Hotline 24/7
08983-08983

Giao mùa, bệnh tay chân miệng dễ bùng phát thành dịch lớn

Trong 2 tuần gần đây, bệnh tay chân miệng ở trẻ gia tăng liên tục, đặc biệt thời điểm này rơi vào thời điểm giao mùa càng khiến dịch dễ bùng phát một cách mạnh mẽ hơn.

Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến 5 và tháng 9, tháng 10.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Phạm Nhật An - Nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ bị nặng hơn. Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh thường là nhẹ và biến chứng không nhiều, nhưng nếu ở thể nặng, biến chứng, có thể gây tử vong và để lại di chứng nặng, nhất là di chứng thần kinh.

Bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng

“Để nhận biết bệnh tay chân miệng - thì đúng như tên gọi của nó, bệnh thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Đầu tiên, xuất hiện các ban đỏ, sau đó các ban đỏ có thể biến thể thành các mụn phỏng ở da, tập trung ở vùng tay, vùng mông, và lòng bàn chân, lòng bàn tay. Thứ hai, trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và lan ra cả môi, cả lợi. Bệnh tay chân miệng có thể kèm theo sốt nhẹ, đứa trẻ kém ăn một chút, một vài trường hợp có triệu chứng đau họng, tiêu chảy nhẹ. Thể nặng có thể sốt cao, giật mình, nôn, bỏ bú, có trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp”- GS An cho biết.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả ngay tại nhà như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (với cả người lớn và trẻ em). Thực hiện tốt công tác vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trẻ bị tay chân miệng thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày, trẻ thường không có triệu chứng gì hoặc chỉ ươn người và biếng ăn. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh như: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Đồng thời phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong, vì đây là bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

"Khi phụ huynh mới phát hiện bệnh ở trẻ thể bệnh nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị tại nhà bằng vệ sinh tay chân sạch sẽ, chăm sóc ăn uống và vệ sinh miệng bằng nước muối loãng. Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng thêm bé có nôn và sốt cao thì bạn nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi và điều trị đúng." - BS An thông tin.

Theo Dạ Thảo - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X