Hotline 24/7
08983-08983

Giá khám chữa bệnh lặng lẽ “vượt rào”

Người bệnh đang “méo mặt” do giá các dịch vụ y tế vào đợt tăng mới. Hầu hết các bệnh viện đã âm thầm “vượt rào” so với quy định từ lâu.

Lẳng lặng tăng giá

Theo lãnh đạo các bệnh viện, Thông tư 14 ban hành năm 1995 quy định giá khám bệnh chỉ 1.000 - 2.000 đồng một lần khám; giá nằm giường điều trị 10.000 - 15.000 đồng một ngày, với những bệnh viện tuyến quận, huyện, thì dưới 8.000 đồng một ngày.
 
Trong thời buổi này, nếu áp dụng mức giá này thì thật vô lý. Chỉ riêng tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh, giặt giũ thôi bệnh viện cũng không thể “gồng” nổi với cái giá đó; chưa kể việc đầu tư vật tư, trang thiết bị kĩ thuật, hóa chất xét nghiệm.

Do đó, để tự cứu mình, các bệnh viện đã lặng lẽ “vượt rào” từ rất lâu. Cụ thể, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã áp dụng khung giá với nằm hồi sức cấp cứu là 300.000 đồng một ngày; Nhi Đồng 1, 2 cũng tăng tiền khám lên 20.000 - 30.000 đồng một lượt.
 
Nếu muốn được khám nhanh, khỏi mất công chờ thì họ chọn hình thức khám dịch vụ, mỗi lần khám 60.000 - 80.000 đồng. Tại một số bệnh viện như: Hoàn Mỹ, Medic Hòa Hảo, Vạn Hạnh,... giá các dịch vụ cũng tăng từ hai tháng nay.
 

Viện phí tăng liên tục nhưng ở nhiều bệnh viên, người bệnh vẫn phải nằm chung giường. Ảnh: Ngô Đồng

 
Theo lãnh đạo BV Ung bướu, các bệnh viện phải tự cứu mình bằng việc tăng giá dịch vụ, nhưng như thế cũng chưa đủ để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện đời sống y bác sĩ.
 
Nhiều bệnh viện phải gồng thêm bằng nhiều loại hình dịch vụ khác như khám, mổ theo yêu cầu, chọn bác sĩ, hẹn giờ khám qua điện thoại.

Lý giải việc tăng giá dịch vụ, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH TPHCM, cho hay nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng chi phí y tế tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước phát triển và giá viện phí vẫn còn “lạc hậu”, bởi mỗi một năm giá thuốc, vật tư đều tăng. Khi giá tăng, tổng chi phí hiển nhiên phải tăng. Thuốc tăng giá mà vẫn giữ nguyên giá dịch vụ thì không công bằng.

Chất lượng có tăng?

Đáng lưu ý là mặc dù giá khám chữa bệnh đã tăng từ nhiều năm trước, nhưng chất lượng thì còn lắm chuyện cần bàn. Anh Lê Nhật Thắng (ngụ quận 3, TPHCM), chia sẻ: “Hiện nay các bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nên tăng viện phí sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng khám, chữa bệnh.
 
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi tình trạng 2 - 3 người bệnh nằm chung một giường, thậm chí bệnh nhân nằm dưới sàn nhà. Chưa kể đến thái độ vô cảm, thờ ơ, hách dịch của một vài bác sĩ, y tá khi tiếp xúc với bệnh nhân”.

Một khảo sát của Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào cuối năm 2010 cho thấy, chỉ có 60,5% bác sĩ ân cần niềm nở với bệnh nhân; 66,7% khám bệnh kỹ lưỡng; 61,5% điều dưỡng giải thích rõ ràng cũng như chăm sóc bệnh nhân chu đáo; chỉ có 48,2% hộ lý và nhân viên vệ sinh có thái độ ân cần, niềm nở với người bệnh.
 
Bác sĩ của một bệnh viện công chia sẻ, chất lượng dịch vụ do rất nhiều các yếu tố tạo thành như cơ sở vật chất, trình độ của nhân viên y tế... mà hiện hầu hết các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải, nhân viên y tế lại thiếu trầm trọng.

Nhiều bác sĩ cũng thừa nhận, phía cán bộ y tế do đồng lương quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực như “móc” bệnh nhân về phòng mạch tư; gợi ý khám dịch vụ; lạm dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán; kê đơn thuốc với những loại thuốc không cần thiết.
 
“Tiêu cực trong ngành là có, nhưng phần đông các bác sĩ đều làm việc rất nghiêm túc”, BS Đỗ Hoàng Giao, BV Nhân dân Gia Định, khẳng định.
 
Theo N.Đồng, T.Tâm - Báo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X