Hotline 24/7
08983-08983

Đừng tưởng thực phẩm chức năng vô hại

Vừa qua, một bệnh nhi 18 tháng tuổi, nhập viện Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mất nước nặng với dấu hiệu co giật, môi khô, mắt trũng… Bác sĩ xác nhận đây là hậu quả của việc dùng thực phẩm chức năng (TPCN) để bù nước.

Không như nhiều người nghĩ, thực phẩm chức năng cũng gây hại cho người dùng

Theo người nhà, trước đó vài ngày em bé bị tiêu chảy. Đi khám bệnh, bác sĩ kê toa trong đó có thuốc oresol để bù nước, nhưng khi ra nhà thuốc mua, người bán cho biết không còn thuốc oresol và thay bằng thực phẩm chức năng dạng oresol pha sẵn. Những tưởng đây là sản phẩm chỉ có lợi, nên người nhà cho em bé sử dụng liên tục cho đến khi em bé bị rối loạn điện giải vì… mất nước.

Bác sĩ cấp cứu giải thích, thuốc oresol chứa đường và các thành phần điện giải natri, kali ở dạng bột, khi dùng sẽ pha với nước, có tác dụng điều trị trong trường hợp mất nước do tiêu chảy. Nhưng sản phẩm này cần được pha đúng theo hướng dẫn và bệnh nhân cũng cần uống đúng liều lượng. Khi pha quá loãng hoặc quá đặc, dung dịch sẽ làm thay đổi áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, làm bệnh nhân tiêu chảy nhiều hơn và có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Trong khi đó, sản phẩm oresol ở dạng thực phẩm chức năng có trên thị trường lại không có tác dụng thực sự như thuốc oresol, mặc dù được quảng cáo là “có thể bù nước và điện giải” dùng cho người bị tiêu chảy. BS Đỗ Tuấn Anh, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, đã cảnh báo trên truyền thông, “cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thực phẩm chức năng dạng oresol bù nước thay cho thuốc oresol. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, li bì, khó đánh thức, môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt cần phải cho trẻ đi bệnh viện ngay; vì đó là dấu hiệu của mất nước nặng.Nếu không được xử lý kịp thời, trẻ sẽ gặp nguy hiểm”.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ gặp vấn đề khi sử dụng thực phẩm chức năng dạng oresol để bù nước. Trước đây cũng có những trường hợp tương tự, đơn giản vì không ít phụ huynh vẫn tưởng thực phẩm chức năng là vô hại. Thực tế thì suy nghĩ này khá phổ biến. 

Anh D., 37 tuổi, làm việc cho một công ty máy tính tại TP.HCM, cho biết cuối năm qua anh suýt bỏ mạng vì dùng một loại thực phẩm chức năng giảm cân độc hại. Do công việc phải ngồi nhiều và ít vận động, nên vài năm gần đây trọng lượng của anh tăng nhiều. Tìm hiểu trên mạng thấy một loại thực phẩm chức năng quảng cáo làm giảm cân ngoạn mục, anh mua về dùng, nhưng chỉ sau hai tháng thì phải nhập viện cấp cứu vì mệt tim. Đáng nói, ở thời điểm đó, anh cũng tình cờ phát hiện cơ quan chức năng đề nghị nhà nhập khẩu thu hồi sản phẩm này, vì trong đó chứa sibutramine, chất tạo cảm giác no và không thèm ăn, nhưng lại làm tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ.

Sibutramine đã bị cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ cấm sử dụng từ năm 2010, đến năm 2011 cục Quản lý dược nước ta cũng cấm lưu hành, nhưng từ đó đến nay trên thị trường vẫn âm thầm lưu hành các sản phẩm có chứa chất độc hại này.

Công bằng mà nói thực phẩm chức năng cũng mang lại những giá trị nhất định cho con người. Nếu dùng đúng cách và đúng sản phẩm chất lượng, chúng góp phần hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khoẻ. Tuy nhiên, do lợi nhuận khổng lồ từ sản suất và kinh doanh sản phẩm này, cũng như nhu cầu tiêu thụ quá lớn của con người, thực phẩm chức năng đã được quảng cáo như “thần dược”, dùng an toàn vì có nguồn gốc tự nhiên và… ngừa được bá bệnh.

Tháng 9/2012, tổ chức phi lợi nhuận Consumer Reports (Báo cáo người tiêu dùng) của Mỹ công bố một báo cáo dài cho thấy thực phẩm chức năng cũng gây nhiều nguy hại. Cụ thể từ năm 2007 - tháng 4/2012, người ta ghi nhận hơn 6.300 sự cố sức khoẻ liên quan đến thực phẩm chức năng, trong đó các nạn nhân có dấu  hiệu về tim mạch, thận, gan, phản ứng dị ứng, mệt mỏi, buồn nôn. Đã có 115 ca tử vong và hơn 2.100 trường hợp phải nhập viện. Báo cáo này cũng đánh tan một ngộ nhận ở nhiều người cho rằng thực phẩm chức năng an toàn, vì chúng có… nguồn gốc từ thiên nhiên. Bằng chứng là những viên vitamin (dân gian quen gọi là “thuốc bổ”) vẫn có thể được tổng hợp từ phòng nghiên cứu.  Ở Mỹ bộ Nông nghiệp cho phép dán nhãn các viên đa sinh tố (multivitamin) là “hữu cơ”, nhưng FDA lại không xem các sản phẩm vitamin tổng hợp như những thành phần bổ sung khẩu phần ăn.

Nhưng đáng nói nhất của báo cáo trên là các tác dụng bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư của thực phẩm chức năng không hề được chứng minh, thậm chí thực phẩm chức năng còn có thể gây hại. Một khảo sát tại Đức và Thuỵ Sĩ trên 24.000 người lớn trong 11 năm, cho thấy việc sử dụng đều đặn thực phẩm chức năng bổ sung calcium đã làm tăng 86% nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với người không sử dụng. Dùng thực phẩm chức năng chống oxy hoá để phòng ngừa ung thư cũng thế. Các viên bổ sung vitamin A, C, E, beta-carotene không có tác dụng ngừa tử vong do ung thư, selenium cũng không ngừa được ung thư tiền liệt tuyến. Thậm chí, một nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín JAMA năm 2011, cho thấy bổ sung vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới khoẻ mạnh.

“Đừng cho rằng thực phẩm chức năng là an toàn, vì chúng là sản phẩm tự nhiên và bạn cũng có thể không cần đến bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào nếu ăn uống đầy đủ và cân bằng”, báo cáo của Consumer Reports kêu gọi người tiêu dùng như thế. Ở nước ta, đa phần chuyên gia sức khoẻ cũng đồng ý với quan điểm này. Nhưng trước những “lùm xùm”, “tai tiếng” trong những năm qua vì cái tên “thực phẩm chức năng”, giới kinh doanh thực phẩm chức năng đang lách một chiêu khác để hấp dẫn người dùng bằng cách dán nhãn là… “thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”.

Theo Châu Giang - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X