Hotline 24/7
08983-08983

Giải quyết tình trạng khủng hoảng của trẻ lên ba

Con gái tôi hiện 3 tuổi, dạo gần đây cháu tính khí thất thường, hay cáu giận, hờn dỗi, thường có biểu hiện chống đối lại bố mẹ.

Tôi tìm hiểu được biết tình trạng “khủng hoảng tuổi lên 3”. Các chuyên gia có thể giải thích và cách giải quyết tình trạng này là gì? “Khủng hoảng tuổi lên ba” ở bé trai và bé gái có gì khác nhau không?

Làm thế nào với tình trạng khủng hoảng của trẻ lên ba?Làm thế nào với tình trạng khủng hoảng của trẻ lên ba?

Chào bạn!

Trước hết nói đến “khủng hoảng tuổi lên ba” chúng ta cần hiểu rằng đây là một hiện tượng tâm lý bình thường mà bất cứ đứa trẻ nào khi trải qua giai đoạn lứa tuổi này đều gặp phải. Và mức độ biểu hiện khủng hoảng của các trẻ khác nhau là không giống nhau.

Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của “khủng hoảng tuổi lên ba”:

- Bướng bỉnh: Chỉ muốn làm theo ý thích của mình và tự quyết định.

- Ngang ngạnh: Khi không đạt được điều mong muốn, trẻ phản kháng bằng cách khóc ré lên, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu, đạp tứ tung để đạt được mục đích.

- Vô lễ với người lớn: Khi không hài lòng điều gì thì trẻ thường giơ tay đánh, nhéo hoặc nói trống không, nói hỗn với người lớn.

- Chống đối: Làm ngược lại những lời chỉ bảo của người lớn hoặc vi phạm những điều ngăn cấm. Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ "tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn".

- Chuyên quyền: Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh; cái gì cũng muốn thuộc về mình, tính ích kỷ xuất hiện. Nhất là ở trong những gia đình chỉ có độc nhất một trẻ càng thể hiện rõ xu hướng này.

Việc xác định giúp trẻ vượt qua thời kỳ khó khăn này như thế nào từ phía gia đình sẽ có ảnh hưởng lớn tới trẻ khi trẻ vượt qua khủng hoảng ở giai đoạn tiếp theo là “khủng hoảng tuổi thiếu niên”.

Một số nghiên cứu hiện nay cho rằng, nếu trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi lên ba một cách thuận lợi thì khủng hoảng tuổi thiếu niên sẽ êm đềm hơn so với những trẻ mà không vượt qua được khủng hoảng tuổi lên ba hoặc vượt qua một cách tự nhiên mang tính bản năng mà không có sự can thiệp, giúp đỡ của người lớn.

Một vài lời khuyên dành cho bạn để giúp con vượt qua được khủng hoảng độ tuổi lên ba đó là:

Lắng nghe và tôn trọng nhu cầu độc lập của trẻ ở chừng mực cho phép. Bạn có thể cho trẻ được thỏa mãn nhu cầu này bằng cách cho trẻ có một sự tự do trong khuôn khổ, hướng dẫn trẻ một số việc như tự phục vụ ăn uống, vệ sinh cá nhân, giúp đỡ việc vặt trong gia đình cùng người lớn để tính độc lập của trẻ được phát triển mà trẻ vẫn ngoan ngoãn vâng lời.

Để ý kịp thời phát hiện, ghi nhận những khả năng mới của con. Nếu cha mẹ đánh giá đúng đắn và có cách ứng xử khéo léo thì sẽ giúp trẻ vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Ở độ tuổi lên ba, sự chú ý để tâm hơn tới những sự vật, hiện tượng xung quanh ở trẻ thường mạnh mẽ hơn, vì vậy trẻ được coi là bắt chước hành vi rất nhanh. Chính vì điều đó cha mẹ và người lớn trong gia đình cần chú ý làm gương cho trẻ, khiến trẻ học được những hành vi tích cực và hạn chế tối đa những hành vi tiêu cực tránh ảnh hưởng lên con trẻ.

Thay vì ngăn cấm, bao bọc trẻ một cách thái quá thì cha mẹ hãy dạy cho con biết một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân bằng cách đặt ra nhiều tình huống cho trẻ trải nghiệm, xử lý; hoặc thông qua các câu chuyện, trò chơi đóng vai dạy trẻ nhiều bài học bổ ích về hành vi và chuẩn mực xã hội.

Hướng trẻ tới những hoạt động mới để trẻ mở rộng mối quan hệ mới với mọi người xung quanh, chẳng hạn: đăng ký cho con tham gia các lớp học nghệ thuật, kỹ năng sống; cho trẻ đi công viên, đi siêu thị đến chỗ đông người mua sắm, kết bạn.

Và cần lưu ý rằng, thói bưởng bỉnh và tính kiên trì hoàn toàn có ranh giới rất rõ ràng vì vậy cần phân biệt rõ tránh sự nhầm lẫn. Bởi, nếu bé có được tính kiên trì thì cần tạo điều kiện để rèn luyện, còn nếu là bướng bỉnh thì ngược lại phải ngăn chặn, khắc phục…

Chúc bạn thành công trong việc nuôi dạy con cái!

Theo ThS Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Gia đình Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X