Hotline 24/7
08983-08983

Đưa trẻ đi lễ chùa đầu năm, cha mẹ cần lưu ý gì?

Đi lễ chùa ngày Tết là một phong tục đẹp của người Việt, tuy nhiên, ai cũng tranh thủ “đầu năm cho hên” nên rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng rơi vào tình trạng quá đông đúc. Với trẻ em, những nơi đông người lạ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì thế khi có ý định đưa con nhỏ đến chùa, cha mẹ cần phải cân nhắc những tình huống xấu có thể xảy ra.

Đầu năm, hầu hết các ngôi chùa đều rất đông người đến cầu bình an, phước lộc. Vì thế, trước khi đưa trẻ đến chùa ngày Tết, cha mẹ cần phải chuẩn bị thật kỹ để đảm bảo an toàn cho bé.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé

Thứ nhất, việc mọi người cùng chen nhau khấn vái trong một không gian chật hẹp dễ dẫn đến trường hợp lây lan một số bệnh truyền nhiễm cho bé. Khi trẻ còn quá nhỏ, từ sơ sinh đến dưới 3 tuổi, những bức tượng có hình thù dữ tợn hay xuất hiện trong chùa như rồng, phụng, các vị hộ pháp… có thể khiến bé ám ảnh mất ngủ. Tiếng chuông, trống quá to cũng sẽ làm bé giật mình, hoảng sợ.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Khói nhang nghi ngút trong chùa là vấn đề khá lớn với các bé nhỏ có hệ hô hấp còn non yếu. Hơn nữa, ngày nay, để cho nhang có mùi thơm, một số nơi sản xuất không còn dùng hương liệu tự nhiên, thay vào đó là hoá chất rất có hại với trẻ nhỏ. Nhưng dù là nguồn gốc tự nhiên, các loại khói thải đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Việc nhiều người thắp nhang còn đưa đến nguy cơ vô tình làm bé bị phỏng.

Các bé lớn thường hiếu động và tinh nghịch, chùa chiền lại là nơi tập trung nhiều quần thể kiến trúc, bé có thể bị lạc, hoặc nhanh chóng hút tầm mắt của người trông coi. Điều này vô cùng nguy hiểm, cha mẹ, người lớn phải luôn đề phòng trường hợp nêu trên. Việc bé chạy nhảy, đùa giỡn còn ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm của nhà chùa, gây khó chịu cho những người đi lễ khác.

Cần chuẩn bị những gì?

Tuy có nhiều nguy cơ, nhưng việc đưa hay không đưa bé đến lễ chùa đầu năm lại tùy thuộc vào quan niệm và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Chỉ cần chuẩn bị thật kỹ, cha mẹ và bé sẽ có một chuyến đi an toàn và vui vẻ.

Về địa điểm, cha mẹ nên chọn những ngôi chùa không quá đông đúc. Nếu đã có đức tin thì chùa chiền nơi nào cũng đủ linh thiêng, không phân biệt nổi tiếng hay không nổi tiếng. Thậm chí khi viếng thăm các ngôi chùa nhỏ, ít người lui tới, sự thanh tịnh vốn có của cửa chùa sẽ khiến tâm bình an hơn, lại có thể tránh được nguy cơ bé bị nhiễm bệnh khi vào chốn đông người.

Khi đưa trẻ đến nơi làm lễ, khấn vái, nên sử dụng thật ít nhang giảm thiểu lượng khói bé hít vào. Đây cũng là một hành động văn minh, và hiện tại, nhiều ngôi chùa đã khuyến cáo người đi lễ chỉ nên thắp một đến hai nén nhang là đủ. Sau khi đủ lễ, nên đưa bé ra nơi thoáng đãng để nghỉ ngơi, đừng nên nấn ná quá lâu trong các khu vực có nhiều người, nhiều khói nhang.

Luôn trông coi trẻ cẩn thận, để tránh những tai nạn đáng tiếc. Có thể sử dụng dây dắt bé chống lạc, đây là phương án hữu hiệu dùng được trong nhiều trường hợp như đi khu vui chơi, siêu thị… Trước khi đến lễ chùa, cha mẹ nên căn dặn kỹ, đừng gây ồn ào, đùa giỡn quá trớn ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm nơi cửa chùa.

Nếu đi chùa xa, hay nơi buộc phải hành hương cần chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống, vật dụng cần thiết cho trẻ. Và dù có đi đâu, cũng phải chắc chắn trẻ đủ sức để tham gia cùng cha mẹ, người thân. Đừng để đầu năm trẻ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ, khiến cả gia đình lo lắng, mất vui.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X