Hotline 24/7
08983-08983

Giun chui ống mật gây đau bụng

Bé nhà tôi dù tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng nhưng có lần đau bụng được nghi ngờ là do giun và phải theo dõi có phải giun chui ống mật không.

Xin cho biết tại sao giun lại chui được vào ống mật và biểu hiện ra sao. (Nguyễn Hồng Thúy - Đồng Nai)

Giun chui ống mật gây đau bụng

Nên tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh

Chào bạn,

Giun chui ống mật là một chứng bệnh hay gặp trước đây do tỉ lệ nhiễm giun rất cao. Ngày nay bệnh này ít gặp hơn vì người dân ý thức hơn với việc tẩy giun định kỳ và ăn uống hợp vệ sinh. Giun đũa là loài ký sinh trong ruột non của người, chúng có kích thước bằng chiếc đũa (khoảng 20 - 25cm), giun sống bằng cách chất dinh dưỡng ở ruột nên gây ra tình trạng suy dinh dưỡng (nhất là ở trẻ nhỏ).

Giun đũa ở ruột cũng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, người bị nhiễm có thể đau bụng mơ hồ, ăn uống khó tiêu, buồn ói… Ở một điều kiện nào đó giun di chuyển ngược lên trên đến tá tràng rồi chui vào ống dẫn mật sẽ gây ra tình trạng tắc mật.

Người ta cho rằng, khi số lượng giun ở ruột tăng lên cùng với môi trường dịch tiêu hóa thay đổi sẽ làm chúng di chuyển ngược lên phía trên. Một số trường hợp giun chui lên đường mật không gây ra triệu chứng gì và chúng chết tại đây, các chất đường mật kết dính vào giun tạo thành sỏi đường mật. Trong trường hợp giun chui lên đường mật và làm tắc mật cấp tính làm cho bệnh nhân có những cơn đau quặn dữ dội, đột ngột.

Đau ở vùng trên rốn, hơi lệch về bên phải. Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều và có khi chất nôn có cả giun. Tất nhiên giun đi từ ruột lên đường mật sẽ mang theo vi khuẩn và gây ra nhiễm trùng đường mật.

Một tư thế đau bụng cổ điển do giun chui ống mật được ghi nhận là bệnh nhân đau bụng chổng mông lên trời. Thường chẩn đoán giun chui ống mật với cơn đau quặn mật, hội chứng nhiễm trùng và dùng siêu âm xác định tắc nghẽn đường mật (đôi khi phát hiện ra giun).

Trong cơn đau bụng cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng đau, nhiễm trùng và thuốc tẩy giun.

Trong trường hợp tắc nghẽn cấp tính đường mật có khi phải phẫu thuật dẫn lưu đường mật và giải phóng tắc nghẽn. Quan trọng là phải ăn uống hợp vệ sinh, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm. 

AloBacsi.vn
Theo Bs.CkII. Đặng Minh Trí - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X