Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến: Bệnh đau mắt đỏ làm sao để phòng ngừa?

Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng thường dễ phát hiện, dễ lây nhưng lành tính và ít để lại di chứng. Hãy cùng BS Hoàng Cương tìm hiểu cách phòng ngừa và xử trí căn bệnh này.

BS Hoàng Cương - BV Mắt Trung ương tư vấn về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng ngừa

Câu hỏi 1:

Tôi có một cháu 5 tháng tuổi. Mắt cháu đỏ ghèn nhiều, đi khám ở BV Nhi Đồng bác sĩ chẩn đoán là viêm kết mạc, cho uống thuốc một tuần thì khỏi nhưng thời gian sau tái lại. Mới sáng ngủ dậy mắt cháu hay bị sưng. Xin hỏi bác sĩ cách phòng bệnh đau mắt cho trẻ như thế nào để hạn chế tình trạng đau mắt. Tôi xin cám ơn. 

BS Hoàng Cương tư vấn:

Chào chị,

Cháu bé 5 tháng tuổi, viêm kết mạc tái đi tái lại nên thông thường chúng tôi phải kiểm tra xem cháu có bị viêm tắc lệ đạo kèm theo hay không, có bị quặm bẩm sinh hay không…

Những lý do vừa nêu sẽ làm viêm kết mạc không thể khỏi dứt điểm. Bạn nên quay lại bác sĩ mắt của mình và nêu ra những băn khoăn của bạn. Nhất định bác sĩ đó sẽ phải đi tìm lý do và khắc phục sớm cho con bạn.

Câu hỏi 2:

Chào bác sĩ
Em bị đau mắt đỏ một lần, khoảng một tháng mới hết. Sau khi hết thì lâu lâu mắt lại nổi đỏ, không ngứa, không sưng nhưng nhìn khá mất thẩm mỹ. Mỗi lần đỏ như vậy em nhỏ thuốc mắt loại nước mắt nhân tạo, thì mắt sẽ hết đỏ. Xin hỏi thuốc này em nhỏ thời gian dài thì có sao không, và mắt đỏ của em có cách nào chữa hết hẳn được không?


BS Hoàng Cương tư vấn:

Sau viêm kết mạc dịch, khoảng 10 - 20% bệnh nhân sẽ có những biến chứng khác nhau khô mắt, viêm giác mạc, xuất huyết kết mạc… Thường bệnh nhân sẽ than phiền là mắt mình “yếu đi”.

Trường hợp của bạn, nếu tra thuốc nhỏ mắt nhân tạo mà bạn nói là dễ chịu thì nhiều khả năng bạn bị khô mắt sau viêm kết mạc. Bạn nên kiên trì nhỏ thuốc trong một tháng, uống một đợt thuốc bổ mắt tổng hợp là ổn định.

Câu hỏi 3:

Bác sĩ cho tôi hỏi, con tôi mắt bị đổ ghèn nhiều, dưới đuôi mắt hơi đỏ đỏ. Tôi cho con uống thuốc, nhỏ mắt bằng thuốc rửa mắt 0,9% thì ngày hôm sau mắt bớt đỏ nhưng còn ghèn nhiều. Như vậy con tôi có bị đau mắt đỏ không?

BS Hoàng Cương tư vấn:

Ra gỉ (ghèn) là dấu hiệu viêm nhiễm kết mạc. Gỉ màu vàng và xanh thường do vi khuẩn. Gỉ màu trong suốt, lẫn nước, phải lau chùi liên tục thường do virus. Nước muối chỉ có tác dụng rửa trôi gỉ mà không có tác dụng diệt mầm bệnh.

Do vậy gỉ mắt vẫn xuất hiện. Bạn nên cho con khám chuyên khoa mắt. Nếu cháu có viêm mũi họng hay đường hô hấp trên thì nên khám cả chuyên khoa nhi nữa.

Câu hỏi 4:

Thưa bác sĩ, mắt con tôi thường bị đỏ và ngứa. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách phòng ngừa. Tôi chân thành cám ơn.

BS Hoàng Cương tư vấn:

Trên 85% bệnh nhân có biểu hiện ngứa mắt là do các loại viêm nhiễm liên quan đến dị ứng. Ngứa mắt thường đi kèm với viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, chàm… các bệnh dị ứng.

Bạn có thể tra nhỏ mắt những thuốc chống ngứa tại chỗ như opcon A và các loại nước mắt nhân tạo. Nếu không đỡ có thể đi khám để lấy đơn thuốc mạnh hơn và đặc trị hơn.

Câu hỏi 5:

Cho tôi hỏi, mắt của tôi có hiện tượng nhìn ánh sáng bị chói và sợ, mùa đông thì cứ kèm nhèm, đọc tin buồn tự nhiên chảy nước mắt nhiều. Xin bác sĩ tư vấn về căn bệnh mắt này, xin cám ơn. 

BS Hoàng Cương tư vấn:

Rất nhiều người bình thường cũng giống bạn: đọc tin buồn thì buồn nên chảy nước mắt, nhìn lên mặt trời thì thấy chói mắt, mùa đông thì buồn, mùa hè thì vui hơn… Bạn thử uống một đợt vitamin bổ mắt tổng hợp xem sao?

Câu hỏi 6:

Con trai 4 tuổi tôi bị đau mắt đỏ, dù đã cố phòng tránh nhưng hai vợ chồng tôi vẫn bị lây. Vì biết mình bị đau mắt thường kéo dài, nên lần này tôi không đi khám mà tự đi mua thuốc về nhỏ. Cứ nghĩ đã dùng thuốc này thì sẽ nhanh khỏi nhưng tôi nhỏ hết một tuần mà mắt mới chỉ đỡ, tôi lại tiếp tục nhỏ thêm một tuần nữa.

Mới đây để ý tôi được biết lọ mình thuốc mình nhỏ có chứa corticoid. Tôi nghe nói nếu dùng nhiều có thể dẫn đến bệnh thiên đầu thống. Tôi muốn hỏi là tôi nhỏ thuốc gần 2 tuần như thế có nguy cơ bị bệnh không?

Bị đau mắt đỏ thì cần điều trị và dự phòng như thế nào để nhanh khỏi? Năm nào tôi cũng bị đau mắt đỏ, thường lây sang cả nhà. Xin cảm ơn bác sĩ. Nguyễn Hoàng An, 37 tuổi, Hà Nội

BS Hoàng Cương tư vấn:

Điều trị theo kinh nghiệm, truyền miệng hay mách bảo nhau là một thực tế hay gặp trên bệnh nhân Việt nam, với đau mắt dịch cũng vậy. Các thuốc có chứa corticoid khi được chỉ định đúng sẽ khiến đau mắt đỏ lui giảm nhanh, các khó chịu của bệnh nhân cũng lui giảm tương ứng.

Ngược lại các biến chứng có thể là bội nhiễm nấm, vi khuẩn hay virus herpes. Dùng lâu dài có thể gây glôcôm, đục thể thủy tinh. 2 tuần là ngưỡng an toàn của thuốc nên bạn có thể yên tâm.

Câu hỏi 7:

Xin chào bác sĩ. Tôi có con trai 5 tuổi. Cháu gặp tình trạng mắt bên phải bị đỏ, tôi dùng nước muối để nhỏ thì một hai ngày thì bớt đỏ, nhưng sau đó lại bị đỏ lại. Cháu nói là mắt bị ngứa và hay lấy tay để dụi thì mắt bị đỏ lại.

Tôi cho cháu đi khám, bác sĩ cho chai thuốc về nhỏ mắt, chỉ được một vài ngày thì cháu lại bị đỏ và ngứa mắt lại (đặc biệt là mắt bên phải nặng hơn) và tình trạng này đã kéo dài từ 2 tháng nay cho đến bây giờ. Vì công việc vất vả, tôi không có thời gian để cho cháu đi kiểm tra toàn diện về mắt.

Vậy, xin bác sĩ cho biết là tình trạng này nếu kéo dài như vậy thì sẽ có biến chứng gì nguy hiểm không? Tôi phải cho cháu đi kiểm tra ở đâu để có thể biết được toàn diện tình trạng về mắt mà bé đang mắc phải. Xin cám ơn bác sĩ rất nhiều.

BS Hoàng Cương tư vấn:

Bệnh cảnh của con bạn khiến tôi liên tưởng đến rất nhiều cháu bé trai đến khám tại BV Mắt Trung ương từ đầu hè đến bây giờ. Ngứa mắt tái diễn liên tục, thời tiết càng nóng thì bệnh càng nặng, cháu bé phải day dụi nhiều khiến cha mẹ rất sốt ruột.

Ngưỡng 2 tháng đủ để chúng tôi chẩn đoán cháu bị viêm kết mạc, có lẽ là do dị ứng và mạn tính. Đa phần thể bệnh sẽ liên quan đến mùa nóng. Nếu nặng hơn sẽ bị quanh năm. Khi trẻ gần đến tuổi dậy thì bệnh có xu hướng lui giảm dần và khỏi tự nhiên.

Bạn nên chọn cho mình một bác sĩ mắt và kiên trì theo đuổi. Đừng nên thay đổi bác sĩ để hy vọng bệnh khỏi hẳn. Nếu đúng là viêm kết mạc mùa xuân thì các phương pháp điều trị chỉ giúp bé qua mùa xuân, hè ít khó chịu hơn, giảm thiểu ngứa mắt.

Bạn cũng nên kiêng không cho trẻ ra nắng hoặc đeo kính chống tia UV nếu bắt buộc phải sinh hoạt ngoài trời, kiêng nóng, không đến gần các nguồn nhiệt. Thuốc điều trị dị ứng tại mắt và toàn thân tuy có nhiều nhưng vẫn không có thuốc nào điều trị khỏi bệnh này, do vậy kiêng cữ và chăm sóc trẻ sẽ là biện pháp bổ xung quan trọng.

Nếu bạn muốn có biện pháp tổng thể cho bệnh của con mình thì bác sĩ mắt và bác sĩ chuyên khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng là 2 nơi bạn phải cho con đi khám.

Theo BS Hoàng Cương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X