Hotline 24/7
08983-08983

Em hay tự nói chuyện một mình thì có bình thường không?

BS Lan Hương tư vấn về các trường hợp: tự nói chuyện một mình, đa nhân cách, tự rạch tay để giảm căng thẳng, trầm cảm, muốn tự tử, chậm chạp vụng về có phải là bệnh không...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương


Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Chí Linh - chilinh…@gmail.com

Chào BS,

Em bị nặng ngực khó thở, kem theo buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể rất mệt mỏi, không ăn được. Em có đi khám BS nói em bị rối loạn tiêu hóa. Mong BS giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Chẩn đoán “rối loạn tiêu hóa” chưa đủ để giải thích được các triệu chứng nặng ngực, khó thở, ớn lạnh, vã mồ hôi, mệt mỏi của em.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng em “liệt kê” thì BS chưa đủ cơ sở thông tin để chẩn đoán được bệnh gì, vì các triệu chứng đó có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như suy nhược cơ thể với thiếu máu và vi khoáng chất, bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh lý tim mạch, hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, bệnh lý nội tiết tố, viêm nhiễm...

Do vậy, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân. Em cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tại phòng khám tổng quát hay chuyên khoa Tim mạch - hô hấp hay chuyên khoa Nhiễm đều được.

Song song đó, em nên nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, ăn uống đầy đủ chất, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá.


- Bạn đọc Cao Thị Phương

Xin chào BS,

Gần đây tôi uống thuốc Cretor (Rosuvastatin) và Aspirin Vidipha (Acetylsalicyyacid) cùng thuốc điều trị tiểu đường thì bị sưng hết mặt. Vậy tôi bị bệnh gì và phải chữa trị thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phương thân mến,

Crestor là thuốc hạ mỡ máu và Aspirin là thuốc chống kết tập tiểu cầu, được chứng minh là rất có lợi cho người bị đái tháo đường có kèm tăng mỡ máu và nguy cơ bệnh mạch vành ở tim.
Nếu trước đây bạn uống thuốc trị tiểu đường không sao cả, nay uống thêm 2 thuốc kể trên mới bị sưng mặt, thì có khả năng bạn bị dị ứng với thành phần của 1 trong 2 thuốc đó.

Nếu bạn đã uống các thuốc trên (bao gồm thuốc tiểu đường, crestor, aspirin) trong thời gian dài, thì triệu chứng sưng mặt có thể không liên quan đến dị ứng thuốc, mà do những nguyên nhân khác, ví dụ như biến chứng thận của đái tháo đường.

Nhìn chung, với tình trạng trên, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra lại toàn bộ, sau khi thăm khám + xét nghiệm, BS sẽ xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp cho bạn. Bạn đừng tự sử dụng các thuốc đông tây y hay bài thuốc không rõ loại để trị sưng mặt, vì có thể tương tác với thuốc tiểu đường đang dùng sinh tác dụng phụ có hại.

Trân trọng.


- Nguyễn Bình - nguyen…@gmail.com

Em chào BS,

Em năm nay 31 tuổi, chưa lập gia đình. Em là một người nhút nhát, thụ động, ít nói, rất ngại giao tiếp. Sau 6 năm ra trường em vẫn chưa có công việc ổn định, 1-2 năm nhảy việc vì có tâm lý đứng núi này trông núi nọ và các công ty em làm đều là công ty nhỏ và vừa.

Cách đây khoảng 3 năm, em có chia tay mối tình đầu đã gắn bó được 7 năm. Cú sốc tình cảm cộng với sự không hài lòng trong công việc đã khiến tâm lý em trở nên tiêu cực, không kiểm soát được lời nói và hành động của mình, luôn nghĩ người khác đang nói xấu mình. Tất cả mọi thứ khiến em trở nên khó tính, xấu tính và bất cần. Bao nhiêu tính xấu em như muốn phô diễn ra hết để thách thức tất cả mọi người.

Những tính cách xấu của người khác em bắt chước rất nhanh nhưng điều chỉnh tính xấu của bản thân thì lại trì hoãn. Em thật sự hoang mang không biết em đang mắc bệnh rối loạn đa nhân cách không? Em rất mong được sự tư vấn của BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bình thân mến,

Với thông tin em cung cấp thì chưa đủ dữ kiện để BS chẩn đoán em bị đa nhân cách. Vì rõ ràng là em nhận thức rất tốt tình trạng của mình, bản thân em biết rõ nguyên nhân là do “cú sốc tình cảm cộng với sự không hài lòng trong công việc đã khiến tâm lý em trở nên tiêu cực”, chỉ có điều em chưa đủ có động lực gì để “quay lại làm người tốt” mà thôi.

Trong cuộc sống vẫn thường có những giai đoạn chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và đây là giai đoạn rất khó khăn của em, vừa công việc vừa tình cảm. để vượt qua được giai đoạn này cần có rất nhiều nghị lực của bản thân và sự giúp sức của gia đình, người thân.

Những áp lực trong cuộc sống trong thời gian đầu có thể là động cơ thúc đẩy “vượt khó” nhưng ngược lại, chúng cũng có thể gây ra các hệ lụy lên sức khỏe thể chất và ảnh hưởng lên tâm tính, cảm xúc, sức khỏe tinh thần; thời gian đầu thì chưa phải là bệnh tâm thần, tuy nhiên, nếu kéo dài mà dứt ra không được, có thể sẽ thành bệnh tâm thần thật hoặc thể chất sẽ suy sụp, sinh ra bệnh, như bệnh đau nửa đầu, mất ngủ...

Người cứu em chính là em. Em có thể gặp chuyên viên tâm lý để điều trị ngắn hạn, nên tập thể dục hay nghỉ ngơi, đi du lịch 1 thời gian cho khuây khỏa, tập yoga hay thiền để bình tâm trí, kiêng rượu bia cafe thuốc lá, hạn chế thức khuya.

Nếu vẫn không vượt qua được thì cuối cùng em có thể đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị hỗ trợ ngắn hạn và tư vấn tâm lý cho em, sẽ giúp em vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Trân trọng.

- Phương Trần - bong…@gmail.com

Chào BS,

Con năm nay 22 tuổi. Tháng trước con có bị ho kéo dài, 4 hôm nay con thấy 1 bên mũi khô và khi con khạc đờm có thấy xuất hiện máu kèm với đờm. Con rất lo sợ về tình trạng này. Vậy BS có thể cho con biết triệu trứng con đang gặp phải có đáng lo không ạ? Con cảm ơn BS.

Chào bạn.

Nguyên nhân gây ho khạc đàm ra máu có thể do viêm nhiễm/ tổn thương mạch máu ở vùng hầu họng (thành sau họng) thường gặp trong viêm mũi họng cấp và mạn, tổn thương trong đường dẫn khí, nhu mô phổi (lao phổi, u phổi, áp xe phổi), hay do rối loạn đông cầm máu...

Như vậy ho khạc ra máu không chỉ gặp trong ung thư phổi, có thể do tình trạng viêm sung huyết vùng mũi họng gây xuất huyết ít lẫn trong đàm, nhất là khi khạc mạnh, tuy nhiên vẫn phải cảnh giác, đặc biệt ở người có tiền căn hút thuốc lá nhiều, lớn tuổi.

Hiện tại theo thông tin em cung cấp thì BS hướng nhiều đến tình trạng lành tính nhiều hơn là bệnh lý nguy hiểm, nguồn chảy máu nhiều khả năng là từ vùng mũi do niêm mạch mũi bị khô quá.

Hướng xử trí tốt nhất hiện nay là em nên khám BS chuyên khoa Tai mũi họng để BS soi vùng mũi - hầu họng cho em để loại trừ bệnh lý nguy hiểm, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian đó, em chú ý giữ ấm vùng mũi họng, không hút thuốc lá, không rượu bia, uống đủ nước, tránh nơi ô nhiễm, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Mỹ Hạnh - my…@gmail.com

Xin chào BS,

Gần đây em bị mọi người xung quanh phàn nàn về việc hay nói chuyện một mình. Thực sự em rất bất ngờ và có chút lo lắng vì đây không phải lần đầu tiên mọi người nói với em như vậy.

Từ lúc học đại học em đã bắt đầu nói chuyện một mình. Có người cũng nói, không có người cũng nói một mình. Tự dưng cứ nói một mình giống như đang kể chuyện hay nói với ai mà chính em cũng không biết. Mà còn nói rất nhiều ạ.

Em vẫn rất bình thường, đi học và đi không không có gì khác cả. Xin hỏi là như vậy em có bị sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Mỹ Hạnh,

Hành vi tự đối thoại một mình có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm... chứ không chỉ có ở người có vấn đề về tâm thần.

Tuy nhiên, nếu em không nhận biết được mình đang tự nói chuyện 1 mình, hoặc nếu em không kiểm soát được việc nói và không nói, nghĩa là em cứ phải nói liên tục không thể tự ngừng được thì là có vấn đề, nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.

Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự. Vì thế khi có triệu chứng nghi ngờ của bệnh lý tâm thần thì tốt nhất là khám BS chuyên khoa Tâm thần, em nhé.


- Quốc Sơn - phantom…@gmail.com

Con chào BS,

Năm nay con 22 tuổi, là nam giới, đang là sinh viên năm cuối Đại học. Hiện giờ con rất buồn về bản thân mình vì con là một người chậm chạp, vụng về. Có những vấn đề dù là bình thường nhưng con phải suy nghĩ khá lâu mới ra cách giải quyết mà cách giải quyết của con rất dở, không khéo léo, có khi làm mọi chuyện rối thêm.

Mọi người thường nhận xét con là khờ, đần độn, hậu đậu. Con cũng thấy mình như vậy thật.

Cách đây khoảng mấy tháng con có đi làm thêm để phụ giúp gia đình, con làm nhân viên phục vụ cho một quán mì cay và do con làm việc chậm dù con cũng cố gắng nên đã bị đuổi việc. Từ đó con cảm thấy rất chán nản, cảm thấy cuộc sống thật vô vị.

BS ơi, con có bị vấn đề gì không ạ? Xin BS cho con lời khuyên.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Quốc Sơn thân mến,

Quả thật trong cuộc sống hối hả hiện nay thì chậm chạp là một thiệt thòi không nhỏ. Trước hết, em nên khám sức khỏe tổng quát xem mình có rối loạn cơ quan nào gây ra tình trạng này hay không, ví dụ như suy giáp, bất thường về dẫn truyền thần kinh ở não… em có thể đăng ký khám tại chuyên khoa Nội thần kinh, em nhé.

Nếu như sau khi kiểm tra sức khỏe cho thấy em không có bệnh lý gì, thì để cải thiện tốc độ suy nghĩ, thao tác, cách tốt nhất là em nên chơi thể thao, chọn các môn phối hợp nhiều giác quan như bóng bàn, cầu lông, bóng rổ… để rèn luyện tinh thần và sức khỏe.

Song song đó thì em nên học thêm ngôn ngữ để bổ sung thêm hành trang khi đi làm, chọn công việc phù hợp với tính cách của mình, như thủ thư, biên tập sách,…


- Nguyễn Oanh - oanh…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị u nang tuyến giáp, chọc hút tế bào xét nghiệm kết quả là u nang giả chảy máu. BS bảo sau 3 tháng kiểm tra lại sẽ cho đốt chứ không phải phẫu thuật.

Tôi muốn BS tư vấn tôi có phải bị ung thư hay không? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kết quả chọc hút tế bào nang tuyến giáp của bạn là “u nang giả chảy máu”, có nghĩa là không tìm thấy tế bào ác tính trong dịch nang, như vậy u nang này là lành tính, không phải ung thư, không phải ác tính. Vì thế BS chọn lựa phương pháp điều trị cho bạn là theo dõi thêm, nếu cần sẽ “đốt chứ không phải phẫu thuật”, bạn yên tâm nhé.


- Thanh Luong - thuy…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em đang uống thuốc trị bệnh tim thì có chích được thuốc ngừa chó cắn hay không ạ? Thuốc em đang uống là telma- telmisartan, nexium-esomeprazol. Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào BS,

Với các thuốc trên, bạn có thể yên tâm chích ngừa dại do chó cắn, không có sợ tương tác thuốc, bạn nhé. Ngoài ra, nếu sau 10 ngày cắn bạn mà con chó đó vẫn sống thì bạn có thể ngừng tiêm ngừa, hoặc nếu bạn muốn ngừa dại luôn cho bản thân 1 năm thì tiêm đủ 5 mũi.


- Hương Thanh - huongthanh…@gmail.com

Dạ chào BS,

Bạn của cháu năm nay 18 tuổi, có một vài biểu hiện của tâm thần ạ. Bạn ấy lo sợ người khác đụng vào người mình hoặc đi lướt qua bạn ấy hay nghĩ đến khuôn mặt của người đó khi nghe nhạc, đọc truyện, tắm rửa. Bạn í sợ người mà bạn ấy nghĩ đến sẽ đọc được suy nghĩ của mình và họ với bạn ấy sẽ yêu nhau giống như truyện bạn ấy đang đọc, ngay cả ăn cơm cũng sợ.

Bạn cháu có suy nghĩ đến tự tử khi lỡ nghe đến 1 vấn đề nào đó như "kết thúc… ". Bạn ấy chỉ ở nhà, không ra đường và không có ai là bạn bè để tâm sự. Bạn ấy lo sợ người ta sẽ gạt mình, khi ra đường luôn nghĩ rằng người khác sẽ đọc được suy nghĩ nên thường bôi nước lên chỗ người khác chạm trúng hoặc lướt qua.

Mong BS tư vấn giúp bạn cháu. Cháu cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tinh thần quan tâm đến bạn bè của em là rất đáng khen ngợi. Quả thật theo thông tin em cung cấp thì bạn em đúng là có những biểu hiện của bất ổn về mặt tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, cụ thể là kiểu bệnh lý gì thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh và mức độ của bệnh được.

Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu được.

Với tình trạng này, em cần báo với người thân của bạn em để động viên gia đình cho bạn em đi khám chuyên khoa Tâm thần, em nhé.

Thân mến.


- Phạm Duy - TPHCM

Xin BS cho tôi hỏi,

Tôi đi nội soi dạ dày, kết quả bị viêm sung huyết chuyển sản hang môn vị. Kết quả sinh thiết xét nghiệm bệnh phẩm mô sinh thiết là mô niêm mạc dạ dày thấm nhập tế bào viêm mãn tính, các tuyến lẻ niêm mạc thưa thớt, mất cấu trúc tuyến thích hợp và có hiện tượng chuyển sản ruột và loạn sản độ thấp (viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính kèm chuyển sản ruột và loạn sản độ thấp).

Xin BS cho biết vậy là như thế nào, có nguy cơ cao dẫn đến ung thư không ? Xin chân thành cám ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tình trạng bệnh lý dạ dày của bạn khá xấu, bởi vì viêm dạ dày mạn tính chuyển sản hang môn vị là tình trạng tiền ung thư, có nguy cơ tiến triển đến ung thư nếu không điều trị sớm và đúng chuẩn. Tuy nhiên, bệnh vẫn chưa đến mức là ung thư dạ dày.

Do đó, bạn cần kiên trì theo dõi bệnh và điều trị bệnh này với BS chuyên khoa Tiêu hóa, đồng thời hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý


- Hoa Mỹ - hoa…@yahoo.com

Xin chào BS,

Cháu năm nay 26 tuổi nhưng thường xuyên thích hành hạ bản thân, cắt rạch tay và muốn tự tử. Việc cắt tay của cháu đã bắt đầu từ năm 13 tuổi ạ.

Cháu cũng từng uống rất nhiều thuốc ngủ để tự tử nhưng được đưa đi cấp cứu kịp. Cháu luôn cảm thấy mệt mỏi, bực tức, dễ cáu giận, không muốn chia sẻ cùng ai cả.

Trước đây cháu cũng từng điều trị để giảm căng thẳng nhưng không hiệu quả. BS có thể cho cháu lời khuyên hoặc phương pháp điều trị không ạ? Cháu xin cảm ơn ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Em đang có những bất ổn nặng về tâm lý, tâm thần và cần được can thiệp sớm.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần. Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Tôi nghĩ là em có bệnh lý về tâm thần, mà cụ thể hướng nhiều đến bệnh trầm cảm, bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, ngược lại, em lại thích hành hạ bản thân và tìm đến cái chết, đó chính là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng.

Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.

Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để nhận sự hỗ trợ của y khoa, trong đó có tư vấn tâm lý và thuốc sẽ hỗ trợ em nhiều hơn. Chỉ có thuốc điều trị kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, em nhé.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X