Hotline 24/7
08983-08983

Dùng thuốc phòng ngừa say tàu xe

Vào những ngày hè, nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến đi chơi xa để tham quan du lịch hay về quê thăm người thân. Bên cạnh niềm vui, trước chuyến đi không ít người lo lắng vì bị say tàu xe.

Say tàu xe là tình trạng mà nhiều người mắc phải khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng các phương tiện như ô tô, tàu lửa, tàu thủy, máy bay... Ước tính có khoảng 30% số người mắc chứng say tàu xe. Với người bị say tàu xe, trước các chuyến đi xa bao giờ cũng là nỗi ám ảnh, lo sợ...

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân:

- Sự điều chỉnh thăng bằng ở tai trong bị rối loạn do sự nhồi lắc liên tục khi di chuyển hoặc sự phối hợp giữa mắt và tai trong bị xáo trộn.

- Do không khí ngột ngạt: khói thuốc lá, người chen chúc, máy lạnh gây thiếu oxy.

- Ăn quá no trước chuyến đi.

- Tập trung mắt vào một vật ở gần như đọc sách, báo... khi di chuyển.

- Tâm trạng lo lắng trước chuyến đi (khi đã từng bị say tàu xe).

Dùng thuốc phòng ngừa say tàu xe

Triệu chứng:

- Buồn nôn và ói.

- Toát mồ hôi, choáng váng, nhức đầu.

- Người xanh xao, mệt mỏi, không muốn ăn uống.

- Đôi khi đau bụng, tiêu chảy.

Các thuốc phòng ngừa say tàu xe

Nhóm thuốc kháng histamin:

Nhóm thuốc kháng histamin là nhóm thuốc thông dụng, hiệu quả trong điều trị say tàu xe. Các thuốc thường được sử dụng là diphenhydramin, cinarizin, meclizin... Các thuốc này đạt hiệu quả cao khi sử dụng trước chuyến đi 1/2 - 1 giờ.

Cần lưu ý:

- Nhóm thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc này cho phụ nữ có thai hay đang  cho con bú.

- Không sử dụng các thuốc này cho người mắc bệnh glaucoma vì làm tăng nhãn áp và người mắc bệnh tiền liệt tuyến do nguy cơ bí tiểu tiện.

Nhóm thuốc chống nôn:

Metoclopramid: thuốc có tác dụng an thần, tác động đối kháng với dopamin, ngăn ngừa triệu chừng buồn nôn do ức chế các thụ thể dopaminergic.

Metoclopramid trước đây thường được sử dụng trong điều trị say tàu xe, nhưng hiện nay ít sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là gây ra những triệu chứng ngoại tháp rất nguy hiểm.

Scopolamin (hyoscin): hoạt chất thuộc nhóm kháng tiết cholin, có trong cây cà độc dược và được chỉ định ngăn ngừa tình trạng buồn nôn trong say tàu xe.

Scopolamin thường được sử dụng dưới dạng thuốc viên hay thuốc dán. Cao dán scopolamin được dán ở vùng da khô, phía sau tai và đạt hiệu quả cao khi dán trước chuyến đi từ 1 - 4 giờ.

Cần lưu ý: không sử dụng scopolamin trong các trường hợp sau:

- Người mắc bệnh tăng nhãn áp (glaucoma).

- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

- Trẻ em dưới 8 tuổi.

Dùng thuốc phòng ngừa say tàu xeGừng là một thảo dược có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa nên rất hiệu quả trong điều trị say tàu xe.

Các thuốc khác:

Gừng: một thảo dược có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa nên rất hiệu quả trong điều trị say tàu xe.

Gừng có thể sử dụng ở dạng kẹo hay viên thuốc tinh dầu gừng…

Vitamin B6 (pyridoxin): mang lại hiệu quả cao khi kiểm soát buồn nôn và nôn.

Magie: chất khoáng có tác dụng thư giãn thần kimh, giúp chống nôn ói. Sự kết hợp magie và vitamin B6 làm tăng cường hiệu quả điều trị chống nôn ói do say tàu xe.

Để tăng hiệu quả phòng ngừa say tàu xe, các thuốc này nên uống trước giờ khởi hành từ 1/2 - 1 giờ (để thuốc có đủ thời gian phát huy tác dụng) và sau khi ăn nhẹ (giúp hạn chế sự co thắt của đường tiêu hóa gây nôn ói).

Bên cạnh việc dùng thuốc, cần áp dụng các phương pháp phòng ngừa sau:

- Ngồi ở vị trí giữa hay phía trước để hạn chế sự nhồi lắc khi di chuyển.

- Nhìn thẳng về phía trước, tránh quay đầu nhìn hai bên.

- Không đọc sách báo khi đang di chuyển.

- Ăn nhẹ trước chuyến đi (tránh ăn quá no hay bụng đói).

- Không nhắc lại chuyện say tàu xe, bình tĩnh, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng.

- Ở một số người tình trạng say tàu xe sẽ dần cải thiện khi làm quen dần với những chuyến đi xa thường xuyên hơn. Trẻ em khi lớn lên hầu hết sẽ mất hẳn chứng say tàu xe.

Tuy đa số các thuốc phòng ngừa say tàu xe là các thuốc không kê đơn, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc này cần phải thận trọng và nên được sự tư vấn của các thầy thuốc.

Theo DS Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X