Hotline 24/7
08983-08983

Ghép gan: Leo lắt hy vọng

Mỗi năm, khoảng 1.500 người ở nước ta có chỉ định ghép gan nhưng số được ghép chỉ vài chục ca do khan hiếm nguồn tạng hiến và chi phí cao.

Mới đây, BV Chợ Rẫy (TP HCM) đã thực hiện thành công ca ghép gan thứ 3 ở người lớn. Phẫu thuật này dù mở ra cơ hội sống cho nhiều người bị hư gan nhưng thực tế cũng là rào cản cho không ít bệnh nhân.

Con đường sống duy nhất

Trường hợp vừa được cứu sống trong số hàng ngàn người đang thắc thỏm chờ đợi là ông N.C.T (40 tuổi, ngụ TP HCM). Ông T. có tiền sử bị viêm gan siêu vi B, nghiện rượu dẫn tới biến chứng xơ gan giai đoạn cuối, cường lách, nhiều lần hôn mê, mạng sống bị đe dọa.

Nhiều phương pháp điều trị nội khoa đều thất bại, chỉ còn giải pháp ghép gan, ông T. mới có hy vọng sống. Các xét nghiệm kiểm tra cho thấy chỉ có người em bà con bên vợ ông T. - anh B.H.M (28 tuổi) - là phù hợp nhất. Dù không cùng huyết thống nhưng để cứu sinh mạng anh rể, C. quyết định hiến tặng một phần thân thể của mình.

Ca cắt nối gan được tiến hành ngày 17/5, với sự hỗ trợ chuyên môn của đoàn chuyên gia đến từ BV Asan (Seoul - Hàn Quốc).

Các bác sĩ đã cắt lấy 65% thể tích gan người cho ráp vào người nhận. Sau 12 giờ vừa lấy gan vừa ghép, ca phẫu thuật thành công.

Đúc kết kinh nghiệm từ những ca ghép trước, ở trường hợp này, các bác sĩ thực hiện cách ly hậu phẫu, chăm sóc đặc biệt nghiêm ngặt nên diễn tiến rất khả quan.

A

Một ca ghép gan tại BV Chợ Rẫy

Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, bệnh nhân có thể vận động nhẹ, trò chuyện được. Riêng người cho gan, sức khỏe đã ổn định 2 tuần sau đó. Về chi phí cho ca ghép này, người nhận gan phải trả khoảng 1 tỉ đồng.

TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV Chợ Rẫy, cho biết do ông T. bị cường lách nên quá trình phẫu thuật gặp không ít khó khăn. Đây là trường hợp thứ hai ghép gan có liên quan đến nghiện rượu.

Trước đó không lâu, bệnh viện này cũng ghép gan cho ông H.C.T (50 tuổi) bị hư gan, nhiều lần rơi vào hôn mê. Con trai của ông, anh H.G.T, đã dành 2/3 lá gan của mình để cứu cha.

Theo các chuyên gia gan mật, bệnh nhân bị ung thư, xơ gan khi không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì ghép gan là giải pháp cuối cùng mới mong còn cơ hội sống. Nguyên nhân của bệnh gan mạn tính thường gặp là do nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C… Lạm dụng bia rượu trong thời gian dài cũng là một trong những tác nhân gây hư gan.

Hàng ngàn người tuyệt vọng

PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược TP HCM (nguyên Trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV Chợ Rẫy), cho biết hiện nay, nhu cầu ghép

Ở nước ta, chi phí mỗi ca ghép gan khoảng 1,5 tỉ, tại Hồng Kông hơn 2 tỉ và Singapore gần 4 tỉ đồng.
Tỉ lệ người viêm gan ở nước ta chiếm khoảng 8%-15% dân số. 10% trong số đó diễn tiến sang xơ gan, thoái hóa chuyển thành ung thư gan.

gan nói riêng và ghép tạng nói chung rất lớn.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 1.500 người có chỉ định ghép gan nhưng số bệnh nhân được ghép chỉ vài chục ca do khan hiếm nguồn tạng hiến.

Nhìn lại 2 trường hợp được ghép gan nêu  trên, nhiều bác sĩ cho rằng họ may mắn vì ngoài khả năng tài chính (trả hàng tỉ đồng/ca ghép), họ còn có được nguồn tạng hiến (người cho gan).

Song, trong cộng đồng còn hàng ngàn người ung thư gan giai đoạn cuối đang tuyệt vọng do không có đủ tiền trang trải, chưa kể không có nguồn tạng phù hợp để ghép.

Nhìn nhận thực tế này, PGS-TS-BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho rằng 1 trường hợp chết não hiến tạng có thể cứu được 10 người khác trong các trường hợp. Tuy nhiên, khó khăn lớn trong ghép gan ở nước ta là kinh phí và nguồn tạng để ghép.

Theo TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, nguồn tạng vốn đã hiếm nhưng không phải ai cũng đủ khả năng thanh toán chi phí ghép gan.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguồn tạng từ người cho còn sống vốn rất ít, nguồn tạng hiến ở người cho chết não là rất quan trọng (chủ yếu từ số bệnh nhân bị tai nạn giao thông tử vong do chấn thương sọ não.

Mỗi năm, BV Việt Đức - Hà Nội có gần 1.000 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não, tại BV Chợ Rẫy là 1.000-1.500 người.

Tuy nhiên, xuất phát từ văn hóa Á Đông cho rằng “người chết phải toàn thây” nên nhiều gia đình thường không đồng ý cho tạng của người thân. Họ đâu biết rằng quan niệm ăn sâu hàng ngàn năm đó đã đẩy rất nhiều người vào nỗi tuyệt vọng không lối thoát.

AloBacsi.vn
Theo Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X