Hotline 24/7
08983-08983

Đừng nghĩ trẻ con không biết buồn…

Trẻ em có thể bị tác động rất mạnh mẽ từ những chuyện buồn, đau khổ trong cuộc sống, dẫn đến những giai đoạn tâm trạng xuống thấp và thậm chí là mắc bệnh trầm cảm.

Cô bé Tr.T (8 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) trải qua năm học lớp 2 rất tệ, bị cho là lười học, thiếu tập trung, thụ động; trái ngược hẳn với năm học lớp 1 rất giỏi, ngoan ngoãn. Cha mẹ càng la, bé càng học tệ đi, lầm lì, không trả lời.

Nước mắt trẻ con

"Con muốn ba mẹ ly dị" - câu nói của bé khiến bác sĩ (BS), cũng là bạn của mẹ bé, khá bất ngờ… Hơn 1 năm nay, hôn nhân của cha mẹ bé không ổn nhưng thay vì ly hôn, họ quyết định cố sống với nhau vài năm nữa chờ con lớn hơn. Dù vậy họ vẫn cãi nhau liên miên, cứ nghĩ rằng đóng cửa phòng lại cãi và giả vờ vui trước mặt con là xong. Nhưng T. hiểu được sự căng thẳng đó và đau khổ khi cha mẹ cư xử thù hằn với nhau. Bé xem phim, thấy cha mẹ ly hôn nhưng vẫn coi nhau là bạn và nghĩ rằng đó là cách giải quyết tốt. Tuy nhiên, bé lại nghe cha mẹ nói phải sống với nhau vì mình nên cảm thấy bản thân tội lỗi, không đáng sống. Bé được chẩn đoán trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.

Riêng bé Mạnh B. (7 tuổi, quận 2, TPHCM) lại làm cha mẹ lo lắng vì con bỗng im lặng suốt mấy tháng liền, không còn hiếu động như xưa. Câu chuyện chỉ được giải quyết khi bé được đưa đến chơi nhà một người bạn của ba, là giảng viên đại học bộ môn tâm lý và được cô giáo này gợi chuyện. "Cách đây 3 tháng, tôi và mẹ một bé gái bạn cùng lớp bé có đùa, ghép đôi 2 đứa. Bé gái đó trước thân với con tôi nhưng sau khi bị chọc thì xấu hổ, lảng tránh con tôi. Bạn tôi bảo con tôi rất đau khổ và khuyên bé nên làm hòa với cô bé kia vì con tôi có dấu hiệu trầm uất" - cha bé B. kể.

Trái với suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh rằng trẻ em còn nhỏ thì mau quên, dễ thích nghi, dễ vượt qua các nỗi buồn, các con số thống kê lại cho thấy điều ngược lại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), một khảo sát thu thập dữ liệu từ trẻ em toàn quốc suốt các năm 2005-2011 cho thấy khá nhiều trẻ mắc các vấn đề tâm lý - tâm thần ở độ tuổi 3-17, trong đó có 2,1% bé bị trầm cảm, 3% trẻ tuổi này cũng mắc chứng rối loạn lo âu.

Thường xuyên tâm sự với trẻ là cách tốt nhất để ngăn ngừa những nỗi buồn tấn công trẻ. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: SÔNG PHA


Trẻ nhỏ cũng có thể trầm cảm

ThS.BS Đinh Thạc, phụ trách Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), khẳng định rằng trẻ em cũng có thể bị trầm cảm như người lớn, với các dấu hiệu gần giống. Tuy nhiên, bệnh ở trẻ thường bị phát hiện trễ vì người lớn cứ nghĩ các con đang có thay đổi về tâm sinh lý trong quá trình khôn lớn. Những nguyên nhân gây trầm cảm bao gồm tổn thương thực thể do chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, thiên tai…; bị mất đi người thân yêu; gia đình chuyển chỗ ở; cha mẹ ly hôn hoặc gia đình không yên ấm, cha mẹ gây hấn trước mặt trẻ; trẻ bị hắt hủi, đối xử hà khắc, trừng phạt vô cớ; cha mẹ có tâm bệnh; trẻ mắc bệnh mạn tính, bệnh bẩm sinh như lao, thận, tan máu bẩm sinh…

Theo BS Bùi Xuân Mạnh, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), các vấn đề tâm lý bao gồm trầm cảm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Trẻ học hành không tốt, không hòa nhập với bạn bè, cảm thấy buồn, hụt hẫng, tuyệt vọng… Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ con buồn sẽ tự hết. Những nỗi buồn có thể dẫn đến trầm cảm và trầm cảm có thể ngày càng nặng, thậm chí dẫn đến tự sát. "Có thể dùng thuốc, nâng đỡ về liệu pháp tâm lý như liệu pháp tâm lý trị liệu, liệu pháp tâm lý gia đình… tùy vào từng trường hợp. Cha mẹ không nên quá lo lắng cho dù nỗi buồn của bé đã hóa thành trầm cảm, vì bệnh này có thể chữa và phục hồi được" - BS Mạnh cho biết.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

ThS.BS Đinh Thạc khuyến cáo: "Những biểu hiện cho thấy trẻ có thể đang bị trầm cảm là: thường xuyên thể hiện sự buồn chán (ít nói, ít cười, ủ rũ); không còn quan tâm đến các trò chơi, thú vui thường ngày, không giao tiếp, hoạt bát như xưa; hay than phiền người mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng, thích nằm một chỗ; hay cau có và hay chuyển đột ngột từ trạng thái buồn/ủ rũ sang giận dữ, thịnh nộ; khuôn mặt thiếu sự hài lòng; học hành sa sút, trốn học và trốn tham gia các hoạt động xã hội; khó ngủ và mất ngủ vào ban đêm; nói bâng quơ là muốn tự tử. Khi phát hiện, cha mẹ nên quan tâm và tâm sự với con, giúp trẻ giải quyết những khúc mắc có thể; nếu thấy vấn đề không ổn cho sức khỏe và sự an toàn của bé thì nên đưa con đến gặp BS hay chuyên gia tâm lý.


Theo Trịnh Hiệp - Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X