Hotline 24/7
08983-08983

Giải pháp làm chậm quá trình giảm thị lực ở người cao tuổi

Một trong những vấn đề nan giải đối với sức khỏe người cao tuổi là thị lực, tuổi càng cao thị lực càng giảm, âu cũng là quy luật.

Tuy nhiên để làm chậm quá trình này 5 vấn đề dưới đây vừa được tạp chí người cao tuổi Grandparents của Mỹ cập nhật được xem là bổ ích, mọi người nên tham khảo.

1. Vì sao tuổi càng cao, mắt lại càng khô?

Theo các chuyên gia nhãn khoa ở Honolulu, khi về già mọi tuyến của cơ thể lão hóa theo, không làm việc hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến màng nhầy. Riêng nhóm phụ nữ mãn kinh lại bị ảnh hưởng nhiều nhất, màng nhầy trở nên khô hơn do hoóc-môn thay đổi.

- Giải pháp: Nên dùng thuốc nhỏ mắt, nhất là nhóm thuốc không có chứa thimerosol và chất bảo quản. Nên uống đủ nước mỗi ngày, nếu khô mắt mãn tính thì nên tư vấn bác sĩ bởi đây là dấu hiệu dẫn đến viêm và mờ mắt. Tùy thuộc mức độ bệnh lý, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc phù hợp, như thuốc nhỏ mắt Restasis sẽ có tác dụng giúp mắt tạo ẩm và ra nhiều nước mắt hơn.

2. Ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến thị lực?

Theo nữ TS Emily Chew, Phó Giám đốc Phân ban Dịch tễ học và Ứng dụng lâm sàng, Viện Mắt Quốc gia Mỹ (NEI), năm 2013, sau khi hoàn thành nghiên cứu bệnh mắt liên quan đến tuổi tác mang tên AREDS2, NEI phát hiện thấy những người có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm vì tuổi tác (AMD) có thể giảm được tới 25% rủi ro nếu dùng liều cao vitamin C, vitamin E, beta carotene và kẽm.

- Giải pháp: nên chú trọng đến thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin, có nhiều trong các loại rau lá xanh như: cải xoăn, súp lơ, bắp cải, rau bina, và trứng. Theo Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ, lutein và xeaxanthin còn có tác dụng phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể ở nhóm người trung cao niên.

giai-phap-lam-cham-qua-trinh-giam-thi-luc-o-nguoi-cao-tuoi

3. Hút thuốc thể ảnh hưởng thế nào đến thị lực?

Cũng theo theo TS Emily Chew, qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học ở NEI phát hiện thấy hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh AMD. Một nghiên cứu do ĐH Duke thực hiện gần đây phát hiện thấy khói thuốc lá và các hóa chất có trong thuốc lá, nhất là hắc ín có thể đẩy nhanh quá trình hình thành cặn và làm dày võng mạc, phát sinh bệnh AMD.

Trong thí nghiệm ở loài gậm nhấm, những con chuột được tiếp xúc với khói thuốc lá ở tần suất cao thường sớm mắc bệnh võng mạc, đặc biệt là bệnh thoái hóa hoàng điểm.

- Giải pháp: nếu trót nghiện thì nên cai thuốc càng sớm càng tốt, còn những người không hút hãy tránh xa người hút thuốc vì hít phải khói thuốc do người hút phả ra, chuyên môn gọi là hút thuốc lá thụ động (passive smoking).

4. Luyện tập cho mắt có tác dụng cải thiện tầm nhìn ?

Glenda Secor, phát ngôn viên của Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ cho biết đến nay chưa hề có bằng chứng luyện tập cho mắt thực sự cải thiện được tầm nhìn. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và áp dụng thủ thuật điều trị chứng suy tụ, hai mắt tập trung nhìn vào một vật khoảng cách gần, như cầm cây bút chì ở phía trước theo các cự ly khác nhau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu do NEI tài trợ thì thủ thuật cải thiện sự tập trung tầm nhìn nói trên không hiệu quả so với liệu pháp vờ (placebo).

- Giải pháp: chấp nhận sự lão hóa theo quy luật và tìm những giải pháp mang tính khả thi hơn.

5. Đeo kính đọc sách làm cho thị lực tồi tệ hơn?

Sự thực của vấn đề này là đeo kính chỉ giúp tập trung ánh sáng, nhìn rõ chứ không thay đổi liệu pháp điều trị tầm nhìn cho con người. Khi đeo kính, mắt con người nhìn rõ hơn nhưng sau khi bỏ kính ra khả năng thị lực của mắt không thay đổi, có nghĩa bệnh không khắc phục được.

- Giải pháp: nếu là lão thị khi đọc, nhìn gần cần dùng kính hội tụ (kính lão). Trước khi dùng kính nên khám chuyên khoa mắt để chọn các thông số kính cho thích hợp và nên dùng kính không màu.

Thông thường, dùng kính sau 3-5 năm phải thay số mới, nếu quá 5 năm vẫn đọc được, hoặc dùng kính số thấp hơn kính đang dùng mà thấy rõ hơn, có thể đã bắt đầu bị đục thể thủy tinh, cần phải đi khám chuyên khoa mắt để xác định nguy cơ và can thiệp kịp thời.

Theo Khắc Hùng - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X