Hotline 24/7
08983-08983

Giao lưu trực tuyến: Ăn uống giải nhiệt ngày hè

Nên ăn một số món ăn chế biến từ cà chua, trái bơ, sắn dây và đậu ván... để giải nhiệt ngày hè.


Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM, tư vấn về cách ăn uống giải nhiệt trong ngày hè

Câu hỏi 1:

Tôi thường dùng kim ngân hoa, cúc hoa trắng và bồ công anh để uống giải nhiệt và bảo vệ gan. Nếu uống lâu dài vậy có tốt không? Xin cảm ơn. Le Thi My Linh, 42 tuổi

Lương y Đinh Công Bảy:

Chào bạn,

Cây kim ngân còn gọi là dây nhẫn đông, tên khoa học Lonicera japonica Thunb, thuộc họ kim ngân. Theo Đông y, hoa kim ngân có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. 

Thường được dùng chữa mụn nhọt, lở ngứa, ban sởi, mề đay, nhiệt độc, ho do phế nhiệt. Người ta còn dùng hoa kim ngân trị dị ứng, thấp khớp, ngoại cảm phát sốt, ho, phòng ngừa viêm nhiễm đường ruột. Mỗi ngày dùng 6 - 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm nước sôi để uống. Có thể nấu cao thuốc hoặc ngâm rượu.

Bồ công anh có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Thường dùng chữa các bệnh viêm nhiễm, mụn nhọt sưng tấy, đau răng, nhiễm trùng đường tiểu, viêm amidan cấp tính, viêm tuyến vú… Ngày dùng 12g đến 40g.

Cúc hoa trắng còn gọi là bạch cúc hoa, có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, làm mát gan, sáng mắt. Thường dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, nhức đầu, tăng huyết áp, mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt. Ngày dùng 10-15g, dạng thuốc sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Ba loại dược liệu nêu trên là thuốc chữa bệnh, không phải là thực phẩm, thường được phối hợp để điều trị một số bệnh viêm nhiễm nội tạng hoặc ngoài da, theo chỉ định của thầy thuốc. Do đó, bạn không nên sử dụng ba loại dược liệu này lâu dài, như là một phương cách giải nhiệt và phòng ngừa bệnh gan.

Câu hỏi 2:

Mùa hè tôi hay bị nóng trong, có biểu hiện bụng sôi, đi ngoài sậm xoẹt, vậy nên ăn uống như thế nào ạ? Xin cảm ơn bác. Tran Ban, 54 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương

Lương y Đinh Công Bảy:

Nên ăn một số món ăn chế biến từ cà chua, trái bơ, sắn dây và đậu ván.

- Cà chua: Trong y học, cà chua được coi là chất cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng, làm tăng sức sống, giải nhiệt, làm cân bằng tế bào, chống nhiễm khuẩn, lợi tiểu, giúp thải urê, tiêu hoá dễ dàng các loại tinh bột... Cà chua rất thích hợp cho những người suy nhược, ăn không ngon, nhiễm độc mãn tính, sung huyết, thống phong, thấp khớp, thừa urê máu, sỏi niệu đạo và mật, táo bón, viêm ruột.

- Trái bơ rất dễ tiêu hoá, có tác dụng bổ dưỡng, làm cân bằng hệ thần kinh, chống tăng độ acid của nước tiểu và giúp làm hạ cholesterol xấu trong máu. Thường được sử dụng trong các trường hợp như mới ốm dậy, phụ nữ có thai không được khỏe, người làm việc quá sức, trạng thái thần kinh dễ kích thích, đau dạ dày, ruột, gan, mật, thừa acid niệu.

Có thể dùng trái chín mềm để ăn, hoặc chế biến thành những món ăn khác nhau như bơ trộn với nước chanh, cho thêm đường hoặc sữa vào đánh đều hoặc xay thành kem để ăn. Ngày dùng 1-2 trái (khoảng 400-800g).

- Sắn dây có vị ngọt, tính mát, tác dụng trừ phiền nhiệt, làm mát da thịt, giải độc, giãn cơ, thông đại tiểu tiện. Thường dùng trong các trường hợp khát nước, cơ thể nóng nực, nôn mửa, lỵ ra máu, say rượu, mụn nhọt, cảm sốt, nhức đầu, phòng ngừa các loại rôm sảy phát sinh do thời tiết nóng bức.

Dùng củ sắn dây tươi, gọt bỏ vỏ ngoài, rửa thật sạch rồi giã nát, vắt lấy nước, hấp chín để uống. Có thể dùng của sắn dây nấu chín, lấy nước để uống thay nước trà, hoặc dùng bột sắn dây hòa với nước sôi để uống.

- Đậu ván trắng có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng hòa ngũ tạng, kiện tỳ, trừ phong, trừ thử nhiệt. Thường dùng trong các trường hợp cảm nắng khát nước, nôn mửa, ngộ độc rượu, tiêu chảy, ăn uống kém.

Dùng loại đậu ván già, phơi hoặc sấy khô, rang chín vàng để nấu nước uống giải nhiệt, giải khát vào mùa nắng nóng. Một gia đình 4 - 5 người chỉ cần dùng khoảng 100g đậu ván rang vàng, nấu với 3 - 4 lít nước là sẽ có một món giải khát bổ dưỡng, an toàn và ngon miệng.

Câu hỏi 3:

Xin Lương y cho biết một vài loại lá cây quanh ta nấu nước uống tốt cho cơ thể vào mùa hè. Levany, 44 tuổi, Tuy Hòa - Phú Yên

Lương y Đinh Công Bảy:

Chào bạn,

Một số cây cỏ thông dụng nên dùng trong những ngày hè oi bức như rau má, atisô, rau đắng, nhân trần, cúc hoa, sương sâm, lá sen, bông súng, nha đam, khổ qua, dừa...

Nếu bị thử nhiệt (trúng nắng nóng, say nắng) có thể dùng hột é, mủ trôm, mủ gòn, dưa hấu, hương nhu, đậu ván, đậu xanh, sắn dây, mía lau, diếp cá, rau sam, sữa đậu nành, đậu hủ, bột củ dong...

Ngoài ra có thể dùng rau câu, mã đề, đậu đen, rễ cỏ tranh, râu bắp, củ sen, ý dĩ, đậu đỏ, bí đao, rau muống, mộc nhĩ... Cần lưu ý là sử dụng luân phiên, không nên chỉ dùng một thứ trong nhiều ngày. Những người có tình trạng lạnh bụng, thường đi tiêu lỏng nên thận trọng khi dùng những loại cây cỏ có tính mát, tính hàn.

Câu hỏi 4:

Kính gửi Lương y. Mùa hè này đúng là ăn cái gì cũng thấy nóng nhất là những đồ nhiều dầu mỡ. Trong người cháu lúc nào cũng thấy hầm hực. Cháu muốn ăn cái gì đó giúp làm mát cơ thể từ bên trong. Bác tư vấn giúp cháu với ạ. Lê Hiếu, 31 tuổi, Đống Đa - Hà Nội

Lương y Đinh Công Bảy:

Vào mùa hè nên thường xuyên dùng những loại rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt, nhiều nước.

Rau xanh các loại là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam. Rau cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, các vitamin bảo vệ cơ thể, các chất khoáng vi lượng...

Đặc biệt là chất xơ giúp chữa và phòng ngừa táo bón, ngăn cản việc tạo thành sỏi mật, phòng ngừa tăng lipid máu dẫn đến xơ vữa động mạch, cao huyết áp, béo phì …, phòng ngừa ung thư trực tràng, giảm nguy cơ tiểu đường …

Trong rau gia vị có chất kháng sinh thực vật, tác dụng sát khuẩn và kích thích tiêu hóa. Các hoạt chất sinh học trong các loại rau (rau má, diếp cá, ngò, xà lách xoong, mướp đắng, bí đao, súp lơ xanh…) cũng rất có ích trong việc điều trị những chứng bệnh thời đại.

Cần lưu ý khi cơ thể thuộc tạng nhiệt, thường có các biểu hiện như người nóng bứt rứt, khát nước, lóng bàn tay, lòng bàn chân nóng, phiền nhiệt, táo bón, đi tiểu vàng, tiểu gắt, nước tiểu ít, bụng xót cồn cào, mắt đỏ, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, thường ra mồ hôi trộm, dễ bị rôm sảy, mụn nhọt, lở ngứa… thì không nên ăn các thức ăn, các món ăn có tính nhiệt, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, nướng… mà nên dùng các thức ăn có tính mát như:

Đậu xanh, đậu đen, rau má, rau mồng tơi, bí đao, mướp đắng, giá đậu, rau đắng, rau đay, rau sam, đậu bắp, củ sen, ngó sen, bông súng, bông điên điển, rau nhút, hoa hiên (kim châm), củ cải, súp lơ, rau diếp quăn, các loại cải, cà chua, dưa leo, thịt vịt, nghêu, sò, ốc, hến, tôm nước ngọt, cá lóc, cá thác lác, rùa, ba ba, cua đồng, cua biển…

Câu hỏi 5:

Tôi hay bị nhiệt miệng vào mùa hè, tôi nên ăn những thực phẩm nào để hạn chế nhiệt miệng? Nguyen Thi Phuong, 25 tuổi

Lương y Đinh Công Bảy:

Bạn nên dùng một số trái cây nhiều nước, ít ngọt như dưa hấu, thanh long, nước dừa, dưa leo, cà chua… Vào mùa hè nắng nóng, không nên dùng hoặc hạn chế dùng các loại trái cây thuộc nhóm dương tính, có tính nóng, ấm, vị ngọt đậm, nhiều đường như nhãn, xoài chín, mít, na, vải, sầu riêng... hoặc các trái cây khô. 

Trẻ nhỏ nếu ăn nhiều trái cây quá ngọt sẽ dễ bị rôm sảy, mụn nhọt, đau mắt đỏ, lở miệng.

Câu hỏi 6:

Kính chào bác Đinh Công Bảy! Hàng ngày tôi thường đi đá bóng, hay chơi thể thao và sau buổi tập luyện thường hay uống nước mía vỉa hè hoặc thỉnh thoảng cũng làm vài chai bia.

Dĩ nhiên tôi thấy uống bia hoặc uống nước mía rất mát mẻ và cảm giác cơ thể mình được giải nhiệt. Vậy theo bác tôi uống những thức uống đó sau buổi tập thể thao liệu có phải là cách giải nhiệt đúng hay không? Xin cảm bác rất nhiều. Trịnh Văn Đức, 30 tuổi, Suối Tre- Long Khánh- Đồng Nai

Lương y Đinh Công Bảy:

Sau khi tập luyện thể dục thể thao, cách giải khát tốt nhất vẫn là nước sôi để nguội hoặc làm mát, nước khoáng. Không nên uống bia và có thể dùng nước mía, nước trái cây để giải khát và bồi bổ cơ thể. Uống nước mía cần chế biến vệ sinh, sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, để tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhất là trong những ngày hè nắng nóng.

Bạn có thể ăn thêm chuối và một số món chế biến từ chuối.

Câu hỏi 7:

Cho em hỏi là ăn nhiều thanh long và chè đậu đen có tốt hay không? Nguyễn Hoàng Phúc, 20 tuổi, Tân Bình, TPHCM

Lương y Đinh Công Bảy:

Chào bạn,

Theo Đông y, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, mát phổi, trừ đàm, làm giảm ho do nhiệt. Người ta sử dụng quả thanh long để giải nhiệt, giải khát, nhuận trường. 

Đặc biệt, chất nhầy trong quả thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn. Do đó người mập phì, người có hàm lượng cholesterol cao, huyết áp tăng cao nên ăn thanh long. Thanh long còn thích hợp với người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, táo bón kinh niên.

Đậu đen có 2 loại trắng lòng và xanh lòng. Người ta thường loại đậu đen xanh lòng để làm thuốc. Đậu đen giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao, phòng ngừa đột quỵ.

Món cháo đậu đen nấu với lá sen có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tất thích hợp dùng trong mùa hè nắng nóng. Cần lưu ý là chỉ nên dùng đậu đen đã nấu chín mềm, hoặc rang chín.

Vào mùa hè nắng nóng, dùng thanh long và chè đậu đen là rất thích hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý là không ăn chè quá ngọt, không dùng thường xuyên một hoặc hai loại thực phẩm mà cần luân phiên dùng những loại thực phẩm khác (có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc) sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.

Theo Lương y Đinh Công Bảy - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X