Hotline 24/7
08983-08983

Giãn tĩnh mạch thừng tinh, nguyên nhân gây vô sinh không đáng có

Vợ chồng Mai - Hưng dự định có con ngay sau cưới nhưng 3 năm sau, anh chị vẫn mòn mỏi mong. Đi khám, chị ngã ngửa khi biết chồng mình bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Đây chính là nguyên nhân khiến tinh trùng của Hưng yếu, khiến họ không thể có con.




Cứ 10 đàn ông hiếm muộn thì có 4- 7 người mắc bệnh này

BS.Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương cho biết: giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những nguyên nhân phổ biến làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới. Đây là tình trạng bệnh lý, trong đó tĩnh mạch thừng tinh bị giãn bất thường. Hiện tượng này làm suy giảm dẫn chức năng của tinh hoàn.

Thông thường máu từ tinh hoàn trái được tĩnh mạch tinh hoàn trái dẫn về tĩnh mạch thận trái. Còn máu từ tinh hoàn phải được tĩnh mạch tinh hoàn phải dẫn trực tiếp về tĩnh mạch chủ dưới. Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra do máu của các tĩnh mạch này chảy ngược về chỗ thấp, nguyên nhân thường do các van bên trong tĩnh mạch bị hư hoặc do các tĩnh mạch tinh bị chèn ép bởi các tác nhân khác trên đường đi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 15- 20% nam giới mắc chứng bệnh này và chiếm 40% - 70% ở những người bị hiếm muộn. Theo đó, cứ 10 người đàn ông bị hiếm muộn thì có đến 4-7 người mắc phải tình trạng này.

Giãn tĩnh mạch tinh gặp bên trái nhiều hơn bên phải (80- 90%) và khi một bên bị giãn bên kia cũng có thể bị. Khoảng 35- 40% bệnh nhân có thể sờ thấy giãn cả hai bên khi được thăm khám.

Theo các bác sĩ nam khoa thì hiện nay, cơ chế chính xác gây tổn thương tinh hoàn ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn chưa rõ, có thể do nhiều yếu tố góp phần gây nên. Trong đó, cơ chế tổn thương do tăng nhiệt độ ở bìu được chú ý nhiều nhất. Ngoài ra còn một số giả thuyết ít được công nhận như: trào ngược các chất chuyển hóa từ tuyến thượng thận - thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch, tăng prostaglandine hoặc catecholamine trong tĩnh mạch tinh.

Để phân loại người ta xếp thành 3 nhóm: Giãn tĩnh mạch to: dễ dàng nhìn thấy các búi ngoằn ngoèo trong bìu, giãn tĩnh mạch vừa có thể phát hiện khi sờ vào bìu và giãn tĩnh mạch ít, người bệnh phải ho rặn mới phát hiện được.

Chỉ phát hiện khi khám vô sinh

Ths. BS Phạm Thị Thanh Phương (phòng khám sản khoa- nam khoa Hà Nội) cho biết, đa phần nam giới gặp phải các triệu chứng đau tức, khó chịu ở vùng bìu, nhất là khi hoạt động lâu hoặc làm việc nặng. Nhưng nghỉ ngơi là cơn đau tan biến nên nam giới thường chủ quan không đi khám.

Tuy nhiên giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho nam giới phải đối mặt với tình trạng vô sinh - hiếm muộn. Bởi bệnh làm cho số lượng tinh trùng giảm, chất lượng cũng giảm sút, máu ứ đọng làm tăng nhiệt độ tinh hoàn nên ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.

“Có rất nhiều nam giới chỉ đến khi đi khám hiệm muộn hoăc khám nam khoa mới biết rằng mình đang bị giãn tinh mạch thừng tinh. Do đó, để không phải rơi vào trường hợp bị động, cách tốt nhất là nên dựa vào triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh để nhận biết và đến viện kịp thời” - BS Phương nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, BS.Lý Thái Lộc khẳng định đây là bệnh có thể điều trị được. Nếu trường hợp dãn tĩnh mạch thừng tinh có ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng, gây đau tê vùng bìu, gây teo tinh hoàn…, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật với kỹ thuật vi phẫu. Đây là kỹ thuật mang lại hiệu quả cao, ít gây tái phát. Bệnh nhân sau phẫu thuật có thể về nhà mà không cần nằm lại BV, khả năng phục hồi nhanh, có thể đi làm sau 3-5 ngày nghỉ dưỡng tại nhà. Tỉ lệ phục hồi chất lượng tinh trùng sau phẫu thuật là 70 - 78%.

Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo nam giới nên đi khám và điều trị sớm khi gặp các triệu chứng: đau tức, khó chịu ở vùng bìu với đặc điểm giảm khi nằm nghỉ, tăng khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc vận động nhiều. Bên cạnh đó, người bệnh còn thấy bìu to, thậm chí có thể nhìn thấy các mạch máu ở bìu giãn to hằn lên dưới da (đối với người trẻ tuổi).

Ở trẻ em (bệnh hay gặp ở trẻ trên 10 tuổi). Khi khám bác sĩ có thể sờ thấy thừng tinh dày, có nhiều tĩnh mạch giãn mềm đôi khi nổi ngoằn ngoèo ở dưới da bìu ở phía dưới tinh hoàn, khi sờ vào có cảm giác như “búi giun”.

Ngoài ra, để phòng ngừa nam giới không nên mặc quần lót quá chật, có chất liệu nilon gây ngứa ngáy và ứ đọng mồ hôi. Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng bệnh. Khi có cảm giác khó chịu hay đau ở bìu thì nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được sớm điều trị, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.

Theo N. Huyền - Infonet


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X