Hotline 24/7
08983-08983

FED sắp quyết định, tài chính toàn cầu lại nín thở

Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED dự kiến công bố về lãi suất lúc 2g sáng ngày 17/12 (giờ VN). Phố Wall (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,84%, S&P 500 0,7%, Nasdaq 0,76%... ;

Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ mở cuộc họp báo giải thích quyết định về lãi suất - Ảnh: Reuters

Ngày 16/12 (giờ VN), thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng mạnh trước thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Theo Reuters, FED sẽ công bố kết quả cuộc họp chính sách vào lúc 2g sáng ngày 17/12 (giờ VN).

Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ có cuộc họp báo vào lúc 2g30. Phần lớn các nhà kinh tế đều dự báo FED sẽ chỉ tăng lãi suất khoảng 0,25% từ mức 0 - 0,25% hiện tại. Sự kiện này sẽ đánh dấu một loạt lần tăng lãi suất nhẹ của FED trong vòng hai năm tới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định FED sẽ tăng lãi suất bởi nền kinh tế Mỹ đã trở lại với sự phát triển bình thường với mức tăng trưởng năm 2015 vào khoảng 2,5%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, giá nhà đất tăng đáng kể.

Nền kinh tế Mỹ đã ổn định

“Việc FED tăng lãi suất là tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ, cần được hoan nghênh chứ không nên bị sợ hãi” - AFP dẫn lời nhà kinh tế Stuart Hoffman của hãng PNC Financial Services Group nhận định. Trước đó Chủ tịch FED Yellen giải thích FED dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2016.

Một số ít nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự phục hồi đủ mạnh để chính phủ xiết chặt chính sách tiền tệ. Họ cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên phần lớn giới quan sát cho rằng FED sẽ tăng nhẹ lãi suất rồi quan sát cẩn trọng tình hình kinh tế Mỹ và toàn cầu trước khi đi bước kế tiếp.

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu phản ứng khá tích cực trước thời điểm FED ra quyết định. Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,84%, S&P 500 0,7%, Nasdaq 0,76%...

Bên kia Đại Tây Dương, chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst tăng 0,59%. Dù vậy, giá dầu giảm xuống còn 37,09 USD/thùng sau khi tăng mạnh hôm qua vì nguồn cung toàn cầu quá lớn.

Dù vậy, giới quan sát dự báo quyết định tăng lãi suất của FED chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế đang nổi lên, hiện đang gặp khó khăn vì nợ công cao và tăng trưởng sụt giảm.

Hiện tại, các nền kinh tế đang nổi lên cũng đã chật vật đối phó với tình trạng giá đồng USD tăng cao, giá hàng hóa giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng.

Các nền kinh tế đang nổi lên gặp khó khăn

Ước tính các nền kinh tế đang nổi lên sẽ phải trả nợ gần 600 tỷ USD trong năm 2016. CNN Money xác định một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước quyết định của FED. Thứ nhất là Brazil, hiện đang khủng hoảng kinh tế với GDP quý 3 giảm 1,7%. Brazil có nợ tính bằng đồng USD cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Nếu FED tăng lãi suất, gánh nặng nợ nần của Brazil sẽ càng tăng cao. Thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với GDP chỉ tăng 3% năm 2015 so với mức 9% năm 2010 và 2011. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu nhiều hơn hẳn xuất khẩu, do đó giá đồng USD tăng sẽ khiến hàng nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng giá mạnh. Thứ ba là Nam Phi với gánh nặng nợ nần tính bằng đồng USD.

Các nền kinh tế đang nổi lên khác như Nga, Venezuela và Nigeria cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tác động của việc FED tăng lãi suất chắc chắn cũng ảnh hưởng tới Trung Quốc, nhưng khác với các nền kinh tế đang nổi lên khác, Trung Quốc với xuất khẩu lớn và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào có đủ sức mạnh để ngăn chặn mọi cú sốc tài chính.

Châu Á đã sẵn sàng

Theo hãng thông tấn Singapore Channel News Asia, các nhà kinh tế châu Á nhận định khu vực đủ sức đối phó với các tác động từ việc FED tăng lãi suất.

Thời gian qua, nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại về châu Á. Họ nhắc đến việc năm 2013 khi cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke nhắc đến việc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, vốn ồ ạt chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng kể cả khi FED tăng lãi suất thì tình trạng vốn chảy khỏi châu Á như năm 2013 sẽ không lặp lại.

Chuyên gia David Kuo thuộc hãng The Motley Fool Singapore dự báo FED sẽ tăng lãi suất chậm trong một thời gian dài.

Các thị trường châu Á cũng đã có đủ thời gian để thích ứng. Hơn nữa chính quyền các nước khu vực thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường sự ổn định kinh tế như tăng thuế, giảm trợ giá, mở cửa thị trường, tăng dự trữ tiền tệ…

Theo Sơn Hà - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X