Hotline 24/7
08983-08983

Em hay bị khóe móng chân cắm vào thịt, khắc phục thế nào?

Hôm nay, 7/8, BS Cao Thị Lan Hương trả lời thắc mắc của bạn đọc qua email. AloBacsi xin được trích đăng nội dung buổi tư vấn hôm nay.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương





Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

 

- Minh Đại - Hà Nội

Chào BS,

Em bị khóe móng chân cắm vào thịt (phần sâu ở dưới gốc móng chân). Em đã cố gắng cắt và lấy móng tuy nhiên phần khóe đã bị thụt vào trong chân, bây giờ không thể lấy ra được. Em nên làm thế nào, thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong những tình huống khóe móng chân mọc quặm vào thịt gây đau nhức, làm mủ, thì BS ngoại khoa sẽ gây tê phần gốc ngón rồi tiểu phẫu cắt sâu vào khóe móng và làm sạch thì mới lấy ra hết phần ngọn. Em tự móc khóe mà lấy không hết sẽ dễ làm mủ, móng sẽ sưng đau nhức nhiều hơn.

Do vậy, tốt hơn hết là em đến khám tại chuyên khoa Ngoại tổng quát hoặc chuyên khoa Ngoại da liễu để bác sĩ xử trí cho em.

 

- Minh Quang, 27 tuổi - TPHCM

BS cho em hỏi,

Huyết áp em lúc mệt lên 150/90, ngồi nghỉ 10 phút thì đo lại xuống 125/70. Em đi khám, BS đo cũng như vậy. Tim không bị gì. Đầu em lúc nào cũng chóng mặt, bồn chồn, tim đập nhanh. Em mới bị cách đây vài tháng sau khi bị sốt xuất huyết và liệt dây thần kinh số 7. Có phải em bị cao huyết áp không? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg. Ở người bình thường, huyết áp có thể tăng lên khi căng thẳng, lo lắng, sau uống cafe, khi người thấy mệt, khi có viêm nhiễm, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào bv, khi gặp bs thì huyết áp cao)... Do vậy, huyết áp đo sau khi ngồi nghỉ 10 phút mới là huyết áp phản ánh đúng và em không có bị tăng huyết áp.

Em có trình bày là tim em đập nhanh, bồn chồn nhưng không rõ nhịp tim cụ thể bao nhiêu lần/phút, lúc ngồi nghỉ 10 phút có trở về bình thường như huyết áp không. Nhưng em có bảo là đi khám bác sĩ thì “tim không bị gì”, hi vọng là vậy. Nếu vẫn thấy tim đập nhanh, đặc biệt là không đều, có nhịp hụt, thì em cần khám lại chuyên khoa Tim mạch, làm xét nghiệm kiểm tra sâu hơn như holter điện tâm đồ 24 giờ, siêu âm tim... để xác định nguyên nhân.

Cảm giác chóng mặt cần kiểm tra thêm, xem có thiếu máu, rối loạn tiền đình, bệnh lý cột sống cổ... hay không. Em cần nghỉ ngơi, ăn uống bồi bổ sức khỏe và tập thể dục cho cơ thể điều hòa cân đối.

 

- Nguyễn Thị Quynh – Hà Tây

BS ơi,

Em bị ngã, BS sau khi chụp phim chẩn đoán em bị gãy xương sườn số 9. Xin BS cho em cách khắc phục tốt nhất? Cám ơn BS!  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sợ nhất trong chấn thương ngực có gãy xương sườn đó là gãy nhiều xương tạo thành mảng sườn di động, gãy xương đâm vào các tổ chức chung quanh (gây tràn máu màng phổi, vào phổi, gan, lách...), khi đó người bệnh ngoài đau thì còn khó thở, mệt nhiều...

Đối với gãy 1 xương sườn đơn giản và không có các biến chứng trên thì không cần cố định xương sườn bị gãy, điều trị chủ yếu là giảm đau nếu đau nhiều và nghỉ ngơi, cử động nhẹ nhàng, hạn chế vận động gắng sức, ở người trẻ khỏe thì trung bình khoảng 3-4 tuần là xương lành.

 

- Mai Thị Quỳnh, 20 tuổi – Hà Nội

BS ơi cho em hỏi,

Cách đây vài tháng em có phát hiện cạnh núm vú bên phải phía nách có 1 hạch đường kính khoảng 2cm di chuyển được. Hạch này bình thường không đau chỉ khi ấn mạnh vào mới đau. Từ lúc phát hiện thấy tới giờ là khoảng 5-6 tháng nhưng em vẫn không thấy nó to lên hay có biểu hiện sưng tấy. BS cho em hỏi như vậy có phải dấu hiệu của bệnh ung thư vú không? Em xin cám ơn!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khối ung thư vú thường có đặc điểm là có kích thước khoảng từ 1cm trở lên, ranh giới không rõ, không đau, di động kém, gần núm vú thì có thể gây tiết dịch núm vú, kéo núm vú thụt vào trong, xuất hiện vết lõm hoặc nếp nhăn kéo lõm bề mặt của tuyến vú, tổn thương dạng “da cam” của tuyến vú.

Tuy nhiên, vì em tự thăm khám và tự kết luận đây là “hạch” nên điều này cần được làm rõ. Khối bất thường ở trên ít nghĩ là ung thư vú, nhưng có thể là nang lành tính tuyến vú, bướu lành sợi tuyến vú... em cần khám chuyên khoa Sản phụ khoa để bác sĩ thăm khám, siêu âm vú... nhằm xác định rõ bệnh.

 

- My Hoàng – danghoang…@gmail.com

Em chào BS ạ,

Mẹ của em đã từng phẫu thuật cắt bỏ bướu tuyến giáp và được BS chỉ định uống Levosum suốt đời để tăng hóc môn tuyến giáp. Tuy nhiên hiện tại thuốc Levosum đã không còn bán trên thị trường nữa, vậy mẹ em có thể dùng thuốc Berlthyrox để thay thế không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Levosum và Berlthyrox đều là thuốc có hoạt chất chính là thyroxine, dùng điều trị thay thế trong các trường hợp thiếu hormone giáp trạng ở các bệnh nhân suy tuyến giáp (trong trường hợp của mẹ em là suy giáp thứ phát do phẫu thuật cắt bỏ bướu tuyến giáp).

Do vậy, mẹ em có thể dùng thuốc Berlthyrox với liều tương đương với liều levosum đang sử dụng, uống cùng giờ thường ngày vẫn dùng và thăm khám định kỳ theo hẹn của BS điều trị.

 

- Thái – Hà Nam

BS ơi,

Mẹ cháu bị gì không biết, thấy BS kết luận là tế bào mô vảy không xác định là như thế nào? Và có ký hiệu là ASCUS đó có phải bị ung thư không ạ? Nếu bị thì chữa khỏi được không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trước đây, ASCUS là danh pháp để chỉ biến đổi tế bào gai (tế bào biểu mô vảy) ở cổ tử cung không điển hình không rõ ý nghĩa. Hiện nay danh pháp này được đổi tên thành ASC-US (tổn thương tế bào gai không điển hình) trong bảng phân loại Bethesda 2001 (Bảng phân loại tế bào học cổ tử cung trên thế giới).

ASC-US không phải là tổn thương ác tính (ung thư), nguy cơ mà chuyển thành tổn thương tiền ung thư phụ thuộc vào XN nhiễm HPV.

Nếu ASC-US và xn HPV nguy cơ cao âm tính hay không xác định thì BS sẽ dặn kiểm tra lại và theo dõi.

Nếu ASC-US và xn HPV nguy cơ cao dương tính thì theo có chỉ định soi cổ tử cung. Tùy vào kết quả này mà BS quyết định điều trị tiếp theo như thế nào.

Khả năng chữa khỏi ASC-US ngày nay rất cao.

Nói tóm lại, đây là 1 dạng tổn thương nằm ở cổ tử cung, không phải là ung thư và có khả năng điều trị khỏi khá cao.

 

- Phu Thinh, 14 tuổi – Quận 8, TPHCM

Thưa BS,

Con mới 14 tuổi, ở đầu gối của con có sưng một chỗ ngay dưới xương bánh chè. Con bị từ 3 năm trước cho tới giờ vẫn chưa khỏi. Con cũng đã đi khám nhiều lần, có người nói con bị giãn dây chằng cũng có người nói con bị u lồi củ xương chày. Bây giờ, con chạy thì không đau, nhưng khi dùng tay nhấn mạnh vào thì mới đau. BS cho hỏi, con có thể vận động thể thao được chưa ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo mô tả của em, tôi đoán nhiều khả năng đây là u lồi củ xương chày. Bởi vì vị trí dưới xương bánh chè bình thường có 1 cấu trúc giải phẫu gọi là lồi củ xương chày, hơi nhô lên, có người nhô hơi nhiều gọi là u lồi củ xương chày. U lồi củ xương chày không phải là ung thư xương, không gây đau nhức hay giới hạn vận động gì cả, không cần điều trị, vận động thể thao bình thường.

Khi dùng tay nhấn mạnh vào vị trí nào sát xương cũng sẽ gây đau, đó là bình thường, em có thể tự kiểm tra bằng cách ấn vào phần trước xương ức, xương góc hàm cũng sẽ thấy đau.

Giãn dây chằng không gây triệu chứng như em miêu tả.

Để chẩn đoán chắc chắn nhất, em nên đến khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, chụp phim Xquang khớp gối.

 

- Huy Hùng – Hải Dương

BS cho cháu hỏi,

Thời gian khoảng 4 tháng cháu có sử dụng ma túy đá và giờ cháu dừng được 3 ngày. Trong 3 ngày không dùng ma túy đá nữa thì cháu lúc nào cũng trong tình trạng buồn ngủ và ngủ li bì. BS cho cháu hỏi tình trạng như thế này kéo dài bao lâu? Cháu cảm ơn! 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong thời gian sử dụng ma túy đá, người dùng thường không kiểm soát được bản thân, không ăn, không ngủ, lại hoạt động hết công suất cho việc nhảy nhót, lắc lư, sa vào các cuộc vui chơi thâu đêm, rượu bia, quan hệ tình dục bừa bãi... đó là do tác hại của ma túy đá gây ra.

Do vậy, khi ngưng ma túy đá, thì cơ thể có thể đã bị suy sụp dẫn đến ngủ nhiều. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra lại chức năng gan, thận... sau 1 thời gian dài sử dụng ma túy đá. Em cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, tùy mức độ cơ thể tổn thương thế nào mà thời gian này kéo dài bao nhiêu ngày, không nói trước được.

Bên cạnh đó, chắc em cũng đã nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tôi vẫn nhắc lại điều này với em, rằng ma túy là thuốc độc giết người, không chỉ bản thân người dùng mà còn là những người thân xung quanh họ.

Những người thường xuyên sử dụng ma túy có thể chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, nặng hơn sẽ mắc tâm thần và hậu quả cá nhân là suy kiệt thể chất và suy giảm khả năng tình dục. Đã dính vào ma túy thì rất khó cai, em mới dùng lần đầu thì còn đường rút lui, em đừng tiếp tục “đào mồ chôn mình”, em nhé.          

 

- Minh Trang - Minhtrang…@gmail.com

Thưa BS,

Em bị lao màng phổi và đang điều trị ở BV Phạm Ngọc Thạch, uống thuốc được 3 tháng. Tháng trước em đã chụp X quang và siêu âm lại thì hết dịch và BS nói khỏe lên nhiều. Bình thường em uống thuốc lúc 9h30. Hôm nay em quên uống thuốc nên tới 11h45 mới uống. Trước đó 10h30 em có ăn bánh bao. Vậy em uống thuốc như vậy có bị kháng thuốc không ạ? Với bình thường em cũng hay uống thuốc chênh lệch với giờ cố định khoảng 15' đến 30' thì có vấn đề gì không? Em xin cảm ơn! 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em có tinh thần tuân thủ điều trị thuốc như vậy là rất tốt. Mặc dù có 1 lần em lỡ uống thuốc trệt giờ quy định khoảng 2 tiếng nhưng không đến nỗi nghiêm trọng dẫn đến kháng thuốc đâu. Mỗi ngày lệch khoảng 15-30 phút thì cũng không sao, nhưng đúng giờ vẫn tốt hơn. Những ngày sau em nhớ uống thuốc đúng giờ nhé. Kết quả chụp X-quang và siêm âm hết dịch màng phổi là dấu hiệu tốt, cho thấy bệnh của em đang cải thiện lên nhiều. mong em mau khỏe.

 

- Truc Binh – votruc..@gmail.com

Chào BS,

2 bên amidan của con nó phình lên hơi to và có hình thành mủ đặc. BS BV ĐH Y dược khuyên là đốt cho nó nhỏ lại. Con không biết đốt có trị dứt điểm không và khả năng tái lại có cao không? Khi tái lại có nghiêm trọng như ban đầu không ạ? Mong BS tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tượng 2 amidan phình to và chứa mủ đặc gọi là viêm amidan mạn tính phì đại mưng mủ, có chỉ định cắt đốt amidan. Phương pháp cắt amidan thường chỉ mất 15-30 phút.

Cắt amidan rồi thì amidan sẽ không “mọc lại” nhưng vẫn có thể bị viêm họng tái lại, vì hệ bạch huyết thành sau họng rất nhiều và amidan chỉ là 2 tuyến lớn nhất nằm ở 2 bên.

Thậm chí, người bệnh có thể viêm họng tái đi tái lại nếu giữ không kỹ, như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường và nói to, nói nhiều, ăn đồ chua cay nóng, uống nước đá lạnh, viêm mũi xoang mạn không chữa tận gốc, trào ngược dạ dày thực quản...

 

- Le Huy, 28 tuổi – huydoanh…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây 4 năm em có bị nghẹt mũi thường xuyên và đổi bên. Lúc ngủ bị nặng hơn, nằm nghiêng bên nào thì bị tịt bên đó. Em không hắt hơi, sổ mũi. Đi khám BS nói bị vẹo vách ngăn và đã mổ chỉnh hình vách ngăn nhưng đến giờ vẫn không đỡ chút nào.

Hôm qua em có đến phòng khám ngoài nội soi mũi họng, BS bảo em bị vẹo vách ngăn đồng thời mô mõm quá phát.

BS cho em hỏi, có phương pháp nào chữa mô mõm quá phát không? Liệu có đúng khi mô mõm quá phát là bị nghẹt mũi đổi bên hay do một bệnh lý khác? Em xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng nghẹt mũi luân phiên thường gặp trong phì đại cuống mũi dưới (mô mõm quá phát) và vẹo vách ngăn mũi. Trường hợp của em, nghẹt mũi luân phiên từng bên khi nằm nghiêng, không kèm theo triệu chứng nào khác, hiện tượng này một phần là do máu dồn ứ cuống mũi theo trọng lực (và ở người bị mô mõm quá phát sẽ dễ bị ngạt mũi hơn), một phần có thể do trong phòng không khí lạnh, quạt thổi thẳng vào mũi mặt...

Để cải thiện, em hãy nằm đầu cao, tránh khí lạnh và quạt thổi thẳng vào mặt, mũi. Thể dục thể thao thường xuyên giúp cho niêm mạc cuống mũi điều hòa tốt hơn.

Ngoài ra, em có thể điều trị bằng thuốc nhỏ mũi đặc trị (có thành phần co mạch, giảm viêm), nếu vẫn không bớt, cuống mũi dưới phì đại quá to thì cắt bán phần cuống mũi dưới sẽ giúp giải phóng lỗ mũi, giúp dễ thở hơn, không hề ảnh hưởng đến thẩm mỹ của mũi (không gây co rút, sẹo méo).

 

- Mai Hương – maihuong…@gmail.com

Chào BS,

Em bị trào ngược dạ dày, viêm họng mãn. Có hạch cổ, lưỡi thường xuyên bị rát. Người khá mệt mỏi, không có năng lượng, khó tập trung, giảm sút cân. Em bị đã 4 tháng rồi. Đây là xét nghiệm máu của em. BS xem giúp tình trạng của em có nặng không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Công thức máu của em là bình thường. số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu đều nằm trong giới hạn bình thường. Mặc dù huyết sắc tố là Hemoglobin có hơi giảm nhẹ, nhưng số lượng hồng cầu vẫn đủ, hình dạng và màu sắc hồng cầu vẫn bình thường thì không sao cả, em chỉ cần ăn bồi bổ thêm là sẽ ổn.

Công thức máu này không nói lên được tình trạng bệnh trào ngược dạ dày thực quản của em nặng hay nhẹ, mà thông qua triệu chứng hạch cổ, lưỡi thường xuyên rát, viêm họng mạn là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản nặng, chưa kiểm soát được. Em cần tích cực điều trị trào ngược dạ dày thực quản theo toa BS.

Đồng thời, phải hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ, không uống thức uống có đá, giữ ấm mũi họng và đeo khẩu trang khi đến nơi nhiều khói bụi.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X