Hotline 24/7
08983-08983

Đừng để con ăn trên xe máy nữa, các mẹ ơi!

Nhìn cháu đeo ba lô, tay cầm bánh mì, tôi hỏi: 'Ai đang làm khổ bọn trẻ thế này?'. Chị bảo: 'Học vậy chưa ăn thua so với chúng bạn.

Để kịp giờ học, nhiều học sinh phải ăn vội ăn vàng trên xe - Ảnh: HỮU KHOA

Trước đây, mỗi lần trò chuyện với anh chị tôi, chị nói nhiều đến việc học của con. Khi đó tôi không tưởng tượng được chương trình học của các cháu nặng đến thế nào.

Cho đến khi về nước, từng ngày tận mắt chứng kiến cảnh trẻ học hành, tôi hoảng thực sự.

Lần nào đến nhà anh chị chơi, tôi rất ít khi gặp các cháu. Nếu gặp thì thường là các cháu tất bật đi học thêm.

Nhìn cháu đeo ba lô, tay cầm cái bánh mì, tôi thắc mắc: "Ai đang làm khổ bọn trẻ thế này?". Chị tôi bảo: "Học vậy chưa ăn thua so với chúng bạn".

Tôi nhận thấy, con trẻ vẫn phải chịu áp lực không nhỏ. Tại sao vậy? Phải chăng áp lực từ chính phụ huynh chứ không phải do chương trình? Tôi nói vậy bởi lẽ, anh chị tôi gò con vào một chương trình học "thập cẩm", cái gì cũng học.

Tôi nói với chị: "Mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng chứ không phải đứa nào cũng giỏi về vẽ hay nhạc đâu. Cháu đi học như thế khác nào đóng tiền ngu?". Có lần chị tôi thú nhận: "Về nhà, cháu kể trên lớp có vài ba bạn được thực hành chơi nhạc, còn những bạn khác ngồi lắng nghe hoặc lúng túng với những nốt nhạc".

… Khi về nước, tôi nhất quyết không cho hai con đi học thêm. Tôi muốn các con tự học ở nhà. Nhưng nhớ lại ngày đó, học kỳ đầu, con trai lớn xếp gần như cuối lớp, còn con gái chỉ hơn 5 bạn. Đến học kỳ hai, kết quả cũng không khả quan hơn.

Ban đầu tôi cũng lo lắm, cũng nghĩ đủ cách để làm sao các con có thể thích ứng với môi trường giáo dục mới. Nhưng rồi, tôi vẫn "thi gan", vẫn không ủng hộ việc cho con học thêm dù con chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuối cấp.

Có lẽ, vì tư duy không quá đề cao bằng cấp, không kỳ vọng con đạt nhiều giải thưởng nên tôi vẫn "bình chân như vại". Các con tôi vì thế học hành khỏe re và dần dần các con đã bắt nhịp được với chúng bạn. Hiện tại con trai tôi đang học trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm thứ ba và con gái hiện đang học lớp 12.

Tôi nghĩ, việc phụ huynh muốn con đi học thêm để tăng kiến thức, để vào trường chuyên, lớp chọn hay vào được những trường đại học hàng đầu là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, cha mẹ sốt sắng đi tìm lớp học thêm cho con chứ không phải để con tự tìm, tự học vô tình hại con.

Ngay cả việc tìm kiếm tài liệu, cha mẹ cũng sẵn sàng làm thay con. Người ta thanh minh rằng: vì con học yếu nên phải bổ túc thêm. Để rồi chúng ta - những phụ huynh có xót xa không khi nhìn cảnh trẻ ăn trên xe máy ngoài đường bụi bặm?

Tư tưởng không bằng lòng, tư tưởng kỳ vọng đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức nên phụ huynh vẫn cứ chạy đua với nhau. Trên con đường thành công của trẻ là những kỳ vọng của các bậc làm cha, làm mẹ.

Có khi nào chúng ta hỏi con có thích đi học thêm không? Hay chúng ta chỉ biết ra lệnh: Buổi tối, con học thêm ở trung tâm A, ở đó có ông thầy rất giỏi?!

Vì mong muốn con đạt thành tích cao hơn, thứ vị cao hơn nên chính phụ huynh đang đẩy con vào bi kịch ăn tối trên đường.

Tôi không hiểu những đứa trẻ hàng ngày lặn lội hết lớp học nọ, khóa học kia có thành công hay không, có hạnh phúc không. Nhưng tôi dám chắc các em đang phải đánh vật, mệt mỏi với những buổi học do mẹ cha định sẵn.

Chúng ta có nhìn thấy các con đang rất tội nghiệp, đáng thương hay không? Tại sao chúng ta lại để trẻ chỉ lặp lại trong vòng quay: từ nhà đến trường - lớp học thêm - về nhà?!

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, phụ huynh lên tiếng chỉ trích chương trình học nặng nề nhưng có khi nào chúng ta hỏi lại mình: Có phải chúng ta đang làm khổ con trẻ?

Đừng để con phải ăn trên xe máy nữa, các bậc phụ huynh ơi!

Theo Lê Nhi - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X