Hotline 24/7
08983-08983

Đuối nước, hóc dị vật rình rập trẻ em

Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức.

Dù liên tục được cảnh báo nhưng những tai nạn như đuối nước hay hóc dị vật vẫn luôn rình rập, đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Đủ kiểu hóc dị vật

Sự việc bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị đuối nước mới đây ngay trong bồn tắm khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình. Không ít người ngạc nhiên đặt câu hỏi tại sao một cháu bé 8 tuổi có thể bị chết đuối khi tắm bồn. Thế nhưng, theo các bác sĩ, chỉ vài phút cha mẹ đi lấy chiếc khăn tắm hay trả lời cuộc điện thoại... là đủ để tai họa ập đến.

Ngoài đuối nước, hóc dị vật cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ. Các đây ít ngày, Bệnh viện (BV) Sản nhi tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận bé trai Thái Triệu A. (3 tuổi; ngụ TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng tức ngực, ho nhiều, quấy khóc sau khi nuốt phải một dị vật tròn như đồng xu. Sau hơn 1 giờ nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là một chiếc bu-lông hình tròn đường kính 21 mm nằm sâu trong thực quản A.

Trước đó, các bác sĩ BV Nhi trung ương cũng đã cấp cứu bệnh nhi Nguyễn L.N (5 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho, khò khè. Kết quả chụp X-quang đã phát hiện có dị vật bằng kim loại gây áp-xe thành thực quản của N. kèm theo viêm phổi. Bệnh nhi được can thiệp nội soi, gắp ra dị vật là chiếc đinh vít dài 1 cm. Gia đình bệnh nhi hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này và cho biết trước đó gần 1 tháng, N. cùng chị gái có cầm đinh vít để chơi nhưng họ không biết bé hóc dị vật lúc nào.

BS Phan Thị Hiền, Khoa Nội soi BV Nhi trung ương, cho biết BV thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca. Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo. Đặc biệt, một số trường hợp trẻ nuốt những vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích, mẩu đồ chơi… dễ gây thủng thực quản. Các cháu bé này cầm đồ chơi nhưng không có người lớn giám sát.

Theo các bác sĩ, nhiều cháu bé đã tử vong vì hóc dị vật do không được cấp cứu kịp thời. Trong số này, có một bệnh nhi ở tình trạng rất nặng, người tím tái, trụy tim mạch... Theo lời kể từ phía gia đình, trước đó, bé trai vừa hút vừa bóp mạnh bịch rau câu. Không ngờ, miếng rau câu chạy lọt vào trong đường thở khiến bé khó thở, tím tái. Dù đã được các bác sĩ nhanh chóng xử lý cấp cứu nhưng do tình trạng quá nặng, bé đã không qua khỏi.

Đuối nước, hóc dị vật rình rập trẻ em - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn sơ cứu hóc dị vật ở trẻ nhỏ

Sơ cứu tại chỗ rất quan trọng

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội), bị hóc dị vật đường thở sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 3-4 phút, trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút sẽ không thể cứu chữa.

Do đó, quan trọng nhất là khâu sơ cứu tại chỗ ban đầu. Khi phát hiện trẻ hóc dị vật, ngay lập tức cho nạn nhân nằm sấp dọc trên một tay của người lớn (nếu trẻ nặng thì đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng (chỗ giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 cái để tạo áp lực lồng ngực, kích thích ho nhằm đẩy dị vật ra ngoài. Còn khi trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo liên tục kể cả trên đường đến BV.

"Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức. Không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt xuôi ngực vì dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi" - PGS Dũng lưu ý.

Theo PGS Dũng, hóc, sặc dị vật đường thở có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, bất kỳ ở đâu nhưng thường xảy ra ở trẻ 1-3 tuổi vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tiếp xúc môi trường xung quanh nên tò mò, hiếu động. Trẻ bị nạn ở lứa tuổi này phần nhiều do sự chủ quan của người lớn. Vì thế, người mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi, xem tivi hoặc cố gắng nhồi nhét khi trẻ đã ăn no. Với trẻ nhỏ, bị sặc cơm, cháo có thể khiến tím tái, ngừng thở.

Với đuối nước, BS Trần Thu Thủy, BV Nhi trung ương, cảnh báo tai nạn này xảy ra rất nhanh, trẻ mất ý thức trong vòng 2 phút hoặc ít hơn. Đuối nước thường xuất hiện tại các môi trường quen thuộc như bồn tắm, hồ nước trong vườn, bể bơi, sông hồ, bờ biển… khi thiếu sự giám sát của người lớn.

BS Thủy cho biết với trẻ nhỏ, do phần trên nặng hơn phần dưới nên thường ngã chúi đầu xuống trước. Lúc ấy, trẻ không đủ sức để nâng đầu lên khỏi mặt nước. "Do vậy, đừng để trẻ ở một mình ngay cả khi lượng nước trong bồn rất ít hay ở gần các vật dụng chứa nước, kể cả những thứ tưởng chừng vô hại như bồn vệ sinh, bể cá, xô chậu chứa nước…" - BS Thủy cảnh báo.

Đuối nước: Nguyên nhân tử vong hàng đầu

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn gây thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, phỏng. Tai nạn thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật cho trẻ em.

Đặc biệt, tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015, khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỉ lệ tử vong cao là 5-14.

Theo Ngọc Dung - Người Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X