Hotline 24/7
08983-08983

Em tự nói chuyện một mình, theo AloBacsi có phải là bệnh không?

Bạn đọc hỏi BS Lan Hương các vấn đề: nói chuyện một mình có phải là bệnh, hạch viêm lâu hết, điều trị cường giáp, khối u trong túi mật, khó xuất tinh khi dùng thuốc chống đông máu...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Diệp Văn H. - diep…@gmail.com

Tôi 66 tuổi. Đêm đi tiểu 3, 4 lần. Xin được giải thích tôi bị bệnh gì? Nên khám chữa ở đâu? Hoặc dùng thuốc gì? Trân trọng.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Triệu chứng tiểu đêm có thể do nhiều nguyên nhân gây nên:

1. Tiểu đêm do cân bằng dịch

- Tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm:

+ Uống quá nhiều nước, rượu, bia

+ Bị bệnh đái tháo đường

+ Tăng canxi máu

+ Suy thận (thường gặp ở suy thận mãn nhiều hơn suy thận cấp)

- Tiểu nhiều về đêm:

+ Uống nhiều nước, rượu, bia vào buổi tối

+ Uống thuốc lợi tiểu phụ thuộc vào thời gian uống thuốc

+ Biến đổi sự tiết hormone chống lợi niệu bình thường, thường do tuổi

+ Tái phân bố dịch về đêm gây tiểu đêm như: suy tim

+ Hội chứng ngưng thở về đêm

2. Tiểu đêm do nguyên nhân thần kinh

- Hội chứng chèn ép tủy sống

- bàng quang thần kinh do Đái Tháo Đường, Parkinson…

3. Tiểu đêm do rối loạn đường tiểu dưới

- Nghẽn dòng chảy từ bàng quang: Bệnh tiền liệt tuyến, bệnh niệu đạo (Xảy ra ở cả nam lẩn nữ)

- Bàng quang hoạt động quá mức

- Nhiễm trùng đường niệu,viêm bàng quang mô kẻ

- Bệnh lý ác tính

Với triệu chứng này, bác khám chuyên khoa Thận - tiết niệu là phù hợp nhất, BS sẽ thăm khám toàn bộ bao gồm hệ tiết niệu và các hệ cơ quan khác, thực hiện 1 số xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng…), khi xác định nguyên nhân sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Trân trọng!


- Đặng Thùy Trang - dang…@gmail.com

Chào BS,

Em bị ngứa da khoảng 6 tháng nay, và có đi xét nghiệm về giun, kết quả như sau:

Gnathostoma kết quả 03.

Toxocara kết quả 09.

Strongyloides stercoralis kết quả 04.

Chỉ số bình thường của 3 là.

Neg:<9, pos >11. Gz:9-11. Đơn vị NTU.

AST kết quả 12.<=37. U/L -37°c.

ALT kết quả 8.<=42. U/L -37°c.

Xin BS cho em biết kết quả như vậy là sao? (Vì em không đi lấy kết quả). Em xin cám ơn BS nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thùy Trang,

Theo kết quả xét nghiệm trên thì em không bị nhiễm Gnathostoma và Strongyloides stercoralis (kết quả âm tính), men gan bình thường (không có viêm gan).

Riêng xét nghiệm toxocara của em thì nằm trong ngưỡng greyzone (GZ), hay còn gọi là vùng không xác định, tức là chưa đủ để xác định là nhiễm bệnh nếu chỉ dựa vào kết quả này, cần phải dựa thêm những dấu hiệu khác (đặc điểm của bệnh nhân và bệnh sử, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, tăng bạch cầu ái toan trong máu, hiệu giá kháng thể...) mới quyết định được.

Em có thể khám tại chuyên khoa Da liễu hay chuyên khoa Nhiễm đều được, em nhé!


- Thi Huong Trinh - huong…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây 2 tháng em có bị tai nạn và em chỉ khâu lại phần vết thương rách ở chân mày và không kiểm tra gì vì cảm thấy không có gì nghiêm trọng.

Nhưng gần đây em cảm thấy em bị quên những gì em vừa nghe hay làm trước đó. Đây là triệu chứng của bệnh gì ạ? Em có cần chụp CT não không ạ?

Cám ơn BS đã tư vấn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các triệu chứng của em là bình thường, áp lực công việc căng thẳng liên tục cũng có thể gây ra giảm sự tập trung và thậm chí là giảm cả trí nhớ.

Tuy nhiên, vì em đã từng có va chạm mạnh vào đầu và cũng chưa từng kiểm tra gì, thì hiện tại an toàn nhất là em nên khám ở chuyên khoa thần kinh, sau khi BS thăm khám, đánh giá kiểm tra các dấu chứng thần kinh khác xem có hay không sẽ cân nhắc hướng xử trí và điều trị thích hợp cho em (bao gồm chỉ định đi chụp phim nếu cần).


- Quốc Cường - b…@gmail.com

Xin chào BS,

Em thay van 2 lá từ năm 2007, đang dùng Sintrom 4mg. Gần đây khi muốn xuất tinh thì nó bỗng nhiên bị kìm lại và xuất không được hoặc rất ít, không như mấy năm trước dù cho em không muốn và cũng không thể điều chỉnh chủ động được.

Xin hỏi BS cháu bị gì? Và điều trị ra sao? Ở đâu?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Cường thân mến,

Sintrom (Acenocoumarol) thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc chống đông máu. Thuốc giúp ngăn không cho huyết khối hình thành trên lá van đã được thay của em, do đó em không được tự ý ngưng sintrom vì có thể gây tắc van cơ học do huyết khối sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Rối loạn xuất tinh không phải là tác dụng phụ của sintrom, nguyên nhân thì có rất nhiều, do đó em nên khám ở chuyên khoa Nam khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thích hợp. Chuyên khoa Nam khoa có ở 1 số bệnh viện đa khoa như BV Bình dân, Đại học Y dược…

Khi đi khám, em nhớ đem theo các xét nghiệm gần nhất và các thuốc đang sử dụng, không được tự ý sử dụng thuốc hay các phương pháp dân gian truyền miệng có thể tương tác với Sintrom làm rối loạn đông máu.


- Bạn đọc Thao - Sóc Trăng

Chào BS,

Em bị gãy tay nhưng gần 2 tháng mới phát hiện. Như vậy có ảnh hưởng gì không BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trường hợp gãy xương gần 2 tháng mới phát hiện thì có thể không gây ảnh hưởng gì (nứt xương, can xương liền tốt, không đau, không giới hạn vận động, không tạo khớp giả), và cũng có thể gây ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng (như xương di lệch xa chưa liền, khớp giả khớp xấu, tổn thương thần kinh gây yếu liệt…).

Do đó, BS phải khám trực tiếp cho em, xem phim Xquang thì mới kết luận được mức độ ảnh hưởng ra sao và điều trị như thế nào.

Về vấn đề này, em nên khám tại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình là phù hợp nhất, em nhé!


- Bạn đọc có email soi…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Em xin hỏi cho bệnh nhân: Hiện tại bạn em siêu âm phát hiện có 1 khối u trong túi mật, triệu chứng đau, sốt, sờ thấy vùng bụng sưng lên.

Cho em hỏi nếu bạn em không có khả năng điều trị thì thuốc giảm đau tạm thời được không ạ? Em xin cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thuốc giảm đau thì rất nhiều loại, có thể mua dễ dàng tại tiệm thuốc Tây (đây là nhóm thuốc không cần kê toa).

Tuy nhiên, tình trạng của bạn em là tình trạng cấp cứu, vì biểu hiện sưng đau vùng bụng trên kèm sốt ở người có u trong túi mật là dấu hiệu của viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật, phải được xử trí kịp thời tại bệnh viện, nếu không có thể vào sốc nhiễm trùng, nặng nhất là tử vong.

Dù bạn em “không có khả năng điều trị” thì với tình trạng này cũng cứ đưa vào bệnh viện để các BS xử trí thích hợp cho bạn em, vấn đề tiền bạc sẽ bàn sau (như quyên góp, xin quỹ từ thiện…), cứu mạng là trên hết nhé em.


- Thuỳ Linh - Hải Dương

Chào BS,

Cháu năm nay 17 tuổi, năm ngoái cháu bị nứt kẽ hậu môn đã khỏi nhưng 2-3 tháng gần đây cháu bị đau rát hậu môn sau khi đi đại tiện, lúc trước chỉ có ra máu hồng nhạt nhưng bây giờ cháu ra máu đỏ tươi nhưng ít.

Lúc đại tiện, cháu thấy phân có màu đen xanh thẫm, hình dạng phân thô cứng, dạng như nhiều cục nhỏ gộp vào, đi rất đau.

Sau đại tiện cháu có cảm giác đau hơi nhức và như nóng rát cả hậu môn, chỉ hơi ho nhẹ chút cũng khá đau. Cháu có uống thuốc kháng sinh để đỡ đau, cháu chỉ ăn cháo, ăn rau để cho phân lành nhưng vẫn táo bón.

Cháu rất hoảng sợ, không biết có bị bệnh về trực tràng hay không, hay là bệnh trĩ? Cháu mong BS giải đáp giúp ạ, cháu cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thùy Linh thân mến,

Em bị táo bón, phân thô cứng, cảm giác đau rát và có máu dính trên giấy vệ sinh sau khi tiêu phân cứng là do khối phân làm nứt kẽ hậu môn gây ra, thường vết thương sẽ tự lành nhưng nếu tình trạng táo bón kéo dài, nứt hậu môn sẽ nặng nề hơn và khó lành hơn.

Ngoài ra, táo bón thường xuyên có thể gây ra trĩ. Trường hợp đau nhức nhiều ở hậu môn kéo dài sau đi tiêu có thể do nứt kẽ hậu môn mức độ trung bình - nặng, cũng có thể do biến chứng của trĩ (như tắc mạch búi trĩ), có thể có viêm nhiễm ở hậu môn… nên đến bệnh viện để khám và điều trị thích hợp sớm.

Việc tự ý dùng kháng sinh để giảm đau là điều sai lầm, thứ nhất là kháng sinh không phải là thuốc giảm đau, thứ hai việc dùng tự ý thường gây hại nhiều hơn lợi (như kháng thuốc, tăng táo bón do nóng trong người…).

Trường hợp người trẻ táo bón kéo dài dù đã điều chỉnh chế độ ăn - sinh hoạt tích cực thì cũng nên nội soi đại trực tràng kiểm tra, đặc biệt là người có tiền căn polyp hay ung thư đại tràng, thiếu máu, đi cầu phân dẹt, sụt cân. Em nên khám chuyên khoa Ngoại tiêu hóa (hoặc Ngoại tổng quát) sớm, em nhé!


- Văn Vinh - vinh…@gmail.com

Thưa BS,

Em bị quai bị được 16 ngày, nay đã hết sưng và không còn đau nữa nhưng em sờ dưới hàm trái vẫn thấy hạch. Vậy em đã khỏi chưa và vẫn còn hạch như vậy có làm sao không BS? Xin cám ơn BS tư vấn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu hạch dưới hàm xuất hiện cùng lúc với bệnh quai bị thì thường là hạch viêm lành tính. Khi hết quai bị thì hạch sẽ giảm viêm đau, thu nhỏ lại kích thước và lặn dần, có thể ngay khi hết bệnh quai bị cũng có thể chậm hơn vài tuần.

Hiện tại nếu hạch không gây khó chịu gì (như sưng nóng đỏ đau) thì em chỉ cần theo dõi thêm, nếu sau 3 tháng nữa mà hạch vẫn chưa lặn hay có biểu hiện phát triển to lên nữa, mọc thêm hạch mới thì phải khám lại tại chuyên khoa Ung bướu để kiểm tra kỹ hơn các hạch này xem có bất thường gì không. Thân mến!


- Quỳnh Hương - bui…@gmail.com

Em chào BS,

Trước BS có tư vấn em về tình trạng viêm amidan, viêm hạch cổ của em. Em có dùng thuốc trong vòng 7 ngày và tới nay gần 1 tháng nhưng hạch cổ của em vẫn còn. Như vậy thì em phải làm sao ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Quỳnh Hương,

Bình thường, các hạch trong cơ thể không nổi to lên để sờ thấy được, khi chúng viêm hay tăng sinh thì chúng ta gọi là nổi hạch. Nổi hạch có thể là hạch viêm bình thường, cũng có thể là hạch ác tính.

Đặc điểm của hạch viêm là nhỏ, số lượng ít, bờ tròn đều, không phát triển theo thời gian, không xâm lấn da xung quanh, xuất hiện cùng với ổ viêm nhiễm gần đó.

Em đã được chẩn đoán là hạch viêm kèm viêm amidan, nghĩa là hạch lành tính. Em uống thuốc mà hạch không sưng đau nữa chứng tỏ bệnh đáp ứng tốt. Khi điều trị hết viêm thì hạch sẽ lặn dần, có thể lặn chậm hơn vài tuần - vài tháng.

Trước mắt em nên chờ thêm 2 tháng, tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của BS, nếu hạch lặn thì thôi, nếu hạch vẫn chưa lặn hay có biểu hiện phát triển to lên nữa thì cần khám lại tại chuyên khoa Ung bướu để kiểm tra lại và kỹ hơn và hạch này.


- Khue Vu - khue…@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi em hay tự nói chuyện một mình, vậy có phải là bệnh không ạ?

Em vẫn hoạt động bình thường, vẫn vui vẻ làm việc, nói chuyện rất hài hước nhưng có lúc ở nhà một mình hay ở chỗ nào đó chỉ có một mình em hay tự tưởng tượng ra câu chuyện nào đó rồi nói chuyện một mình?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Khuê thân mến,

Hành vi tự đối thoại một mình có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm... chứ không chỉ có ở người có vấn đề về tâm thần.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.

Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS Tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Và do đó, nếu nghi ngờ mình có triệu chứng của bệnh lý tâm thần thì tốt nhất là khám BS chuyên khoa Tâm thần, em nhé.


- Viết Thượng - gdtx…@gmail.com

Chào BS,

BS cho mình hỏi sau khi mình khỏi cảm cúm thì lại bị mỏi bắp tay phải, không đau gì cả, chỉ mỏi rã rời khi mình làm máy tính nhiều. Xin BS cho cách điều trị?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Triệu chứng thường gặp trong bệnh cảm cúm (nhiễm siêu vi cúm mùa) là đau mỏi cơ. Đau mỏi cơ có thể xảy ra ở tất cả các cơ trên cơ thể, có thể khu trú 1 vài cơ. Thường thì khi hết bệnh cảm cúm, người bệnh sẽ thấy khỏe hơn, bớt đau cơ, hết sốt, ăn uống ngon miệng trở lại.

Một số người đau cơ có thể kéo dài hơn vài ngày, đặc biệt là trường hợp có bệnh lý cơ xương khớp trước đó, hay quay lại làm việc quá sớm, làm việc gắng sức, dinh dưỡng không đủ, thiếu hụt vi khoáng chất cho cơ xương (canxi, magie, kali, vitamin B1, B6, B12).

Do đó, hiện tại bạn nên ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, làm việc vừa sức, bổ sung thêm vi khoáng chất mỗi ngày, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không thức khuya.

Nếu triệu chứng này kéo dài và cơn đau tăng thì nên đến khám chuyên khoa Cơ xương khớp để BS kiểm tra kỹ hơn và điều trị thích hợp tùy theo nguyên nhân bệnh lý. Thân mến!


- Han Vu - 15…@...edu.vn

Kính chào BS,

Em bị cường giáp hơn 1 năm và mấy tháng gần đây em không đi khám bệnh và uống thuốc. Trước đây em bị tụt cân nhưng bây giờ tăng lên hơn 10 kg và cục bướu của em to ở chỗ tuyến giáp và cứng.

Em cũng không mệt như lúc trước nhưng khi làm mệt thì bị ù hai tai. Mong BS tư vấn, em cảm ơn nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi không rõ lý do vì sao em không tiếp tục khám chữa bệnh nữa, nhưng việc làm này là không nên chút nào. Trước đây em hay làm mệt, tụt cân nhiều, nhờ điều trị đúng bệnh mà em tăng cân lại, bớt mệt liên tục mà chỉ mệt khi gắng sức nhiều thôi.

Không phải khi vừa hết các triệu chứng cường giáp là ngưng thuốc được, BS phải dựa vào xét nghiệm chức năng tuyến giáp của em (TSH, FT4, FT3, kháng thể kháng giáp) để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, tới mức an toàn cả về triệu chứng lâm sàng và cả xét nghiệm thì mới ngưng thuốc được. Vì bệnh cường giáp thường cần điều trị trong thời gian dài và rất dễ tái phát.

Hiện tại, em nên quay lại và theo dõi bệnh với BS đã điều trị cho em, nếu không bệnh tái phát có thể làm cơ thể suy sụp nhanh và nhiều hơn trước đây nữa, trường hợp bướu giáp to và cứng thì cân nhắc phẫu thuật sẽ có lợi, em nhé. Thân mến!


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X