Hotline 24/7
08983-08983

Giành lại cuộc sống thứ hai cho chồng từ tay thần chết

Khó mà tin được một người bị đột quỵ tắc động mạch thân nền - “cơn ác mộng của ngành y” đã vượt qua cửa tử, đi đứng trở lại. Điều kỳ diệu đó được tạo nên từ một người vợ dốc sức cứu chồng và tài năng, tấm lòng của vị cứu tinh cho người bệnh đột quỵ.

Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu mà người trong cuộc cảm nhận rõ ràng hơn ai hết. Trường hợp anh N.N.Q. - bệnh nhân tắc động mạch thân nền nặng, y học thế giới kết luận 90% tử vong, nhưng đâu ai ngờ rằng, 2 năm sau,  anh đã hồi phục ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ.

5h30, chiếc xe lăn bánh đưa 5 người trong gia đình chị Hương Giang từ TPHCM xuống Cần Thơ, nhưng trước đó, lúc 4h30, mọi người đã lục tục chuẩn bị đồ đạc. Cũng chẳng có gì nhiều ngoài giấy tờ sức khỏe của anh N.N.Q. (chồng chị Giang, 48 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM). Chị đưa anh xuống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tái khám, đăng ký khám với TS.BS Trần Chí Cường qua tổng đài trước đó.

Lần này còn có ba ruột chị Giang đi cùng. Ông cụ 73 tuổi cảm thấy hơi đau phía sau đầu, muốn kiểm tra mạch máu não. Gia đình 4 người lớn (em trai anh Q. lái xe hơi) và một trẻ nhỏ (con trai thứ của vợ chồng chị Giang anh Q.) xuống Bệnh viện S.I.S tầm 9h30, được nhân viên hướng dẫn đưa lên tầng 2 đợi khám.

Khi chị Giang đẩy xe lăn anh Q. vào phòng khám Thần kinh, bác sĩ Cường vô cùng bất ngờ. Bởi thường những bệnh nhân đã quen biết, họ sẽ liên hệ trước.

Sau khi kiểm tra cho ông cụ xong, thì đến lượt anh Q.. Gặp bác sĩ Cường - ân nhân 2 năm trước đưa anh thoát khỏi cửa tử, niềm xúc động dâng trào. TS Cường kể lại: “Đây là một trong những ca bệnh để lại nhiều ấn tượng nhất trong quá trình hành nghề của tôi.

Lúc nhận bệnh, anh Q. đã rơi vào hôn mê sâu quá rồi, tất cả các bệnh viện lớn đều trả về. Tôi rất băn khoăn, bởi những ca bệnh như anh Q. trên thế giới đều kết luận 90% là tử vong. Nhưng bởi vì vợ anh ấy khóc quá, khóc muốn ngập cái phòng khám của tôi! Chưa bao giờ tôi gặp thân nhân người bệnh nào khóc dữ như chị ấy. Tôi đã nhận ca bệnh và thực hiện can thiệp cho anh Q. tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) vào cuối năm 2017”.

BS Chí Cường thăm khám kỹ càng cho anh Q. - bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi 2 năm trước

Chị Hương Giang tâm sự, cuối năm 2017, anh Q. bị đột quỵ, đưa vào một bệnh viện lớn tại TPHCM, sau khi chụp chiếu cho kết quả anh bị tắc động mạch thân nền nặng nên nhập viện luôn. 4 ngày sau thì anh đột quỵ và thêm 1 tuần nữa rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tiên lượng không qua khỏi.

Lúc đó có người giới thiệu chị với bác sĩ Cường: “Lúc gặp bác ở phòng khám 53 Phạm Hữu Chí, tôi không có một tấm phim chụp chiếu gì trong tay mà chỉ biết khóc thôi. Bác sĩ Cường cũng động viên, nói tôi quay lại bệnh viện xin. Trước đó tôi đã cầm đủ những kết quả này đến các bệnh viện lớn xin cho chồng nhập điều trị nhưng đều nhận lại cái lắc đầu.

Tôi không cam tâm nhìn chồng mình ra đi như vậy nên tìm đến bệnh viện nơi bác sĩ Cường công tác, nhưng lại đúng ngày bác không có lịch khám. Tôi lên mạng tìm số điện thoại của bác Cường và gọi, trong lòng cũng không nghĩ bác ấy sẽ bắt máy vì số lạ mà.

Lúc nghe giọng bác sĩ ở đầu dây bên kia, tôi thật sự cảm ơn trời đất. Bác kêu tôi gởi phim cho phòng trực. Và ngay ngày hôm sau, đúng 8h, bác sĩ Cường đã nhận lời đồng ý can thiệp cho chồng tôi”.

Vừa tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Cường nhanh chóng hội chẩn cùng êkip, bởi anh Q. lúc này đã rơi vào hôn mê sâu. Tắc động mạch thân nền là “cơn ác mộng của ngành y”, đồng thời anh Q. bị bùng phát viêm gan C, tình trạng quá nguy kịch. Mặc dù đã được chuyên gia đầu ngành can thiệp và đặt stent nhưng sức khỏe anh Q. khá tệ, nằm khoa Hồi sức tích cực và thở máy 2 tháng ròng rã. Sau khi tỉnh táo, anh được chuyển lên khoa, tiếp tục nằm thêm 7 tháng trời.

Chị Giang cũng cho biết thêm, sau khi can thiệp, chị có tìm đến bác sĩ Cường nhưng lúc này bác sĩ đã ra về. Trong giai đoạn chăm sóc chồng tại khoa Hồi sức Tích cực, chị cũng chưa gặp được bác sĩ Cường. Nhưng những người em của chị nói ngày nào bác sĩ Cường đi thăm bệnh cũng ghé vào giường của chồng chị kiểm tra các hiệu số sinh tồn và động viên người nhà nên “chiến đấu” cùng bệnh nhân.

Sau khi anh Q. khỏe mạnh và xuất viện, mọi người trong gia đình lại tiếp tục quá trình tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho anh. Trời không phụ lòng người, trải qua những tháng ngày chịu khó và khổ luyện, không chỉ bởi sự cố gắng của anh Q., mà tất thảy mọi người trong gia đình đều chung sức, cả nhà hết sức vui mừng bởi những “thành quả” anh Q. đạt được.

Với niềm tin từ bỏ chiếc xe lăn và dạy con học tiếng Anh, anh đã tập co gập gối, nâng chân, nắm bàn tay, tập đứng… và tập đi. Hiện anh đã có thể đi lại, tự ăn uống, tự phục vụ các nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.

Trước đây, anh làm ở một công ty nước ngoài, điều kiện rất tốt. Bên cạnh đó, anh còn là thầy giáo dạy tiếng Anh. Cũng vì cú sốc này, hiện anh hơi nhút nhát. Tuy nhiên, khi trò chuyện với bác sĩ Cường, anh mạnh dạn hơn. Bác sĩ hỏi anh những câu tiếng Anh, anh trả lời rất mạch lạc, rõ ràng.

Những dòng lưu bút của chị Hương Giang - vợ anh Q. gửi đến BS Cường khiến nhiều người càng có niềm tin mãnh liệt hơn vào những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Được bác sĩ Cường động viên: “Chút xíu bỏ xe lăn nghen, không ngồi xe lăn nữa nghen”, anh Q. đã tự bước đi từ phòng khám ra quầy thuốc, và tự đi thang bộ xuống tầng trệt. Nói chuyện dù chưa được nhiều, nhưng đối với bệnh nhân sau đột quỵ đó là một điều vô cùng bất ngờ.

“Sự hồi phục của chồng là điều kỳ diệu, không chỉ đối với bản thân chồng tôi, mà đó là cả đại gia đình. Tôi đã từng nghĩ rằng, 2 năm trước, nếu không gặp được bác sĩ Cường, thì hôm nay cũng gần ngày giỗ của ảnh.

Gia đình tôi rất quý trọng bác sĩ Cường, bởi đó là một bác sĩ có tâm, đối với bệnh nhân giàu hay nghèo bác đều tận tụy. Tôi nghĩ những khuyết tật của chồng tôi bây giờ, một phần cũng do chúng tôi thiếu hiểu biết. Bản thân mình phải có sự hiểu biết về căn bệnh mà bản thân hay người nhà mình mắc phải, chứ không phải cứ có tiền mình sẽ sống”.

Khi vợ hỏi: “Anh có muốn gửi lời gì đến bác sĩ Cường không? Người cứu anh thoát cái chết đó” - anh Q. bật khóc nức nở, không nói nên lời. Chị Giang giải thích: “Ảnh vậy đó. Cứ nghe đến bác sĩ Cường là ảnh khóc hà. Ảnh ngồi trên xe cứ nói xuống đây gặp được bác sĩ Cường là thấy khỏe”.

Bác sĩ Cường cũng nhắn nhủ đến bệnh nhân: “Trường hợp của anh là thần kỳ lắm đó nghen. Cho nên phải tự tin lên nghen, đi đứng, vận động nhiều chút nghen. Anh còn phải dạy hai đứa nhỏ tiếng Anh nữa chứ”. Anh Q. nở nụ cười, hiền hòa, rạng rỡ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X