tại sao tiếng Trung lại thế này tiếng Việt lại thế kia… Rất nhiều câu hỏi quanh quẩn làm cháu đau đầu. Mặc dù cháu hiểu nó là gì.

Cháu vừa lập gia đình và mọi người đều thương cháu. Cháu cũng không biết là mình mắc bệnh gì nữa, cháu cũng nghĩ tới tự sát.

Mong AloBacsi tư vấn giúp cháu với!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:

Chào cháu,

Cháu vừa lập gia đình và mọi người đều yêu thương cháu, và hiện tại cháu đang mang thai 5 tháng. Nếu cháu suy nghĩ loanh quanh, những suy nghĩ cứ kéo dài thì không tốt cho cháu, vì thật ra những điều cháu suy nghĩ lại không có ý nghĩa.

Những hoài nghi mà bản thân cháu biết hết sức hiển nhiên, rõ ràng cháu biết bản thân mình đang nghĩ loanh quanh nhưng chưa kiểm soát được ‎các ý nghĩ của bản thân. Cháu hãy đọc sách nhiều hơn, song song với việc tâm sự với gia đình bạn bè.

Chúc cháu luôn vui để em bé luôn vui và khỏe mạnh nhé!


- FB Đ. U. - Cần Thơ


Thưa bác sĩ,

Tôi ở Cần Thơ có một việc cần bác sĩ tư vấn.

Tôi có đứa con gái năm nay 22 tuổi đang học ĐH, cháu có biểu hiện trầm cảm nặng nhưng nhất định không thừa nhận bệnh trạng của mình, nếu nói tới việc đi khám và điều trị là nó nổi khùng và cãi lại rất hỗn (việc này  trước đây chưa bao giờ như thế).

Tôi không biết phải làm cách nào đưa đi khám, hoặc mua thuốc gì để điều trị cho nó, suốt ngày nó nhốt mình trong phòng, đêm thức ngày ngủ, không quan tâm những gì xung quanh lại dễ nổi nóng.

Vậy mong bác sĩ hướng dẫn cho tôi phải làm thế nào điều trị cho cháu, mà nó không biết được nó đang phải điều trị tâm thần? Cảm ơn BS rất nhiều!


ThS Tâm l‎ý Bùi Thị Ngọc Hân:


Chào chị,

Có lẽ chị đang rất lo lắng và sốt ruột cho con gái của mình khi con gái không hợp tác với chị để điều trị.

Chị bình tĩnh, khi con đang “nổi khùng” thì chị cần nhẫn nại tiếp cận với con, chia sẻ những suy nghĩ của con, tìm hiểu những mong muốn nguyện vọng của con và đặc biệt chị cần làm bạn với con.

Hiện tại con chị đang chống đối chị, do đó chị cần có thời gian để thuyết phục con chia sẻ với chị, sau đó đưa bạn ấy đến một trung tâm tham vấn tâm l‎ý mà chị thấy tin tưởng.

Hy vọng chị nhẫn nại hơn với con  gái, có thể bạn ấy đang có một nỗi buồn nào đó mà chưa muốn chi sẻ với ai.

Phòng Tâm lý trị liệu - BV Nhân dân 115 đang áp dụng 2 hình thức tham vấn, trị liệu như sau:

1. Tham vấn và hỗ trợ tâm lý, can thiệp những căng thẳng cho người bệnh và thân nhân người bệnh hiện đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Ngoài việc điều trị về thuốc, người bệnh sẽ được hỗ trợ về tâm lý trong suốt thời gian nằm viện.

2. Tham vấn tâm lý, can thiệp những căng thẳng và điều trị tâm lý cho các cá nhân có nhu cầu.
Thời gian làm việc: 7g - 16g (từ thứ 2 tới thứ 6)
Thời gian tham vấn: 45 phút/ 1 phiên

* Liên hệ:
- Vui lòng đến khám tham vấn trực tiếp tại phòng Tâm lý trị liệu - Đơn vị Chăm sóc Khách hàng - Bệnh viện Nhân dân 115, số 527 Sư Vạn Hạnh, P12, Q10, TPHCM.
- Hoặc đặt lịch hẹn trước qua số điện thoại: 028.3868 3496.


Cổng thông tin Tư vấn trực tuyến AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X