Hotline 24/7
08983-08983

Ghép thận để thực hiện thiên chức làm mẹ

Với một người bị suy thận giai đoạn cuối và đã ghép thận, những tưởng việc có con là không thể. Nhưng nhờ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, chị N.T.H., 26 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên đến giờ vẫn không thể tin được, mình đã đón trái ngọt tình yêu đời mình...

Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép thận

Hồi sinh

Chị N.T.H. được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai từ nguồn thận của mẹ ruột cho. Trước đó, chị bị suy thận giai đoạn II và chuyển sang suy thận giai đoạn cuối một năm sau đó. Hơn 3 năm sau khi ghép thận, chị xây dựng gia đình và mong muốn thực hiện thiên chức làm mẹ.

Khi chia sẻ mong muốn này, chị H. được các bác sĩ tư vấn về những nguy cơ chị sẽ gặp phải nếu mang thai, đồng thời chị được đổi phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch. “Có những thuốc ức chế miễn dịch chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai. Nên sau khi tôi được chuyển phác đồ, tình trạng chức năng thận ổn định, lúc đó các bác sĩ mới tư vấn tôi có thể mang thai” - chị H. kể.

Trong suốt thời gian mang thai, chị H. được các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu và Khoa sản của Bệnh viện Bạch Mai theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Các bác sĩ Khoa sản theo dõi về diễn biến sản khoa, còn bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để phát hiện những vấn đề bất thường về thận sau ghép để kịp thời xử trí.

Sau 9 tháng 10 ngày cùng các bác sĩ đồng hành, giúp đỡ, chị N. đã hạ sinh một bé gái xinh đẹp, khỏe mạnh nặng 2,5 kg. Giờ bé đã nói bi bô. Chị N. xúc động nói, cuộc đời chị như được sinh ra lần thứ 2 khi sức khỏe của bản thân ngày càng ổn định, cô con gái xinh đẹp khỏe mạnh lúc nào cũng quấn quýt gần bên làm cho cuộc sống của vợ chồng chị thêm hạnh phúc, ý nghĩa…

Với những người phụ nữ khác, việc lấy chồng rồi thực hiện thiên chức làm mẹ là quá đỗi bình thường. Nhưng với những phụ nữ suy thận và phải ghép thận, việc mang thai và sinh con là cả một hành trình đầy khó khăn và nguy hiểm.

Giúp người bệnh thực hiện thiên chức làm mẹ

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để một bệnh nhân nữ sau ghép thận có thể có con an toàn là cả một quá trình theo dõi, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ Sản khoa và bác sĩ Thận học, Ghép thận và khoa Sơ sinh, đồng thời cũng yêu cầu sản phụ có sự tuân thủ tốt các y lệnh điều trị.

Có thể nói, trong suốt quá trình bệnh nhân ghép thận mang thai, các bác sĩ lúc nào cũng lo lắng khôn nguôi và theo sát họ từng giây, từng phút. Chỉ đến khi các bệnh nhân mẹ tròn con vuông, những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, không bị dị tật, người mẹ ổn định sức khỏe, khi ấy những người thầy thuốc mới tạm thở phào…

Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ một bệnh nhân ngoài 30 tuổi, quê ở Yên Bái được ghép từ nguồn thận của mẹ ruột. Sau ghép, chị này bị thải ghép và điều trị chống thải ghép nhưng không hiệu quả, sau đó chị mắc thêm bệnh viêm phổi.

Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu đã theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của chị. Gần 3 năm sau các chỉ số sinh học sau ghép của bệnh nhân này mới dần ổn định. Rồi chị có nguyện vọng sinh con vì đã lập gia đình gần 5 năm. Do nguyện vọng của chị quá tha thiết, ê kíp các bác sĩ của bệnh viện đã giúp bệnh nhân được toại nguyện mong muốn làm mẹ.

Suốt thời gian chị mang thai, diễn biến thai phụ ổn định và không phát hiện dị tật ở thai. Tuy nhiên, đến tuần 37 thì chức năng thận lên nhanh, phù, huyết áp dao động nhiều, đe dọa sản giật. Do vậy các bác sĩ đã chấm dứt thai kỳ và mổ bắt thai giúp “mẹ tròn con vuông”. Đứa bé ra đời là một bé trai nặng 1,8 kg. Hiện bé đã gần 4 tuổi, khỏe mạnh…

PGS. Tuyển chia sẻ, đa phần bệnh nhân ghép thận sinh con đều nằm trong lứa tuổi sinh đẻ. Có những bệnh nhân trước đó rất mong muốn có con, nhưng vì họ bị suy thận nên cơ hội có con hết sức khó khăn. “Vì họ bị suy thận mạn, bị rối loạn nội tiết nên rất ít khả năng thụ thai. Khi có thai rồi thì việc giữ được thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày trên nền bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ có nhiều biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu… lại càng khó khăn gấp bội. Chính vì vậy, việc những nữ bệnh nhân suy thận mong muốn có thai thì việc lựa chọn ghép thận là phù hợp. Họ ghép thận với 2 mục tiêu: Mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cơ hội có con” - PGS. Tuyển phân tích.

“Trước đây, nhiều người lo ngại cho rằng bệnh nhân sau ghép thận sẽ khó có thể sinh con. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn của các thầy thuốc cộng với kỹ thuật y khoa hiện đại đã mở ra nhiều hy vọng cho những nữ bệnh nhân ghép thận, và họ hoàn toàn tự tin để thực hiện được thiên chức làm mẹ…” - PGS. Tuyển cho nói.

Được biết, hầu hết những bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đều có nguồn cho từ người cùng huyết thống (bố, mẹ, anh, chị, em ruột…). Sau khi ghép, các bệnh nhân đều khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Hiện nay, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 2 ca ghép thận. Chỉ tính từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2018, bệnh viện đã thực hiện 90 ca ghép cho các bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối. Trong số đó có 5 nữ bệnh nhân sau ghép thận đã sinh con khỏe mạnh…

Theo Thạch Hương - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X