Hotline 24/7
08983-08983

Giải đáp thắc mắc cùng BS.CK1 Phương Hồng Thọ về "Đột quỵ và những bệnh cơ hội"

Dành hơn 1 giờ đồng hồ chiều ngày 6/3/2019, BS.CK1 Phương Hồng Thọ - Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích xung quanh vấn đề: Các "bệnh cơ hội" về tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, trầm cảm, co cứng các chi... sau đột quỵ.

Vị trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có kinh nghiệm khám, chữa bệnh gần 20 năm sẽ mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho bạn đọc trong trương trình tư vấn chiều ngày 6/3/2019.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Những biến chứng thường gặp ở người bệnh sau đột quỵ là gì, thưa bác sĩ? Trong đó, bệnh nào dễ mắc phải nhất?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị đột quỵ là:

- Viêm phổi: Người bệnh đột quỵ gặp khó khăn trong việc nuốt có thể khiến thức ăn, đồ uống đi vào phổi, dẫn đến viêm phổi.

- Trầm cảm: Điều này là rất phổ biến sau đột quỵ, một phần do tổn thương não, phần nữa là sock tâm lý, đang khỏe mạnh bỗng nhiên phải ngừng tất cả các công việc, phụ thuộc vào người thân, giảm thu nhập cá nhân... khiến người bệnh cảm thấy "thừa" trong gia đình.

- Động kinh.

- Sa sút trí tuệ.

Người thân nên nàm thế nào để phòng tránh các biến chứng sau đột quỵ cho bệnh nhân?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Có 3 cấp độ phòng tránh đột quỵ:

- Khi chưa bị đột quỵ: khám bệnh định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì cần uống thuốc tích cực để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra. Nếu có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia thì cần từ bỏ, có chế độ làm việc phù hợp.

- Lúc mới phát hiện đột quỵ: đưa người bệnh đến bệnh viện có điều kiện điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt để kịp thời cứu chữa trong thời gian vàng.

-  Nếu đột quỵ đã xảy ra: tích cực điều trị ở bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh - Đột quỵ để phục hồi các biến chứng và ngăn ngừa đột quỵ xảy ra ở lần tiếp theo.

Để phòng ngừa các biến chứng sau đột quỵ còn tùy thuộc vào việc biến chứng đó là gì. Nếu là động kinh, trầm cảm thì cần dùng thuốc đặc hiệu, ăn uống tránh bị sặc, tập hít thở để phòng ngừa viêm phổi, để không bị té ngã thì cần người chăm sóc liên tục...

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S thường xuyên trao đổi chuyên môn, hội chẩn những ca phức tạp với BS.CK1 Phương Hồng Thọ. Ảnh: Viết Hưởng

Các nhà khoa học Tây Ban Nha tin rằng, những người sống sót sau cơn đột quỵ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao, các khối tụ máu đã chết kích thích sự phát triển các khối u trong cơ thể. Xin hỏi bác sĩ, đột quỵ và ung thư có mối liên hệ như thế nào?

Những người bệnh sau đột quỵ bao lâu nên tầm soát ung thư một lần? Làm sao để phòng ngừa ung thư cho những người bệnh đột quỵ?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Trên thực tế qua nhiều năm khám chữa bệnh, ung thư và đột quỵ có mối liên hệ với nhau. Đột quỵ có nhiều nguyên nhân gây ra, và cũng có thể do 1 bệnh ung thư tiềm ẩn bên trong gây ra các mảng xơ vữa ở thành mạch và dẫn đến đột quỵ.

Vấn đề quan trọng là sau đột quỵ nên tầm soát ung thư định kỳ, 3-6 tháng/lần. Ngoài ra, chúng ta cần biết rằng nguyên nhân gây đột quỵ và ung thư có những điểm tương đồng, chẳng hạn hút thuốc lá cũng có thể gây đột quỵ hoặc ung thư phổi, uống nhiều rượu bia cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư gan và đột quỵ. Do đó, để phòng ngừa ung thư cho những người bệnh đột quỵ thì cách tốt nhất vẫn là tầm soát định kỳ và từ bỏ những thói quen xấu như: hút thuốc lá, rượu bia...

Từ bỏ thuốc lá và rượu bia là một trong những "bí kíp" rất đơn giản để phòng ngừa 2 căn bệnh rất nguy hiểm: Đột quỵ và ung thư. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Vì sao viêm phổi là một trong những biến chứng thường thấy nhất ở người bệnh sau đột quỵ? Được biết, khi người bệnh bị đột quỵ còn mắc phải viêm phổi thì rất khó điều trị. Các dấu hiệu viêm phổi ở người bệnh đột quỵ có khác biệt so với người bình thường? Điều trị và cách chăm sóc tốt nhất? Sau đột quỵ, làm sao để phòng tránh viêm phổi?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Những bệnh nhân sau đột quỵ thường mắc bệnh viêm phổi là do:

- Khi bị đột quỵ tay chân yếu, các cơ quan hô hấp cũng giảm chức năng, dễ bị ứ đọng đàm trong phổi dẫn đến viêm phổi.

- Bệnh nhân ăn uống dễ bị sặc, thức ăn đi vào phổi gây viêm phổi.

Các dấu hiệu viêm phổi trên bệnh nhân đột quỵ tương tự như ở người bình thường, đó là: khó thở, thở khò khè, ho, ho khạc đàm… Do đó, để phòng tránh viêm phổi sau đột quỵ, bệnh nhân cần tập vận động hô hấp như vỗ lưng, tập hít thở theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bên cạnh đó, người thân khi chăm sóc cần lưu ý tránh để bị sặc khi cho người bệnh ăn uống...

BS Hồng Thọ và BTV Hải Yến chăm chút từng câu hỏi để mang đến những giải đáp "phổ thông" nhất mà ai đọc cũng hiểu, cũng làm được. Ảnh: Viết Hưởng

Sau đột quỵ, một số người bệnh bị mất chức năng ngôn ngữ đột ngột như khó nói, nói không đầy đủ, nói những từ vô nghĩa… Vậy khả năng nói này có hồi phục không hay người bệnh sẽ mất hoàn toàn ngôn ngữ? Cần làm gì hoặc tập bài tập ra sao để phục hồi, nói tròn vành rõ chữ?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Sau đột quỵ, một số người bị mất chức năng ngôn ngữ là do vùng não kiểm soát chức năng ngôn ngữ bị tổn thương. Tùy theo mức độ tổn thương mà sự hồi phục ngôn ngữ cũng khác nhau, ví dụ vùng ngôn ngữ bị tổn thương nặng thì khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.

Để phục hồi chức năng ngôn ngữ cần điều trị đột quỵ tích cực, đúng cách, kết hợp với chuyên khoa Vật lý Trị liệu để tập luyện thì khả năng phục hồi ngôn ngữ tốt hơn.


Thưa bác sĩ, nhiều bạn đọc của AloBacsi cho biết, người thân của họ sau khi bị đột quỵ thì các chi bị co cứng, dẫn đến khả năng vận động bị ảnh hưởng và muốn được ghép tế bào gốc để cải thiện tình trạng này. Theo bác sĩ phương pháp này có thực sự hiệu quả để phục hồi khả năng vận động cho người bệnh? Nếu có thì ở Việt Nam bệnh viện nào có khả năng thực hiện kỳ thuật này?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Hiện nay, vấn đề dùng tế bào gốc điều trị sau đột quỵ mới chỉ đạt được ở mức độ nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, chứ chưa được áp dụng rộng rãi để điều trị trên người bệnh, kể cả ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy tương lai đầy hứa hẹn mà liệu pháp tế bào gốc như là một lựa chọn khả thi trong điều trị đột quỵ. Y học Việt Nam hiện nay cũng đi sát với thế giới, vì vậy khi nghiên cứu này thành công, chắc chắn ở nước ta cũng sẽ cập nhật sớm.

Với kinh nghiệm gần 20 năm "lăn xả" trong ngành Y, những ca bệnh đột quỵ khó cũng không làm nản lòng cùng phong cách tư vấn kỹ lưỡng, nhẹ nhàng, ông được người dân tin tưởng lựa chọn đăng ký khám tại bệnh viện. Ảnh: Viết Hưởng

Làm sao cải thiện tình trạng bị méo miệng sau đột quỵ? Châm cứu, phẫu thuật, uống thuốc có tác dụng gì trong trường hợp này không?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Để giúp cải thiện tình trạng méo miệng, người bệnh có thể được điều trị kết hợp với chuyên khoa Vật lý trị liệu. Tại đây sẽ có các kỹ thuật viên hướng dẫn những bài tập cụ thể phù hợp với từng cá nhân.

Châm cứu, phẫu thuật, uống thuốc cũng có một số tác dụng nhất định trong trường hợp này. Tuy nhiên tập Vật lý trị liệu tích cực sẽ có hiệu quả hơn cả, giúp bệnh nhân khắc phục được tình trạng méo miệng sau đột quỵ.


Một trong những di chứng nặng nề nhất xảy ra sau cơn đột quỵ với người bệnh là phải nằm liệt một chỗ. Điều này khiến cho cuộc sống của họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân. Xin hỏi bác sĩ, lưng bị lở loét do di chứng sau đột quỵ, khắc phục cách nào?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Sau cơn đột quỵ, người bệnh có thể gặp phải nhiều di chứng. Trong đó, nằm liệt giường dễ gây ra viêm loét do tì đè. Tuy nhiên không phải chỉ có đột quỵ mới gây ra mà do nằm lâu cũng gây ra hiện tượng này.

Để khắc phục tình trạng này người bệnh cần tập vật lý trị liệu, xoay trở bệnh nhân thường xuyên, chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì mới cải thiện được.


Thưa bác sĩ, một số bệnh nhân sau đột quỵ cần uống thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông máu để ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường thì cần lưu ý gì trong việc sử dụng các loại thuốc này với nhau? Có cần thiết phải uống cách giờ để tránh tương tác thuốc?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Hiện không thấy có sự tương tác giữa các thuốc này. Tuy nhiên nên có sự tham khảo từ bác sĩ khám trực tiếp để được hướng dẫn uống thuốc đúng cách.


Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, những người mắc bệnh HIV/AIDS dễ bị đột quỵ hơn gấp 3 lần so với người không bị nhiễm. Xin hỏi, tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có quy trình cấp cứu cho người bệnh H để y bác sĩ không bị phơi nhiễm? Việc điều trị và dự phòng sau đó cho người bệnh H có gì đặc biệt không, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Phương Hồng Thọ:

Về vấn đề vệ sinh, phòng ngừa lây nhiễm thì tất cả các bệnh viện thực hiện đúng theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Không chỉ riêng gì bệnh nhân nhiễm H mà các bệnh nhân bình thường bệnh viện cũng thực hiện theo quy trình này. Thứ nhất, tránh được sự lây nhiễm từ bệnh nhân và các bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Thứ 2, tránh sự lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

HIV gây nên tình trạng viêm thành mạch, vì vậy vấn đề cốt lõi nhất đó là điều trị tích cực bệnh HIV theo đúng phác đồ quy định của Chương trình phòng chống HIV.

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện đa khoa S.I.S) là cơ sở y tế tiên phong tại ĐBSCL chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch.

Với quy mô 200 giường, bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại tương đương các bệnh viện đột quỵ hàng đầu thế giới như: Chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA tích hợp chức năng chụp CT thế hệ mới chuyên sâu cho can thiệp đột quỵ...

Đặc biệt, bệnh viện sẽ không chỉ điều trị, can thiệp mà còn muốn hướng tới dự phòng bệnh đột quỵ cho người dân thông qua việc tầm soát sớm với chi phí vừa phải, để tránh bỏ sót bệnh.

Hotline cấp cứu đột quỵ: 1800 1115

Thông tin về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ:
Địa chỉ: 397 Nguyễn Văn Cừ, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Giờ khám: Thứ 2 - Thứ 7 từ 7h00 - 16h30 Cấp cứu 24/24. ĐT:18001115
Website: www.dotquy.vn
Email:cskh@dotquy.vn


AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Phương Hồng Thọ đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về những biến chứng thường gặp sau đột quỵ, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, từ đó sẽ có hướng chăm sóc tích cực cho người thân cũng như chính bản thân mình.

Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!

Thực hiện: Hải Yến - Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X