Hotline 24/7
08983-08983

Đừng tập cho trẻ quen ‘đòi gì được nấy’

Nhiều bậc làm cha mẹ tự làm hư con mình bằng cách đáp ứng ngay tất tật mọi yêu cầu từ có lý đến vô lý của trẻ mà không bao giờ biết đến một sự trì hoãn. Thậm chí rất nhiều ông bố bà mẹ chiều con đến nỗi đón ý hoặc mớm cho trẻ những ý tưởng để chúng đòi hỏi và ngay lập tức đáp ứng.

“Đòi gì được nấy” là một thói quen xấu của trẻ do người lớn nuông chiều thái quá mà ra.  Làm thế nào để 'trì hoãn sự ham muốn' của con và rèn cho con sự kiên nhẫn chờ đợi.

Theo kinh nghiệm dạy con của các bà mẹ Pháp mà tác giả Pamela Druckerman đã ghi lại trong cuốn 'Dạy con kiểu Pháp'. Các bà mẹ Pháp có khuynh hướng 'trì hoãn sự ham muốn' của con mình và rèn cho con sự kiên nhẫn chờ đợi. Có khi đứa trẻ muốn ăn kẹo, nhưng dù có kẹo trước mặt, trẻ vẫn phải chờ đến giờ ăn vặt mới được phép ăn. Điều này cũng giúp trẻ rèn luyện được tính kỷ luật. Sự trì hoãn ở người lớn khi trẻ đòi hỏi một điều gì đó bắt buộc trẻ phải chờ đợi và biết chờ đợi ở người khác. Thói quen đó hình thành ở trẻ tính kiên nhẫn, nhu hòa bớt nóng nảy, giận hờn. Rất nhiều đứa trẻ chỉ đòi hỏi theo bản năng. Trẻ con thấy lạ, thấy thích thì đòi cha mẹ. Người lớn chỉ đáp ứng đòi hỏi của trẻ khi thấy điều đó là hợp lý và cần thiết.

Hãy cho con biết cảm giác phải chờ đợi, phải trì hoãn những ham muốn và đòi hỏi của chúng để sau này lớn lên trẻ tự lập, kiên nhẫn và chịu đựng được những áp lực từ cuộc sống

Nhà tâm lý học người Mỹ Walter Mischel có nghiên cứu về việc 'trì hoãn sự ham muốn' (Delay of gratification) của trẻ em. Những nghiên cứu  của ông cho thấy, những trẻ biết trì hoãn lâu sự ham muốn của mình sau này có kết quả học tập, thể trạng, khả năng chịu áp lực cao hơn những đứa trẻ được nuông chiều khác.

Chị Hoa Mai và Thục Quyên cùng là hàng xóm nhà tôi. Cả hai chị đều có hai con trai cùng vào lớp một. Con chị Hoa Mai là Bi, con chị Thục Quyên là Bốp tên thường gọi ở nhà. Bi thấp bé hơn Bốp. Vào lớp 1 Bi mới có 26 cân trong khi Bốp 56 cân.

Bốp béo phì đi lại lạch bạch, nhưng hơi chút là khóc bắt đền bắt vạ cha mẹ và ông bà. Ngày Tết đến chơi nhà họ hàng, thấy mâm cúng có thứ bánh mà cậu ưa thích, thế là cậu ề ề khóc đòi bằng được, mẹ cậu lại khẩn khoản xin để dỗ nín con mình. Vừa giằng chiếc bánh mẹ đưa. Cậu ta bóc ngay ra và vứt vỏ bánh xuống nền nhà.

Khi quan sát Bi và Bốp cùng chơi và tham gia sinh hoạt cộng đồng. Chị Thục Quyên chợt nhận ra Bốp nhà chị tuy to lớn hơn Bi nhưng kém Bi về mọi mặt. Bi chủ động và sáng tạo trong các trò chơi, ngoài ra cậu bé còn mạnh dạn tham gia trả lời trong các câu hỏi mang tính tư duy. Đặc biệt cậu bé Bi rất tự chủ và chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Bi sạch sẽ chứ không bạ đâu vứt rác đó như Bốp. Bi còn tham gia các hoạt động nhóm khá sôi nổi và có tính tập thể rất cao. Trong khi Bốp lúc nào cũng có cảm giác dựa dẫm, làm nũng và ỷ lại vào mẹ. Lúc này chị Thục Quyên mới thấy cách bao bọc, thương yêu và chiều chuộng con mình là sai phương pháp.

Đôi lúc vì quá yêu con mà chúng ta đã dạy  con mình sai cách. Đừng nóng vội cũng đừng tự trách mình. Chỉ cần chúng ta đừng quá bảo thủ, hãy quan sát hành vi, cách ứng xử của con và điều chỉnh cách dạy dỗ con là được. Hãy cho con biết cảm giác phải chờ đợi, phải trì hoãn những ham muốn và đòi hỏi của chúng để sau này lớn lên trẻ tự lập, kiên nhẫn và chịu đựng được những áp lực từ cuộc sống mà không phải dựa dẫm vào bất cứ ai.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X