Hotline 24/7
08983-08983

Em bỏ ma túy đá mà vẫn uể oải, chóng mặt, nhức đầu?

Bạn đọc AloBacsi hỏi về cảm giác khó chịu sau khi bỏ ma túy đá, đang sổ mũi và bệnh trĩ hiến máu được không, thoái hóa cột sống lưng, sốt và vướng đàm sau cắt amidan...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Đình Thiên - TP Huế

Thưa BS,

Mổ nội soi sỏi niệu quản 1/3 trên, sau mổ mấy giờ thì vận động được, nên vận động thế nào?

Chào bạn Thiên,

Mổ nội soi trong điều trị sỏi thận có thể là tán sỏi nội soi ngược dòng (dùng ống soi niệu quả đưa từ niệu đạo lên bàng quang, lên niệu quản, tiếp cận viên sỏi sau đó phá vụng sỏi bằng laser hoặc khí nén rồi lấy bơm rửa hết sỏi), hoặc nội soi lấy sỏi thận qua da (tạo đường hầm vào thận và đưa ống nội soi đường kính 10mm - 15mm vào tiếp cận sỏi, phá vỡ sỏi bằng laser hoặc khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài), hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi (dùng ống nội soi đưa qua đường tiết niệu, tán sỏi và hút hoặc gắp sỏi ra ngoài).

Mỗi phương pháp sẽ có thời gian mổ và thời gian phục hồi khác nhau. Do đó, tốt hơn hết người bệnh nên hỏi lại BS điều trị cho mình cụ thể là mổ nội soi kiểu nào và các hướng dẫn vận động sau mổ tương ứng.


- Nguyễn Thị Sơn - sonbun…@gmail.com

Em chào BS ạ,

Bố em đi khám về và kết quả siêu âm cho thấy nhu mô gan trái có nang kích thước 9mm. Vậy cho em hỏi nang như vậy được gọi là lớn chưa và có nguy hiểm gì không ạ?

Em cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Sơn thân mến,

Nang gan là túi chứa đầy chất dịch ở gan. Một hoặc hai nang gan thường không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị, tuy nhiên nếu các nang có rất nhiều hoặc có kích thước lớn thì sẽ gây triệu chứng khó chịu (ví dụ như đau, ảnh hưởng lên chức năng gan…). Ngoài ra, để nhận xét 1 cái nang gan có nguy hiểm hay không thì còn phải dựa vào loại nang gan:

Nang đơn giản;

Bệnh gan đa nang (một bệnh di truyền);

Nang gây ra bởi ký sinh trùng (chẳng hạn như bệnh nang sán);

Nang xảy ra kết hợp với bệnh ung thư gan.

Như vậy, nang gan của bố em là 1 nang, kích thước 9 mm cũng không lớn, nhưng để biết được có nguy hiểm không thì BS cần có nhiều dữ liệu mới trả lời được. Gia đình nên tham khảo trực tiếp ý kiến của BS đang theo dõi bệnh cho bố em để có câu trả lời sớm và phù hợp nhất, em nhé!


- Minh Huy - Hà Nam

Chào BS ạ,

Cháu bị ho lâu ngày, đi khám BS nói cháu bị viêm họng cấp tính rồi cho cháu thuốc uống nhưng uống hết thuốc rồi mà vẫn không khỏi. Hơn nữa cháu uống thuốc vào lại càng ho thêm và đôi khi cháu còn bị nôn khan nữa. Khi cháu khạc đờm thì thấy có chút máu lẫn trong đờm.

Cháu muốn hỏi là tình trạng cháu như thế là sao ạ? Cháu bị khoảng 5 tuần kể từ khi bắt đầu bị ho rồi ạ. BS giúp cháu với ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Ho kéo dài có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang chảy dịch mũi sau, viêm họng mạn, lao phổi, do thuốc... Ho nhiều sẽ gây đau rát ở họng. Ho kéo dài kèm khạc đờm có máu có thể gặp trong nguyên nhân lành tính như vỡ các vi mạch máu thành sau họng do hiện tượng viêm sung huyết kèm ho khạc mạnh, nhưng cũng có thể do nguyên nhân nguy hiểm hơn.

Khi ho kéo dài kèm khạc đàm có máu mà điều trị thuốc không bớt thì nên cân nhắc nội soi hầu họng - thanh quản, chụp Xquang phổi cùng các xét nghiệm khác (như xét nghiệm máu, xét nghiệm đàm...), kiểm tra bệnh lý dạ dày - trào ngược dạ dày thực quản… Em nên đăng ký khám ở chuyên khoa Tiêu hóa.

Song song đó, em cần chú ý, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.

Không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Song Ngọc - 171…@...edu.vn

Thưa BS,

Em đang bệnh sổ mũi nhưng em đã hiến máu vậy có sao không ạ? Và người nhận máu có sao không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngọc thân mến,

Khi em đang có bệnh sổ mũi thì tốt nhất là không nên hiến máu. Tùy nguyên nhân sổ mũi do đâu, như do dị ứng, virus, vi khuẩn… có đang dùng thuốc gì hay không mà sẽ ảnh hưởng lên chất lượng máu khác nhau.

Nhưng em đã hiến máu rồi thì cũng không lấy lại bịch máu đó được, nhưng em yên tâm là trước khi truyền máu thì bịch máu cũng sẽ được qua nhiều công đoạn kiểm tra, nếu an toàn cho người nhận thì mới được giữ lại, còn không thì sẽ bỏ đi, chỉ hơi “phí phạm” một chút thôi chứ cũng không đến nỗi nguy hại lắm.

Em có tinh thần hiến máu vì cộng đồng là tốt, nhưng hành động thiện nguyện cũng cần phải có khoa học, em nhé.


- Văn Lâm - v…@gmail.com

Thưa BS,

BS cho em hỏi em chơi đá được mấy lần nhưng bỏ không chơi nữa, em có cảm giác như uể oải, không muốn ăn, nhức đầu, chóng mặt là bị gì vậy BS? Em cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Lâm,

Các triệu chứng mà em nêu ra có thể là do hội chứng cai ma túy gây ra, có thể là do tác dụng phụ của ma túy đá, cũng có thể là do em có bệnh trong người không liên quan đến ma túy.

Bởi vì thứ nhất, đến gần 45 ngày kể từ sau lần sử dụng ma túy đá cuối cùng, người sử dụng ma túy đá sẽ rơi vào trạng thái khó chịu về thể xác lẫn tinh thần do hội chứng cai ma túy gây ra. Tình trạng này có thể kéo dài ít nhất 3 tháng cho tới khoảng 2 năm hoặc lâu hơn.

Thứ hai, trung bình khoảng 72 giờ là ma túy được thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể (cả máu và nước tiểu), nhưng các chế phẩm trộn vào ma túy đá tổng hợp thì không biết được thời gian thải cũng như tác dụng phụ.

Do đó, em nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát, nên khai thật để BS biết mà làm đủ xét nghiệm cần thiết, trong đó bao gồm xét nghiệm máu, gan, thận... tùy theo tình trạng bệnh mà có hướng xử trí thích hợp.


- Nguyễn Nhi - tuoi…@email.com

Chào BS,

Xin hỏi người đang uống thuốc trị bệnh trĩ có hiến máu được không thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nhi,

Người đang uống thuốc trị bệnh trĩ có thể hiến máu được, nhưng cần phải có điều kiện an toàn về sức khỏe của người hiến và chất lượng máu hiến tặng.

Cụ thể là thuốc đang uống là thuốc gì, thuốc đó có ảnh hưởng chất lượng máu không, bệnh trĩ có đang xuất huyết hay viêm nhiễm gì không, người hiến có bị thiếu máu hay không, huyết áp ra sao, lần hiến gần nhất khi nào…

Do đó, khi em đăng ký hiến máu thì luôn có 1 bàn BS khám và hỏi bệnh lại đầy đủ cho em rồi mới quyết định em được hiến máu hay không, em nên khai với BS về tình trạng bệnh của mình và các thuốc đang dùng để BS quyết định, em nhé!


- Minh Tuấn - Đồng Nai

Xin chào BS,

Cháu là Tuấn, 18 tuổi. 2 tuần nay cháu đi cầu ra máu, máu thành giọt. Hôm nay cháu đi cầu và phát hiện bên dưới hậu môn có máu đông như tiết heo.

Bụng cháu gần đây khó chịu, âm ỉ, và nóng. Cháu không thấy giống các dấu hiệu trĩ. Liệu có phải đường ruột cháu không ạ?

Cháu sẽ rất vui và cảm kích khi nhận được phản hồi từ BS, mong nhận được phản hồi sớm nhất. Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuấn thân mến,

Ống tiêu hóa (dân gian còn gọi là đường ruột) kéo dài từ miệng tới hậu môn. Trĩ là bệnh lý thuộc đoạn tiêu hóa dưới, cụ thể là đoạn trực tràng - hậu môn, như vậy, bệnh trĩ là một bệnh lý thuộc về đường tiêu hóa, tức là đường ruột.

Đi cầu ra máu thì chắc chắn đường ruột có vấn đề. Đi cầu ra máu là xuất huyết tiêu hóa, đi cầu ra máu đỏ và đông lại thường là xuất huyết tiêu hóa dưới, nguyên nhân có thể do trĩ nội xuất huyết (không phải trĩ lúc nào cũng có khối lồi ra ở hậu môn), viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng xuất huyết, túi thừa đại trực tràng...

Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu phải vào bệnh viện để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân (qua thăm khám và làm xét nghiệm như nội soi tiêu hóa dưới) để điều trị thích hợp sớm. Em đăng ký khám chuyên khoa Tiêu hóa, em nhé.


- Nhu Hao - nhu…@gmail.com

Chào BS ạ,

Mẹ em bị thoái hóa cột sống lưng. Vậy bệnh có nguy hiểm không? Điều trị có khỏi hẳn không ạ? Em cám ơn BS tư vấn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý phổ biến, không gây chết người, nhưng có tính chất dai dẳng gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn khó chịu, người bệnh bị hạn chế vận động. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh này là: gai xương thân đốt sống phát triển chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống, đĩa đệm bị thoái hóa và chèn ép rễ dây thần kinh, ống tủy, trượt đốt sống…

Điều trị thoái hóa cột sống thắt gồm nhiều phương pháp giúp giảm đau như uống thuốc, vật lý trị liệu… nhưng hoàn toàn không có phương pháp nào để chữa khỏi bệnh thoái hóa mà chỉ có thể làm hạn chế, làm chậm quá trình lão hóa mà thôi.

Bệnh lý này nên được điều trị bởi BS chuyên khoa Cơ xương khớp. Thân mến!


- Khánh Qui - khnh…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây 1 tháng tôi có cắt amidan, nhưng cổ họng tôi vẫn hay bị vướng đàm, chỗ mổ vẫn hơi còn đau và có biểu hiện hay bị sốt nhẹ, thỉnh thoảng lưỡi hơi đau, mũi có nước, và tai hay bị ngứa.

Nguyên nhân trên là do cắt amidan còn sót hay sao vậy ạ? Nhờ BS tư vấn, cảm ơn BS nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Khánh,

Sau khi cắt amidan, vết thương có thể còn phù nề, sung huyết và có phản ứng viêm trong vài ngày đầu (khoảng 7-10 ngày). Sau đó, vết thương sẽ lành nhanh chóng.

Bình thường sau mổ cắt amidan 10 ngày, nếu người bệnh tuân thủ kiêng các chất chua, cay, cứng, nóng, nước có ga, chất kích thích thì hầu như không còn cảm giác đau, vướng, đàm nhớt ở họng nữa. Vết cắt Amidan trong họng thường sẽ lành hẳn sau mổ 2 tuần.

Tuy nhiên, sau khi cắt amiđan người bệnh vẫn có thể bị viêm họng lại, vì hệ bạch huyết thành sau họng rất nhiều và amidan chỉ là 2 tuyến lớn nhất nằm ở 2 bên.

Thậm chí, người bệnh có thể viêm họng tái đi tái lại nếu giữ không kỹ, như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường và nói to, nói nhiều, ăn đồ chua cay nóng, uống nước đá lạnh, viêm mũi xoang mạn không chữa tận gốc, trào ngược dạ dày thực quản...

Ngoài ra, cắt amidan không thể giải quyết luôn vấn đề của tai, mũi được.

Như vậy, mặc dù amidan đã được giải quyết nhưng vấn đề của tai, mũi và vùng hầu họng của bạn vẫn còn, do đó bạn nên khám lại BS chuyên khoa Tai mũi họng để BS kiểm tra và kê thuốc thích hợp.

Bên cạnh đó, bạn nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, có thể bổ sung thêm vitamin C (nếu không đau dạ dày) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.


- Bạn đọc có email hong…@gmail.com

Thưa BS,

Em là nữ, 21 tuổi. Em luôn được mọi người nhận xét là hoạt bát, từ nhỏ được giáo dục rất nghiêm nên em không bao giờ chửi bậy, do vậy, nếu có bạn quát em em thường không nói gì cả. Nhưng sau đó lại cứ nghĩ mãi về chuyện bực mình đó và hay suy nghĩ những câu mình phải nói hoặc đáng lẽ phải nói lúc đó.

Tính em lại rất nóng tính. Nhiều lần như thế dần trong đầu luôn hay xuất hiện cảnh em muốn giết người và giết người đó như thế nào. Điều này làm em thấy vừa căng thẳng vừa thỏa mãn.

Em học luật nên em cũng nhận thức được mình không nên làm vậy nhưng em không thể nào ngăn được, những cảnh giết chóc đó hiện lên. Tình trạng này kéo dài mấy năm nay rồi.

Những lúc em cũng cảm thấy rất cô đơn và những lúc buồn em luôn nghĩ tới việc cắt tay, làm đau mình thậm chí là tự tử. Sau đó lại trách mình sao lại suy nghĩ biến thái như thế. Dạo gần đây em lại hay nghĩ tới việc giết người mà em ghét.

Xin BS cho em xin lời khuyên ạ! Em cảm ơn BS nhiều ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, còn kiểm soát được lý trí và hành động của mình, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Bản thân em cũng cảm nhận là con người bên ngoài và bên trong của em hoàn toàn khác nhau, và những suy nghĩ hại người, hại mình là không tốt, nhưng em chưa thể kiểm soát được những ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu. Đó chính là triệu chứng của bệnh lý rối loạn tâm lý, tâm thần.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Và do đó, nếu nghi ngờ mình có triệu chứng của bệnh lý tâm thần thì tốt nhất là khám BS chuyên khoa Tâm thần.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, BS chuyên khoa tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được. Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu).


- Bạn đọc tên Nhan - hnhan…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Em có vài câu hỏi muốn hỏi BS: cho em hỏi triệu chứng của em là bụng hay đầy hơi, hơi căng căng bụng bên phía tay trái, hay đau và nóng từ bụng lên cổ, nuốt nước bọt hay vướng nơi cổ.

Xin AloBacsi cho em biết các triệu chứng như vậy là bệnh gì và điều trị như thế nào ạ? Em xin cám ơn nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Với các triệu chứng em miêu tả thì nhiều khả năng em bị viêm dạ dày kèm trào ngược dạ dày thực quản. Với tình trạng này em nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám + xét nghiệm), kê thuốc thích hợp cho em.

Trong thời gian chờ đi khám và trong lúc điều trị bệnh, em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Thân mến!


- Dong Hai - donghai…@gmail.com

Dạ thưa BS,

Cháu trước đây ăn đồ lạ hay tanh là bị đi ngoài. Ngày 31/10/17 cháu khám nội soi Viện 103, được chẩn đoán là viêm hang vị tá tràng sung huyết có phù nề.

Trong thời gian uống thuốc cháu đi đại tiện phân nát nên rất lo. Vậy cho cháu hỏi nguyên nhân đi phân nát và cháu uống men vi sinh Bifina được không ạ? Cháu cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Toa thuốc của em là dùng trong điều trị viêm dạ dày tá tràng do Hp. Hp là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày tá tràng.

Trên đoạn ghi kết quả nội soi thực quản dạ dày mà em gửi về thì hiện tôi không thấy đoạn nào ghi nhận có nhiễm Hp đi kèm, có thể BS điều trị cho em dựa vào các bằng chứng khác về việc nhiễm Hp (như xét nghiệm máu, CLO test…).

Trong 7 ngày đầu điều trị theo toa BS, em được kê kháng sinh để điều trị Hp, tác dụng phụ của kháng sinh có thể là gây đi cầu phân nát, em uống men vi sinh được vì có thể giúp ích.

Nhưng theo toa này thì BS có sử dụng thêm thuốc chống rối loạn lo âu cho em, nên tôi nghĩ rằng em cũng có rối loạn lo âu. Người có rối loạn lo âu có thể có hội chứng ruột kích thích đi kèm, là một dạng rối loạn tiêu hóa.

Như vậy, trước mắt em cứ uống thuốc theo toa của BS cho đủ ngày rồi tái khám theo hẹn, nếu còn đi cầu phân nát thì cân nhắc làm các xét nghiệm kiểm tra đại trực tràng (như nội soi đại tràng chẳng hạn).

Trong thời gian đó thì em có thể uống thêm men vi sinh, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe không bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X