Hotline 24/7
08983-08983

Gia đình có người đột quỵ, tôi phải làm gì để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này?

Bố và anh trai tôi đều bị đột quỵ. Xin hỏi bác sĩ, với trường hợp gia đình có người đột quỵ như tôi thì làm sao để phòng ngừa căn bệnh này? Đột quỵ có di truyền không ạ?

Chào bác sĩ,

Bố tôi mất vì đột quỵ, rồi đến anh tôi cũng gặp phải căn bệnh này cách đây 2 năm, may mắn đến bệnh viện kịp thời nên được cứu sống nhưng di chứng để lại thì ảnh hưởng đến cả gia đình anh ấy.

Xin hỏi bác sĩ, với trường hợp gia đình có người đột quỵ như tôi thì làm sao để phòng ngừa căn bệnh này? Đột quỵ có di truyền không ạ?

Xin cảm ơn.

(Đức Việt - nguyenducviet657…@gmail.com)

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào anh Việt,

Đột quỵ có di truyền không? Gia đình có người đột quỵ, có phải tôi cũng sẽ bị đột quỵ không?... Đây là những câu hỏi mà bạn đọc AloBacsi quan tâm nhiều nhất.

Thực tế, đột quỵ không phải bệnh lý nguyên phát (như ung thư chẳng hạn) mà đó là hệ quả của các biến cố (tắc mạch hay vỡ mạch) xảy ra với mạch máu não từ các rối loạn nhất định nào đó có trước. Do vậy không thể nói đột quỵ là bệnh di truyền hay không di truyền.

Nhưng nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ có liên quan di truyền, chẳng hạn như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Mặt khác, các thành viên trong một gia đình ngoài việc chia sẻ với nhau bộ gen, còn thường có chung thói quen, lối sống, chế độ ăn, môi trường sống (có thể liên quan các nguy cơ của đột quỵ).

Ngoài ra, một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể gây đột quỵ có tính gia đình như: bệnh hồng cầu hình liềm, CADASIL, CARASIL,... (để xác định các bệnh lý này, cần được khám chuyên khoa sâu thực hiện thêm các xét nghiệm máu chuyên biệt, khảo sát hình ảnh học,..).

Do vậy, nếu gia đình có người đột quỵ, không có nghĩa là anh chắc chắn sẽ bị đột quỵ, nhưng anh sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người có gia đình khỏe mạnh.

Vậy làm sao để phòng tránh căn bệnh này?

Trừ một số bệnh lý di truyền hiếm gặp không thể thay đổi được, các yếu tố nguy cơ có tính gia đình nếu được kiểm soát tốt có thể giúp anh giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.

Như đã đề cập ở trên, nếu gia đình anh có nhiều thành viên bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hãy đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, anh thể bỏ các thói quen sống làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ như hút thuốc hay dùng ma túy (nếu có). Việc loại bỏ những thói quen xấu này thường rất khó khăn vì chúng thường gây nghiện. Hơn nữa thật khó khăn để thay đổi khi mà các hậu quả của nó lại thường không xuất hiện ngay mà tích tụ dần theo năm tháng.

Khi một thành viên trong gia đình bị đột quỵ thì đó như là một hồi chuông cảnh tỉnh giúp anh nên thực hiện một lối sống lành mạnh hơn. Đôi khi bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên có ích để giúp anh bỏ các thói quen có hại và gây nghiện. Các nguy cơ đột quỵ liên quan tới thuốc lá và dùng thuốc gây nghiện có thể biến mất khi anh ngưng sử dụng các chất có hại này.

Anh nên tiếp nhận các thói quen tốt, lối sống tĩnh tại, khẩu phần ăn nhiều chất béo hay muối và gặp quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Anh cũng nên tự xem thử lối sống của mình có tiềm ẩn yếu tố nguy cơ nào không, nếu có thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra cách tốt nhất để khắc phục chúng.

Tập thể dục cũng đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ. Thậm chí các bài tập luyện trí não cũng gia tăng sự bảo vệ khỏi đột quỵ.

Thay đổi thói quen, thay đổi lối sống, ắt sẽ thay đổi tương lai.

Chúc anh vui, khỏe.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X