Hotline 24/7
08983-08983

Giúp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối dễ chịu hơn

“Không bệnh nhân nào phải sống trong đau đớn, không bệnh nhân nào phải mất trong cô đơn” là tiêu chí khi thực hiện những phương pháp giúp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối dễ chịu hơn.

Chương trình tư vấn và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi - buổi thứ 5 tại UBND quận Bình Thạnh

Tại buổi sinh hoạt thứ 5 của chương trình chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi với chủ đề: “Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi giai đoạn tiến xa”, ngày 2/11, ThS.BS Phan Đỗ Phương Thảo - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, BV Ung Bướu TPHCM cho biết: Mục đích của buổi sinh hoạt là nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, khi ung thư phổi (UTP) đã đến giai đoạn cuối, không còn can thiệp điều trị, đặc trị được nữa.

Bởi vì, nếu can thiệp bệnh nhân có thể bị giảm chất lượng sống, phải chịu nhiều đau đớn và kết cuộc là mất trong đau đớn. Chính vì vậy, chất lượng cuộc sống sẽ quyết định chứ không phải thời gian sống quyết định trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn tiến xa, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như: Đau, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, khó thở và những rối loạn về lo âu, những vấn đề về tâm lý.

ThS.BS Phan Đỗ Phương Thảo - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, BV Ung Bướu TPHCM

Đau là triệu chứng thường gặp nhất, có thể do tổn thương mô như nhiễm trùng, khối u, thiếu máu cục bộ, chấn thương, độc tố của thuốc, viêm, các thủ thuật y học xâm nhập. Đau cũng có thể do các các yếu tố tâm lý như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng có thể làm cho đau nặng hơn.

Đau ở mức độ nhẹ sẽ dùng các thuốc hỗ trợ không có Opioid, liều khởi đầu 500-1000 mg 6 giờ/lần và phải giảm liều đối với bệnh nhân có suy giảm chức năng gan.

Tuy nhiên, đau ở mức độ nhẹ mà dùng các thuốc hỗ trợ không có Opioid vẫn không kiểm soát được thì sẽ nâng lên mức độ đau vừa, sẽ chuyển đổi thuốc, hoặc dùng các thuốc hỗ trợ như: thuốc giảm đau thần kinh, giảm đau thắt hay thuốc chống viêm.

Đối với mức độ đau nặng sẽ sử dụng Opioids mạnh, khi không kiểm soát được bằng liều Codeine liều cao thì bắt buộc phải chuyển sang sử dụng Morphine. Morphine có thể sử dụng bằng đường uống, đường tĩnh mạch chậm, đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch liên tục và việc khởi đầu sẽ do BS quyết định.

Có thể sử dụng miếng dán da Fentanyl để giảm đau, miếng dán có tác dụng 48-72g, tuy nhiên giá thành còn cao.

Triệu chứng tiếp theo ở bệnh nhân UTP là khó thở, thở khó nhọc, thở hơi ngắn, không có khả năng để lấy đủ không khí, cảm giác nghẹt thở.

Điều trị khó thở cơ bản: Điều trị viêm phổi hoặc bệnh phổi do lao bằng kháng sinh, truyền máu đối với thiếu máu nặng, điều trị phù phổi bằng thuốc lợi tiểu, điều trị màng phổi bằng chọc hút dịch…

Bên cạnh đó, Opioid có thể làm giảm khó thở mà không kèm theo một sự thay đổi đáng kể về tần số thở hay nồng độ các khí máu, Opioid hoạt động ở cả ngoại vi và trung ương, ở những bệnh nhân không có tiền sử dùng Opioid, liều thấp có thể có hiệu quả. Tác dụng phụ thường gặp phải của Opioids là, táo bón, khô miệng, buồn ngủ, buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi.

BS Phương Thảo cho biết, Morphin và oxy cũng có thể sử dụng để điều trị khó thở, giúp cải thiện đáng kể cảm giác khó thở.

Bệnh nhân chăm chú ghi chép những thông tin hữu ích được ThS.BS Phan Đỗ Phương Thảo chia sẻ

Một chiếc quạt điện hay một cơn gió nhẹ có thể đưa đến sự giảm nhẹ triệu chứng. Nên mở cửa sổ, giữ tầm nhìn hướng ra bên ngoài, giảm nhiệt độ phòng, nếu có thể hạn chế số lượng người trong phòng cũng giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Bệnh nhân UTP còn có các triệu chứng ở toàn thân như: sốt, vã mồ hôi, mệt mỏi, sụt cân - suy mòn.

Để điều trị sốt thì duy trì nhiệt độ cơ thể dễ chịu, còn triệu chứng vã mồ hôi thì phải giữ cho cơ thể bệnh nhân ấm và khô để ngăn ngừa ớn lạnh, lạnh buốt.

Đối với triệu chứng sụt cân - suy mòn, BS Phương Thảo khuyên rằng, nên đánh giá các bệnh lý đi kèm từ đó giúp tăng lượng dinh dưỡng đi vào cơ thể, khuyến khích bệnh nhân ăn những món ăn yêu thích, những chất bổ sung dinh dưỡng, có thể sử dụng thuốc Steroids kích thích ngon miệng nhưng tác dụng thường hạn chế, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, qua ống thông mũi-dạ dày, ống dẫn lưu dạ dày.

Kết thúc buổi sinh hoạt, BS Phương Thảo cho biết, UTP có tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ tử vong hàng đầu, 58% ở các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam có 70% số ca bệnh ở giai đoạn tiến xa. Cho nên, chăm sóc giảm nhẹ là mục tiêu chính để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Lịch sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân ung thư phổi, 5 buổi tiếp theo tại Hội trường UBND quận 10, số 474 đường 3/2

Ngày 9/12: Phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư phổi - TS Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 16/12: Các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi - BS Vương Thị Nguyên Thảo,  Trưởng Khoa Điều trị giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 23/12: Những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư phổi - BS Vương Đình Thy Hảo, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 30/12: Những tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị điều trị ung thư phổi - BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 6/1: Suy mòn và chế độ dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư phổi - TS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy.


Nguyễn Chúc
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X