Hotline 24/7
08983-08983

Dụ con ăn bằng smartphone, lợi bất cập hại

Hiện nay, nhiều bố mẹ thường áp dụng cách cho con chơi smartphone để dụ con ăn mỗi khi trẻ quấy khóc, biếng ăn.

Trường hợp của chị Hà là một điển hình cho việc dụ bé ăn bằng smartphone và đang được nhiều bậc cha mẹ áp dụng cho con cái để tiết kiệm thời gian. Thế nhưng bên cạnh lợi ích giúp bé ngoan ngoãn và tập trung thì smartphone cũng đem lại nhiều vấn đề mà nếu suy xét kỹ sẽ “hại nhiều hơn lợi”.

Cầm chén cơm vẫn còn đầy thức ăn, chị Hà (33 tuổi, Phú Thủy-Phan Thiết) tất tả chạy theo bé Na (5 tuổi) để đút cơm cho con. Khó khăn lắm bé mới chịu ăn được một muỗng. Ăn xong Na lại chạy đi chơi, có khi còn nhè thức ăn ra hoặc ngậm hoài không nuốt. Mỗi lần chị Hà cho con ăn là cả một cực hình. Trung bình để bé ăn xong một chén cơm chị phải mất tới gần hai tiếng đồng hồ.

Nghe hàng xóm mách cách đưa điện thoại cho con chơi để dụ con ăn, chị Hà làm theo. Vậy mà lại có kết quả thật. Bé Na chăm chú nhìn vào chiếc smartphone phát ra những chương trình thiếu nhi, những video clip quảng cáo vui nhộn, không còn hiếu động chạy lung tung nữa. Chỉ cần chị dọa sẽ cất điện thoại không cho chơi nữa, Na sẽ ngoan ngoãn ngồi yên cho mẹ đút cơm. Nhờ chiếc smartphone mà giờ đây mỗi bữa cơm chị không còn phải chiến đấu khổ sở nữa.

Việc dụ bé ăn bằng smartphone và đang được nhiều bậc cha mẹ áp dụng cho con cái để tiết kiệm thời gian.

Vô tình hình thành thói quen xấu cho trẻ

Chỉ vì muốn tiết kiệm thời gian và đỡ mệt hơn trong việc cho con ăn, nhiều bậc cha mẹ không ngần ngại dụ con chơi smartphone. Hành động này đã vô tình hình thành thói quen xấu cho trẻ. Đó là vòi vĩnh và ngang bướng. Nếu không có smartphone, trẻ không chịu ăn cơm và sẽ khóc lóc, ăn vạ làm mọi cách để có được chiếc điện thoại. Nếu cha mẹ đáp ứng dễ dàng cho con, lâu dần, bé sẽ quen thói vòi vĩnh, dùng nước mắt và thói ngang bướng để có được mọi thứ. Nếu thói quen đó được hình thành từ nhỏ, khi bé lớn lên thói hư này sẽ khó kiểm soát.

Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp

Chăm chú quá nhiều vào chiếc điện thoại smartphone sẽ khiến trẻ bớt giao tiếp với thế giới xung quanh. Thay vào đó trẻ chỉ sống trong thế giới ảo trên mạng. Lâu ngày, khả năng giao tiếp trước đám đông của bé sẽ bị ảnh hưởng. Bé sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát, không tự tin, không biết phải nói gì, làm gì trước đông người. Đối với những bé đang trong giai đoạn tập nói, smartphone còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Những bé nghiện smartphone quá mức sẽ chậm nói hơn những bé khác vì vốn từ bị hạn chế do không có sự giao tiếp nhiều với thế giới bên ngoài.

Ảnh hưởng đến sức khỏe của con

Trẻ em có mức độ hấp thu bức xạ điện từ cao hơn so với người lớn. Đặc biệt là khi máy gần hết pin, bức xạ điện từ cao gấp 1000 lần so với khi ở chế độ thông thường. Nhiều bé ham chơi, khi máy gần hết pin vẫn ráng nghịch. Điều này sẽ gây ảnh hưởng cực xấu đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là não bộ, tim mạch và khả năng sinh sản.

Biếng ăn và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Khi con được cho xem điện thoại để ăn cơm, sự tập trung của con sẽ dồn vào màn hình chiếc smartphone và việc ăn cơm được con ăn trong sự lơ đãng, ăn cho qua, ăn cho xong chuyện. Do đó, bé sẽ không nhai kĩ, ảnh hưởng đến đường ruột và tiêu hóa.

Nếu không có smartphone, trẻ không chịu ăn cơm và sẽ khóc lóc, ăn vạ làm mọi cách để có được chiếc điện thoại.

Có nhiều cách để trẻ hứng thú với bữa ăn, không nhất thiết phải là smartphone, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ để tránh gây ra những tác hại xấu đến con mình. Trước bữa ăn chính, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn quá no, bố trí khoảng cách thời gian giữa các bữa ăn trong ngày hợp lý.

Ngoài ra, cho con tập thể dục thể thao cũng là một hoạt động vừa giúp bé nâng cao thể chất vừa giúp bé có được một bữa ăn ngon miệng hơn. Điều quan trọng nhất, nếu con có dấu hiệu không muốn ăn, cha mẹ nên nhẹ nhàng dỗ hoặc đợi đến khi con đói, đừng cố chấp ép con ăn hay dùng smartphone để thu hút sự chú ý của trẻ nếu không muốn con có những thói quen xấu và sức khỏe ảnh hưởng sau này.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X