Hotline 24/7
08983-08983

Giấc ngủ liên quan đến tai nạn giao thông như thế nào

Cơn buồn ngủ ập đến khiến tài xế không thể duy trì sự tỉnh táo, mất khả năng quan sát và phản ứng, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Báo cáo về "Rối loạn giấc ngủ và tai nạn giao thông" tại hội nghị khoa học thường niên Hội Hô hấp Việt Nam và Chương trình đào tạo y khoa liên tục 2015, giáo sư Telfilo Lee Chiong (Trung tâm Nationnal Jewish Health, Mỹ), cho biết thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên thế giới.

Ước tính khoảng 10-15% tai nạn xe có liên quan đến thiếu ngủ. Nghiên cứu về giấc ngủ ở các tài xế 19 quốc gia châu Âu cho thấy tỷ lệ buồn ngủ khi lái xe cao, trung bình 17%. Trong đó 10,8% người buồn ngủ khi lái xe ít nhất một lần trong tháng, 7% từng gây tai nạn giao thông do buồn ngủ, 18% suýt xảy ra tai nạn do buồn ngủ.

Báo cáo về những vụ tai nạn ôtô do tài xế buồn ngủ gây ra cho thấy đa phần liên quan đến nam giới trẻ tuổi, sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân, tai nạn xảy ra ở đoạn đường phụ. Mức độ nghiêm trọng tỷ lệ thuận với cảm giác mệt mỏi. Hầu hết tài xế gây tai nạn đều có thời gian thức kéo dài, ngủ ít hơn 5 giờ vào đêm trước khi gặp nạn, lái xe lâu nhất là trong khoảng từ 2 đến 8h sáng hoặc chiều tối.

giac-ngu-lien-quan-den-tai-nan-giao-thong-nhu-the-nao

Ảnh minh họa: taxivip

Theo giáo sư Telfilo, nếu chia "chiếc bánh thời gian" trong một ngày làm 3 phần thì một người trưởng thành cần dùng một phần để ngủ, một phần để làm việc và một phần cho các hoạt động khác. Tuy nhiên ngày nay người ta có xu hướng giảm bớt thời gian ngủ để hoán đổi cho việc đi lại và các hoạt động khác. Do đó họ thường bị thiếu ngủ, hệ quả là không có khả năng đạt được và duy trì sự tỉnh táo để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong cuộc sống hằng ngày.

Biểu hiện của một người thiếu ngủ là thường xuyên buồn ngủ, ngủ gật, có những giấc ngủ ngắn, khó tập trung, giảm hiệu suất làm việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời gian ngủ không đủ, không sâu giấc, hội chứng ngừng thở trung ương, rối loạn đồng hồ sinh học giữa thời gian ngủ và thức, sử dụng thuốc và các chất gây nghiện.

Thiếu ngủ làm giảm sự tỉnh táo và nhanh nhẹn, giảm kỹ năng vận động, giảm chú ý một cách đột ngột và duy trì, giảm tập trung, chậm đáp ứng phản xạ, tăng rủi ro khi đưa ra quyết định. Mất ngủ trên 21 giờ dẫn đến suy giảm các các chức năng cơ thể tương đương với tình trạng ngộ độc nồng độ cồn trong máu từ 0,08 đến 0,1%.

Đặc biệt việc sử dụng rượu bia và rối loạn giấc ngủ có tác dụng cộng gộp làm suy giảm hiệu suất của các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến nhiều sai sót nghiêm trọng.

Những người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ có nguy cơ gây tai nạn giao thông nhiều hơn. Bị gián đoạn hơi thở nhiều lần trong đêm khiến họ ngủ không ngon giấc, khi thức dậy vẫn thấy mệt mỏi, lừ đừ. Nhóm bệnh nhân chưa được điều trị gây tai nạn nhiều hơn 2-10 lần so với những người đã điều trị tốt.

Đàn ông bị ngừng thở khi ngủ nhiều hơn nữ giới. Tỷ lệ rối loạn thông khí liên quan đến giấc ngủ từ trung bình đến nặng ở nam giới là 49,7%, nữ 23,4%. Tỷ lệ gây tai nạn giao thông ở nhóm bệnh nhân không được điều trị lên đến 6%.

Rất nhiều người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ được dự báo nguy cơ gặp tai nạn giao thông trong tương lai gần. Tuy nhiên họ luôn cố gắng giấu bệnh vì nhiều lý do như thiếu hiểu biết về bệnh lý nên không nhận ra, sợ mất việc làm nhất là các bác tài sợ sẽ bị đuổi việc.

Giáo sư Telfilo khuyến nghị một trong các giải pháp giúp giảm tai nạn giao thông là nâng cao chất lượng giấc ngủ của người lái xe. Đểchống buồn ngủ, tốt nhất là ngủ đủ 6 đến 8 giờ mỗi ngày. Những giấc ngủ trưa ngắn khoảng 15 phút có thế cải thiện sự tỉnh táo, song không nên ngủ dài hơn 2 tiếng đồng hồ vì có thể gây buồn ngủ li bì.

Lưu ý: Thói quen ngủ trưa không thể thay thế hoàn toàn giấc ngủ sinh lý ban đêm. Nghỉ giữa quãng đường dài cũng là cách lấy lại sự tỉnh táo.Khi cảm thấy buồn ngủ mà phải lái xe thêm một đoạn đường ngắn nữa, tài xế có thể dùng cafein hoặc một số chất kích thích như amphetamine, methyl phenidete, modaphenyl. Tuy nhiên không nên lạm dụng.

Người bị ngừng thở khi ngủ cần phải được điều trị bằng máy thở áp lực dương liên tục. Phương pháp này giúp tăng thời lượng và chất lượng giấc ngủ, tăng quãng đường lái xe tỉnh táo, giảm tai nạn giao thông, giảm tần suất suýt bị tai nạn liên quan đến sự cố lái xe.

Để kiểm tra xem một người có bệnh này không, các chuyên gia sẽ cho bệnh nhân mô phỏng quá trình lái xe và tiến hành đo đa ký giấc ngủ, đánh giá chỉ số ngưng thở - giảm thở, giảm độ bão hòa ôxy máu khi. Ngoài ra còn có bài kiểm tra chủ quan hoặc khách quan như Epworth Sleepies Scale, Berlin hay STOPBang.

Theo giáo sư, tiến sĩ Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, đến nay nước ta chưa có nghiên cứu chính thức nào về số lượng tai nạn giao thông liên quan đến tình trạng thiếu ngủ của tài xế. Dù vậy một số báo cáo cho thấy rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế buồn ngủ, mệt mỏi dẫn đến mất lái.

Ông nhìn nhận việc tầm soát, cải thiện chất lượng giấc ngủ của tài xế, đặc biệt ở những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ còn gặp rất nhiều khó khăn do ý thức chưa cao, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa còn thiếu, sự quan tâm chưa đúng mức của các cơ quan hữu trách...

Giáo sư Châu khuyến nghị để giảm thiểu tai nạn giao thông vốn là vấn đề nhức nhối mang tính thời đại cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý thức người tham gia giao thông. Riêng tài xế nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ với các biểu hiện như ngáy ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, thiếu tập trung, đau thắt ngực về đêm, hay giật mình thức giấc về đêm kèm theo thở gấp, ngạt thở... nên đến khám ở các chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Theo Trần Ngoan - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X