Hotline 24/7
08983-08983

Giải quyết việc mất xe máy khi gửi mà không có giấy gửi xe như thế nào?

Giải quyết việc mất xe máy khi gửi mà không có giấy gửi xe là việc vô cùng khó khăn, thường người bị mất là sẽ phải chịu thiệt thòi, mất tài sản một cách oan uổng.

Độc giả Phan Ý Linh (Hoàng Mai, Hà Nội): Bạn tôi có đăng ký tập gym tại 1 trung tâm, đăng ký tập chỉ qua miệng và đóng tiền hàng tháng. Tại đây trung tâm thuê bảo vệ dịch vụ giử xe, nhân viên bảo vệ dịch vụ giữ xe chỉ giữ mà không có giấy gửi xe, mặt dù bạn tôi có đòi. Hiện tại bạn tôi đã bị kẻ gian lấy mất xe khi đang tập gym tại trung tâm.

Bạn tôi đã trình báo công an tại địa phương, công an giải quyết qua thương lượng hòa giải và đưa ra giải pháp:

1. Nhân viên giữ xe của công ty dịch vụ bồi thường cho bạn tôi (nhân viên này nói không có tiền nhiều và hứa bồi thường 18tr, góp 1 tháng 1tr5)

2. Chủ trung tâm phòng gym không hỗ trợ gì thêm.

Bạn tôi không đồng ý vì xe bạn tôi giá trị mới khoảng 42 triệu, mới mua được 1 năm.

Bạn tôi có thể khởi kiện ra tòa được không với thông tin vụ việc như trên?

Giải quyết việc mất xe máy khi gửi mà không có giấy gửi xe là việc vô cùng khó khăn. Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hình thức giao dịch dân sự là: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.”

Căn cứ quy định trên thì giữa nhân viên bảo vệ và khách hàng đã phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản bằng lời nói. Việc giao thẻ (vé) gửi xe là bằng chứng chứng minh cho quan hệ này. Còn trong trường hợp không giao thẻ xe thì cũng đã phát sinh hợp đồng gửi giữ giữa các bên (hợp đồng bằng lời nói). Vậy khi mất xe thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người trông giữ tài sản sẽ như thế nào?

Không ai muốn tài sản của mình bị mất cắp. Nhưng nếu gặp phải trường hợp này, thì khách hàng sẽ nhận được bồi thường từ nhân viên bảo vệ hoặc người trông giữ tài sản. Vì khoản 4 điều 557 Bộ luật dân sự 2015 có quy định nghĩa vụ của người giữ tài sản là “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

Như vậy, người trông giữ xe làm mất tài sản thì phải bồi thường thiệt hại, nếu khách hàng không nhận thẻ (vé) khi gửi xe: (do người trông giữ không yêu cầu lấy vé). Mặc dù lúc này đã phát sinh hợp đồng gửi giữ như đã phân tích ở phần đầu, tuy nhiên khách hàng lại thiếu bằng chứng chứng minh về vấn đề gửi xe, bởi lúc này trong tay không có vé gửi xe do người trông giữ phát hành. Và để có thể đòi được khoản tiền bồi thường này thì khách hàng phải tự mình chứng minh là có mặt tại địa điểm đó, có gửi xe...bằng hình ảnh được lấy từ hệ thống camera... Nếu may mắn ở những nơi có camera, hay có bằng chứng khác chứng minh có gửi giữ thì mới đòi được bồi thường, còn không chứng minh được thì coi như khách hàng sẽ mất luôn tài sản đó. Như vậy, khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi, mất tài sản một cách oan uổng.

Bộ luật dân sự 2015 không quy định mức bồi thường cụ thể mà do các bên tự thỏa thuận với nhau. Mức bồi thường này sẽ căn cứ vào giá trị thực của tài sản mất, thời gian đã qua sử dụng...và theo sự thống nhất của các bên.

Nếu giữa các bên không thể thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì bên mất tài sản có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật để đòi lại tài sản đã mất của mình.

Theo Luật sư Vũ Văn Toàn - Chất lượng Việt Nam
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X