Hotline 24/7
08983-08983

Giảng viên - BS Võ Thị Kim Loan “tìm lại giấc mơ trên đất Việt”

Day dứt khi chứng kiến một bệnh nhân ở quê hương phải thở máy suốt 6 tháng ròng, BS Võ Thị Kim Loan tự hứa sẽ trở về để truyền đạt kiến thức về việc cai máy thở. 1 năm sau, chị đã “tìm lại giấc mơ trên đất Việt”, thực hiện lời hứa của mình.

Người phụ nữ nghị lực trên đất Mỹ

BS Võ Thị Kim Loan hiện đang công tác tại Bệnh viện O’ Connor Bắc California. Ảnh: NVCC

Xinh đẹp, yêu thơ, yêu hoa nhưng đầy bản lĩnh, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, sự kỳ thị và khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống, chị - BS Võ Thị Kim Loan luôn khao khát chạm đến ước mơ được học tập và chữa trị cho bệnh nhân.

Khi được hỏi tại sao vẫn tiếp tục chọn công việc đã từng khiến chị phải “nghỉ việc” ở Việt Nam, chị thốt lên: “Trời ơi! Tại vì hồi đó mình chọn học ngành chính là toán, lý, hóa, thành ra qua bển (Mỹ) cái đầu tính toán rất tốt. Các bạn cũng nói đang sống trong khu Thung lũng điện tử thì học computer là tốt hơn. Nhưng gắn bó với bệnh nhân và sinh viên bên đây (Việt Nam) 13 năm rồi, thành thử ra tâm huyết vẫn muốn trở lại ngành y”.

40 tuổi, vốn tiếng Anh mới chỉ có một ít lận lưng nhưng vì quyết tâm “tìm lại giấc mơ” của mình, chị quyết định không làm nail hay làm bất cứ ngành nghề gì khác mà lại chọn học chuyên ngành Hô hấp tại Trường Đại học Cộng đồng Foothill.

Không mơ ước gì xa xôi, không nghĩ mình sẽ cống hiến, lý do chọn công việc của chị rất đơn giản, chị muốn “đụng” đến bệnh nhân. Nghĩa là làm sao để được chữa bệnh cho bệnh nhân, chỉ vậy thôi!

Ở Mỹ, đào tạo bác sĩ, chuyên viên, y tá rất bài bản, chặt chẽ, chỉ cần chút sơ suất có thể ra khỏi ngành. Bản thân chị cũng từng là một bác sĩ, tham gia công tác giảng dạy ở Việt Nam nhưng khi sang Mỹ cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ trước sự khắc nghiệt của môi trường nghề nghiệp.

BS Võ Thị Kim Loan gặp không ít khó khăn trong giao tiếp hàng ngày và giảng dạy, bởi tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, chị đã quen với phong cách Việt Nam, thành ra có những cái chị phải thay đổi và học lại từ đầu.

Chị bảo thời sinh viên ở Việt Nam chỉ ăn với học thôi là đã “cực muốn chết” rồi, huống hồ sang Mỹ một nách hai con, vừa học vừa làm. Mỹ có chế độ trợ cấp cho người nghèo, người thất nghiệp nhưng chị không nhận sự hỗ trợ đó. Cái tính tự lập trong chị đủ mạnh mẽ để khiến chị không ỷ lại vào bất cứ điều gì.

Khó khăn là vậy nhưng 17 năm bôn ba nơi đất khách, chị chưa từng có ý định buông bỏ “giấc mơ”. Mọi người nói chị lỳ. Đúng! Người ta càng không chấp nhận chị, chị càng cố gắng làm cho bằng được. Lỳ để kiên trì đến cùng. Lỳ để theo đuổi đam mê!
BS Loan say sưa chia sẻ về những kỹ năng và kiến thức y khoa hiện đại của vùng Bắc California đến với các giáo sư, bác sĩ tại Việt Nam trong buổi hội thảo diễn ra tại Cần Thơ

Yêu sinh viên và luôn nghĩ cho sinh viên của mình


Luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, BS Võ Thị Kim Loan lắng nghe từng ý kiến đóng góp từ các thầy cô và sinh viên của mình. Sau giờ dạy, nhà trường tổng hợp những phiếu thăm dò ý kiến của sinh viên rồi gửi cho chị để biết được những mạnh mặt, mặt yếu.

Có sinh viên thẳng thừng: “Cô giáo hãy học tiếng Anh cho tốt đi rồi hẵng dạy”, BS Loan cũng không phật ý. Chị chăm chỉ học, chăm chỉ dạy. Mặc dù tiếng Anh của chị không giỏi nhưng sinh viên bên Mỹ rất thích nghe chị giảng, vì chị cách chị dẫn dắt vấn đề giúp họ dễ hiểu.

Thấy sinh viên thi rớt xách túi bỏ về, BS Loan không nỡ. Bởi chị nghĩ, một sinh viên ra khỏi ngành cũng đồng nghĩa với việc người ấy mất trắng 9 năm học và phải bắt đầu lại một ngành khác. Và thế là, chị luôn tạo điều kiện để sinh viên ở lại. Bệnh viện này đuổi thì chuyển sinh viên đến bệnh viện khác để cho họ thêm cơ hội.
"Tìm lại giấc mơ - hành trình trên đất Mỹ", hơn 300 trang giấy là cuộc hành trình dài hơn mười năm của BS Võ Thị Kim Loan, một nữ bác sĩ theo chồng về “miền đất hứa”. Mười năm - một cuộc đời con người thì quá chật chội, nhưng cũng đủ để hiểu một khía cạnh nào đó của con người tha phương, khao khát cháy bỏng tìm lại ước mơ của mình…

Từng bị xem như người tâm thần


Tính chị lạ! Thấy gì mới, thấy gì hay, lập tức trong đầu chị liên hệ ngay đến Việt Nam. Giá như Việt Nam được áp dụng những kỹ thuật tiên tiến này để chữa bệnh cho bệnh nhân, giá như các bệnh viện Việt Nam cũng có cái này như các bệnh viện bên Mỹ… Cứ như vậy, tâm trí chị luôn văng vẳng câu nói bắt đầu bằng hai chữ “giá như”…

Có những chuyện đối với những sinh viên khác rất đỗi bình thường còn chị, chị thấy mới quá, lạ quá! Mà mới, mà lạ thì chị phải tìm hiểu. Tìm hiểu thấy nó hay, nó dở ra sao để còn học hỏi và áp dụng.

Thậm chí đi bên đường, thấy cái máy nhỏ xíu đậu kế bên cũng ngừng lại coi nó là cái gì. Lần đầu tiên thực tập ở bệnh viện, thấy người ta cắt tim đem ra sửa, chị cứ đứng xem hoài, giáo viên đuổi ra, vẫn xin được… xem tiếp.

Đứa trẻ lần trước được phẫu thuật tim nay đã phục hồi, vui chơi trở lại bình thường, chị thấy đó quả là điều kỳ diệu. Chị lại “giá như” bệnh nhân nào sau khi chữa trị cũng có thể khỏe mạnh như vậy.

Có người nghi ngại liệu chị có bị chứng tầm thần gì đặc biệt không? Nhưng chị chẳng quan tâm. Bởi cái mà chị quan tâm không phải là người ta nghĩ gì về chị mà là y khoa ở Việt Nam.

Sau này, khi trở lại quê hương, chia sẻ với báo chí, BS Loan hồ hởi: “Mình rất rất là mừng vì những kỹ thuật gì ở bển là bên đây mình có hết. Nhưng điều quan trọng là máy móc hiện đại thì con người cũng cần cập nhật kiến thức để sử dụng”.

Lý do quay trở lại Việt Nam

BS Võ Thị Kim Loan cùng TS.BS Trần Chí Cường...
và BS Phan Trịnh Minh Hiếu - người giữ dây diều cho TS.BS Trần Chí Cường cất cánh, thực hiện nhiều ước mơ, nguyện vọng. Điển hình là BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Trong lần đi thăm một bệnh viện ở miền Tây, chứng kiến một bệnh nhân phải thở máy 6 tháng không rút ống được, chị tự hứa rằng năm sau sẽ trở về nói với các bác sĩ, điều dưỡng như thế nào về việc cai máy cho bệnh nhân.

Hình ảnh người bệnh thở máy suốt 6 tháng cứ làm chị day dứt mãi. Như vậy làm sao chịu nổi? Chị nghĩ kiến thức của mình không nhiều, không cao siêu nhưng ít nhất cũng giúp các bác sĩ, điều dưỡng hiểu được rằng khi đặt máy cho bệnh nhân phải nhớ ngay câu hỏi: “Chừng nào rút máy thở ra?”. Càng sớm càng tốt! Đừng để bệnh nhân thở máy quá lâu. Vì hệ lụy của máy thở nhiều lắm. 1 giờ cũng là hệ lụy!

BS Loan hy vọng với những gì chị chia sẻ, không “đao to búa lớn” nhưng có thể giúp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, ngay cả những người chưa từng biết về máy thở cũng sẽ hiểu khái niệm về loại phương tiện giúp bệnh nhân “thở”:

“Người theo dõi và chăm sóc bệnh nhân phải là bác sĩ và điều dưỡng. Hiểu được máy thở, sẽ chăm sóc các bệnh nhân thở máy tốt hơn, có thể rút ngắn thời gian thở máy hơn. Rút ngắn thời gian đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường, không còn là gánh nặng cho gia đình, người thân. Thứ hai, giảm bớt chi phí thở máy, vì mỗi ngày thở máy chi phí rất cao”.

Do đó, chị đã nhận lời mời của TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, mạnh dạn trở về để giúp các bác sĩ, điều dưỡng đang nghiên cứu lĩnh vực này tại Việt Nam: “Mặc dù không biết hiệu quả sẽ đến đâu nhưng hy vọng những khiến thức mình truyền đạt sẽ hữu ích với các bạn, để các bạn sau này có điều kiện học thêm những lớp cao hơn của từng dạng bệnh”.

Đã hơn 3 tiếng đồng hồ diễn ra buổi học, nữ giảng viên trở về từ nửa vòng trái đất vẫn hăng say chia sẻ. Giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng, vừa đủ nghe khiến cho gần một trăm khách mời ngồi bên dưới, trong đó có những thầy cô, đồng nghiệp là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cũng hướng mắt, lắng tai nghe chị nói.

Thấy mình nói, mọi người hiểu, gương mặt chị bỗng rạng rỡ, nét vui mừng thoáng hiện lên. Cứ như vậy, chị giảng bài bằng tất cả nhiệt huyết. Chỉ cần nhìn cái cách chị truyền đạt kiến thức thôi, cũng đủ để thấy niềm đam mê của chị dành cho công việc này lớn đến mức nào.

Tìm lại giấc mơ trên đất Việt

BS Võ Thị Kim Loan (thứ 3 từ phải vào) chụp hình lưu niệm cùng người thầy - TS.BS Huỳnh Hồng Châu - BV Đại học Y Dược TPHCM (thứ 4 từ phải vào) và TS.BS Trần Chí Cường (thứ 2 từ phải vào) - Giám đốc chuyên môn BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Trên trang facebook cá nhân của mình, chị không quên gửi lời cảm ơn đến TS.BS Trần Chí Cường và BS.CK2 Phan Trịnh Minh Hiếu:

“Cám ơn hai em, hai cựu sinh viên YK20: Chí Cường và Minh Hiếu -Trường ĐH Y dược Cần Thơ...

Đã biến ước mơ thành hiện thực, và cái quan trọng hơn là sẽ giúp cho bệnh nhân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có một nơi chăm sóc và điều trị hiện đại và hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân bệnh lý mạch não và mạch vành...

Trong nay mai thôi, phòng ốc hoàn thành, những phòng Cath labs, CT scan, MRI, những phòng ICU với trang bị lắp đặt như ICU của bệnh viện O'Connor hay El Camino (Sillicon Valley Hospital) sẽ nằm ngay tại đất Cần Thơ, phương pháp cấp cứu cũng tương tự, kết hợp những trang thiết bị từ châu Âu, và các bác sĩ được đào tạo từ đó sẽ mang điều trị tối ưu.

Với kiến thức, kỹ năng, được học hỏi từ các thầy giỏi trong nước và ngoài nước, cùng với tấm lòng của người thầy thuốc mong muốn giúp cho bệnh nhân thật sự, và được hưởng chế độ điều trị tốt, tránh những di chứng có thể....

Cám ơn các bạn cho tôi cơ hội mang chút kỹ năng và kiến thức y khoa hiện đại của vùng Bắc California, vùng Thung lũng điện tử giúp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não mà cách nay hơn 20 năm tôi đã mang kiến thức suông trên sách vở của giảng đường đại học y dạy cho các bạn...

Rồi hôm nay các bạn đã giúp cho tôi để trả ơn cho đất Cần Thơ, nơi đã giúp tôi trở thành người thầy thuốc, chập chững tạo dựng cuộc đời...

Dù chỉ là kiến thức và kỹ năng của chuyên viên hô hấp, là giảng viên của trường ĐH Cộng đồng miền Bắc California nhưng tôi sẽ cố gắng mang tất cả sự nhiệt tình để làm việc cùng các bạn...”.

BS Võ Thị Kim Loan làm việc tại Bệnh viện O’ Connor Bắc California, và như một trợ lý giảng dạy thực tập ở Trường Đại học Cộng đồng Foothill, cũng là thành viên của Hiệp hội Hô hấp Hoa Kỳ (AARC) và của tiểu bang California (CSRC):

- 1987, ra trường, được giữ lại làm cán bộ giảng

- 1990, được trường cử đi học chuyên ngành hồi sức

- 1994 -1995, kết hôn với Việt kiều Mỹ

- 2000, rời Việt Nam sang Mỹ

- Năm 2007, tốt nghiệp Chuyên viên Hô hấp tại Trường Đại học Cộng đồng Foothill (kết nối Trường Đại học Cộng đồng De Anza và Đại học Stanford)

- 2008, nhận Bằng quốc gia chuyên ngành Hồi sức tích cực trẻ sơ sinh

- 2014, nhận Bằng quốc gia về chuyên ngành Hồi sức tích cực người lớn

- Thành viên Hội Hồi sức Cấp cứu Việt Nam.

- Hội viên danh dự Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tác giả sách “Tìm lại giấc mơ - hành trình trên đất Mỹ”


TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, học trò của BS Võ Thị Kim Loan rất nể trọng người thầy của mình:

“Tôi gặp BS Loan năm thứ 5 và năm thứ 6 rất nhiều, lúc đó chúng tôi là bác sĩ điều trị tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ấn tượng cô Loan để lại với các học trò, không chỉ riêng tôi đó là: cô Loan là cô rất siêng năng, cảm giác suốt ngày cô ở trong phòng Hồi sức. Cô thương bệnh nhân lắm, khám cho bệnh nhân gần như mọi lúc mọi nơi.

Cùng là bác sĩ, hiểu rõ những khó khăn của nghề này, tôi cảm nhận cô Loan là một người phụ nữ rất có ý chí. Ai đã từng đọc cuốn sách của cô thì biết được ở Mỹ thậm chí có những lúc cô phải đi làm nail, vì tấm bằng bác sĩ Việt Nam qua bên đó không được chấp nhận. Cô Loan đã đi học lại từ đầu, và đi học khi đang mang thai, nhưng cô phải gồng gánh hết chuyện gia đình và phải tìm một công việc để trang trải nên rất áp lực.

Tôi rất ngưỡng mộ BS Loan. Chưa chắc tôi đã làm được như vậy. Một người Việt Nam quê miền Tây không có xuất thân đặc biệt nhưng đã vượt lên bằng tất cả nghị lực, đối với tôi đó là một tấm gương rất đáng noi theo. 17 năm sau, tôi may mắn kết nối lại được với cô và mời về giảng dạy ở BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.


Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X