Hotline 24/7
08983-08983

Đừng biến bác sĩ thành mồi ngon của dư luận!

Sự bùng nổ thông tin giúp cho báo chí phát huy trách nhiệm phản ánh sự thật nhưng cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề bị sai lệch, đẩy sự việc đi quá đà, giật gân để câu kéo độc giả. Góc nhìn dưới đây của một vị bác sĩ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều về ngành y. Từ đó, có sự cư xử chừng mực, đúng đắn để bác sĩ thực hiện thiên chức cứu người là trách nhiệm, bổn phận.

Đối với nghệ sĩ, hào quang lẫn scandal đều được lên mặt báo để có khen có chê, có động viên lẫn trách móc, thì giới bác sĩ nói riêng và những người công tác trong ngành y nói chung, chúng ta chủ yếu chỉ "quan tâm" đến những mặt chưa tốt và tiêu cực của họ.

Hàng trăm đề tài khoa học, những phát minh y khoa có giá trị to lớn, rất nhiều ca mổ thành công chỉ chiếm vài dòng trên chuyên mục sức khỏe của các báo. Nhưng, một sai lầm hoặc tai nạn nghề nghiệp của y bác sĩ nếu xảy ra là ngay lập tức bị mổ xẻ đến tận cùng.

Báo giật tít hai chữ TẮC TRÁCH, xã hội quy kết ngay “Y ĐỨC THOÁI TRÀO”, dư luận lạnh lùng hất từ “NGU DỐT” vào những con người bỏ trí bỏ sức vào học nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội.

Bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội, vâng thưa quý vị, nghề nào cũng có sai lầm, nghề nào cũng có những cái giá phải trả cho mỗi quyết định và lựa chọn. Nhưng với ngành y thì tuyệt đối không thể. Một bác sĩ từng nói với tôi: “Kỹ sư sai lầm chỉ làm hư một cái máy, kế toán sai lầm sẽ mất tiền, thâm hụt ngân quỹ, bác sĩ sai lầm thì phải trả giá cả mạng người, vì đằng sau mạng người đó còn là một nỗi đau của gia đình mà hệ lụy của nó là vô cùng to lớn. Vậy nên, tụi anh không được phép sai lầm!”. Họ biết vậy và luôn ý thức là như vậy.

Chúng ta thường trách sự lạnh lùng vô cảm của họ đối với người thân chúng ta khi vào bệnh viện... Người than chuyện này, kẻ trách chuyện kia. Và chỉ cần một nửa giọt nước thôi cũng đủ để lên Facebook. Phàm những gì đưa lên mạng mà biết theo xu hướng xã hội, đúng theo trào lưu dư luận đều gặt hái được thành công.

Họ cũng là những con người như chúng ta, vắt sức mình ra học tập và lao động một cách chân chính. Dĩ nhiên, phải với một trí tuệ cao hơn mới có thể thi vào trường y, dĩ nhiên phải với một thời gian nỗ lực dài hơn mới có thể mang trên mình chức danh bác sĩ. Và với một bác sĩ, họ lại phải cố gắng làm việc nhiều hơn mới có thể tạo dựng tốt nền tảng tương lai của mình và gia đình như những người khác.

Công vá ruột cho bệnh nhi là 45.000 đồng suốt 3 giờ miệt mài đứng mổ. Ảnh: Nhật Ký Bác Sĩ

Tình cờ tôi biết được, thu nhập một bác sĩ đã ra trường 10 năm tại bệnh viện lớn ở TPHCM sau "cộng trừ nhân chia" vẫn chưa bằng bạn tôi làm IT nhẹ nhàng mỗi tháng 15 triệu đồng. Để đạt hoặc qua ngưỡng đó, bác sĩ phải "làm thêm” ở các phòng khám, bệnh viện tư từ chiều đến tối. Đó là bệnh viện to và bác sĩ giỏi đã trải qua mấy năm nội trú, hoặc làm không công mới đạt được. Những bác sĩ khác chắc chắn “bèo” hơn.

Tình cờ tôi biết được, công vá ruột cho bệnh nhi là 45.000 đồng suốt 3 giờ miệt mài đứng mổ. Anh bác sĩ thấy tôi há hốc mồm khi nghe điều này, mỉm cười chua chát: "Thua vá một cái vỏ xe phải không em?”.

Lương của bác sĩ là vậy, huống chi điều dưỡng, y công. Họ làm việc như không biết nghỉ ngơi, trong một môi trường mà người nào cũng cuồn cuộn lo âu, căng thẳng.

Chúng ta đang đòi hỏi một sự tuyệt đối, đòi hỏi “nụ cười năm sao" ở đội ngũ y tế giữa môi trường quá tải đến kinh dị! Nhiều người bảo “bác sĩ ở Mỹ thế này, y tá ở Nhật thế kia”, xin thưa, mấy ai nghĩ cho họ - bác sĩ ở Việt Nam - có được ngồi yên để thở chưa, nói gì đến nhẹ nhàng, niềm nở.

Lương bác sĩ nước ngoài gấp cả trăm lần bác sĩ Việt trong khi số lượng bệnh nhân lại ít hơn cũng tầm ấy trăm lần, hỏi sao không dịu dàng, nhỏ nhẹ. Bạn có biết, nếu không thể gây dựng phòng mạch tư hoặc tìm thêm một bệnh viện cộng tác, thì để nuôi sống gia đình, có bác sĩ phải đi bán buôn hoặc làm thêm nghề khác mới đủ lo kinh tế cho gia đình.

Cái hay cái tốt của bác sĩ và những người làm trong ngành y có mấy khi được biết tới. Và giả sử có báo viết thì có mấy người vào tung hô? Vị giáo sư, bác sĩ cả đời nghiên cứu, chữa lành cho trăm ngàn bệnh nhân, khi nhắm mắt nhiều lắm "được" một mẫu tin trên mặt báo. Trong khi, một nhân vật showbiz đóng vài phim, hát vài bài, khi mất đi thiên hạ than khóc cả tháng trời.

Cô bác sĩ mới ra trường dành hết phần lương để mua sữa cho đứa bé bị bỏ rơi, chị điều dưỡng bụng mang bầu mà hết giờ làm vẫn cố nán lại chăm các bệnh nhân. Có mấy ai nhìn thấy mà ghi nhận. Vậy mà, hình ảnh một bác sĩ gác chân khi khám bệnh bị đăng lên Facebook, "câu" biết bao nhiêu lượt like, share, comment đả kích. Mấy ai biết rằng, vị bác sĩ ấy buộc phải đứng tư thế đó để đỡ cho bệnh nhân liệt nửa người. Làn sóng đả kích đã khiến vị bác sĩ thôi việc. Cống hiến một đời, vị bác sĩ bị sạch trơn chỉ vì 1 cái chân!

Có phải vì những bài báo, vì dư luận nên giờ đây chúng ta đưa người nhà vào viện với một tâm thế sẵn sàng "xung trận" - mà "kẻ địch" chính là những người cứu chữa cho mình? Nhiều người không thể chờ đợi, không được hài lòng là ngay lập tức giơ điện thoại chụp ảnh, quay phim, đăng clip lên mạng. Người ta "dí" bác sĩ chạy vòng vòng, xô ngã cả cô điều dưỡng bụng mang dạ chửa. Áo blouse khóc ròng giữa một nền tảng xã hội kỳ cục.

Trong bất kỳ nghề nào chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro. Ngay cả những ngành nghề đòi hỏi sự chính xác như y khoa cũng không thể tránh khỏi. Ấy là sốc phản vệ, biến chứng hậu phẫu và rất nhiều lý do khách quan khác. Bác sĩ không phải là Thánh. Bác sĩ cuối cùng chỉ là bác sĩ, là người thừa tác của y học. Mà y học có tiến bộ đến đâu vẫn có giới hạn của nó. Vẫn có những điều muôn đời con người không thể lý giải được...

Đâu phải tất cả đều do bác sĩ “ ngu”, bác sĩ tắc trách, thiếu y đức mà ra? Dường như chúng ta đang quá sức nhạy cảm cho mọi trường hợp. Tôi nhận thấy sự thô bạo của dư luận trong góc nhìn với đội ngũ y bác sĩ. Bất kỳ ai cũng có quyền thẩm định chê bai về chuyên môn của bác sĩ, dù kiến thức y khoa cắn đôi cũng không biết. Cứ theo xu thế, cứ theo trào lưu, cứ theo dòng chảy của dư luận mà chúng ta thi nhau phủ búa rìu lên họ.

Một con sâu làm rầu nồi canh, sự nháo nhào của các kênh thông tin đã khiến nồi canh sủi bọt. Dẫu mỗi ngày trôi đi, những bác sĩ và các nhân viên y tế vẫn đang phải cống hiến hết sức mình cho bệnh nhân, cho đam mê, cho nghề lẫn nghiệp mà họ lựa chọn. Giờ đây, nhất cử là lên báo, nhất động là lên Facebook, thực sự khiến họ hoang mang và lo lắng. Có phải chúng ta đang đặt họ vào tâm thế vừa làm việc vừa đề phòng?

Dư luận thiếu công tâm, báo chí và mạng xã hội coi bác sĩ như “mồi ngon", thì dễ gì buông tha. Nỗi đau cứ thế kéo dài thêm mãi.

Đã làm bác sĩ, không ai muốn hại bệnh nhân của mình. Đó là sự thật. Có thể xảy ra sai lầm và mọi sai lầm cần được công tâm suy xét.

Thôi đi, chúng ta hãy thôi việc lợi dụng các kênh thông tin mà đay nghiến cả đội ngũ y tế nước mình. Bác sĩ bỏ việc, thầy thuốc giỏi suy sụp, phẫu thuật viên không cầm dao mổ nổi sau búa rìu dư luận... thì lấy ai cứu chúng ta đây?

Tôi viết bài này không phải để bênh vực cho những sai lầm, cũng không xu nịnh, xoa dịu cho các bác sĩ, mà là góc nhìn của cá nhân tôi ở thì hiện tại. Nước mình có ngày Thầy Thuốc Việt Nam, nghe đâu mấy năm nay có ngày Điều Dưỡng Việt Nam gì nữa. Mọi người trong bệnh viện í ới tự chúc nhau, đâu đó có giọng thở dài của một vị phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ: “Mừng gì em ơi, ở Việt Nam cứ nghề nào mà có ngày tôn vinh là nghề đó nằm trong top những nghề đón nhận sự bạc bẽo nhất”. Ông nói rồi ông cười, dáng áo blouse bước gấp vội vàng, phòng mổ có case khó, bệnh nhân chảy máu nhiều, người nhà khóc lóc kêu than “bác sĩ, cứu cứu bác sĩ ơi!”

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X