Hotline 24/7
08983-08983

Giáo sư Việt Nam thiếu cả chất lẫn lượng?

Bản chất của chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam là gì? Chất lượng các nhà khoa học được phong hàm ở Việt Nam ra sao?

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao với số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 tăng gần gấp đôi so với năm trước. Lẽ thường, khi số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng nhanh như vậy, số lượng bài đăng tạp chí đồng nghĩa việc nền khoa học, giáo dục cũng phải đạt được những thành tựu đáng kể.

Thế nhưng, theo thống kê, số lượng bài đăng tạp chí khoa học nước ngoài của Việt Nam trong năm 2017 vẫn ở mức khoảng hơn 5.000, không có sự đột biến so với 2016.

Ba năm trở lại đây vẫn chỉ có bốn nhà khoa học người Việt nằm trong top 1% những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. Điều đáng nói là trong số bốn nhà khoa học đó, duy nhất TS Nguyễn Xuân Hùng, Đại học Công nghệ TPHCM, đang nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam. Hiện tại, TS Nguyễn Xuân Hùng là phó giáo sư.


Tính đến hết năm 2016, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước có khoảng hơn 11.000 giáo sư, phó giáo sư. Riêng năm 2017, số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn đạt 1.226 người.

Tuy vậy, theo thống kê của bộ trên, chỉ có 1/3 giáo sư, phó giáo sư phân bố ở các trường đại học. Trung bình, mỗi trường đại học ở Việt Nam có khoảng 20 giáo sư, phó giáo sư.

Nếu xét tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư trong tổng số lượng giảng viên ở các trường đại học Việt Nam, con số này cũng tương đối thấp - trung bình cả nước đạt chưa đến 7% năm 2017.


Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu cả nước về các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế. Theo cơ sở dữ liệu Web of Science, cả trường này có 405 giáo sư, phó giáo sư, chiếm 28% tổng giảng viên. Dù cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung cả nước, so với các trường đại học khác trên thế giới, đây vẫn là con số khá khiêm tốn.



Tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những cơ sở đại học hàng đầu Mỹ, số lượng giáo sư là 605, chiếm gần một nửa tổng giảng viên của cả trường. Ở Đại học Lincoln, trường tầm trung ở New Zealand, những người tham gia giảng dạy là giáo sư, phó giáo sư chiếm 1/3.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng việc không phải các đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng giảng dạy như trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tạo ra nghịch lý số lượng giáo sư, phó giáo sư nhiều mà người truyền dạy kiến thức không được bao nhiêu.

“Nhiều người không nghiên cứu hay giảng dạy cũng xin được thỉnh giảng cho đủ tiết còn làm hồ sơ,” ông Khuyến nói.

Theo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, số lượng giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam tính trên tỷ lệ dân số còn rất khiêm tốn. Thế nhưng, nếu phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho những người không thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, dù trên cương vị giảng dạy hay nghiên cứu để tăng số lượng liệu có tốt?


Số lượng giáo sư, phó giáo sư tham gia vào công việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức ít đã đành, hiệu quả nghiên cứu khoa học cũng không cao.

Năm 2017, số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn tăng gần 60% so với năm trước, trong khi số lượng nghiên cứu được đăng trên tạp chí nước ngoài chỉ tăng 17%. Có thể thấy, thành tựu nghiên cứu khoa học vẫn chưa tương ứng sự tăng trưởng nhanh và liên tục về số lượng học giả được phong hàm.

Tính trên số giáo sư, phó giáo sư với lượng bài nghiên cứu khoa học được xuất bản trên tạp chí ISI/Scopus dựa trên số liệu trích dẫn từ Web of Science, trung bình hàng năm, mỗi giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam “sản xuất” được 0,3 nghiên cứu khoa học.


Trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước là Đại học quốc gia Hà Nội với 540 bài trong giai đoạn 2016-2017. Thế nhưng, tính trung bình mỗi giáo sư, phó giáo sư chỉ có 1,3 nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí nước ngoài uy tín. Trong khi đó, con số kỳ vọng với giáo sư là 4-6 bài/năm, với phó giáo sư là 3 bài.

Nếu so sánh với khu vực, số lượng nghiên cứu công bố trên tạp chí ISI/Scopus của Việt Nam cũng tụt hậu so với Thái Lan hay Singapore. Ước tính, đến năm 2030, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ bằng Singapore hiện tại. Đến năm 2025, Việt Nam bằng Thái Lan năm 2016.

Không chỉ số lượng ít, chất lượng các công bố thông qua chỉ số trích dẫn của Việt Nam cũng kém so với các nước ASEAN, nhất là Philippines và Singapore. Bên cạnh đó, một vấn đề nhiều nhà khoa học quan tâm là nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều "ngoại lực". Có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung hoặc hợp tác với người nước ngoài.


Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Tâm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói ngoài việc giảng dạy, giáo sư còn cần có công trình nghiên cứu khoa học chất lượng đăng trên các tạp chí ISI/Scopus và có số trích dẫn cao. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất khoa học của một cá nhân, “đơn vị đo lường” sự nghiệp khoa học. Các tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ khoa bảng đều đặt nặng vào lượng và chất của nghiên cứu.

“Công việc chính của nhà khoa học là giảng dạy và nghiên cứu. Nếu không có công trình nghiên cứu chất lượng và được công nhận thì giáo sư, phó giáo sư đã làm tốt công việc của mình chưa?” bà Tâm nói thêm.

Cùng chung suy nghĩ với bà Tâm, GS Phạm Đức Chính, Viện cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng công bố quốc tế là trách nhiệm của nhà khoa học đóng góp cho tiến bộ chung, cũng là thước đo đánh giá năng lực và lao động của họ. Đó cũng là "tiêu chuẩn thị trường quốc tế" của khoa học.

"Đại học ở các nước phương Tây thường nói công bố hay diệt vong, tức là có công bố quốc tế thì cơ may tồn tại, ngược lại có thể bị loại khỏi hệ thống khoa học,” ông Chính nói.


Ở Việt Nam, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước là đơn vị có thẩm quyền công nhận đủ tiêu chuẩn danh hiệu giáo sư, phó giáo sư. Lễ phong tặng giáo sư, phó giáo sư hàng năm được tổ chức trọng thể ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Một số ý kiến cho rằng việc công nhận và phong tặng đã làm cho chức danh này bị nâng tầm lên quá mức.

“Chúng ta coi giáo sư là học hàm, là chức danh khoa học, trong khi bản chất đây chỉ đơn thuần là chức danh nghề nghiệp”, PGS,TS Trần Tâm chia sẻ với Zing.vn

Giáo sư hay phó giáo sư chẳng qua chỉ là những giảng viên cao cấp (giảng viên hạng I) mà thôi.

“Nếu đưa về mô hình công ty, giảng viên như nhân viên, giáo sư hay phó giáo sư như trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng. Chức danh là căn cứ để xác định trách nhiệm, cũng như quyền lợi và các chế độ phúc lợi giảng viên được nhận: Lương thưởng, phân chia đề tài khoa học, thời gian nghỉ hưu”, chuyên gia này lý giải.

Bản chất giáo sư hay phó giáo sư là những giảng viên/nhà khoa học. Thế nhưng, quy trình công nhận giáo sư ở Việt Nam, dù rất trang trọng và phức tạp, mà lại bị cho là bất hợp lý.

Đây là những chức danh có giá trị trọn đời. Trong khi đó, giáo sư ở nhiều nước do trường đại học (nơi họ làm việc) công nhận và chỉ có giá trị ở tổ chức hoặc cơ sở nghiên cứu thừa nhận.

“Giáo sư, phó giáo sư là giảng viên, được kỳ vọng sẽ truyền dạy kiến thức và nghiên cứu khoa học chứ không chỉ có cái danh xưng được phong tặng”, bà Tâm nhấn mạnh.


Ở các nền giáo dục khác trên thế giới như châu Âu hay Mỹ, cấp độ trường đại học hoàn toàn có khả năng công nhận chức danh giáo sư hay phó giáo sư. Đây đơn giản chỉ là hoạt động tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp cho giảng viên và diễn ra hàng năm.

Quy trình do trường tự quyết định. Hội đồng tuyển dụng hoặc nâng bậc bao gồm thành viên chủ yếu là giáo sư, nhà khoa học cùng ngành/chuyên ngành để thuận tiện cho việc đánh giá. Nhà nước có chăng tham gia vào việc bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư chỉ ở mức đưa ra quy trình và tiêu chuẩn sàng lọc.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước bao gồm 31 thành viên thuộc 31 ngành hoặc chuyên ngành khác nhau, là hội đồng quyết định chính.

“Với hội đồng dàn trải và chuyên môn không tập trung thế này, làm sao có thể đủ khả năng đánh giá để bỏ phiếu đồng ý/không đồng ý cho các ứng viên là giáo sư, hay phó giáo sư không cùng ngành/chuyên ngành của mình?”, bà Tâm đặt câu hỏi.


Giáo dục, khoa học là những lĩnh vực cần hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Điều chỉnh ý nghĩa các chức danh giáo sư, phó giáo sư như tiêu chuẩn của thế giới là việc cần thiết. Danh xưng phó giáo sư trong thời kỳ hội nhập có lẽ cũng nên điều chỉnh thành chuẩn giáo sư để phản ánh đúng thực chất công việc.

Các chức danh giáo sư chỉ nên dành cho những người giảng dạy ở cơ sở nghiên cứu đào tạo và gắn liền công việc trong trường đại học và viện nghiên cứu. Như vậy, việc xác định ai được “bổ nhiệm” vào các chức danh giáo sư sẽ thuộc về thẩm quyền của các trường đại học và viện nghiên cứu thay vì cách thức “phong tặng” của hội đồng như hiện tại.

Với cơ chế như vậy, uy tín của chức danh giáo sư sẽ phụ thuộc uy tín của các trường, viện và ngược lại.


Do bản chất của các chức danh giáo sư khi này gắn liền công việc, đòi hỏi các giáo sư phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về nghiên cứu, đào tạo và học thuật liên tục để duy trì công việc.

Điều này xóa bỏ tình trạng tồn tại các giáo sư không hoạt động học thuật hoặc làm công việc khác không đúng với bản chất của giáo sư. Nhà nước, với vai trò mới, chỉ nên hỗ trợ về quy trình sàng lọc sơ qua để đảm bảo chất lượng ứng viên.

Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng tiến hành việc bổ nhiệm các chức danh giáo sư. Tuy không được thừa nhận chính thức, đó có thể là bước tiến tới hội nhập với các quy chuẩn của quốc tế.

Theo Mình Hà - Hà Phương - Như Ý - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X