Hotline 24/7
08983-08983

Em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ mà lại mang bầu, lo quá AloBacsi ơi!

Thai phụ bị thiếu máu hồng cầu nhỏ, bệnh Crohn, cắt toàn bộ tuyến giáp rồi có sinh con được không, người trẻ bị tràn dịch khớp gối, bóc sợi giác mạc, táo bón kéo dài… là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

alobacsi
BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


Nguyễn Văn Hùng - Hải Dương

BS cho tôi hỏi,

Mỗi khi ăn xong tôi thường đau bụng âm ỉ và đi ngoài (phân lỏng), đi khám và nội soi các BS kết luận tôi bị đại tràng và dạ dày, nghi Crohn và kê đơn thuốc. Nhưng từ khi khám đến nay đã được 1 tháng và tôi vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm, vẫn còn dấu hiệu như ban đầu.

Mong BS cho tôi lời khuyên và hướng điều trị, xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hùng thân mến,

Triệu chứng vừa ăn xong thì đau bụng âm ỉ và tiêu phân lỏng rất thường gặp trong các bệnh lý về đại tràng, trong đó lành tính có hội chứng ruột kích thích, nặng hơn thì có viêm loét đại trực tràng, Crohn…

Em đã nội soi đại tràng và nội soi cả dạ dày, BS nghi ngờ em mắc bệnh Crohn thì tình hình không được tốt lắm. Bởi vì bệnh Crohn là một trong nhóm các bệnh viêm ruột mạn tính. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn có thể từ nhẹ đến nặng và có thể phát triển dần dần hoặc đến đột ngột mà không có cảnh báo. Cũng có thể có khoảng thời gian không có dấu hiệu hoặc triệu chứng (thuyên giảm).

Khi bệnh đang hoạt động, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

- Tiêu chảy: Viêm nhiễm xảy ra trong bệnh Crohn làm cho các tế bào trong vùng của đường ruột bị ảnh hưởng tiết ra một lượng lớn nước và muối. Vì ruột kết có thể không hoàn toàn hấp thụ chất lỏng dư thừa này, phát triển tiêu chảy. Tăng cường co thắt ruột cũng có thể góp phần vào phân lỏng. Tiêu chảy là vấn đề phổ biến nhất cho những người bị Crohn.

- Đau bụng và co thắt ruột: Viêm và loét có thể gây ra sưng tấy các phần đường ruột và cuối cùng dày lên thành mô sẹo. Điều này ảnh hưởng đến sự chuyển động bình thường các thành phần qua đường tiêu hóa và có thể dẫn đến đau và co thắt. Bệnh Crohn nhẹ thường gây ra khó chịu đường ruột nhẹ đến vừa phải, nhưng trong trường hợp nặng hơn - nghiêm trọng, cơn đau có thể nghiêm trọng và bao gồm buồn nôn và ói mửa.

- Máu trong phân: Thực phẩm di chuyển qua đường tiêu hóa có thể gây viêm mô dẫn đến chảy máu, hoặc ruột cũng có thể chảy máu. Có thể nhận thấy máu đỏ tươi trong bồn cầu hoặc máu sẫm màu trộn với phân.Cũng có thể có chảy máu không nhìn thấy.

- Loét: Crohn có thể gây ra vết lở nhỏ trên bề mặt của ruột mà cuối cùng trở thành loét lớn thâm nhập sâu và đôi khi thủng thành đường ruột. Cũng có thể có vết loét trong miệng tương tự.

- Giảm sự thèm ăn và giảm cân: Đau bụng và phản ứng viêm trong thành của đường ruột có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng, khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn còn chưa biết. Trước đây, chế độ ăn uống và sự căng thẳng đã bị nghi ngờ, nhưng bây giờ các BS biết rằng mặc dù các yếu tố này có thể làm nặng thêm bệnh Crohn hiện tại, nhưng không gây ra nó. Bây giờ, các nhà nghiên cứu tin rằng một số yếu tố, chẳng hạn như tính di truyền và hệ thống miễn dịch bị hỏng, đóng một vai trò trong việc phát triển bệnh Crohn.

- Hệ thống miễn dịch: Virus hoặc vi khuẩn có thể gây ra bệnh Crohn. Khi hệ thống miễn dịch cố gắng chống lại các vi sinh vật xâm lược, đường tiêu hóa bị viêm. Hiện nay, các nhà điều tra tin rằng một số người với căn bệnh này phát triển vì phản ứng miễn dịch bất thường với vi khuẩn thường sống trong ruột.

- Tính di truyền:Đột biến gen gọi là NOD2 có xu hướng xảy ra thường xuyên ở những người bị bệnh Crohn và dường như liên kết với khả năng cao hơn cần phẫu thuật cho bệnh. Các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm những đột biến gen khác có thể đóng một vai trò trong Crohn.

Một khi đã nghi ngờ bệnh Crohn thì BS cần theo dõi bệnh của em liên tục, làm thêm 1 số xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị của em ra sao mà điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Điều trị bệnh Crohn không đơn giản, bao gồm thuốc giảm viêm và các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng.

Hiện tại chẩn đoán của em vẫn chưa được xác định, em nên kiên trì theo đuổi điều trị với BS đã chẩn đoán bệnh cho em thêm 1 thời gian nữa, đừng nóng vội vì bệnh này là bệnh khó. Nếu em nghi ngờ chẩn đoán của BS đó, em có thể kiểm tra lại ở ck tiêu hóa thuộc 1 BV tuyến đầu khác, đem theo tất cả thông tin bệnh tình mà em có.

Bên cạnh việc uống thuốc, tái khám, em cần ăn chín uống sạch, tránh bia rượu, không cafe, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ nhiều gia vị, cay nóng, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, tránh lo âu, suy nghĩ căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ, nên tập luyện các môn giúp thư giãn như yoga…


Trần Thị Hạnh - Hà Nội

Chào BS,

Em năm nay 26 tuổi, được chẩn đoán là bị thấp tim và hở van nhẹ, BS có kê ba loại thuốc, gồm Ospen 1000, Corbiere vàNeurobion. BS có dặn phải uống đều đặn trong vòng 6 tháng.Nhưng em bị đau dạ dày, khi uống vào bụng khó chịu,hơi đau, nôn nao, người mệt mỏi.

Vậy em có nên uống tiếp theo đơn BS kê hay không?Nếu có thì có biện pháp nào để em không bị đau dạ dày không ạ?Em rất mong nhận được tư vấn của BS ạ. Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong toa thuốc BS kê cho em thì Ospen là thuốc quan trọng nhất để điều trị thấp tim cho em, em không được tự ý ngưng thuốc. Ospen có hoạt chất là Phenoxymethylpenicillin dạng muối kali, một kháng sinh đường uống có hiệu lực cao, thuốc ít tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.

Neurobion cũng ít gây khó chịu ở đường tiêu hóa.

Riêng chỉ có Corbiere thường có Vitamin C kèm theo thì có thể gây khó chịu ở đường tiêu hóa, đặc biệt là những ai có dạ dày nhạy cảm.

Vì thế trước mắt em nên uống tiếp thuốc Ospen và Neurobion, có thể tạm ngưng Corbiere và theo dõi. Nếu hết khó chịu ở dạ dày thì thôi, chờ tới đợt tái khám báo BS để BS thay loại bổ sung Canxi khác cho em. Nếu vẫn còn khó chịu ở dạ dày thì tái khám sớm để BS bổ sung thêm thuốc dạ dày phù hợp cho em.


Thảo Hoàng - hthao...@gmail.com

BS cho cháu hỏi,

Cháu năm nay 21 tuổi, đã cắt toàn bộ tuyến giáp do Basedow. Vậy cháu có sinh đẻ được bình thường không ạ?Cháu cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Những bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp cho đến cuối đời. Những bệnh nhân này vẫn có thể đậu thai và sinh con bình thường nhưng cần phải khám tiền sản trước, để BS kiểm tra lại chức năng tuyến giáp, nồng độ kháng thể kháng giáp cùng một số bước thăm khám + xét nghiệm khác nhằm tư vấn khả năng đậu thai của em ra sao, lên kế hoạch theo dõi thai kỳ và sinh nở cho em. Em cần đến gặp BS chuyên khoa Sản khoa khi có ý định mang thai, em nhé.


Trương Thị Thanh Tuyền - truongt...@gmail.com

Chào BS,

Khoảng nửa tháng trước, em bị dịch tràn khớp gối phải, BS đã hút dịch ra rồi, nhưng đến nay tình trạng của em vẫn hay đau. Khi bước đi em có cảm giác nhói ở phía bên trái của gối.

Trước đây em được chẩn đoán là giãn dây chằng, khoảng 1 năm trở lại đây thì chân em hay bị đau nhiều khi vận động dù mức độ nhẹ.

Em điều trị ở BV, BS khuyên em nên chụp MRI, nhưng tình trạng của em không đau nhiều và khi có khi không.

Liệu em có nên kiểm tra MRI cho chính xác không ạ?Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong mail em gửi về thì BS không thấy đoạn nào ghi nhận lý do vì sao em bị tràn dịch khớp gối phải cả, do chấn thương, do viêm khớp tinh thể, viêm khớp nhiễm trùng, thấp khớp, bệnh tự miễn…?

Một người trẻ bình thường không có tiền căn chấn thương khớp gối thì tự nhiên bị tràn dịch khớp gối, giãn dây chằng là bất thường, phải tìm nguyên nhân tại sao bị như vậy để điều trị tận gốc. Hành động rút dịch khớp gối ra chỉ là điều trị triệu chứng tạm thời thôi.

Để chẩn đoán bệnh thì cần làm xét nghiệm dịch khớp gối, nên chụp MRI khớp để khảo sát được nhiều thứ hơn (Xquang thì chỉ thấy phần xương thôi, còn MRI thấy được dây chằng, hiện tượng viêm…), có khi còn cần xét nghiệm máu để tìm xem có kháng thể bất thường không nữa…

Hiện tại mặc dù không em lúc đau lúc không, nhưng cả năm nay thì chân em “đau nhiều khi vận động dù mức độ nhẹ”, vì thế em nên theo dõi và điều trị bệnh ở chuyên khoa Cơ xương khớp, sớm xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.


Dương Tuấn Anh - Hà Nội

Chào BS,

Mình bóc sợi giác mạc được 3 hôm mà mắt vẫn sưng húp. Liệu có phải dấu hiệu nguy hiểm không và cần đi khám luôn không?Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bóc sợi giác mạc là kỹ thuật để loại bỏ sợi biểu mô giác mạc ra khỏi bề mặt giác mạc. Sau thủ thuật, BS sẽ kê thuốc nhỏ mắt giúp giảm đau, giảm viêm, chống nhiễm khuẩn.

Trường hợp sau bóc sợi giác mạc đã 3 ngày mà mắt bạn còn sưng nhiều (không biết có kèm triệu chứng gì khác như đau nhức không) thì em cũng nên tái khám lại BS Mắt đã làm thủ thuật này cho bạn để kiểm tra lại cho chắc và điều chỉnh thuốc thích hợp. Thân mến.


Dang Van Duy - duy.thai...@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị trào ngược dạ dày, gần đây thấy có nổi hạch ở yết hầu và giữa ngực. Vậy đó là biểu hiện của bệnh gì và nên khám ở khoa nào là chính xác nhất?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bình thường, các hạch trong cơ thể không nổi to lên để sờ thấy được, khi chúng viêm hay tăng sinh thì chúng ta gọi là nổi hạch. Nổi hạch có thể là hạch viêm bình thường, cũng có thể là hạch ác tính.Nếu đây là hạch mới nổi trong vòng vài ngày với đặc điểm nhỏ, số lượng ít, bờ tròn đều, có thể có đau, thì thường là hạch viêm lành tính. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ung thư giai đoạn trễ phát hiện tình cờ qua việc nổi hạch, và đó là hạch ác tính, hạch ác tính có thể nằm gần cơ quan bị bệnh, cũng có thể nằm xa cơ quan đó.

Trào ngược dạ dày thực quản không có gây nổi hạch. Hơn nữa, có khi bạn tự chẩn đoán là nổi hạch trong khi nó không phải là hạch (u bã, u mỡ…).

Với tình trạng hiện tại, khi nghi ngờ đây là hạch và còn nổi ở 2 vị trí nguy hiểm trên thì bạn cần khám Ung bướu sớm để xác định bản chất, nguyên nhân, và điều trị thích hợp.


Nguyễn Thị Huyền - khacduc...@gmail.com

Thưa BS,

Em đi khám BS nói em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ, có ghi là MCH:21.1 MCV:68.1 và em có làm xét nhiệm điện di huyết sắc tố với kết quả HBa1 :98.0 , HBa2 : 2.0.

Em đang mang bầu 16 tuần, trong thời gian này em cũng không ăn uống được, trong 2 tuần em chưa uống thêm sắt.

BS cho em hỏi em có phải bị bệnh di truyền tan máu không và có cần xét nhiệm thêm gì để biết em bị bệnh di truyền hay là bị thiếu sắt? Mong BS tư vấn giúp em.Em chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Giá trị bình thường của điện di huyết sắc tố:

Lứa tuổi

HbA (%)

HbA2(%)

HbF (%)

Sơ sinh

20÷40

0,03÷0,6

60÷80

02 tháng

40÷70

0,9÷1,6

30÷60

04 tháng

80÷90

1,8÷2,9

10÷20

06 tháng

93÷97

2,0÷3,0

1,0÷5,0

01 tuổi

97

2,0÷3,0

0,4÷2,0

> 05 tuổi

97

2,0÷3,0

0,4÷2,0

Người trưởng thành

96÷98

0,5÷3,5

< 1

Như vậy, kết quả điện di huyết sắc tố trong giới hạn bình thường, nhiều khả năng là em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ do thiếu sắt, mặc dù một số ít trường hợp alpha-thalassemia thể ẩn cũng có kết quả điện di huyết sắc tố trong giới hạn bình thường.

Để loại trừ bệnh lý tan máu thì em nên làm thêm xét nghiệm phết máu ngoại biên, sắt huyết thanh, ferritin huyết thanh, transferrin, đưa kết quả cho BS Sản khoa đang theo dõi thai kỳ cho em để BS dựa vào đó mà chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Trong thời gian đó em nên cố gắng ăn uống đầy đủ chất, chia nhỏ bữa để tránh thiếu chất cho thai, em nhé.


Trần Tưởng - ttu...@gmail.com

Chào BS,

Cháu năm nay 22 tuổi, bị táo bón gần 2 tháng rồi mà không khỏi. Cháu thường xuyên đi ngoài phân cứng và to nên khi cháu đi ngoài rất khó và có chảy máu, đi ngoài rất ít mà phân thì ngắn.

Cháu đã bổ sung ăn rau xanh và uống nhiều nước đã mấy tuần rồi mà không những không khỏi mà đi ngoài trong những ngày này phân rời rạc như phân dê, nhỏ như quả đậu phộng và cũng có 1 ít máu.

Gần đây mỗi khi cháu đi ngoài lúc nào cũng khó khăn và sau khi đi ngoài cháu cảm giác như hậu môn như bị sưng lồi ra ngoài dù đi ngoài phân rất bé và cháu có cảm giác như bị hẹp hậu môn vậy. Mọi sinh hoạt của cháu bình thường, ăn uống bình thường.

Mong BS tư vấn giúp cháu ạ. Cảm ơn BS tư vấn ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân, trước hết là do chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, thói quen sinh hoạt ít vận động làm nhu động ruột cũng yếu, hay do bệnh lý gây rối loạn nhu động ruột, bệnh làm hẹp lòng ruột, do thuốc...

Mới trong vòng 2 tháng mà em bị táo bón nặng, biểu hiện qua việc rặn đi cầu đến nỗi “hậu môn mình như bị sưng lồi ra ngoài” mà “phân rất bé”, và đã “bổ sung ăn rau xanh và uống nhiều nước đã mấy tuần rồi mà không những không khỏi mà cháu thấy đi ngoài trong những ngày này phân rời rạc như phân dê, nhỏ như quả đậu phộng và cũng có 1 ít máu và cũng đi ngoài rất ít” thì em cần phải khám chuyên khoa Tiêu hóa sớm, cần thiết nội soi đại trực tràng để xem có khối gì gây tắc nghẽn lòng đại tràng không.

Mặc dù em ăn uống bình thường và còn trẻ, tuy nhiên những bệnh ác tính về đại tràng hiện nay đang trẻ hóa và không gây suy kiệt nhanh mà ban đầu chỉ biểu hiện có mỗi triệu chứng tương tự như em thôi.

Em khám chuyên khoa Tiêu hóa sớm em nhé, nếu kiểm tra em không có bệnh ở đại tràng thì tốt, BS sẽ kê thêm thuốc hỗ trợ cho em.


Nguyễn Đức Vọng - vong...@gmail.com

BS cho em hỏi (nam, 32 tuổi),

Em hay bị ho khan khi nằm ngủ, khó thở, thi thoảng đau ở tim, bụng giống như bị chướng (khoảng 1 tháng gần đây).

Đi khám:

- Điện tâm đồ, chụp Xquang: kết quả bình thường.

- Siêu âm 2D: bình thường

- Doppler màu (flow) có kết quả: van 2 lá hở 1/4, pV=2.18 m/s, pG=18.9 mmHg; van động mạch phổi hở: pV=1.97 m/s, pG=15.6 mmHg.

BS bảo em bình thường, về nhà tự hết (không dặn em sinh hoạt hàng ngày như thế nào), nhưng về nhà thi thoảng em lại bị lại như vậy.

BS cho em hỏi em có vấn đề gì không? Cần phải có chế độ ăn uống, làm việc, thể thao như thế nào? Cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em chỉ ghi lại 1 phần kết quả siêu âm tim, bởi vì siêu âm tim còn có chức năng co bóp của thất trái (EF), các van tim khác là 3 lá, van động mạch chủ… do đó tôi chỉ có thể dựa vào thông tin gián tiếp là “BS bảo em bình thường” để suy ra kết quả siêu âm tim của em bình thường mà thôi.

Triệu chứng ho khan khi nằm ngủ kèm khó thở, thỉnh thoảng đau ở tim, có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chảy dịch mũi sau, tiếp xúc với tác nhân dị ứng, lao phổi, hen, bệnh tim...kết quả điện tim, siêu âm tim và phim Xquang của em bình thường nên ít nghĩ đến bệnh hô hấp, tim mạch; thêm vào đó em thấy bụng chướng thì hướng nhiều đến bệnh dạ dày-thực quản nhiều hơn.

Tốt nhất em nên đến khám tại chuyên khoa Tiêu hóa xem.

Song song đó, em cần chú ý, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.

Thân mến.


Trần Thị Th. - oma...@yahoo.com.vn

Chào BS,

Khi còn nhỏ em có nhiều kí ức không vui như: bị anh chị bắt nạt, đánh đập, bị nhiều người nạt nộ, chửi bới thậm chí là trong gia đình. Chuyện đó xảy ra rất nhiều lần và thưa thớt lại khi em lớn dần, và không còn nữa, tuy nhiên em vẫn rất hay bị la mắng vì những sai lầm nhỏ trong cuộc sống vì em hay quên và người la luôn là mẹ.

Em cứ nghĩ là em sẽ quên nó vì chuyện đó đã xảy ra rất lâu (khi em học lớp 5) nhưng cho đến hiện tại (đang học đại học) em vẫn không thể quên được và chỉ muốn trả thù bất cứ khi nào có thể, thậm chí là mặc kệ sống chết của họ. Không biết có phải do ảnh hưởng của quá khứ hay không mà thật ra tính em rất nóng, nhưng lúc nào cơn giận bộc phát em đều cố nén lại vì sợ bị la mắng, đánh đập.

Nhiều lúc rảnh rỗi hoặc gặp chỉ cần gặp chuyện không may thôi thì em đã muốn chết hay phá hoại người xung quanh để được nhìn sự đau khổ trên mặt mỗi người. Thậm chí em luôn cảm thấy hả hê khi ai đó bất hạnh hơn mình, nhưng đôi khi em lại muốn giúp đỡ người khác.

Tính tình em rất thất thường và mâu thuẫn, có thể cười nói với bạn bè rất vui vẻ, thậm chí là thật tâm, nhưng chỉ một lúc sau là em bắt đầu muốn giết và giữ người đó cho riêng mình hoặc hy vọng người đó sẽ gặp bất hạnh, mặc dù em rất quý người đó và muốn điều tốt nhất cho họ.

Em phải làm sao đây, xin BS cho em lời khuyên, em luôn nhớ rõ chuyện quá khứ khi ai đó đánh đập hoặc chửi bới em mặc dù khá rời rạc nhưng em vẫn không muốn quên, vì sự thật là em chỉ muốn đạp họ xuống tận cùng.

Chuyện đang xảy ra với em đã gần 10 năm rồi, xin BS cho em lời khuyên, em quá mệt mỏi khi phải đấu tranh và những năm gần đây phần xấu trong em luôn thôi thúc mình kết thúc mọi thứ thật nhanh.

Em không có cha, chỉ có mẹ, và một đứa em khác cha, vì nhỏ hơn em 12 tuổi nên em và nó luôn cãi nhau và mẹ luôn bênh vực nó, chửi bới em, thậm chí chửi thề, mỗi lần như thế em chỉ muốn giết hết bọn họ. Cảm ơn BS tư vấn giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong mỗi con người luôn hiện diện song song phần thiện và phần ác. Em còn ý thức được việc mình làm, biết đâu là đúng đâu là sai và luôn đấu tranh cho những suy nghĩ không đúng chứng tỏ em vẫn là người tốt.

Không có ai là hoàn hảo cả, kể cả ba mẹ và anh chị ruột, có khi hành động và suy nghĩ của họ là sai, nhưng thấu hiểu và rộng lượng tha thứ sẽ tốt cho tâm hồn của em hơn là ghi nhớ và trả thù. Hơn nữa, có bao giờ em bình tĩnh ngồi xuống cùng mẹ em và những người khác giải quyết mâu thuẫn trong suy nghĩ chưa, nếu không có thì mâu thuẫn sẽ càng chồng chất ở cả 2 phía.

Hiện giờ cách tốt nhất cho em là em nên tập các phương pháp giúp trầm tính lại, như đi chùa/nhà thờ, tập thể dục thể thao giải tỏa năng lượng xấu, tự học yoga, thiền để bình tâm.Nếu vẫn không khống chế được luồng cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, em nên khám chuyên khoa Tâm thần.Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn lưỡng cực, đa nhân cách... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán một người bị rối loạn tâm thần dạng gì, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì BS chuyên khoa Tâm thần và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau, dành thời gian khai nhác bệnh sữ kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…). Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được, em nhé.


Hiếu Trung - trunghieu...@gmail.com

Dạ BS cho em hỏi,

3 ngày nay ngực bên trái em bị ê ẩm, nhiều lúc khó thở nữa. Tới ngày thứ 4 em phát hiện ngực bên trái chỗ đau có nổi mụn bọng nước. BS cho emhỏi đó là bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì nhiều khả năng em bị zona (còn gọi là giời leo). Tuy nhiên, BS không khám trực tiếp cho em nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo, tốt nhất em nên khám BS chuyên khoa Da liễu để xác định bệnh, nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Trong thời gian đó, em nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, mặc đồ thoáng mát, hạn chế các thực phẩm có thể gây dị ứng nặng lên như đồ biển, thịt bò, thịt rừng, uống đủ nước trong này, có thể uống thêm nước mát (mía lau, rong biển, hoa cúc...để mát gan lọc thận), hạn chế đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ, hạn chế bia rượu.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X