Hotline 24/7
08983-08983

Giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên khi đau buồn

Bài viết thứ 11 trong 11 bài thuộc chủ đề Đối mặt với thay đổi cảm xúc.

Trẻ em và thanh thiếu niên bày tỏ nỗi buồn theo nhiều cách khác nhau. Một số trẻ có thể buồn bã và thể hiện cảm giác mất mát như người lớn. Tùy thuộc vào độ tuổi trẻ, nỗi buồn có thể hiển thị trong đôi lúc hoặc trong thời gian ngắn. Trẻ em có thể phàn nàn về sự khó chịu trong cơ thể, chẳng hạn như đau bụng hoặc đau đầu. Hoặc các em có thể bày tỏ sự lo lắng, đau khổ về những thử thách khác như việc học tập ở trường hoặc trong các hoạt động thể thao.

Cảm giác mất mát càng nặng nề hơn khi đứa trẻ có mối quan hệ gần gũi với người đã mất, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột. Tuy nhiên, phản ứng của trẻ không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng. Nỗi buồn của một đứa trẻ dường như đến và đi khá nhanh chóng. Ngoài ra, trẻ hiếm khi thể hiện sự đau buồn bằng lời. Điều này là hoàn toàn bình thường. Cảm giác mất mát sẽ lặp lại khi trẻ lớn lên, có thể xảy ra thường xuyên hơn trong các cột mốc quan trọng nhất định trong cuộc sống, như bắt đầu đi học hoặc trong lần hẹn hò đầu tiên. Ngay cả khi trưởng thành, các sự kiện quan trọng như tốt nghiệp đại học hoặc kết hôn có thể khơi gợi những nỗi đau mới.

Hiểu cách trẻ em và thanh thiếu niên nhìn nhận cái chết

Ở các giai đoạn phát triển khác nhau, việc hiểu cách trẻ em nhìn nhận về cái chết là vô cùng quan trọng. Quan điểm của trẻ thay đổi theo độ tuổi và giai đoạn phát triển về mặt tình cảm, xã hội. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng của trẻ, bao gồm tính cách, trải nghiệm trước đó với cái chết và sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình. Cần nhớ rằng trẻ em không chuyển đột ngột từ giai đoạn phát triển này đến giai đoạn tiếp theo và các đặc điểm mỗi giai đoạn có thể trùng lặp.

Giai đoạn sơ sinh (từ mới sinh đến 2 tuổi)

    Không có sự hiểu biết về cái chết.
    Nhận thức được việc bị cách ly và buồn vì sự vắng mặt của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
    Có thể phản ứng với sự vắng mặt của cha mẹ hoặc người chăm sóc bằng những biểu hiện như khóc nhiều hơn, ít phản ứng với sự việc xung quanh và thay đổi trong ăn uống hoặc ngủ.
    Liên tục tìm kiếm cha mẹ, người chăm sóc và chờ đợi họ.
    Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nỗi buồn của cha mẹ và những người chăm sóc khác còn sống.

Giai đoạn chuẩn bị đi học (3 đến 6 tuổi)

    Tò mò về cái chết và tin rằng việc đó là tạm thời hoặc có thể đảo ngược.
    Có thể cảm thấy cái chết giống như một giấc ngủ. Nói cách khác, người đó đã mất nhưng có thể tiếp tục thở hoặc ăn sau đó.
    Thường cảm thấy tội lỗi và tin rằng chúng phải chịu trách nhiệm về cái chết của người thân, có lẽ vì chúng đã cư xử không tốt hoặc từng mong muốn người đó “biến mất”.
    Nghĩ rằng có thể làm cho người đã mất sống trở lại nếu chúng đủ tốt.
    Lo lắng về việc ai sẽ chăm sóc chúng và sợ bị bỏ rơi.
    Bị ảnh hưởng bởi nỗi buồn của các thành viên còn lại trong gia đình.
    Không thể bộc lộ cảm xúc của mình bằng lời nói, thay vào đó, phản ứng với cảm giác mất mát thông qua các hành vi như khó chịu, hung hăng, cơ thể bất thường, khó ngủ hoặc tự co mình lại (như tiểu dầm hoặc mút ngón tay).

Giai đoạn đi học (6 đến 12 tuổi)

    Hiểu rằng cái chết là cuối cùng.
    Có thể nghĩ về cái chết như một người nào đó hay một linh hồn, ví dụ như một con ma, thiên thần hay một bộ xương.
    Đến 10 tuổi, hiểu rằng cái chết xảy đến với mọi người và không thể tránh được.
    Thường quan tâm đến các chi tiết cụ thể về cái chết và những gì xảy ra với cơ thể sau khi chết.
    Có thể trải qua một loạt các cảm xúc bao gồm tội lỗi, giận dữ, xấu hổ, lo lắng, buồn bã và lo sợ về cái chết của chính mình.
    Cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc. Do đó, cảm xúc có thể được biểu hiện thông qua các hành vi như không muốn đi học, học kém, giận dữ, các vấn đề về thể chất, xa lánh bạn bè và tự thu hẹp bản thân.
    Lo lắng về việc ai sẽ chăm sóc cho mình, có thể cảm thấy bất an, bướng bỉnh và bị bỏ rơi.
    Có thể lo lắng rằng chúng bị đổ lỗi về việc gây ra cái chết của người khác.

Giai đoạn thanh thiếu niên (13 đến 18 tuổi)

    Hiểu biết sâu hơn về khái niệm cái chết nhưng chưa có đủ kinh nghiệm, cách ứng xử hay kỹ năng đối phó.
    Dễ tức giận với các thành viên trong gia đình hoặc thể hiện các hành vi bốc đồng, liều lĩnh như sử dụng chất kích thích, đánh nhau trong trường học, quan hệ tình dục bừa bãi.
    Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng lại không biết cách đối phó hoặc không thoải mái khi nói về những cảm giác này.
    Hoài nghi về đức tin hoặc sự hiểu biết về thế giới.
    Không muốn nhận sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình vì muốn sống độc lập và tách biệt với cha mẹ.
    Đối phó bằng cách dành nhiều thời gian hơn với bạn bè hoặc cách ly khỏi gia đình để ở một mình.

Giúp con cái đối phó với cảm giác mất mát

Người lớn nên giải thích cái chết bằng những thuật ngữ đơn giản, trực tiếp, trung thực phù hợp với trình độ phát triển của trẻ. Trẻ em không thể suy nghĩ và thể hiện cảm xúc như người lớn. Vì vậy, chúng sẽ cần nhiều cuộc trò chuyện ngắn. Người lớn có thể cần phải lặp lại cùng một thông tin nhiều lần. Trẻ em có thể hỏi cùng một câu hỏi thường xuyên khi chúng cố gắng hiểu rõ những thông tin khó tiếp nhận.

Dưới đây là một số gợi ý giúp giải thích về cái chết và mất mát:

    Giải thích cái chết bằng cách sử dụng những từ ngữ rõ ràng như “đã chết” thay vì những cụm từ gây nhầm lẫn như “đi ngủ”. Bạn có thể nói rằng cái chết có nghĩa là cơ thể của người đó đã ngừng hoạt động hoặc người đó không còn có thể thở, nói chuyện, di chuyển, ăn, hoặc bất kỳ thứ gì mà người đó có thể làm khi còn sống.
    Chia sẻ niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh của gia đình về cái chết.
    Khuyến khích con cái đặt câu hỏi, và cố gắng trả lời chúng một cách trung thực và trực tiếp. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, hãy tìm hiểu để có thể trả lời sao cho hợp lý và chính xác.
    Sử dụng sách, bản vẽ hoặc trò chơi nhập vai để giúp trẻ nhỏ hiểu về cái chết.

Dưới đây là những gợi ý có thể giúp con bạn đối phó với sự mất mát:

    Hãy chắc chắn con của bạn hiểu rằng chúng không gây ra cái chết và người đã chết không sống trở lại được.
    Thể hiện tình cảm và trấn an con bạn thường xuyên rằng trẻ sẽ tiếp tục được yêu thương và chăm sóc.
    Khuyến khích con bạn chia sẻ về cảm xúc của trẻ. Đề xuất những cách khác nhau để thể hiện cảm xúc, chẳng hạn như viết trong một tạp chí hoặc vẽ một bức tranh.
    Hãy chia sẻ nỗi đau của cha mẹ với con nhưng không khiến con cảm thấy bị quá nặng nề. Bày tỏ cảm xúc của cha mẹ có thể khuyến khích con chia sẻ cảm xúc của chính mình.
    Giúp con hiểu rằng nỗi đau thông thường liên quan đến một loạt các cảm xúc, bao gồm giận dữ, tội lỗi và thất vọng. Giải thích rằng cảm xúc và phản ứng của con có thể rất khác với người lớn.
    Hãy trấn an con rằng theo thời gian, cảm giác đau buồn đến và đi là điều bình thường. Giải thích rằng chúng không thể luôn dự đoán được khi nào chúng sẽ cảm thấy buồn.
    Nếu con lớn hơn, hãy khuyến khích trẻ nói chuyện với một người lớn bên ngoài gia đình, chẳng hạn như giáo viên hoặc một người mà trẻ tin tưởng, kính trọng. Cha mẹ cũng có thể xem xét cho con tham gia một nhóm hỗ trợ theo độ tuổi cụ thể.
    Duy trì thói quen mà người chăm sóc càng nhất quán càng tốt, và tiếp tục đặt giới hạn về hành vi của trẻ. Chăm sóc, nhất quán và liên tục giúp trẻ cảm thấy an toàn.
    Khuyến khích trẻ dành thời gian với bạn bè và tham gia vào các hoạt động thích hợp với lứa tuổi.
    Hãy an ủi con rằng việc con cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ không thể hiện sự thiếu tôn trọng với người đã mất.
    Tìm sự trợ giúp từ một nhân viên tư vấn, chuyên viên tâm lý trẻ em, hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác nếu cha mẹ lo ngại về hành vi của con mình.

Giải quyết các thay đổi về vai trò và thói quen hàng ngày

Cái chết của cha mẹ hoặc người thân khác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Các thói quen và vai trò trong gia đình thay đổi, chẳng hạn như cha mẹ phải trở lại làm việc và dành ít thời gian ở nhà hơn. Những thay đổi này có thể gây thêm đau khổ cho trẻ. Ngay cả trẻ nhỏ cũng nên được chuẩn bị trước, được trò chuyện và hỗ trợ trong giai đoạn thay đổi này.

Mặc dù cái chết của một thành viên bị ung thư là nỗi đau của gia đình, điều này cũng có thể làm giảm bớt căng thẳng của một đứa trẻ. Ví dụ, cái chết của anh chị em có thể có nghĩa là cha mẹ không cần chia thời gian giữa một đứa trẻ bị bệnh đang điều trị tại bệnh viện và một đứa trẻ khác ở nhà. Sau một căn bệnh dài hoặc khó khăn, những cảm xúc mạnh mẽ, hỗn độn, bao gồm cả sự nhẹ nhõm khi nỗi đau của một thành viên trong gia đình kết thúc là chuyện bình thường. Cha mẹ cần giúp con nhận ra rằng những cảm xúc này là bình thường và trẻ không nên cảm thấy tội lỗi khi có cảm giác như vậy.

Thương nhớ và tôn trọng người đã khuất

    Trẻ em dưới 3 tuổi hiểu khái niệm nói lời tạm biệt. Chúng nên được phép chọn cách nói lời tạm biệt với một người thân yêu.
    Cho trẻ em tuổi đi học và trẻ lớn hơn quyền lựa chọn tham dự các hoạt động tưởng niệm. Tuy nhiên, đừng ép buộc nếu chúng không muốn tham dự.
    Một số trẻ em có thể muốn tham dự buổi lễ tưởng niệm nhưng không muốn xem trực tiếp hoặc xem cảnh mai táng.
    Cho phép trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên giúp lập kế hoạch cho việc tưởng niệm nếu chúng muốn.
    Nói chuyện trước với trẻ về những gì sẽ xảy ra tại và tưởng niệm, có thể cân nhắc về việc đến nhà thờ hoặc nghĩa trang.
    Nhờ một người lớn đáng tin cậy giúp chăm sóc trẻ tại lễ tang hoặc cùng về nhà khi đứa trẻ quyết định muốn rời đi sớm.

Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng ký ức về người đã chết vẫn sẽ còn mãi. Các bậc cha mẹ bị bệnh nan y đôi khi để lại thư từ, video hoặc hình ảnh để giúp trẻ nhớ rằng chúng được yêu thương rất nhiều. Trẻ em cũng có thể tập hợp hình ảnh và các đồ vật đặc biệt khác để tạo ra kỷ niệm của riêng mình. Đối với trẻ nhỏ, phần lớn ký ức về người đã mất sẽ đến từ ký ức của các thành viên khác trong gia đình. Nói chuyện về người đó thường xuyên và cho trẻ biết rằng người đó yêu thương chúng rất nhiều. Theo thời gian, trẻ em có thể hiểu rằng người đã mất tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đến chúng và cuộc sống của chúng cả về sau này.
Theo Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X