Hotline 24/7
08983-08983

Ghép tủy - cơ hội sống thứ 2 cho những trẻ mắc bệnh hiểm nghèo

Ghép tủy, hay còn gọi là ghép tế bào gốc tạo máu, đã thực sự trở thành phép màu cứu sống nhiều trẻ em bị bệnh.

Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, BV Nhi T.Ư đã làm nên điều kỳ tích này, nhiều em bé đã có được cơ hội sống lần thứ 2.

Nhà nghèo vẫn được ghép tủy

Cách đây không lâu, bệnh nhi Trần Ngọc A (9 tuổi, quê Hưng Yên) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã được cứu sống nhờ ghép tủy. Được chẩn đoán bị suy tủy xương ác tính, sau khi điều trị tại BV Nhi T.Ư, đến đầu năm 2014 bệnh nhân được chuyển về Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư và được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại.

Trần Ngọc A may mắn có em ruột là Trần Ngọc G (6 tuổi) có các chỉ số phù hợp hoàn toàn, nên các bác sĩ đã quyết định tiến hành ca ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhi A. Sau khi ghép tủy được hơn 2 tháng, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, các xét nghiệm máu trở về trạng thái bình thường và được xuất viện. Viện đã quyết định tài trợ toàn bộ kinh phí khoảng 400 triệu đồng cho ca ghép để cứu sống cháu A.

Khoa Huyết học lâm sàng - BV Nhi T.Ư cũng vừa cứu sống cháu Nông Ngô Minh Kh (sinh năm 2010, người dân tộc Tày, ở Cao Bằng) mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh (bệnh Beta Thalassemia) nhờ ghép tủy. Ngay từ lúc 1 tuổi, cháu đã bị thiếu máu, xanh xao, vàng da. Cha mẹ đưa cháu đến khám tại BV Nhi T.Ư và được chẩn đoán mắc bệnh Beta Thalassemia thể nặng.

Từ đó đến nay, Kh đã được truyền máu hơn 10 lần. Các bác sĩ BV Nhi T.Ư tư vấn gia đình nên ghép tủy xương. Rất may, cháu Kh có chị ruột khỏe mạnh không bị bệnh và có các chỉ số xét nghiệm phù hợp nhau. Ca ghép tủy cho Kh đã thành công. Sau ghép gần 4 tuần, Kh đã được ra khỏi phòng cách ly và 2 tháng sau ghép, Kh đã có các chỉ số máu bình thường.

Ghép tế bào gốc đồng loại - "thuốc" chữa bách bệnh

TS Dương Bá Trực (Khoa Huyết học lâm sàng - BV Nhi T.Ư) cho biết, BV Nhi T.Ư đến nay đã ghép tủy thành công cho 10 bệnh nhi mắc bệnh Beta Thalassemia, trong đó 7 cháu đã khỏi bệnh, không còn phụ thuộc vào truyền máu định kỳ.

Đây là một hướng mới, là niềm hy vọng cho những bệnh nhân mắc căn bệnh nan giải này. Một căn bệnh đã được biết đến như căn bệnh "không thể chữa khỏi", nhưng giờ đã có "thuốc" chữa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc điều trị này là tìm được người cho tủy phù hợp với người bệnh.

Theo ThS Bạch Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư - viện đã tiến hành ghép tủy xương thành công cho ca ghép thứ 115, và Trần Ngọc A là bệnh nhi thứ 3 được ghép tủy. Khó khăn chung của tất cả các ca ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân là thiếu nguồn người hiến tế bào gốc.

Do đó, viện đã triển khai ngân hàng máu cuống rốn trong cộng đồng để cung cấp được nguồn tế bào gốc cho bệnh nhân được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại. Việc ghép tế bào gốc đồng loại hiện đang rất phát triển và mang lại hiệu quả điều trị to lớn.

Do vậy, để phương pháp điều trị này thật sự trở thành phép màu, rất cần đến sự tham gia chia sẻ của cả cộng đồng. Điều này là mong ước của các thầy thuốc và nhiều người bệnh, song trên thực tế việc hiến tặng nội tạng, các bộ phận cơ thể vẫn chưa được nhiều người ủng hộ.

Ghép tuỷ là phương pháp thực hiện quá trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.

AloBacsi.vn
Theo Đức Anh - Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X