Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến về Kem chống nắng và cách dưỡng da đẹp

Đến 12g45 trưa 1/3, sau hơn 4 tiếng miệt mài làm việc, BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn 43 câu. Xin hẹn gặp lại bạn đọc vào ngày 15/3 tới, với chủ đề "Lão hóa da và cách điều trị".

- Thúy Diễm - diemthuy…@gmail.com

 

Xin chào BS Đoàn Mạnh Khải. Hôm trước bàn tay em xuất hiện những chấm nâu, đi khám thì được chẩn đoán là "Rối loạn sắc tố da".

BS cho mấy loại vitamin, em uống khoảng gần tháng thì chấm nâu mờ đi. Em xin bác sĩ tư vấn loại kem chống nắng nào là phù hợp cho bệnh trên mà không gây tác dụng phụ (em đi nắng khá nhiều). Em cảm ơn BS Đoàn Mạnh Khải.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thúy Diễm mến,

Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại kem chống nắng nào cho vùng tay đều được nhưng phải có SPF tối thiểu là 30 và thoa lặp lại sau 3-4 giờ, đừng quên sử dụng găng tay nếu công việc của bạn phải đi nhiều ngoài nắng.

Bạn có thể tìm mua các loại kem chống nắng hợp túi tiền bán rất nhiều tại siêu thị và nhà thuốc như Sunplay, Biore, UV block,…

 

- Lý Lan Phương - Q.5, TPHCM

BS Khải ơi, bác cho em hỏi: Có phải sử dụng kem chống nắng thì có thể tha hồ phơi nắng mà không sợ bị đen da? Có phải kem chống nắng chỉ số SPF càng cao càng tốt? Kem chống nắng SPF 30 khả năng bảo vệ da gấp đôi kem SPF 15 đúng không ạ? Chúc BS Khải ngày thứ 7 vui vẻ.



BS Đoàn Mạnh Khải: "Sai lầm của phụ nữ Việt Nam là chỉ chú trọng làm trắng da mà quên mất việc chống nắng"

BS Đoàn Mạnh Khải:

Lan Phương thân mến,

Kem chống nắng chỉ giúp kéo dài thời gian bảo vệ da của bạn so với khi không sử dụng. Kem chống nắng không có khả năng bảo vệ da hoàn toàn 100% nên khi sử dụng kem chống nắng không có nghĩa là chúng ta tha hồ phơi nắng mà cần phối hợp các phương pháp chống nắng khác như đeo khẩu trang, đội nón rộng vành…

Chỉ số SPF càng cao thì thời gian bảo vệ da càng kéo dài. Thời gian bảo vệ này tùy thuộc vào cá nhân, chủng tộc, màu sắc da, vùng địa lý, mùa trong năm… và không thể hoán đổi ra 1 khoảng thời gian nhất định chung cho tất cả mọi người.

Khả năng bảo vệ của kem chống nắng không tăng hoàn toàn theo tỷ lệ thuận với chỉ số SPF. Kem chống nắng có SPF 15 bảo vệ bạn được khỏi 93% tia UVB, SPF 30 cản được 97%, SPF 50 cản được 98% và khi SPF tăng lên đến 80- 100 cũng chỉ bảo vệ bạn khoảng 98,7% mà thôi. Đối với khí hậu và vùng địa lý của Việt Nam chỉ số SPF được khuyến khích sử dụng là SPF 30 hoặc SPF 50+, và nên thoa lặp lại sau mỗi 3-4 giờ.

 

 

 

- Hoài Thương, An Cựu - Huế

Nên bôi kem chống nắng trước khi ra nắng bao lâu bác sĩ ơi? Khi trời âm u thì không cần kem chống nắng phải không ạ? Em vừa đi biển về, còn 1 tuýp kem chống nắng, em có thể sử dụng kem chống nắng toàn thân để thoa lên mặt không? Xin chân thành cảm ơn!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Hoài Thương thân mến,

Kem chống nắng phải được bôi trước khi ra nắng từ 20- 30 phút để các thành phần của kem có thời gian “ngấm” vào da và phát huy tác dụng.

Tia cực tím từ mặt trời (UVA, UVB) không cảm nhận được bằng mắt thường, xuyên được qua mây, mưa, qua cửa kiếng nên khi trời âm u vẫn có tia cực tím và bạn vẫn phải nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ.

Bạn có thể sử dụng kem chống nắng toàn thân cho vùng mặt. Tuy nhiên, độ nhạy cảm của da trên mỗi vùng cơ thể khác nhau (đặc biệt vùng da mặt rất nhạy cảm), do đó tốt nhất là ưu tiên sử dụng các sản phẩm chống nắng chuyên biệt cho vùng mặt.

 

- H.T.T

Em da nhờn, chị gái em da khô. Với các loại da khác nhau thì nên chọn kem chống nắng thế nào? Hạn sử dụng của một lọ kem chống nắng sau khi mở lọ rồi là bao lâu? Em cảm ơn.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Bạn thân mến,

Kem chống nắng có thể phù hợp cho tất cả mọi loại da, tuy nhiên đối với da nhờn bạn nên lựa chọn các sản phẩm với màng chống nắng có thành phần vô cơ (oxit kẽm, oxit titan) chiếm ưu thế. Đối với da khô, nên sử dụng loại kem chống nắng có kèm các thành phần giữ ẩm (axit hyaluronic, alo-vera, vitamin E…).

Thông thường, thời gian sử dụng của kem chống nắng sau khi mở hộp từ 12- 18 tháng, bạn có thể kiểm tra chính xác thời gian này nhờ biểu tượng lọ thuốc mở nắp (có ghi 6M hoặc 12M…) được in trên tuýp thuốc kem chống nắng.

 

 

- Vũ Thị Bích Dân, Nguyễn Trần Phương

Thưa BS Khải,

Sau sinh bao lâu thì được bôi kem chống nắng? Khi trang điểm hàng ngày thì luôn luôn phải bôi kem chống nắng đầu tiên rồi mới bôi các loại kem khác không ạ?

Thoa kem chống nắng nên thoa trước rồi sau đó thoa kem dưỡng da? Cách nào hiệu quả hơn, thưa bác sĩ? Cảm ơn BS Khải đã dành sáng thứ 7 quý báu cho bạn đọc AloBacsi chúng em!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Bạn Dân, bạn Phương thân mến,

Bạn có thể sử dụng kem chống nắng ngay sau sinh vì kem chống nắng an toàn cho phụ nữ có thai và trong giai đoạn cho con bú. Kem chống nắng chỉ phát huy tác dụng khi được thoa áp sát trên da, do đó nếu bạn không có sử dụng loại thuốc điều trị da nào (trị nám, thâm, dưỡng da…) thì kem chống nắng phải được ưu tiên thoa trước các sản phẩm dùng để trang điểm.

Trường hợp bạn có sử dụng các loại kem dưỡng hoặc thuốc điều trị da thì kem chống nắng được thoa sau các loại thuốc điều trị này rồi mới đến các loại sản phẩm trang điểm (son môi, phấn nền). Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả chống nắng, kem chống nắng phải được thoa lặp lại sau mỗi 3- 4 giờ.

- Lan Nguyen - nguyenhoang…@gmail.com

Kính chào BS!

Khoảng 2 năm trở lại đây cháu thường xuyên bị mụn trứng cá ở 2 má. Mụn thường là mụn đầu trắng và mụn đau sưng đỏ. Sau mụn, thường để lại sẹo lõm và vết thâm. Rất lâu khỏi thậm chí có vết mụn đến hơn 1 năm vẫn chưa mờ.

Vì thế, ngày 25/2, cháu có đi khám tại BV Da liễu Hà Nội, BS kiểm tra và kết luận da cháu bị trứng cá, không bị nấm gì cả. Và kê cho cháu 2 loại thuốc bôi là "Anapa" và "Bocidate" và thuốc uống là "Biotin 5mg".

Cháu xin hỏi là với thuốc bôi đó, có thể làm mờ sẹo và vết thâm được không ạ? Và thuốc uống có tác dụng giảm tiết bã nhờn có hợp với da cháu? Vì da cháu là da hỗn hợp; rất khô (đặc biệt là vùng chữ T, kể cả 2 bên gò má bị mụn nữa). Cháu rât mong được giải đáp sớm. Cháu xin chân thành cảm ơn!   

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thuốc bôi Anapa (Tretinon + Erythromycin), Bocidate (acid fusidique) không có khả năng làm liền sẹo nhưng có thể giúp cải thiện vết thâm nhờ hiệu quả trong việc điều trị mụn, ngăn ngừa mụn phát triển, nếu kết hợp việc tránh nắng kỹ.

Thuốc Biotin (vitamin thuộc nhóm B), hỗ trợ trong việc điều trị mụn không có tác dụng làm giảm tiết bã nhờn. Do đó, dựa vào tình trạng mụn của bạn mà BS đã kê cho bạn các thuốc điều trị phù hợp, bạn nên tiếp tục điều trị và tái khám theo lịch hẹn.

- H.Hoa - Đồng Nai

Kem chống nắng Sunplay cho mặt có tốt? Có nên dùng kem chống nắng Sunplay không? Sunplay và Pond’s thì cái nào tốt hơn ạ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào bạn Hoa,
Kem chống nắng được đánh giá là tốt khi dựa vào các đặc điểm sau:

- Thành phần của kem chống nắng: phối hợp thành phần vô cơ và hữu cơ

- Khả năng bảo vệ rộng: cản được cả tia UVA và UVB

- Khả năng bám dính trên da: không dễ bị trôi rửa bởi mồ hôi, nước…

- Không gây kích ứng và tổn hại da

Kem chống nắng Sunplay và Pond’s cả hai đều có thể sử dụng, tuy nhiên để xem có phù hợp với da bạn hay không thì bạn nên thử trước khi lựa chọn để dùng lâu dài.

4
Mỗi lần giao lưu trực tuyến, BS Khải luôn nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc AloBacsi


- Lưu Mai - maithan…@yahoo.com

Dùng kem chống nắng thường xuyên có bị tác dụng phụ không ạ? Vùng da nào không nên bôi kem chống nắng? Cảm ơn BS!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Lưu Mai thân mến,

Chưa có báo cáo nào trên thế giới hiện nay ghi nhận tác dụng phụ của việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên, dù có nhiều trường hợp không thể sử dụng kem chống nắng (chủ yếu do dị ứng với các thành phần của kem chống nắng). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên có hiệu quả làm chậm lại quá trình lão hóa da đến 25%, và người ta khuyến khích sử dụng trong phòng ngừa lão hóa da, cũng như ung thư da do nắng.

Bạn có thể sử dụng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi bày của da (mặt, tay, chân, da đầu…). Riêng vùng mi mắt, môi thì có những sản phẩm dành riêng cho những vùng nhạy cảm này.

Quyên Nguyễn - nguyenthi…@gmail.com

Thưa bác sĩ!

Em xin phép hỏi không liên quan đến kem chống nắng ạ. Chuyện là em bị nổi đốm trắng trên trán, ra nắng không ngứa, đổ mồ hôi không ngứa, nhưng thỉnh thoảng thấy ngứa nhẹ, đốm trắng hơi nổi lên da (tức không phẳng lắm). Em đi khám da liễu vì nghi ngờ lang ben nhưng BS nói không có nấm mà bị chàm khô, không có thuốc chữa. Em rất lo vì thấy nó lan trên mặt nhiều hơn. Xin bác sĩ tư vấn giúp em tình trạng hiện nay với ạ? Có phải em bị chàm khô và nó có lây lan không ạ? Em cần đi khám và điều trị ở đâu thưa BS? Em cảm ơn rất nhiều!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Quyên Nguyễn thân mến,

Sang thương trên da bạn cần phải được thăm khám trực tiếp và làm các xét nghiệm cần thiết mới xác định chính xác được bệnh lý.
Trong trường hợp bạn bị chàm khô (bệnh lý dị ứng) thì sang thương có thể xuất hiện ở vùng da khác nhưng không do lây lan, và bệnh có thể tái đi tái lại trong suốt cuộc đời.
Các thuốc giữ ẩm như Cetaphil, Atopiclair, physiogel có thể giúp ích và làm giảm tình trạng khô da của bệnh lý chàm, bạn có thể thoa nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, bạn nên đến thăm khám trực tiếp và điều trị tại các địa điểm sau: Hà Nội (viện Da liễu TW) TPHCM (BV Da liễu, BV ĐH Y dược…)

- Bích Ngọc - quận Tân Phú

Chào bác sĩ,

Cách đây 3 tuần em có đi khám ở bệnh viện Da liễu em bị ngứa bong da sần da ghê lắm bác sĩ. BV nói em bị viêm da tuyến bã nhờn +AUE, kê toa thuốc cho em gồm Zilevo Fexo Ehosilin Skinsvogil (sữa rửa mặt) em uống 1 tuần thì đỡ hẳn... Sau 1 tuần nữa em đi khám, BV nói em bị mụn, kê toa thuốc: Sedno Ginoel Cyclindox với 1 tuýp thuốc bôi tối: Klenzit-c gel. Uống mới 2 ngày, da em bong tróc hệt như ban đầu nhưng không có ngứa... Em lo quá không biết bị gì không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Bích Ngọc thân mến,

Hiện tượng bong tróc da có thể do bệnh lý viêm da tiết bã hoặc do sử dụng thuốc thoa điều trị mụn Klenzit-c. Do đó, em nên tái khám để BS có thể xác định rõ tình trạng này là bệnh lý hay do thuốc để hướng dẫn em cách sử dụng thuốc hay thay thế các thuốc thoa phù hợp khác.

- Bạn đọc Uyển - Đồng Nai

Chào bác sĩ!

BS cho em hỏi về bệnh sùi mào gà ạ. Em được BS tại BV Da Liễu TPHCM cho biết là em bị sùi mào gà. Hiện em đang điều trị, mỗi tuần đi xịt AL 1 lần... em mới xịt đc 2 lần thì mào gà của em nó đã xẹp bớt. Nhưng sau khi xịt em lại ra chất dịch màu trắng đục, không biết có sao không thưa BS? Liệu có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không ạ? Và nếu em bỏ 1 tuần xịt AL thì các nốt sùi khác có phát triển không thưa BS? Mong BS trả lời em sớm, em cám ơn BS ạ.

 

BS Đoàn Mạnh Khải:

Mến chào Uyển,

AL là phương pháp áp nitơ lỏng nhằm mục đích phá hủy mô tăng sinh do virus HPV (Human papillomavirus) nhờ hiệu quả đông cứng mô bằng nhiệt lạnh. Do đó, sau mỗi lần xịt AL, vùng da điều trị có hiện tượng hoại tử mô và xuất tiết dịch. Chất dịch màu trắng đục mà bạn thấy có thể do hiện tượng xuất tiết dịch của mô hoại tử nên đây là hiện tượng bình thường.

Việc điều trị với AL chỉ có thể tiêu hủy các mô tăng sinh do virus mà không tiêu diệt được virus HPV. Nếu bạn chỉ bỏ 1 tuần điều trị thì không đáng lo lắng nhưng sau đó nên tiếp tục việc tái khám và điều trị để loại bỏ được hết các sang thương nhìn thấy được.

- Nguyễn Thanh - thanhquang…@gmail.com

Chào bác sĩ!

Hôm mùng 7 mẹ cháu có đi khám tại BV Da Liễu và được bác sĩ chẩn đoán là bị mụn cóc ở chân và ngón tay. Mẹ cháu được điều trị bằng phương pháp đốt laser. Nhưng vài ngày sau mẹ cháu lại phải đi đốt tiếp do những mụn cóc mới mọc lên. Bác sĩ nói cứ mụn nào mọc lên thì phải đi đốt tiếp. Bác sĩ có kê đơn thuốc gồm:

- thuốc sát trùng POVIDON

- thuốc bôi PECANCIDIN

- thuốc uống cháu không nhớ tên

Hiện giờ những vết đốt nhỏ hơn đầu đũa thì lành miệng. Còn 3 nốt đốt to khoảng 1-1,5cm bị lõm sâu thì nó không lành được, cứ bị chảy máu khi mẹ cháu đi lại hoặc bình thường thì nó bị chảy nước màu vàng, không khô miệng. Đến hôm nay cũng hơn 20 này rồi.

Vậy bác sĩ cho cháu hỏi làm thế nào để điều trị dứt điểm được để các mụn con không mọc lên nữa.Và 3 vết đốt to kia liệu có phải bị nhiễm trùng không và cần phải điều trị thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn cho. Cháu cảm ơn!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Nguyễn Thanh thân mến,
Nguyên nhân của mụn cóc là do virus sinh u nhú HPV, virus này sau khi nhiễm thường ẩn náu trong tế bào và chờ cơ hội gây rối loạn tăng sinh tế bào bất thường. Việc điều trị các sang thương mụn cóc chỉ giải quyết được các u da nhìn thấy được bằng mắt thường chứ không tiệt trừ hoàn toàn virus HPV trong tế bào và các sang thương nhỏ. Do đó, việc điều trị thường kéo dài và mang tính chất đối phó (có nốt nào thì đốt nốt đó).
Vết thương đốt mụn cóc của mẹ em vẫn còn chảy nước tức đã bị nhiễm trùng, em cần đưa mẹ đi tái khám để BS đề xuất phương án điều trị phù hợp.

- Nguyen Hai - insu…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em có tìm hiểu và đọc bài báo về bệnh zona thần kinh. Em bị zona ở mặt và lan xuống mí mắt, tới nay đã gần 1 tháng: các biện pháp điều trị như uống thuốc và bôi theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ nhưng không mang lại hiệu quả. Ngày thứ 7 em chuyển sang biện pháp tiêm kháng sinh + uống thuốc thì bệnh có thuyên giảm trông thấy, không bị đau rát và khó chịu nữa. Ngày thứ 14 thì bệnh không còn bị lan, các vết thương đã đóng vẩy khô. Thời gian này em vẫn tiếp tục uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên trên đầu, lông mày và phần thái dương bắt đầu xuất hiện các mụn bọc sưng và rất ngứa.

Vậy bác sĩ cho em hỏi: với những triệu chứng như của em thì sử dụng phương pháp gì để điều trị triệt để nhất? Nếu có thể xin bác sĩ vui lòng cho em biết em nên tới bệnh viện nào? Gặp bác sĩ chuyên khoa nào để điều trị hiệu quả nhất? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào Nguyen Hai,

Bệnh zona của em xem như đã tạm ổn vì đã được điều trị sau 2 tuần (ngày thứ 14). Vì vậy, việc xuất hiện của những bọc sưng ở trên đầu lông mày phần thái dương là sang thương của 1 bệnh da khác không liên quan đến zona, có thể do mụn, viêm da hoặc viêm nang lông. Em cần đi khám trực tiếp tại các BV chuyên khoa da. Tại Hà Nội có thể đến khám ở viện Da liễu TW, tại TPHCM khám ở BV Da liễu hoặc BV ĐH Y dược.


- Lê Thị Trinh - quận Tân Bình, TPHCM

Em chào bác sĩ!

Em năm nay 17 tuổi. Chân em hiện giờ rất nhiều vết sẹo thâm cũng như các vết sẹo mờ do hồi nhỏ em cứ bị muỗi chích để lại sẹo. Nhưng lúc nhỏ không biết nên không có trị sẹo liền. Giờ lớn vết sẹo ấy thâm và trông rất mất thẩm mĩ. Liệu những sẹo thâm đó có thể hết được không? Và cách nào có thể trị được lại sẹo mờ và thâm ấy bằng phương pháp tự nhiên nhen BS? Em cảm ơn BS!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào em Trinh,

Hiện nay, những sẹo thâm có thể điều trị để cải thiện màu sắc và cấu trúc sẹo nhờ các phương pháp như thuốc bôi tại chỗ, laser, peeling… Em nên đến khám và tư vấn trực tiếp tại các BV chuyên khoa da hoặc thẩm mỹ để được hướng dẫn cụ thể. Các vết thâm này có thể mờ dần tự nhiên nhờ vào việc tránh nắng kỹ (mặc quần dài, thoa kem chống nắng khi đi biển hoặc khi đi ngoài nắng).

- Nguyễn Thị Thùy Dương - Bình Định

Chào bác sĩ, em muốn hỏi về da em:

Năm em 12 tuổi bắt đầu nổi mụn trên mặt đến 21 vẫn không khỏi và càng bị nặng hơn, mụn nổi theo kiểu li ti nhỏ nhỏ và đỏ ửng lên hết đặc biệt vào những ngày nắng nóng, da mặt nhờn. Trong khoảng thời gian đó em bị mề đay nữa, cứ mỗi lần trời đang nắng chuyển mưa là người em bị ngứa nổi phồng lên từng mảng to và đến bây giờ thì đã đỡ...

Ngoài bị mụn trên mặt ra lưng và ngực cũng bị mà mụn theo kiểu tiềm ẩn dưới da màu trắng làm cho da nhìn không được mịn màng lắm. Em nghe bảo do gan bị nóng và em cũng dùng nhiều loại thuốc mát gan ăn uống kiêng kị rất nhiều nhưng em thấy tình trạng vẫn không thuyên giảm. Xin bác sĩ cho biết em bị gì và làm sao để khắc phục được? Trong gia đình em 3 người bị mụn còn 3 người không bị. Xin cảm ơn!

Thuốc đã dùng: mát gan Boganic, Nhất Nhất, Naturez, dầu cá OMEGA3. Em thường xuyên bị cảm và uống kháng sinh liều cao.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thùy Dương mến,

Mụn là bệnh lý mãn tính, nguyên nhân do nội tiết (tăng tiết bã), chế độ ăn nhiều đường và dầu mỡ hay do môi trường (ô nhiễm không khí, nắng). Việc điều trị cần phải được theo dõi bởi BS chuyên khoa và thời gian điều trị thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp phối hợp hiệu quả trong việc điều trị mụn ngoài thuốc thoa và thuốc uống như là ánh sáng, laser, peeling… Em nên khám bệnh trực tiếp tại BV càng sớm càng tốt để được tư vấn phương pháp điều trị cụ thể để hạn chế những biến chứng có thể để lại do mụn.

- Nguyễn Nhật Minh - Hưng Yên

Cháu bị viêm da cơ địa từ lúc 2 tháng tuổi đến giờ 5 tháng tuổi. Cháu bôi thường xuyên là Fucidin và Euvomate (BS viện da liễu TW kê). Nhưng cứ khỏi được một vài ngày dừng thuốc lại bị mẩn lại. Giờ thì lan xuống bụng, kheo chân, đùi. Sắp có đợt tiêm phòng vacxin 5 trong 1. Không biết cháu bôi Fucidin và Euvomate thường xuyên vậy thì có tiêm chủng được không?

Thuốc đã dùng: Fucidin H, Fucidin, Euvomate, kem dưỡng Ecurin.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào bạn,

Bệnh viêm da cơ địa (chàm thể tạng) thường có xu hướng giảm dần sau 2 tuổi. Cháu cần tái khám thường xuyên và theo dõi điều trị bởi BS chuyên khoa. Việc sử dụng Fucidin và Euvomate thường xuyên không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, tuy nhiên do cơ địa dễ mẩn cảm nên để cẩn thận cháu cần phải test thuốc trước khi tiêm phòng.

- Nguyễn Thị Vân - poo…@yahoo.com

- Cháu năm nay học lớp 8, tóc cháu gần đây bị quăn và rụng đi rất nhiều, bị gãy, thậm chí là khô cứng! Gia đình cháu đã thử nhiều cách nhưng càng ngày tóc cháu càng tệ. Và cháu định tìm mua 1 loại thuốc làm tóc dày và suôn trở lại! Liệu cách đó tóc cháu có trở nên bình thường không ạ???

BS Đoàn Mạnh Khải:

Vân thân mến,

Số lượng tóc rụng ở giới hạn bình thường cho phép từ 100- 120 sợi/ ngày, nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn mức cho phép thì có thể do bệnh lý (nấm) hoặc do dinh dưỡng kém. Cháu cần chú ý chế độ ăn của mình đã đủ chất chưa vì độ tuổi của cháu là độ tuổi đang lớn nên việc chú ý khẩu phần ăn rất quan trọng. Cháu nên đến khám trực tiếp tại BV chuyên khoa da, BS có thể giúp cháu tìm được nguyên nhân nhằm điều trị hiệu quả. Các thuốc là tóc dày và suôn phải được tham khảo ý kiến của BS chuyên khoa trước khi sử dụng.

- Phan My - tigo…@gmail.com

- Chào bác sĩ,

BS ơi, môi em bị thâm đen bẩm sinh do da em cũng đen. Em thấy chị cùng công ty phun đẹp nên em cũng đi phun môi nhưng có điều là cái viền môi không hết được màu đen. Giờ môi em trong màu hồng còn viền môi nó rất là đen trông kỳ cục lắm. Giờ em không biết làm sao mà em thì lại không dám đi phun viền môi nữa. Em chỉ muốn xoá mất cái viền thâm đen đó thôi, có cách nào BS giúp em với. Sau khi phun xong em cũng ân hận, chỉ muốn để tự nhiên nhưng lỡ làm rồi nên em cũng không biết làm sao với cái viền đen này nữa.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào Phan My,

Màu đen của viền môi là màu sắc vốn có của da bạn nên để “tẩy” đi màu đen này là điều không dễ thực hiện, tuy nhiên có thể làm mờ bằng các loại laser sắc tố (nhưng hiệu quả kém với loại da của người châu Á). Do đó bạn có thể cân nhắc, lựa chọn giữa việc tiếp tục phun xăm hay sử dụng 1 loại son môi che khuyết điểm.

- Đặng Thị Thùy Trang - Lâm Đồng

Da mặt tôi bị sần sùi, bong vảy nhỏ li ti, ngứa và rát gần 4 tháng nay. Tôi không sử dụng mỹ phẩm làm đẹp da. Tôi về xứ nóng thì da bớt hẳn. Xin hỏi tôi có thể bị bệnh gì và có nên đến viện da liễu để khám không?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thùy Trang mến,

Da sần sùi bong vảy nhỏ, ngứa và rát là các dấu hiệu chứng tỏ tình trạng da khô và thiếu nước. Điều này được giải thích do bạn ở vùng khí hậu lạnh nên mạch máu nuôi dưỡng đến da thường kém nhằm ưu tiên cho các cơ quan quan trọng hơn, chưa kể không có cảm giác khát nên việc bổ sung đủ nước cho nhu cầu hàng ngày giảm sút dẫn đến da thiếu nước trầm trọng.

Khi bạn ở vùng nóng do hoạt động của các tuyến bã mạnh để điều hòa nhiệt nên da được ẩm hơn và triệu chứng khô da cũng mất dần. Để tránh hiện tượng trên bạn nên uống nước đủ ít nhất 2 lít/ ngày (dù ở khí hậu nóng hay lạnh), sử dụng thêm 1 loại kem giữ ẩm cho da (vùng mặt hoặc toàn thân). Bạn có thể sử dụng các loại kem giữ ẩm như Cetaphil hoặc Physiogel… thoa nhiều lần trong ngày.

- Bạn Trường - An Giang

Chào AloBacsi,

Đã 4 tháng nay da lòng bàn tay và lòng bàn chân của em rất nóng, rát kèm theo lột da và đổ mồ hôi. Hiện nay da lòng bàn tay đã ngừng lột da nhưng da rất mỏng và ửng đỏ, thỉnh thoảng ngứa. Lòng bàn chân thì vẫn nóng rát và lột da. Lúc đầu chỉ lột ở vị trí các dầu ngón chân, sau thì lan vào lòng bàn chân, da khu vực đó rất khô ráp khó chịu. Xin hỏi AloBacsi em bị bệnh gì? và em nên làm gì để bớt nóng rát?

Em có tiền sử men gan cao (chỉ số 80), bị trĩ độ 2, trào ngược dạ dày...

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào bạn Trường,

Các triệu chứng bạn mô tả có thể do bệnh lý chàm (dị ứng) để làm giảm tình trạng trên bạn có thể sử dụng các loại kem giữ ẩm cho da như là Atopilclair, Physiogel hoặc Bridge heel Palm, thoa nhiều lần trong ngày. Hoặc bạn nên đến BV chuyên khoa da để được thăm khám và điều trị cụ thể.

- Vũ Thị Linh - Hà Nội và Bé Ngoan - Bạc Liêu

- Cháu bị bệnh nẻ da vẩy cá từ lúc 3 tuổi. Mùa hè thì bệnh khỏi nhưng mùa đông trời rét thì bị khô và hơi rát. Cháu muốn hỏi bác sĩ là sau khi cháu sinh con liệu bệnh có khỏi không, có thuốc gì chữa được không thưa bác sĩ?

- Cho em hỏi em bị bệnh khô da, nứt nẻ như da rắn bẩm sinh từ nhỏ vì ba mẹ em ai cũng bị như vậy. Có cách nào để điều trị bệnh này không bác sĩ? Là con gái em rất mặc cảm về bệnh này! Em mong AloBacsi tư vấn giúp em. Cảm ơn AloBacsi nhiều!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Mến chào Linh và Ngoan,

Bệnh da vảy cá là một bệnh dị ứng, di truyền nên sau khi sinh con bệnh vẫn có thể xuất hiện mà không khỏi hẳn. Hiện nay, có những thuốc thoa làm giảm triệu chứng khô da như Physiogel, Cetaphil… hoặc Protopic. Những thuốc này có thể sử dụng khi bạn đang có thai hoặc cho con bú.

- Bích Hà - bichha…@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Từ hôm qua khi ngủ dậy em thấy nổi những nốt nhỏ li ti bên mép miệng. Mới đầu nhìn thì em nghĩ bị trốc mép nhưng nó có một nốt khá to và kiểu như có nước bên trong, một số nốt nhỏ. Em cảm thấy ngứa và rát. Vậy bác sĩ có thể cho em biết em bị sao không ạ?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Bích Hà thân mến,

Những sang thương có bóng nước mọc li ti thành chùm ở vị trí xung quanh lỗ tự nhiên (như là tai, mắt, mũi, miệng) kèm cảm giác ngứa, rát thường có nguyên nhân do virus Herpes. Bạn có thể sử dụng xanh Méthylene thoa 2- 3 lần/ngày, sau khi sang thương khô mày, bạn có thể thoa Fucidine 2 lần/ ngày cho đến khi vết thương tróc mày.

- Thái Ánh Dương - Hoa Kỳ và V.N.D.C - Gò Vấp

- Xin chào bác sĩ,

Em hiện đang ở nước ngoài, vì không có bảo hiểm nên ngại đi khám bệnh. Mong BS giải đáp dùm em, mỗi khi em đứng hay ngồi mà để chân chịu lực 1 thời gian khoản 3-4 tiếng thì chân em nổi đốm đỏ rất nhiều, không đau không ngứa. Hoặc là khi bị cấn mép quần thì ngay cái mép đó nổi đỏ theo luôn như vậy. Đốm đỏ giống như máu đông lại khi bị sốt xuất huyết vậy. Bị như thế có nguy hiểm không ạ? Mong BS trả lời em nha, cám ơn BS nhiều!

- Lâu lâu em nổi mẩn ngứa và những vết to nhỏ khác nhau như vết muỗi cắn sau khi chơi thể thao, hoạt động mệt cũng nổi những vết như thế khi em bị tác động như gãi nhẹ, chạm trúng gì là ở đó nổi vết như vậy giống như nổi theo hình dạng đã gãi. Lúc trước khi bị nổi em bị viêm phổi, sử dụng nhiều kháng sinh mạnh, sau khi bị em dùng thuốc giải độc gan nhưng không hết. Em bị gì vậy BS?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Ánh Dương và V.N.D.C thân mến,

Các hiện tượng bạn mô tả là triệu chứng của bệnh mề đay sinh lý (hiện tượng da vẽ nổi) bệnh lý này là bệnh lý dị ứng mà nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ. Mề đay sinh lý không phải là bệnh lý nguy hiểm, để hạn chế các triệu chứng của bệnh bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên, mặc quần áo rộng thoáng, tránh hoạt động thể lực, thể thao quá mức…

Bạn Tấn - Cần Thơ

Chào bác sĩ,

Hiện nay em đang bị ngứa khắp cơ thể, chủ yếu là vùng bụng, nách, lưng, bắp tay và bẹn. Có nhiều hột li ti, khi vỡ lại càng ngứa thêm. Các hột này lan dần ra và ngứa nhất là vào buổi tối. Trước đó em có ăn hải sản nhưng sau 2 ngày mới bắt đầu ngứa và nổi hột, không biết em có bị sán không ạ? Kính mong bác sĩ giúp đỡ!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Tấn thân mến,

Những mụn nước nhỏ li ti ngứa và nổi khắp cơ thể là các triệu chứng của bệnh dị ứng có thể do em ăn hải sản trước đó. Các triệu chứng này mất dần khi các phức hợp kháng nguyên, kháng thể được thải trừ dần qua gan thận. Muốn biết có bị nhiễm ký sinh trùng hay không, em cần phải xét nghiệm máu để xác định chính xác. Em nên đến khám và điều trị trực tiếp tại BV chuyên khoa về da hoặc nội khoa.

- Trần Thị Hoa - TPHCM

Kính chào bác sĩ!

Em tên là Trần Thị Hoa, sinh năm 1991, hiện đang làm tại TPHCM! Hôm nay em có vài vấn đề về sức khoẻ mong BS tư vấn giúp em!

Cơ thể em hay bị ngứa toàn thân, đợt trước khi gãi thì da em bị nổi lằn, đỏ. Bây giờ khi ngứa em gãi thì lại nổi những chấm li ti màu đỏ sau đó chuyển sang màu tím rồi vài ngày sau mới lặn. Dạo này cơ thể em hay nổi những vết bầm (người ta gọi là xuất huyết dưới da), răng chảy máu nhiều lần trong ngày.

Thỉnh thoảng ngực em thấy tức (cảm giác như bị nghẹn thức ăn), mắt hay ngứa, hay bị sổ mũi (thỉnh thoảng trong nước mũi có lẫn máu), mỗi buổi sáng thức dậy, trong cổ em có đàm lẫn máu. Đợt trước em có đi khám nhưng uống thuốc vẫn không hết bệnh. Bây giờ cơ thể em rất hay ngứa.

Trên đây là những triệu chứng bệnh của em. Mong BS tư vấn em bị bệnh gì và cần chữa trị như thế nào, ở đâu không ạ? Chi phí có cao không BS? em rất mong chờ sự tư vấn của bác! Em xin chân thành cảm ơn BS!!!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Mến chào Hoa,

Ngứa da toàn thân có thể gặp trong bệnh lý của da hoặc bệnh lý nội khoa. Trường hợp của bạn không có sang thương da đi kèm nên triệu chứng ngứa có thể là triệu chứng của bệnh lý nội khoa toàn thân. Bạn nên khám bệnh trực tiếp tại BV, làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát về đường huyết, chức năng gan thận, tìm ký sinh trùng… để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị. Tại TPHCM bạn có thể đến các BV có chuyên khoa nội để thăm khám.

- Quang Hùng, 55 tuổi - Hải Dương

Thưa bác sĩ,

 

2 tháng trước tôi bị tai nạn và phải lấy da ở đùi để đi vá. Hiện tại vết vá da của tôi đã khô nhưng thường xuyên lên bọng nước rất rát và ngứa. Hiện tại tôi đã dùng thuốc DD Lastellani theo chỉ định của bác sĩ nhưng cứ hết hôm trước thì hôm sau lại nổi lên không khỏi. Tình trạng này kéo dài khoảng 1 tháng rồi. Và giờ tôi dùng thêm thuốc Fucicort theo chỉ định của bác sĩ đã được 3 ngày. BS Khải có thể tư vấn lại cho tôi được không? Hiện tại tôi bị bệnh huyết áp cao và đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ sung chức năng cho xương.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Anh Quang Hùng thân mến,

Càng lớn tuổi, thời gian lành vết thương càng kéo dài, chưa kể các bệnh lý nội ngoại khoa kết hợp, cách chăm sóc vết thương, cũng làm cho vết thương lành chậm hơn so với tuổi trẻ. Vết thương ghép da của anh đã được 2 tháng vẫn còn nổi bóng nước và ngứa có thể do tình trạng nhiễm trùng hoặc vùng da ghép còn chứa dị vật (mảnh kim loại hoặc mảnh xương vỡ…) làm cản trở sự lành vết thương. Anh nên tiếp tục theo dõi và tái khám thường xuyên. Trong trường hợp vết thương vẫn không lành sau nhiều tháng anh nên tham khảo ý kiến BS điều trị trực tiếp nhằm xác định chính xác nguyên nhân để đưa ra phương án điều trị cụ thể.

- Diem Anh Ngo - diemanh…@gmail.com

Bác sĩ ơi,

Cháu bị té xe ngày 28/12 bị trầy 1 bên gò má và má, giờ vết trầy trên mặt cháu đã khô, lóc lớp da khô đó ra thành 1 mảng to, dưới lớp da khô ấy là lớp da có màu đỏ hồng ạ. Vùng da ấy bóng nhẵn và không lồi lõm gì ạ. Giờ cháu đang bôi kem nghệ, cháu có nên bôi thêm kem Contractubex không hả BS? Chỗ vùng da màu đỏ ấy ngứa lắm ạ, xin BS tư vấn giúp cháu.

BS Đoàn Mạnh Khải:

Diem Anh Ngo thân mến,

Bạn có thể sử dụng kem Contractubex để ngăn ngừa hình thành sẹo xấu, bên cạnh đó việc tránh nắng kỹ để hạn chế tình trạng sạm da sau viêm là cần thiết. Bạn có thể thoa chồng kem chống nắng lên ngay sau khi thoa các thuốc điều trị sẹo và che chắn kỹ khi ra nắng.

- Thu Huyền - Hà Nội

Chân em xuất hiện da màu nâu từ bé, giống như vết nám ở mặt, lúc sinh ra thì không có. Chỗ da màu nâu không có mụn nước, cũng không ngứa ngáy hay khó chịu, nhưng rất ảnh hưởng đến mặt thẩm mĩ. Bác sĩ có thể cho em biết đây là bệnh gì và cách chữa trị được không ạ? Em xin chân thành cảm ơn ạ! Đây là hình ảnh của bệnh ạ.

z

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thu Huyền thân mến,

Sang thương da theo hình bạn gửi kèm là một dạng của bớt sắc tố bẩm sinh do sự tập trung bất thường của tế bào sắc tố ở vùng da đó. Các bớt sắc tố này thường lành tính và chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Phương pháp điều trị các bớt sắc tố hiệu quả hiện nay là laser, tuy nhiên bạn phải cần điều trị nhiều lần thì mới cải thiện. Bạn có thể đến khám và tư vấn trực tiếp tại BV Da liễu Hà Nội.

- Nguyễn Thị Trang - Nghệ An

Thưa bác sĩ!

Cách đây 2 tháng da mặt em nổi mụn, nặn thì không có nhân bên trong. Em nghĩ là do dị ứng vì em ăn gà tần thuốc bắc. Em để vậy đến một tháng vẫn không hết mà còn nổi nhiều hơn nên em mua thuốc nóng gan uống vẫn không hết. Em đi khám da liễu họ nói bị nội tiết tố và cho em thuốc uống và bôi. Em đang bôi thuốc có tên Adapalene Gel Microspheres 0.1%. Thuốc này em bôi được hơn tuần rồi mà thấy không giảm còn thấy lan tỏa khắp mặt với những vết đỏ, thâm nhưng không nổi hăn trên da, nhìn ghê lắm.

Bác sĩ cho em hỏi hiện tượng của em bôi thuốc đó được không, dùng lâu dài có sao không? Hiện tượng lan tỏa như vậy có gì nghiêm trọng đến da không? Và em cũng nói thêm là em đã có gia đình va sinh hoạt vợ chồng rất tồi tệ, hầu như là rất ít. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!

BS Đoàn Mạnh Khải:

Chào Trang,

Các triệu chứng dị ứng do thực phẩm trên da thường không kéo dài đến 1 tháng nếu bạn không tiếp tục tiêu thụ loại thực phẩm gây dị ứng đó. Trường hợp của bạn có thể do các sang thương của mụn và việc điều trị thuốc cần phải có thời gian ít nhất 8- 12 tuần mới thấy được hiệu quả. Thuốc Adapalene bạn có thể sử dụng lâu dài trong trường hợp bạn chưa có ý định sanh con hoặc không có thai trong thời gian sử dụng thuốc. Bạn cần tiếp tục điều trị và tái khám theo chỉ định của BS.

Mụn là bệnh có liên quan đến nội tiết tố nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng của bạn.

- Lê Gia Thùy - dream…@yahoo.com.vn

Chào bác sĩ,

Năm nay em 17 tuổi. Da em trước đây vẫn nổi mụn trứng cá nhưng không nhiều lắm. Vả lại mẹ em nói em đang ở tuổi dậy thì, bị nổi mụn là bình thường nên em không đi khám, chỉ sử dụng sữa rửa mặt và vài loại kem nghệ.

Nhưng dạo này da em bỗng nhiên nổi rất nhiều hạt mụn li ti và ửng lên. Em đi bác sĩ thì được kê cho sữa rửa mặt Teen Dern và kem Vertucid. Sử dụng được 3 ngày, da em bớt ửng đỏ, nhưng mụn vẫn không giảm. Và hôm nay em thấy mặt em da bị tróc ra lốm đốm trắng nhìn ghê lắm. Có phải là em bị dị ứng với thuốc không ạ? Em có nên dừng sử dụng Vertucid hay Teen Dern không?

BS Đoàn Mạnh Khải:

Thùy thân mến,

Hiệu quả của thuốc trị mụn chỉ bắt đầu rõ rệt từ sau 8-12 tuần thoa liên tục. Do đó, chỉ sau 3 ngày sử dụng, mụn sẽ không giảm về số lượng mà có thể nhiều hơn do tác dụng đẩy nhân mụn từ sâu dưới da lên của thuốc.

Vertucid (Adapalene + Clindamycin) có tác dụng diệt khuẩn, giảm viêm, ngăn ngừa hình thành nhân mụn nhưng có tác dụng phụ gây bong tróc da. Nếu em bị bong tróc da nhiều là do tác dụng phụ của thuốc chứ không phải dị ứng với thuốc. Em có thể ngưng sử dụng Vertucid vài ngày, sau đó tiếp tục thoa lại.


- Ái Như - Bình Thuận


BS ơi, vì 1 lần trót dại làm đẹp em đã nối mi, giờ mi giả và thật rụng nhiều, em không biết phải làm sao. BS cho em hỏi, mi thật có mọc lại không ạ?


BS Đoàn Mạnh Khải:


Chào Ái Như,


Việc nối mi thường sử dụng keo dán nên sau khi hết khả năng kết dính của keo thì mi giả sẽ rụng, mi thật vẫn mọc lại vì nang lông mi dưới da vẫn còn. Bạn nên yên tâm, đừng lo lắng nhé.


-  Nguyen Mai Lan - Quảng Ninh


Thưa BS, 2 năm nay em uống Diane35 chỉ để chữa mụn trứng cá, mụn của em viêm đỏ, ngứa, có mủ và để lại sẹo. Sau 1 năm đầu uống thuốc, mặt em hết mụn, da đẹp hơn nhiều, em bỏ thuốc không uống nữa, nhưng sau 2 tháng mụn có trở lại. Em tiếp tục uống thuốc nên da mặt đỡ hơn, em sợ bỏ thuốc lại bị như cũ. Xin BS cho em lời khuyên tốt nhất ạ.


BS Đoàn Mạnh Khải:


Mai Lan thân mến,


Diane 35 được chỉ định điều trị mụn trứng cá ở những phụ nữ có hội chứng cường androgene, tuy nhiên thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài.


Ngoài Diane 35 còn có rất nhiều phương pháp điều trị mụn hiệu quả, bạn nên đến khám trực tiếp tại BV chuyên khoa da để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.


 

 

Mời bạn đặt câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc gửi về email kbol@alobacsi.vn - để được BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn trực tiếp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tha thiết được “trao đổi trực tuyến với BS Khải” về làm đẹp, chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ... mỗi tháng BS Đoàn Mạnh Khải sẽ đăng đàn giao lưu trực tuyến 2 lần vào thứ bảy (đầu và giữa tháng).

Chủ đề giao lưu trực tuyến ngày 15/3: Lão hóa da và cách điều trị (Tư vấn cho các trường hợp bạn đọc bị nám, da có nhiều nếp nhăn, lỗ chân lông to, da có những đốm nâu, da khô, da mặt chảy xệ ...)

>> Xem nội dung GLTT của BS Khải - kỳ 2 "Sử dụng mỹ phẩm sao cho hiệu quả"

>> Xem nội dung GLTT của BS Khải - kỳ 1 "Chăm sóc da và làm đẹp"

AloBacsi cùng bạn đọc trân trọng cảm ơn tấm lòng của BS Đoàn Mạnh Khải, dù rất bận nhưng vẫn nhiệt tình chia sẻ những kiến thức quý giá.

Trân trọng.

AloBacsi.vn

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X