Hotline 24/7
08983-08983

Dùng kháng sinh bừa bãi: Nhẹ dị ứng, nặng có thể tử vong

Hiện nay, người dân coi kháng sinh như một loại “thần dược” chữa bách bệnh nên chỉ cần ốm, ho, cảm, sốt là tự ý sử dụng. Chưa kể, không ít người khi dùng kháng sinh có tâm lý sính ngoại, dùng lại đơn cũ, không dùng đúng ngày…

Lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh không theo hướng dẫn... không chỉ ảnh hưởng tới khả năng điều trị bệnh, nhiều người bị dị ứng thuốc, sốc thuốc, có khi tử vong chỉ vì “thần dược kháng sinh”. 

TS BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai
TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền Nhiễm, BV Bạch Mai

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV Gia Đình Mới thực hiện phỏng vấn TS.BS Đỗ Duy Cường - Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

PV: Ngày nay, chúng ta nói rất nhiều đến kháng kháng sinh. Vậy bác sĩ có thể cho biết, kháng kháng sinh là gì?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Trước hết, chúng ta cần phải hiểu, kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn gây ra. Ví dụ như viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu, áp xe… sẽ được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị bệnh.

Và lạm dụng kháng sinh là việc dùng kháng sinh không đúng mục đích, dùng với mục đích khác. Nguyên nhân có thể là do người dùng không hiểu biết, hoặc biết nhưng cố tình sử dụng.

Kháng sinh là con dao 2 lưỡi để diệt vi khuẩn. Thuốc nào cũng có những tác dụng phụ hoặc gây ra những hệ lụy nhất định.

Trước đây kháng sinh được nghiên cứu để chữa các bệnh nhiễm khuẩn và được ghi nhận là thành công của y học.

Nhưng những năm gần đây người ta cho rằng kháng sinh là thần dược, có thể chữa được tất cả các loại bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, con vi khuẩn có đặc điểm là có thể kháng kháng sinh, con người tìm cách diệt nó thì nó cũng lại tìm cách để chống lại.

Khi vi khuẩn đã kháng lại loại kháng sinh này mà mình vẫn dùng để tiêu diệt nó thì sẽ không có tác dụng. Điều này sẽ gây lãng phí tiền và việc điều trị sai sẽ làm cho bệnh nặng hơn.

Kháng kháng sinh không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh mà còn nguy hiểm cho cộng đồng. Kể cả những người nói là không sử dụng kháng sinh bao giờ nhưng khi vào viện bác sĩ vẫn phải dùng kháng sinh liều mạnh để điều trị. Nguyên nhân là do bệnh nhân đó nhiễm phải virus kháng kháng sinh ở ngoài như từ môi trường bệnh viện, từ thực phẩm ăn uống hàng ngày…

PV: Ngoài gây ra kháng kháng sinh, uống kháng sinh bừa bãi có gây ra tác dụng phụ hay biến chứng gì không?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Việc dùng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Trong đó, biểu hiện có thể nhìn thấy ngay sau dùng kháng sinh là dị ứng do kháng sinh. Nó có nhiều loại, nhẹ có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, khó chịu, chán ăn, nặng hơn là phát ban, nổi mẩn đỏ toàn thân, nổi bỏng rộp, niêm mạc ở mắt, miệng, bộ phận sinh dục bị loét hết ra…

Khi uống thuốc thấy có các biểu hiện như vậy cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.

Một bệnh nhân lở loét khắp người do dị ứng thuốc kháng sinh - Ảnh: Internet
Một bệnh nhân lở loét khắp người do dị ứng thuốc kháng sinh - Ảnh: Internet

Đó là những trường hợp dị ứng xảy ra sau vài ngày còn có thể cứu chữa. Nhưng rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi dùng thuốc và có thể dẫn đến tử vong. Tiêm một mũi kháng sinh vào người có thể tử vong ngay sau khi tiêm.

Cũng có những tác hại về lâu dài như gây rối loạn chuyển hóa nhưng phải nhiều tháng, nhiều năm sau mới phát hiện được hoặc gây ức chế tủy xương ảnh hưởng tế bào máu, suy thận….

PV: Vậy dùng kháng sinh như thế nào là đúng cách?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Dùng kháng sinh đúng cách là dùng theo chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều, đúng thời gian, dùng đúng đường dùng…

Vì mỗi một loại kháng sinh đều có chỉ định, tác dụng phụ và được ghi trên bao bì của thuốc, ghi trên đơn của bác sĩ theo những bệnh cụ thể. Cũng với loại kháng sinh đó nhưng với mỗi một bệnh khác nhau, mỗi một đối tượng khác nhau bác sĩ lại kê liều lượng khác. Vậy nên không có một công thức chung cho việc chữa bệnh đối với những bệnh nhân khác nhau, với những bệnh khác nhau.

Hiện có một thực tế là người dân sử dụng kháng sinh bừa bãi, có thể là nghe theo người này người kia rồi tự dùng, không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh do virus như ho, cảm cúm thông thường không cần dùng kháng sinh, kháng sinh trong trường hợp bệnh do virus cũng không có tác dụng nhưng người ta vẫn sử dụng.

Hoặc có từng có một nghiên cứu ở Ba Vì cho thấy: Trong vòng 1 tháng có đến 70% số người được hỏi trả lời cho trẻ dùng kháng sinh vì bất cứ lý do bị bệnh nào. Điều đó cho thấy, trẻ nhỏ bây giờ bị bố mẹ cho uống kháng sinh rất nhiều, kể cả khi bị tiêu chảy, ho, sổ mũi thông thường.

Điều này là rất nguy hiểm.

PV: Hiện nay, nhiều người khi bị bệnh được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh 5 – 7 ngày nhưng chỉ sau 2 ngày dùng thuốc đã khỏi nên ngưng sử dụng. Vậy cách dùng đó có ảnh hưởng gì không?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Điều này là hoàn toàn sai và có thể gây kháng kháng sinh. Vì thông thường, liệu trình dùng kháng sinh phải từ 5 - 7 ngày mới đủ hiệu lực để diệt hết vi khuẩn gây bệnh.

Nếu dùng theo cách như trên, hậu quả con vi khuẩn đó sẽ nhờn kháng sinh và lần sau bị bệnh phải dùng liều nặng hơn hoặc phải đổi loại kháng sinh khác.

PV: Vậy còn cách dùng lại đơn thuốc, “tái” sử dụng đơn của người khác thì sao?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Khi người dân mang đơn thuốc cũ, đơn thuốc của người khác đi mua thuốc. Điều này rất nguy hại vì mỗi một bệnh có một căn nguyên và người bệnh này cũng khác người bệnh kia nên không thể dùng chung một đơn thuốc.

Hơn nữa, trong những thời điểm khác nhau, giai đoạn khác nhau bệnh cũng khác nhau nên không phải cứ thấy triệu chứng lần sau na ná với lần trước là mua thuốc y hệt để dùng.

Giai đoạn đầu có thể dùng kháng sinh này, giai đoạn sau của bệnh phải dùng kháng sinh khác và liều dùng cũng phải thay đổi theo thời gian.

Kháng sinh không phải là thuốc bổ. Đừng nghĩ dùng nhiều kháng sinh không diệt được con vi khuẩn này thì diệt được con vi khuẩn kia, không chưa được bệnh này thì chữa bệnh khác, không gây hại gì. Điều này là hoàn toàn sai lầm và nguy hại cho sức khỏe.

PV: Vậy có phải kháng sinh ngoại, đắt tiền hơn sẽ cho hiệu quả tốt hơn?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Trong quá trình khám chữa bệnh, tôi gặp rất nhiều trường hợp như bạn nói. Cũng có trường hợp bệnh nhân thấy bác sĩ không kê thuốc gì, không kê kháng sinh lại lo lắng như vậy sẽ không khỏi bệnh, bác sĩ điều trị không chuẩn… Họ cho rằng phải dùng kháng sinh nặng, kháng sinh đắt tiền mới tốt, đó mới là bác sĩ giỏi…

Tôi khẳng định, có những kháng sinh được sản xuất trong nước, giá thành rẻ hơn, chữa được loại nhiễm khuẩn đó nhưng bệnh nhân không dùng mà bảo nhau mua thuốc của nước ngoài. Tâm lý sính đồ ngoại, tâm lý ngại đi khám bệnh… cũng làm cho tình trạng lạm dụng kháng sinh gia tăng.

Điều quan trọng trong dùng kháng sinh phải là liều lượng bao nhiêu, trong thời gian nào, dùng thế nào, theo đúng chỉ định của bác sĩ mới có tác dụng.

PV: Nhiều người khi cho trẻ nhỏ dùng kháng sinh hay chia nhỏ viên thuốc ước lượng theo độ tuổi của trẻ. Theo bác sĩ, cách làm đó có đúng hay không?

Bé thuốc kháng sinh cho trẻ cũng là quan niệm hoàn toàn sai lầm
Bẻ thuốc kháng sinh cho trẻ cũng là quan niệm hoàn toàn sai lầm

TS.BS Đỗ Duy Cường: Việc dùng thuốc theo kiểu tự ý cho trẻ dùng liều bằng 1/2 người lớn cũng là sai. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ nên không thể dùng thuốc với liều lượng 1/2 người lớn. Hơn nữa, có những thuốc người lớn dùng được nhưng với trẻ nhỏ lại gây hại đến xương, gan, thận. Vậy nên có rất nhiều loại được chống chỉ định dùng cho trẻ. Do đó, trẻ nhỏ khi bị bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nhi và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nhi.

PV: Với những căn bệnh phải dùng kháng sinh điều trị dài ngày. Để tránh tác hại không mong muốn, theo bác sĩ, bệnh nhân cần làm gì?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Một số bệnh như nhiễm trùng máu, bệnh nhiễm trùng nặng… phải dùng kháng sinh dài ngày mới có thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh. Bởi, vi khuẩn cần có liều thuốc đủ mạnh để tiêu diệt nó, nếu không nó sẽ trỗi dậy là phát triển rất nhanh, quen thuốc, nhờn thuốc làm cho quá trình điều trị ngày càng khó khăn.

Thuốc bổ thì có thể hôm nay dùng ít sẽ bổ ít nhưng kháng sinh thì khác, dùng phải đúng liều, đúng thời gian, nếu không vi khuẩn sẽ nhờn. Do đó, những người đang bị các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, phải dùng kháng sinh để điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hàng ngày uống thuốc đúng giờ, không được bỏ thuốc, tự ý điều chỉnh thuốc.

PV: Có những đơn thuốc, bác sĩ kê “hợp lực” nhiều loại kháng sinh cho bệnh nhân. Tại sao lại như vậy, thưa bác sĩ?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Chúng tôi gọi đó là kháng sinh kết hợp tức là dùng các thuốc có tác dụng hiệp đồng. Khi dùng một loại kháng sinh có thể tác động khoảng 50%, nhưng khi dùng kết hợp với một loại khác có thể có tác dụng 100%.

Tuy nhiên, có nguyên tắc khi phối hợp kháng sinh vì có những kháng sinh kỵ nhau, dùng không đúng có thể nguy hại. Chính vì vậy, khi kê đơn, bác sĩ phải cân nhắc các thuốc để có thể phối hợp thuốc hiệu quả nhất, tránh sự tương khắc gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Tương tác tương kỵ trong thực phẩm thế nào thì trong thuốc cũng như vậy. Nên bác sĩ cũng cần lưu ý tác dụng hiệp đồng của thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân tự ý kê đơn thuốc, tự dùng nhiều thuốc cho mình. Vì dùng nhiều thuốc không phải là tốt, mỗi thuốc đều có độc tính, nhiều độc tính tích tụ gây hại cho cơ thể. Đó là chưa kể những tương khắc của các thuốc. Do vậy, dùng loại nào, kết hợp ra sao, liều lượng, thời gian, cách dùng thể nào phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

PV: Thú thực mà nói, không hẳn việc lạm dụng kháng sinh chỉ đến do người dân mà còn nhiều lí do khác? Bác sĩ nhìn nhận sao về ý kiến trên?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Quả thật, đó là nguyên nhân từ phía người dân. Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó còn có nguyên nhân từ chính những người công tác trong ngành y. Chính dược sĩ là người bán thuốc lại đi kê đơn chữa bệnh, bác sĩ khám bệnh thì lại bán thuốc luôn.

Empty

Nhân viên y tế dùng kháng sinh vì muốn khỏi nhanh, dùng kháng sinh không theo bệnh, như sốt xuất huyết dùng kháng sinh, điều đó là không đúng, có sự chỉ định sai. Ngoài ra, bác sĩ cũng muốn bệnh nhân khỏi nhanh nên cho bệnh nhân dùng kháng sinh nặng, đắt tiền.

Hiện có thực trạng hiệu thuốc mọc lên như nấm nhưng người bán chuyên môn không đủ nhưng vẫn tư vấn bán đủ các loại thuốc cho người dân. Người bệnh tự ý mua thuốc, người bán cũng bán cho rất nhiều loại điều trị triệu chứng, đến khi không khỏi mới tìm đến bác sĩ thăm khám.

Đó cũng là lý do làm nhiều bệnh nhân khi mới đến viện đã bị kháng nhiều loại kháng sinh do trước đó đã uống nhiều thuốc khác nhau và gây khó khăn cho quá trình điều trị sau đó.

Đó là chưa kể đến việc dùng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, làm bác sĩ cũng không thể biết trước đó bệnh nhân đã uống thuốc gì để có cách điều trị cho đúng.

Xin chân thành cám ơn bác sĩ!

Theo Lý Lĩnh - Hồng Hải - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X