Hotline 24/7
08983-08983

Đừng để lì xì làm hư một đứa trẻ

Nếu trước đây lì xì là nét đẹp văn hóa, là lá bùa hộ mệnh đánh đuổi tà ma thì giờ đây nó lại trở thành “nỗi lo ngay ngáy” của người lớn mỗi khi tết đến, xuân về.

Lì xì đầu năm là phong tục, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn mang lại những điều tốt đẹp, may mắn nhất từ những ngày đầu năm mới. Ảnh minh họa: Internet.

Lì xì Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe.

Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm.

Có thể nói, tục lì xì này có từ rất lâu đời và được truyền lại cho các thế hệ sau được gìn giữ đến tận ngày nay. Trong những ngày đầu năm mới, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc tụng, đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...

Nếu trước đây lì xì là nét đẹp văn hóa, là lá bùa hộ mệnh đánh đuổi tà ma thì giờ đây nó lại trở thành “nỗi lo ngay ngáy” của người lớn mỗi khi tết đến, xuân về.

Đừng để lì xì làm hư một đứa trẻ. Ảnh: Internet.

Trẻ con ngày nay sống giữa xa hoa, đủ đầy vật chất nên chúng khó có thể hiểu được những nét truyền thống đáng quý. Thay vì hào hứng nhận được “manh áo mới” hay tò mò, say mê, thích thú với “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì Tết đến, thứ chúng quan tâm nhiều nhất là những phong bao lì xì và “mệnh giá” của nó.

Đã có không ít vị khách và cả phụ huynh phải xấu hổ vì hành động của con em mình khi mở ngay bao lì xì và “vứt toẹt” đồng tiền xuống đất vì chê “ít”. Thế nhưng cũng có không ít vị phụ huynh tỏ ra đồng tình với con và ngầm khinh thường vị khách mừng tuổi cho con mình – điều này càng khiến những đứa trẻ thêm hư và nảy sinh xu thế chạy theo đồng tiền, coi tiền là trên hết mà quên đi mọi chuẩn mực đạo đức xã hội. Hậu quả do tâm lý này gây ra không đến mức “táng gia, bại sản” nhưng cũng mang đến những tổn thất to lớn về mặt kinh tế cho rất nhiều gia đình chỉ bởi “ngại” mừng tuổi ít!

Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì, đồng thời dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, thay vì giá trị vật chất trong những bao lì xì đó.

Theo Phan Hồng Thúy - Người đưa tin

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X