Hotline 24/7
08983-08983

Gần 20 năm TPHCM "lỗi hẹn" thành trung tâm tài chính quốc tế

Thiếu cơ chế, nhân lực chất lượng cao khiến khát vọng xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn nằm trên giấy.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính cho TP HCM. Chuyên gia này băn khoăn, 20 năm qua, TP HCM luôn được định hướng là trung tâm tài chính của quốc gia và khu vực nhưng đến giờ vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. Để đảm bảo tính hiệu quả của đề án, cần xem lại cách tiếp cận, tìm hướng đi khác chứ không thể theo cách truyền thống của các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới. Cần nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới để tìm mô hình phù hợp.

Khu vực lõi trung tâm TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn

Giáo sư Sử Đình Thành, Đại học Kinh tế TP HCM đề xuất lộ trình cụ thể để phát triển trung tâm tài chính TP HCM. Giai đoạn 2020-2025 tập trung chấn chỉnh, phát triển thị trường tài chính và các trung gian tài chính trong nước để đảm nhận tốt chức năng chuyển tải vốn, phục vụ cho sự phát triển vùng trọng điểm phía nam và cả nước. Đây là giai đoạn tái cấu trúc quy mô hoạt động của trung tâm tài chính cũng như tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực cũng như mở rộng các dịch vụ tài chính tại TP HCM.

Giai đoạn 2025- 2030, tạo lập một trung tâm tài chính phát triển xét trên các góc độ cao hơn như trở thành trung tâm quản lý tài sản bằng cách thu hút các công ty quản lý tài sản hàng đầu của thế giới đặt văn phòng và chi nhánh hoạt động trên địa bàn TP HCM. Mở rộng vai trò của các định chế tài chính nước ngoài trong việc cung cấp vốn cho những người sử dụng vốn trong nước. Các định chế tài chính trong nước phát triển và vươn ra cung cấp vốn cho những người sử dụng vốn nước ngoài.

Giai đoạn 3, từ năm 2030 trở đi, đưa TP HCM trở thành trung tâm tài chính quan trọng của khu vực và châu Á với đặc điểm chuyên môn hóa cao về công nghệ quản lý tài sản và phát triển thị trường offshore cung cấp các dịch vụ trung gian giữa những người cung cấp vốn ngoài nước và những người sử dụng vốn ngoài nước. Về cơ sở vật chất, đến năm 2030, TP HCM cần hoàn tất xây dựng khu đô thị mới Thủ thiêm, tạo ra khu trung tâm tài chính mới, hiện đại của TP HCM.

Bí thư Thành ủy TP HCM, Nguyễn Thiện Nhân phát biểu, trước tiên, TP HCM cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc gia, phục vụ tốt cho nhân dân cả nước. Làm tốt nhiệm vụ bước một, từ đó mới có lộ trình tiến lên bước hai là trở thành trung tâm tài chính của khu vực và sau đó mới đến bước ba là trung tâm tài chính quốc tế.

TP HCM đang làm chương trình trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh và đây chính là những nền tảng hỗ trợ cho kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sau này. Ông Nhân chỉ ra 6 nhiệm vụ TP HCM đang tiến hành để tạo nền tảng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính. Thứ hai là đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh và trí tuệ nhân tạo. Thứ ba là hoàn thiện hạ tầng giao thông và quản trị giao thông thông minh. Thứ tư là đẩy mạnh chống ngập. Thứ năm là hiện đại hóa quy hoạch đô thị. Xếp cuối cùng trong nhóm 6 nhiệm vụ này là đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp sáng tạo tại TP HCM, trong đó tạo điều kiện phát triển khởi nghiệp công nghiệ tài chính.

Ông Nhân thừa nhận mục tiêu đưa TP HCM thành trung tâm tài chính của cả nước đã được quan tâm từ rất lâu nhưng nhiều năm qua đều lỗi hẹn là do chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Nay với đề án này, lãnh đạo TP HCM có quyết tâm để thực hiện một cách chất lượng. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm để báo cáo HĐNĐ, Thành ủy, sau đó báo cáo Thủ tướng.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X